Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Danh Đức Chúa Trời và nỗ lực của Alfonso de Zamora để có văn bản chính xác

Danh Đức Chúa Trời và nỗ lực của Alfonso de Zamora để có văn bản chính xác

Danh Đức Chúa Trời và nỗ lực của Alfonso de Zamora để có văn bản chính xác

Vào năm 1492, vị vua Ferdinand và hoàng hậu Isabella của Tây Ban Nha đã ra sắc lệnh: “Chúng tôi ra lệnh cho tất cả người Do Thái, nam lẫn nữ... đến cuối tháng 7 năm nay phải rời khỏi vương quốc và lãnh địa của chúng tôi, cùng với con trai con gái, tôi trai tớ gái và tất cả những người Do Thái trong nhà, cả lớn lẫn nhỏ, bất kể tuổi tác; và cấm không được phép trở lại”.

Trước lệnh trục xuất ấy, mỗi gia đình Do Thái ở Tây Ban Nha đều có lựa chọn: bị đuổi đi hoặc từ bỏ tôn giáo của họ. Một thầy dạy đạo Do Thái là Juan de Zamora có lẽ nghĩ rằng tốt hơn nên cải sang Công giáo và tiếp tục ở lại Tây Ban Nha, nơi tổ tiên ông đã sống hàng bao thế hệ. Vì là người gốc Do Thái, có thể Juan đã cho người con trai tên Alfonso đến học ở ngôi trường nổi tiếng nghiên cứu về Do Thái học tại thành phố Zamora. Sau đó, Alfonso trở nên rất thành thạo tiếng La-tinh, Hy Lạp và A-ram. Sau khi hoàn tất khóa học, ông bắt đầu dạy tiếng Hê-bơ-rơ ở trường Đại học Salamanca. Không lâu sau, chuyên môn về ngôn ngữ của ông được dùng để giúp các học giả Kinh Thánh trên khắp châu Âu.

Năm 1512, một trường mới là Đại học Alcalá de Henares đã chọn Alfonso de Zamora làm giáo sư cho việc nghiên cứu Do Thái học. Vì ông Zamora là một trong những học giả hàng đầu thời đó, nên hồng y Jiménez de Cisneros, người thành lập trường, đã nhờ ông giúp soạn thảo công trình vô cùng quan trọng là bản Đa ngữ Complutum (Complutensian Polyglot). Bản Kinh Thánh sáu tập này gồm văn bản tiếng Hê-bơ-rơ, Hy Lạp, La-tinh và một số phần bằng tiếng A-ram *.

Về công trình này, học giả Kinh Thánh là Mariano Revilla Rico cho biết: “Trong số ba người Do Thái cải đạo đã tham gia vào công trình của hồng y [Cisneros], Alfonso de Zamora là người nổi trội nhất, vì ông không chỉ là học giả tiếng La-tinh, Hy Lạp, Hê-bơ-rơ và A-ram, mà còn là nhà ngữ pháp, triết gia và chuyên gia về kinh Talmud”. Qua quá trình nghiên cứu, Zamora đi đến kết luận là việc dịch Kinh Thánh chính xác đòi hỏi phải có sự hiểu biết uyên thâm về những ngôn ngữ gốc cổ xưa. Thật thế, ông trở thành một trong những nhân vật chính ủng hộ sự phục hưng kiến thức về Kinh Thánh bắt đầu nở rộ vào đầu thế kỷ 16.

Tuy nhiên, ông Zamora sống trong giai đoạn khó khăn và ở một nơi nguy hiểm cho phong trào đẩy mạnh việc tiếp thu kiến thức về Kinh Thánh. Tòa án Dị giáo của Tây Ban Nha đang nắm quyền lực mạnh nhất, và Giáo hội Công giáo rất tôn sùng bản dịch Vulgate bằng tiếng La-tinh, xem đó là bản Kinh Thánh duy nhất “có thẩm quyền”. Tuy nhiên, từ thời Trung Cổ, các học giả Công giáo đã nhận ra rằng văn bản tiếng La-tinh của cuốn Vulgate có nhiều thiếu sót. Vào đầu thế kỷ 16, Alfonso de Zamora và những người khác đã bắt đầu tìm cách giải quyết vấn đề này.

“Để muôn dân được cứu rỗi, cần phải dịch Kinh Thánh”

Trong những công trình mà ông Zamora tham gia, chắc chắn công trình quan trọng nhất là dịch phần thường được gọi là “Cựu ước” sang tiếng Hê-bơ-rơ rồi dịch từ bản ấy sang tiếng La-tinh. Có lẽ ông muốn tài liệu này được sử dụng nhiều cho dự án “bản Đa ngữ Complutum”. Một trong những bản chép tay của ông hiện ở thư viện El Escorial gần Madrid, Tây Ban Nha. Bản chép tay này mang số liệu G-I-4, có toàn bộ sách Sáng-thế Ký được dịch sang tiếng Hê-bơ-rơ và được dịch từng chữ sang tiếng La-tinh.

Lời mở đầu của bản dịch có nhận xét sau: “Để muôn dân được cứu rỗi, cần phải dịch Kinh Thánh sang các ngôn ngữ khác... Chúng tôi tin rằng... điều chắc chắn cần thiết là những người có đức tin phải có một bản dịch Kinh Thánh từng chữ, tức là mỗi chữ Hê-bơ-rơ đều có chữ tương đương trong tiếng La-tinh”. Alfonso de Zamora hội đủ điều kiện để thực hiện bản dịch như thế sang tiếng La-tinh vì ông là học giả nổi tiếng về tiếng Hê-bơ-rơ.

‘Tâm hồn tôi không tìm được chốn nghỉ ngơi’

Trong một phương diện, Tây Ban Nha của thế kỷ 16 là nơi lý tưởng để các học giả như Zamora làm việc. Vào thời Trung Cổ, Tây Ban Nha đã trở thành trung tâm của văn hóa Do Thái. Bách khoa từ điển Anh Quốc (The Encyclopædia Britannica) cho biết: “Với dân số Hồi giáo và Do Thái giáo đông đảo, Tây Ban Nha thời Trung Cổ là quốc gia duy nhất ở tây Âu mang đặc điểm đa sắc tộc và đa tôn giáo; và phần lớn sự phát triển về tôn giáo, văn chương, nghệ thuật và kiến trúc trong nền văn minh của Tây Ban Nha vào giai đoạn cuối thời Trung Cổ đều là nhờ đặc điểm này”.

Vì số người Do Thái sống ở Tây Ban Nha rất đông nên có nhiều bản chép tay phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Những nhà sao chép người Do Thái ở nhiều vùng của Tây Ban Nha đã ra sức sao chép lại các bản ấy để dùng trong việc đọc Kinh Thánh trước công chúng tại các nhà hội. Trong cuốn sách nói về những ấn bản đầu tiên của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (The Earliest Editions of the Hebrew Bible), tác giả L. Goldschmidt cho biết rằng “đối với các học giả Do Thái, không chỉ những bản in Ngũ Thư bằng tiếng Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha nổi tiếng nhất về tính chính xác, mà cả những bản chép tay gốc của các bản in này và bản đa ngữ mang tính học thuật cũng thế”.

Dù ở Tây Ban Nha có nhiều thuận lợi, nhưng những người muốn dịch Kinh Thánh sẽ phải đối mặt với một mối đe dọa. Năm 1492, quân đội Công giáo của vua Ferdinand và hoàng hậu Isabella đã chinh phục cộng đồng người Moor cuối cùng ở Tây Ban Nha. Như đã đề cập ở đầu bài, trong cùng năm ấy, vua và hoàng hậu đã ban sắc lệnh rằng tất cả những ai theo đạo Do Thái phải bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha. Mười năm sau, một sắc lệnh tương tự cũng được ban ra để trục xuất người Hồi giáo. Từ đó trở đi, Công giáo trở thành quốc giáo của Tây Ban Nha, và những tôn giáo khác không còn được chấp nhận.

Môi trường tôn giáo mới này sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc dịch Kinh Thánh? Trường hợp của Alfonso de Zamora là một thí dụ điển hình. Dù học giả Do Thái này đã cải đạo sang Công giáo, nhưng giới lãnh đạo tôn giáo ở Tây Ban Nha vẫn không bỏ qua gốc gác của ông. Một số kẻ chống đối đã chỉ trích hồng y Cisneros về việc dùng chuyên môn của những người Do Thái cải đạo này để soạn thảo cuốn Kinh Thánh Đa ngữ. Ông Zamora rất đau buồn trước các lời chỉ trích đó. Trong một lời bình luận của bản chép tay được lưu giữ ở trường Đại học Madrid có ghi lại lời than thở của ông: “Tôi... bị tất cả bạn bè bỏ rơi và ghen ghét, họ trở thành kẻ thù của tôi. Tôi không thể tìm được chốn nghỉ ngơi cho tâm hồn mình”.

Một trong những kẻ thù chính của Zamora là Juan Tavera, tổng giám mục ở Toledo, người sau này trở thành thẩm tra viên chính của Tòa án Dị giáo. Zamora nản lòng về những lời chỉ trích của Tavera đến độ ông đã kêu cầu lên cả giáo hoàng. Trong lá thư của ông có phần viết: “Chúng tôi thỉnh cầu và nài xin ngài giúp... và bảo vệ chúng tôi khỏi kẻ thù là giám mục ở Toledo, Don Juan Tavera. Mỗi ngày, ông ấy không ngừng gây ra vô số đau đớn cho chúng tôi... Chúng tôi thật sự rơi vào nỗi đau khổ tột độ, vì trong mắt ông ấy, chúng tôi chẳng khác gì những con vật trong lò sát sinh... Nếu ngài chiếu cố đến lời nài xin dâng lên cho ngài, ‘Đức Gia-vê sẽ là sự vững vàng của ngài và giữ chân ngài không sa ngã’ (Châm 3:23)” *.

Di sản của Alfonso de Zamora

Bất chấp những lời chỉ trích, công việc của ông Zamora vẫn tiếp tục và tiến triển vì lợi ích của nhiều người học Kinh Thánh. Dù chưa bao giờ dịch Kinh Thánh sang những tiếng bản xứ thời đó, ông đã thực hiện một công việc vô giá cho các dịch giả khác. Để hiểu được sự đóng góp của ông, chúng ta cần nhớ việc dịch Kinh Thánh luôn phải có hai loại học giả. Trước hết là những học giả nghiên cứu các bản sao của Kinh Thánh trong ngôn ngữ nguyên thủy—tiếng Hê-bơ-rơ, A-ram và Hy Lạp—để cho ra đời một văn bản chính xác, được trau chuốt trong chính những ngôn ngữ này. Sau đó, từ văn bản ấy người dịch có thể bắt đầu dịch sang tiếng bản xứ.

Alfonso de Zamora là học giả chính đã soạn thảo và trau chuốt văn bản tiếng Hê-bơ-rơ, và văn bản đó cuối cùng được ấn hành trong cuốn Kinh Thánh Đa ngữ Complutum vào năm 1522. (Những phần từ vựng tiếng Hê-bơ-rơ và La-tinh cũng như phần ngữ pháp tiếng Hê-bơ-rơ trong bản Kinh Thánh này cũng hữu ích cho các dịch giả). Ông Erasmus, người cùng thời với ông Zamora, cũng thực hiện công việc tương tự như thế với phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, thường được gọi là Tân ước. Một khi đã có các văn bản tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp này, những dịch giả khác có thể bắt tay vào công việc quan trọng là dịch Kinh Thánh sang ngôn ngữ thời đó. Khi ông William Tyndale dịch Kinh Thánh sang tiếng Anh, ông là một trong những dịch giả đầu tiên đã tận dụng văn bản tiếng Hê-bơ-rơ của “bản Đa ngữ Complutum”.

Việc Kinh Thánh được phổ biến rộng rãi ngày nay là kết quả xứng đáng với công sức của những người như ông Zamora, là những người đã cống hiến cả đời để giúp chúng ta hiểu Kinh Thánh rõ hơn. Như ông Zamora nhận thấy, sự cứu rỗi tùy thuộc vào việc người ta hiểu và làm theo Lời Đức Chúa Trời (Giăng 17:3). Điều đó đòi hỏi phải có bản dịch Kinh Thánh trong ngôn ngữ mà người dân hiểu được, vì chỉ khi ấy thông điệp Kinh Thánh mới có thể động đến lòng và trí của hàng triệu người.

[Chú thích]

^ đ. 4 Để biết thêm về tầm quan trọng của “bản Đa ngữ Complutum”, xin xem Tháp Canh ngày 15-4-2004, trang 28-31.

^ đ. 15 Điều đáng lưu ý là trong lá thư kêu cầu lên giáo hoàng ở Rô-ma, ông Zamora dùng danh Đức Chúa Trời, chứ không phải tước vị. Trong một bản dịch lá thư của Zamora sang tiếng Tây Ban Nha có xuất hiện danh “Gia-vê”. Người ta không chắc danh này được viết dưới dạng nào trong tiếng La-tinh nguyên thủy. Về bản dịch của Zamora và cách dùng danh Đức Chúa Trời, xin xem khung “Dịch danh Đức Chúa Trời” nơi trang 19.

[Khung/​Hình nơi trang 19]

Dịch danh Đức Chúa Trời

Điều đặc biệt đáng lưu ý là cách mà Alfonso de Zamora, một học giả uyên bác gốc Do Thái, đã chuyển tự danh của Đức Chúa Trời. Như hình bên cho thấy, trong bản dịch từng chữ tiếng Hê-bơ-rơ và La-tinh của ông, nơi một chú thích ở cột ghi chú của sách Sáng-thế Ký có danh Đức Chúa Trời được viết là “jehovah”.

Rõ ràng ông Zamora đã chấp nhận cách dịch danh Đức Chúa Trời như thế trong tiếng La-tinh. Trong thế kỷ 16, khi Kinh Thánh được dịch sang những ngôn ngữ chính của châu Âu, cách viết này hoặc một cách viết khác rất tương tự được nhiều dịch giả sử dụng, chẳng hạn như ông William Tyndale (tiếng Anh, 1530), ông Sebastian Münster (tiếng La-tinh, 1534), ông Pierre-Robert Olivétan (tiếng Pháp, 1535) và ông Casiodoro de Reina (tiếng Tây Ban Nha, 1569).

Vì thế, ông Zamora trở thành một trong số nhiều dịch giả vào thế kỷ 16 cho biết rõ về danh Đức Chúa Trời. Danh Đức Chúa Trời bị lãng quên trước hết là vì người Do Thái mê tín, không cho phép phát âm danh này. Do ảnh hưởng bởi truyền thống này của người Do Thái, các dịch giả Kinh Thánh thuộc các tôn giáo tự nhận theo Chúa Giê-su, chẳng hạn như người dịch cuốn Vulgate tiếng La-tinh là ông Jerome, đã thay thế danh Đức Chúa Trời bằng những từ như “Chúa” hoặc “Đức Chúa Trời”.

[Hình]

Hình phóng lớn bốn mẫu tự tiếng hê-bơ-rơ được ông Zamora dịch là “jehovah”

[Hình nơi trang 18]

Sắc lệnh của vua và hoàng hậu Tây Ban Nha, năm 1492

[Nguồn tư liệu]

Decree: Courtesy of the Archivo Histórico Provincial, Ávila, Spain

[Hình nơi trang 18]

Đại học Alcalá de Henares

[Hình nơi trang 21]

Trang đầu trong bản dịch từng chữ của ông Zamora