Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Áp-ra-ham—Người khiêm nhường

Áp-ra-ham—Người khiêm nhường

Áp-ra-ham—Người khiêm nhường

Áp-ra-ham đang ngồi trong lều để tránh cái nóng oi bức của ban ngày. Khi nhìn về phía chân trời, Áp-ra-ham thấy có ba người đàn ông lạ mặt đến vùng này *. Không chút do dự, ông chạy ra đón ba khách lạ ấy, nài nỉ họ nghỉ ngơi một chút và tiếp đãi họ. Ông mời họ “một miếng bánh” rồi bắt tay chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn gồm có bánh nướng, bơ, sữa và thịt ngon. Khi tiếp đãi khách, Áp-ra-ham không chỉ biểu lộ lòng hiếu khách rất đặc biệt mà còn thể hiện sự khiêm nhường chân thành, như chúng ta sẽ thấy.—Sáng-thế Ký 18:1-8.

KHIÊM NHƯỜNG LÀ GÌ? Khiêm nhường là không kiêu ngạo hoặc không kiêu căng. Người khiêm nhường hiểu rằng người khác trội hơn mình theo cách này hay cách khác (Phi-líp 2:3). Người đó lắng nghe những gì người khác đề nghị và sẵn sàng làm những công việc thấp kém vì lợi ích của người khác.

ÁP-RA-HAM THỂ HIỆN TÍNH KHIÊM NHƯỜNG NHƯ THẾ NÀO? Áp-ra-ham vui thích phục vụ người khác. Như đã đề cập ở đầu bài, khi vừa thấy ba khách lạ, Áp-ra-ham lập tức sắp xếp để chăm lo cho khách. Vợ ông là Sa-ra liền chuẩn bị bữa ăn. Tuy nhiên, hãy lưu ý ai cũng làm nhiều việc: Áp-ra-ham chạy ra đón khách, ông đưa đồ ăn cho khách, ông chạy đến bầy gia xúc và chọn một con để làm thịt và ông dọn đồ ăn cho họ. Thay vì giao hết việc cho đầy tớ, người đàn ông khiêm nhường này tất bật làm những công việc thấp kém đó. Ông không xem việc phục vụ người khác là hổ thẹn.

Áp-ra-ham lắng nghe lời đề nghị của người ít quyền hạn hơn. Kinh Thánh ghi lại chỉ một vài cuộc trò chuyện giữa Áp-ra-ham và Sa-ra, nhưng có đến hai lần ông đã nghe và làm theo ý kiến của bà (Sáng-thế Ký 16:2; 21:8-14). Trong đó có một lần bà Sa-ra đã nêu lên ý kiến nhưng lúc đầu làm Áp-ra-ham bực mình. Tuy nhiên, khi Đức Giê-hô-va cho biết bà Sa-ra có ý kiến hay, Áp-ra-ham khiêm nhường vâng lời ngài và làm theo ý kiến của vợ.

BÀI HỌC CHO CHÚNG TA. Nếu thật sự khiêm nhường, chúng ta sẽ vui thích phục vụ người khác. Chúng ta sẽ có niềm vui khi làm bất cứ điều gì để người khác thoải mái hơn.

Chúng ta cũng có thể cho thấy sự khiêm nhường qua cách mình phản ứng trước lời đề nghị của người khác. Chúng ta có thể hoan nghênh người khác góp ý chứ không bác bỏ một ý kiến chỉ vì mình chưa nghĩ đến (Châm-ngôn 15:22). Thái độ cởi mở như thế đặc biệt có lợi cho những người có một số quyền hạn. Anh John, một giám sát có kinh nghiệm, cho biết: “Tôi nhận thấy một giám sát tốt tạo điều kiện để người khác dễ bày tỏ cảm nghĩ. Cần phải khiêm nhường để nhìn nhận một người dưới quyền bạn có lẽ có cách làm tốt hơn. Sự thật là không ai, kể cả giám sát, là người duy nhất có ý kiến hay”.

Khi noi gương Áp-ra-ham qua việc lắng nghe ý kiến của người khác và làm những công việc thấp kém vì lợi ích của họ, chúng ta được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Thật vậy, “Đức Chúa Trời chống lại kẻ kiêu ngạo nhưng tỏ lòng nhân từ bao la với người khiêm nhường”.—1 Phi-e-rơ 5:5.

[Chú thích]

^ đ. 2 Dù có lẽ lúc đầu Áp-ra-ham không nhận ra nhưng các vị khách này chính là thiên sứ của Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 13:2.