Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôi muốn giống như con gái của Giép-thê

Tôi muốn giống như con gái của Giép-thê

Tôi muốn giống như con gái của Giép-thê

Do Joanna Soans kể lại

Thuở thiếu niên, tôi đã ao ước được giống như con gái của Giép-thê. Tôi xin giải thích về ước muốn của mình và làm thế nào cuối cùng tôi trở nên rất giống cô ấy.

Vào năm 1956, lần đầu tiên tôi tham dự hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Bombay (Mumbai hiện nay), Ấn Độ. Hội nghị đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi vô cùng xúc động khi nghe bài giảng về con gái của Giép-thê.

Có lẽ bạn đã đọc câu chuyện về con gái của Giép-thê trong Kinh Thánh. Dường như khi chỉ là một thiếu niên, cô đã chấp nhận không kết hôn. Điều đó giúp cha cô thực hiện lời ông hứa nguyện với Đức Chúa Trời. Thế là cô sống độc thân để phụng sự suốt đời trong nhà Đức Giê-hô-va, tức đền tạm.—Các Quan Xét 11:28-40.

Ôi, tôi muốn giống như cô ấy làm sao! Nhưng tôi phải đối mặt với một vấn đề lớn, không kết hôn là trái với văn hóa Ấn Độ thời bấy giờ.

Hoàn cảnh gia đình

Cha mẹ tôi tên là Benjamin và Marcelina. Tôi là con thứ năm trong sáu người con được sinh ra ở Udipi, một thành phố thuộc miền duyên hải phía tây Ấn Độ. Chúng tôi nói tiếng Tulu, ngôn ngữ của khoảng hai triệu dân. Tuy nhiên, như đa số người dân ở Udipi, tại trường chúng tôi học bằng tiếng Kannada.

Điều chính yếu trong đời sống người dân ở đây là phải có chồng con. Lớn lên, tôi nhớ mình chẳng từng học những từ như “độc thân”, “cô đơn”, hoặc “nhớ nhà” trong tiếng Tulu, như thể những cảnh ấy không hề có trên đời. Như gia đình tôi chẳng hạn, chúng tôi sống chung nhà với ông bà, các bác, cậu, dì và 12 anh em họ!

Chúng tôi theo truyền thống của chế độ mẫu hệ. Theo chế độ này, con cái thuộc dòng của người mẹ, phả hệ được tính theo dòng của người mẹ và con gái hưởng phần thừa kế tài sản nhiều hơn. Trong một số cộng đồng của người Tulu, sau khi kết hôn thì con gái vẫn sống tiếp với mẹ, và người chồng phải đến ở rể.

Sau khi gia đình tôi theo một đạo thuộc khối Ki-tô giáo thì có một số thay đổi. Mỗi tối, ông nội đều hướng dẫn gia đình thờ phượng, cầu nguyện và đọc lớn Kinh Thánh bằng tiếng Tulu. Mỗi lần ông mở cuốn Kinh Thánh rách tả tơi ra đọc cho chúng tôi nghe là như thể ông đang mở hộp châu báu vậy. Thật háo hức! Câu Kinh Thánh: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn-giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu-thốn gì” nơi Thi-thiên 23:1 đã khiến tôi tò mò. Tôi thắc mắc: “Đức Giê-hô-va này là ai, và tại sao ngài được gọi là đấng chăn giữ?”.

Những “cái vảy” rơi khỏi mắt tôi

Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn sau Thế Chiến II, chúng tôi chuyển đến Bombay, cách Udipi hơn 900km. Tại đây, có hai Nhân Chứng Giê-hô-va đến thăm cha tôi vào năm 1945 và đưa cho ông một sách nhỏ về Kinh Thánh. Cha tôi nuốt từng lời trong cuốn sách ấy như thể đất hạn gặp được mưa, và ông bắt đầu chia sẻ thông điệp trong sách đó cho những người khác nói tiếng Kannada. Đến đầu thập niên 1950, một nhóm nhỏ đã trở thành hội thánh tiếng Kannada đầu tiên ở Bombay.

Cha mẹ dạy chúng tôi lòng ham thích học Kinh Thánh và cách khéo léo chia sẻ tin mừng. Mỗi ngày họ đều tìm dịp để cầu nguyện và dạy Kinh Thánh cho chúng tôi (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7; 2 Ti-mô-thê 3:14-16). Một ngày nọ, khi đang đọc Kinh Thánh thì như có những “cái vảy” rơi khỏi mắt tôi (Công vụ 9:18). Tôi nhận ra rằng Đức Giê-hô-va được ví như người chăn vì ngài hướng dẫn, nuôi dưỡng và che chở những người thờ phượng ngài.—Thi-thiên 23:1-6; 83:18.

Đức Giê-hô-va nắm tay tôi

Không lâu sau kỳ hội nghị đáng nhớ năm 1956 ở Bombay, tôi chịu phép báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Sáu tháng sau, tôi theo gương anh mình là Prabhakar và bắt đầu tham gia công việc rao giảng trọn thời gian. Dù háo hức muốn chia sẻ những sự thật trong Kinh Thánh cho người khác, nhưng ngay khi cố gắng nói về niềm tin của mình thì miệng tôi cứng đờ. Tôi nói lắp ba lắp bắp, còn giọng thì run rẩy. Tôi tự nhủ: “Mình chỉ làm được điều này nếu có sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va!”.

Thật thế, Đức Giê-hô-va đã giúp tôi qua vợ chồng anh Homer và chị Ruth McKay, một cặp giáo sĩ đến từ Canada đã tham dự trường huấn luyện giáo sĩ của Nhân Chứng Giê-hô-va ở New York, Hoa Kỳ vào năm 1947. Có thể nói rằng họ đã nắm tay tôi khi tôi chập chững những bước đầu tiên trong công việc rao giảng. Chị Ruth thường tập cho tôi những cách trình bày với chủ nhà. Chị ấy biết phải làm gì để giúp tôi bình tĩnh. Nắm bàn tay run rẩy của tôi, chị nói: “Đừng sợ nhé em. Chúng ta hãy thử sang nhà kế tiếp”. Giọng trấn an của chị khiến tôi tự tin hơn.

Rồi một ngày nọ, tôi được cho biết rằng chị Elizabeth Chakranarayan, một người dạy Kinh Thánh lớn tuổi đầy kinh nghiệm, sẽ làm bạn rao giảng với tôi. Phản ứng đầu tiên của tôi là: “Làm sao chúng tôi sống với nhau được? Chị ấy lớn tuổi hơn tôi nhiều quá!”. Nhưng rốt cuộc chị ấy lại đúng là người bạn tôi cần.

“Chúng ta không bao giờ thật sự cô đơn”

Nhiệm sở đầu tiên của chúng tôi là thành phố lịch sử Aurangabad, cách Bombay gần 400km về phía đông. Chúng tôi nhận ra ngay chỉ có hai chúng tôi là Nhân Chứng trong thành phố gần một triệu dân. Ngoài ra, tôi còn phải học tiếng Marathi, ngôn ngữ chính của thành phố này.

Đôi khi cảm giác cô đơn cũng ập đến và tôi òa khóc nức nở như đứa trẻ không có mẹ. Nhưng chị Elizabeth đã vỗ về tôi như một người mẹ. Chị thường nói: “Có lẽ đôi khi chúng ta cảm thấy cô đơn, nhưng chúng ta không bao giờ thật sự cô đơn. Dù em sống xa gia đình và bạn bè, nhưng Đức Giê-hô-va luôn ở bên em. Hãy vun đắp tình bạn với ngài, và nỗi cô đơn sẽ nhanh chóng bay xa”. Cho đến nay tôi vẫn quý lời khuyên của chị.

Những khi khoản chi phí cho việc đi lại không còn nhiều, mỗi ngày chúng tôi phải đi bộ đến 20km trên những con đường bụi bặm hoặc bùn lầy, dù tiết trời nóng bức hoặc lạnh giá. Vào mùa hè, nhiệt độ thường lên đến 40°C. Vào mùa mưa, nhiều nơi trong khu vực bị bùn lầy hàng tháng trời. Dù vậy, chúng tôi nhận thấy rằng quan niệm về văn hóa của người dân ở đây còn khó đương đầu hơn cả thời tiết.

Chẳng hạn, phụ nữ không tiếp xúc với đàn ông nơi công cộng, trừ khi là người thân; và phụ nữ hiếm khi dạy đàn ông. Vì thế chúng tôi bị chế giễu và đối xử thậm tệ. Suốt sáu tháng đầu tiên, chỉ có hai chúng tôi dự các buổi thờ phượng hằng tuần. Với thời gian, những người chú ý đến Kinh Thánh tham dự cùng chúng tôi. Không lâu sau, một nhóm nhỏ được hình thành. Thậm chí có vài người cùng đi rao giảng với chúng tôi.

“Hãy luôn mài giũa kỹ năng của mình”

Sau khoảng hai năm rưỡi, chúng tôi được điều trở lại Bombay. Trong khi chị Elizabeth tiếp tục công việc rao giảng thì tôi được mời đến giúp đỡ cha tôi, bấy giờ là người duy nhất dịch các ấn phẩm về Kinh Thánh sang tiếng Kannada. Cha vui khi có tôi giúp đỡ, vì ông có nhiều trách nhiệm khác trong hội thánh.

Năm 1966, cha mẹ tôi quyết định trở về quê ở Udipi. Khi rời Bombay, cha dặn: “Hãy luôn mài giũa kỹ năng của mình, con gái của cha. Hãy dịch sao cho dễ hiểu và rõ ràng. Đừng quá tự tin và luôn khiêm nhường. Hãy nương tựa nơi Đức Giê-hô-va”. Đó là lời khuyên cuối cùng cha nói với tôi, vì ông đã qua đời không lâu sau khi trở về Udipi. Đến nay tôi vẫn luôn cố gắng áp dụng lời khuyên đó trong công việc dịch thuật.

“Cô không muốn ổn định cuộc sống sao?”

Theo văn hóa Ấn Độ, cha mẹ sắp xếp cưới gả cho con cái từ khi các con còn khá trẻ và khuyến khích họ sinh con. Vì thế mọi người thường hỏi tôi: “Cô không muốn ổn định cuộc sống sao? Ai sẽ chăm sóc cô ở tuổi xế chiều? Cô sẽ không cảm thấy cô đơn sao?”.

Đôi lúc tôi cảm thấy ngột ngạt trước những lời bình phẩm thường xuyên như thế. Dù che giấu cảm xúc trước mặt mọi người, tôi đã dốc đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va khi ở một mình. Tôi cảm thấy được an ủi khi biết rằng ngài không xem tôi là khiếm khuyết chỉ vì tôi độc thân. Để củng cố quyết tâm phụng sự ngài mà không bị phân tâm, tôi nghĩ đến con gái của Giép-thê và gương của Chúa Giê-su. Họ quyết sống độc thân và chú tâm vào việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời.—Giăng 4:34.

Món quà từ Đức Giê-hô-va

Chị Elizabeth và tôi vẫn là bạn thân của nhau suốt gần 50 năm. Chị ấy đã qua đời vào năm 2005, ở tuổi 98. Trong những năm cuối đời, vì mắt yếu không thể đọc Kinh Thánh nên chị dành nhiều thời gian mỗi ngày để cầu nguyện với Đức Chúa Trời một cách mật thiết và lâu dài. Tôi cứ tưởng chị ấy đang thảo luận Kinh Thánh với ai đó trong phòng, cho đến khi phát hiện ra chị ấy đang nói với Đức Giê-hô-va. Ngài là đấng có thật với chị, và chị sống như thể đang ở trước mặt ngài. Tôi nhận ra đó là bí quyết để luôn trung kiên phụng sự Đức Chúa Trời, như con gái của Giép-thê đã làm. Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va đã ban cho tôi một người chị thành thục để kèm cặp tôi suốt thời trẻ và trong mọi khó khăn.—Truyền-đạo 4:9, 10.

Khi phụng sự Đức Giê-hô-va như con gái của Giép-thê từng làm, tôi nhận được nhiều ân phước biết bao! Sống độc thân và làm theo lời khuyên của Kinh Thánh giúp tôi có một đời sống phong phú đầy thỏa nguyện trong khi “luôn hết lòng phụng sự Chúa, không bị phân tâm”.—1 Cô-rinh-tô 7:35.

[Hình nơi trang 28]

Cha tôi nói bài giảng ở Bombay vào thập niên 1950

[Hình nơi trang 28]

Với chị Elizabeth không lâu trước khi chị qua đời

[Hình nơi trang 29]

Giới thiệu bài giảng Kinh Thánh ở Bombay năm 1960

[Hình nơi trang 29]

Với các anh chị trong văn phòng dịch thuật