Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Học từ những sự thật cơ bản về Đức Chúa Trời trong Luật pháp

Học từ những sự thật cơ bản về Đức Chúa Trời trong Luật pháp

“[Anh] là người nắm kiến thức cơ bản về Đức Chúa Trời và sự thật về ngài trong Luật pháp”.—RÔ 2:20.

1. Việc hiểu ý nghĩa của Luật pháp Môi-se giúp chúng ta như thế nào?

Nếu không có phần Kinh Thánh do sứ đồ Phao-lô viết thì chúng ta khó mà hiểu được ý nghĩa của nhiều khía cạnh trong Luật pháp Môi-se. Chẳng hạn, trong thư gửi tín đồ người Hê-bơ-rơ, ông làm sáng tỏ cách “thầy tế lễ thượng phẩm trung thành” là Chúa Giê-su “dâng lễ vật cầu hòa” chỉ một lần là đủ, để ‘giải cứu mãi mãi’ những ai thể hiện đức tin nơi ngài (Hê 2:17; 9:11, 12). Phao-lô giải thích đền tạm chỉ là “bóng của các điều trên trời” và Chúa Giê-su là Đấng Trung Gian của “một giao ước tốt hơn” giao ước đã lập qua Môi-se (Hê 7:22; 8:1-5). Trong thời Phao-lô, những lời giải thích đó thật vô giá đối với các tín đồ đạo Đấng Ki-tô và ngày nay vẫn thế. Các lời ấy giúp chúng ta hiểu rõ hơn giá trị của những sự cung cấp đến từ Đức Chúa Trời.

2. So với anh em thuộc dân ngoại, lợi thế của tín đồ gốc Do Thái là gì?

2 Khi viết cho tín đồ ở thành Rô-ma, một số nhận xét của Phao-lô hướng đến anh em gốc Do Thái, là những người đã được dạy về Luật pháp Môi-se. Vì họ quen thuộc với Luật pháp nên ông thừa nhận họ có lợi thế là “nắm kiến thức cơ bản về Đức Chúa Trời và sự thật về ngài”, trong đó có các nguyên tắc công chính của ngài. Giống như những người Do Thái trung thành đi trước, việc hiểu và hết lòng quý trọng những sự thật cơ bản về Đức Chúa Trời trong Luật pháp đã giúp tín đồ gốc Do Thái hướng dẫn, dạy dỗ và giải thích cho những người không thuộc dân Đức Giê-hô-va biết Luật pháp của ngài.—Đọc Rô-ma 2:17-20.

BÓNG CỦA SỰ HY SINH CỦA CHÚA GIÊ-SU

3. Việc xem xét những vật tế lễ của người Do Thái mang lại lợi ích nào cho chúng ta?

3 Ngày nay, những sự thật cơ bản về Đức Chúa Trời trong Luật pháp mà Phao-lô nhắc đến vẫn là điều quan trọng giúp chúng ta hiểu ý định của Đức Giê-hô-va. Nguyên tắc nằm sau Luật pháp Môi-se không hề mất đi ý nghĩa và giá trị. Vì thế, chúng ta hãy xem xét một khía cạnh trong Luật pháp, đó là các vật tế lễ và lễ vật. Những điều ấy dẫn những người Do Thái khiêm nhường đến Đấng Ki-tô và giúp họ hiểu những đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Vì những đòi hỏi cơ bản của Đức Giê-hô-va đối với tôi tớ ngài không bao giờ thay đổi, chúng ta cũng sẽ thấy những điều luật ngài ban cho dân Y-sơ-ra-ên về vật tế lễ và lễ vật có thể giúp chúng ta xem xét phẩm chất sự thờ phượng của mình.—Mal 3:6.

4, 5. (a) Luật pháp Môi-se nhắc nhở dân Đức Chúa Trời điều gì? (b) Những vật tế lễ là “bóng” của điều gì?

4 Nhiều khía cạnh trong Luật pháp Môi-se nhắc nhở dân Đức Chúa Trời rằng họ là người có tội. Chẳng hạn, bất cứ ai đụng vào xác người chết đều phải tẩy uế. Để phục vụ cho việc này, thầy tế lễ giết và thiêu một con bò cái màu hung đỏ, không tì vết. Tro của nó được giữ lại để làm “nước tẩy-uế” rảy trên người bị ô uế vào ngày thứ ba và thứ bảy kể từ ngày bị ô uế (Dân 19:1-13). Ngoài ra, sau khi sinh con, người phụ nữ bị xem là ô uế trong một thời gian và người đó phải dâng một vật tế lễ để chuộc tội. Điều này nhắc nhở rằng mọi người sinh ra trong sự bất toàn và tội lỗi di truyền.—Lê 12:1-8.

5 Nhiều trường hợp khác trong đời sống dân Y-sơ-ra-ên cũng đòi hỏi dâng con vật để chuộc tội. Dù người thờ phượng có nhận ra hay không, những vật tế lễ này và vật tế lễ khác về sau được dâng trong đền thờ Đức Giê-hô-va là “bóng” của sự hy sinh hoàn hảo của Chúa Giê-su.—Hê 10:1-10.

THÁI ĐỘ DÂNG VẬT TẾ LỄ

6, 7. (a) Người Y-sơ-ra-ên phải nhớ điều gì khi chọn lễ vật dâng cho Đức Giê-hô-va? Đòi hỏi này cho thấy trước điều gì? (b) Chúng ta có thể tự hỏi những câu hỏi nào?

6 Một đòi hỏi cơ bản là bất cứ con vật nào dâng cho Đức Giê-hô-va cũng phải lành lặn: không mù mắt, bị thương, dị tật hoặc bị bệnh (Lê 22:20-22). Khi dâng sản vật cho ngài, người Y-sơ-ra-ên phải chọn “vật đầu mùa” hay “phần tốt nhứt” trong vụ thu hoạch (Dân 18:12, 29). Lễ vật kém chất lượng sẽ không được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Đòi hỏi quan trọng về con vật dùng làm vật tế lễ cho thấy sự hy sinh của Chúa Giê-su sẽ không tì vết và Đức Giê-hô-va sẽ hy sinh điều tốt và quý giá nhất để cứu chuộc nhân loại.—1 Phi 1:18, 19.

7 Nếu người dâng vật tế lễ thật lòng biết ơn Đức Giê-hô-va về sự tốt lành của ngài, chẳng lẽ người ấy không vui vẻ chọn điều tốt nhất mình có sao? Người dâng có thể tùy chọn loại lễ vật, nhưng người ấy hiểu rằng Đức Giê-hô-va không hài lòng với lễ vật bị khiếm khuyết, vì nó cho thấy người ấy chỉ làm lấy lệ, thậm chí xem là gánh nặng. (Đọc Ma-la-chi 1:6-8, 13). Điều này khiến chúng ta suy nghĩ về sự thờ phượng của mình: “Tôi phụng sự Đức Giê-hô-va với thái độ nào? Tôi có cần xem xét lại phẩm chất sự thờ phượng và động cơ của mình khi phụng sự Đức Giê-hô-va?”.

8, 9. Tại sao chúng ta nên xem xét thái độ dâng vật tế lễ của dân Y-sơ-ra-ên?

8 Nếu một người Y-sơ-ra-ên tự nguyện dâng vật tế lễ vì thật lòng muốn cảm tạ Đức Giê-hô-va, hoặc để khẩn cầu ngài chấp nhận như trong trường hợp dâng lễ vật thiêu, thì việc chọn con vật phù hợp không phải là khó. Người ấy sẽ vui lòng dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất. Ngày nay, tín đồ đạo Đấng Ki-tô không dâng vật tế lễ theo nghĩa đen, như được quy định trong Luật pháp Môi-se, nhưng họ vẫn dâng vật tế lễ theo nghĩa là dùng thời gian, năng lực và tài sản để phụng sự Đức Giê-hô-va. Sứ đồ Phao-lô nói đến việc “công bố” hy vọng, “làm điều tốt và chia sẻ với người khác những gì mình có” là những lễ vật làm Đức Giê-hô-va hài lòng (Hê 13:15, 16). Thái độ của dân Đức Giê-hô-va khi tham gia những hoạt động ấy cho thấy họ biết ơn và quý trọng những gì ngài ban cho đến mức nào. Như vậy, có sự tương đồng giữa thái độ và động cơ phụng sự của tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay với những người tự nguyện dâng tế lễ vào thời xưa.

9 Còn những trường hợp mắc sai phạm và Luật pháp Môi-se buộc người ấy phải dâng lễ vật để chuộc tội thì sao? Liệu sự bắt buộc đó có làm người dâng vật tế lễ thay đổi thái độ không? Người ấy có dâng một cách miễn cưỡng không? (Lê 4:27, 28). Nếu thật sự muốn giữ mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va thì họ sẽ không làm thế.

10. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể phải dâng “vật tế lễ” nào để hàn gắn các mối quan hệ?

10 Ngày nay, có thể bạn lỡ nói lời gì đó xúc phạm một anh em. Hoặc có lẽ bạn mắc một sai lầm và bị lương tâm cắn rứt. Bất cứ ai xem trọng việc thờ phượng Đức Giê-hô-va sẽ làm những gì có thể để sửa sai, phải không? Nếu đã xúc phạm anh em, chúng ta cần thành thật xin lỗi. Còn nếu đã phạm tội trọng, chúng ta cần xin các trưởng lão giúp đỡ (Mat 5:23, 24; Gia 5:14, 15). Vậy, để sửa chữa lỗi lầm đã phạm với anh em đồng đạo hay Đức Chúa Trời, chúng ta phải trả một giá nào đó. Dù thế, khi dâng “vật tế lễ” ấy, chúng ta có lại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và anh em, đồng thời có lương tâm trong sạch. Kết quả này giúp chúng ta tin chắc rằng đường lối của Đức Giê-hô-va là tốt nhất.

11, 12. (a) Lễ vật thù ân là gì? (b) Lễ vật này liên quan gì đến sự thờ phượng của chúng ta thời nay?

11 Một số vật tế lễ được quy định trong Luật pháp Môi-se gọi là lễ vật thù ân. Lễ vật này tượng trưng cho sự hòa thuận với Đức Giê-hô-va. Người dâng lễ vật và gia đình sẽ ăn thịt của con vật tế lễ, có lẽ tại một trong những phòng ăn của đền thờ. Thầy tế lễ thực hiện nghi lễ nhận một phần thịt, các thầy tế lễ khác phục vụ trong đền thờ nhận chung một phần (Lê 3:1; 7:31-33). Người dâng lễ vật này thật lòng muốn có mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời. Nghi lễ đó giống như là người dâng lễ vật, gia đình và các thầy tế lễ vui mừng cùng nhau dùng bữa với Đức Giê-hô-va trong sự hòa thuận.

12 Có đặc ân nào lớn hơn là được Đức Giê-hô-va “nhận lời mời dùng bữa”? Dĩ nhiên, người mời sẽ đãi vị khách quý ấy vật tốt nhất mình có. Sự sắp đặt về lễ vật thù ân, một phần của những sự thật cơ bản về Đức Chúa Trời trong Luật pháp, ám chỉ rằng qua sự hy sinh lớn hơn của Chúa Giê-su, bất cứ ai muốn đều có thể có mối quan hệ hòa thuận và mật thiết với Đấng Tạo Hóa. Ngày nay, chúng ta có thể hưởng tình bạn với Đức Giê-hô-va khi tình nguyện dâng tài sản và năng lực để phụng sự ngài.

NHỮNG GƯƠNG CẢNH BÁO VỀ VIỆC DÂNG VẬT TẾ LỄ

13, 14. Tại sao Đức Giê-hô-va không chấp nhận vật tế lễ mà vua Sau-lơ định dâng?

13 Như đã xem xét ở trên, muốn Đức Giê-hô-va chấp nhận vật tế lễ, người dâng phải có thái độ và động cơ đúng. Nhưng Kinh Thánh cũng cho biết một số trường hợp Đức Chúa Trời không chấp nhận vật tế lễ. Tại sao ngài không chấp nhận? Hãy cùng xem hai trường hợp.

14 Nhà tiên tri Sa-mu-ên nói với vua Sau-lơ rằng đã đến lúc Đức Giê-hô-va trừng phạt dân A-ma-léc. Vì thế, Sau-lơ phải tiêu diệt hết dân đó cùng với gia súc. Tuy nhiên, sau khi thắng trận, Sau-lơ đã cho quân bắt sống A-ga, vua của A-ma-léc. Ông cũng để dành những gia súc tốt nhất để dâng cho Đức Giê-hô-va (1 Sa 15:2, 3, 21). Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào? Ngài từ bỏ Sau-lơ vì ông không vâng lời. (Đọc 1 Sa-mu-ên 15:22, 23). Qua trường hợp này, chúng ta học được gì? Đó là muốn Đức Chúa Trời chấp nhận vật tế lễ, người dâng phải vâng theo mệnh lệnh của ngài.

15. Việc người Y-sơ-ra-ên dâng vật tế lễ cho Đức Giê-hô-va trong khi vẫn làm điều sai trái dẫn đến hậu quả nào?

15 Sách Ê-sai nói đến một trường hợp tương tự. Thời Ê-sai, người Y-sơ-ra-ên dâng vật tế lễ cho Đức Giê-hô-va trong khi vẫn làm điều sai trái. Điều đó khiến cho vật tế lễ của họ không có giá trị. Đức Giê-hô-va phán: “Muôn-vàn của-lễ các ngươi nào có can-hệ gì đến ta? Ta đã chán-chê của-lễ thiêu bằng chiên đực và mỡ của bò con mập. Ta chẳng đẹp lòng về huyết của bò đực, chiên con và dê đực đâu... Thôi, đừng dâng của-lễ chay vô-ích cho ta nữa! Ta gớm-ghét mùi hương”. Vấn đề là gì? Đức Giê-hô-va phán với họ: “Khi các ngươi cầu-nguyện rườm-rà, ta chẳng thèm nghe. Tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa đi, hãy làm cho sạch! Hãy tránh những việc ác khỏi trước mắt ta. Đừng làm dữ nữa”.—Ê-sai 1:11-16.

16. Điều gì quyết định một vật tế lễ có được Đức Giê-hô-va chấp nhận hay không?

16 Thời xưa, Đức Giê-hô-va không hài lòng với vật tế lễ của những người phạm tội mà không ăn năn. Tuy nhiên, ngài chấp nhận lời cầu nguyện và lễ vật của những người thật lòng cố gắng sống theo mệnh lệnh của ngài. Những sự thật cơ bản về Đức Chúa Trời trong Luật pháp dạy họ biết mình là người có tội và cần được tha thứ (Ga 3:19). Nhờ thế, họ ăn năn, hối lỗi. Tương tự, ngày nay chúng ta phải ý thức là mình cần sự hy sinh của Chúa Giê-su, vật tế lễ thật sự có thể chuộc tội. Nếu chúng ta hiểu và quý trọng sự hy sinh này, Đức Giê-hô-va sẽ “ưa-thích” những gì chúng ta dâng khi thờ phượng ngài.—Đọc Thi-thiên 51:17, 19.

HÃY THỂ HIỆN ĐỨC TIN NƠI SỰ HY SINH CỦA CHÚA GIÊ-SU!

17-19. (a) Chúng ta thể hiện lòng biết ơn Đức Giê-hô-va về giá chuộc của Chúa Giê-su như thế nào? (b) Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài kế tiếp?

17 So với những người sống trước thời Chúa Giê-su, chúng ta có lợi thế hơn vì không còn chỉ thấy “bóng” của ý định của Đức Chúa Trời (Hê 10:1). Những quy định về vật tế lễ khuyến khích người Do Thái vun trồng thái độ đúng để có được mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời, tức là chân thành biết ơn ngài, muốn dâng cho ngài điều tốt nhất và ý thức rằng mình cần được chuộc tội. Nhờ sự giải thích trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, chúng ta hiểu rằng qua giá chuộc, Đức Giê-hô-va sẽ xóa bỏ vĩnh viễn tội lỗi và sự chết, thậm chí ngay bây giờ chúng ta có thể có lương tâm tốt trước mắt ngài. Sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su quả là một cung cấp tuyệt vời!—Ga 3:13; Hê 9:9, 14.

18 Dĩ nhiên, chỉ hiểu về giá chuộc thôi thì không đủ để nhận lợi ích từ sự cung cấp ấy. Sứ đồ Phao-lô viết: “Luật pháp trở thành người giám hộ dẫn đến Đấng Ki-tô, hầu chúng ta có thể nhờ đức tin mà được tuyên bố là công chính” (Ga 3:24). Hơn nữa, đức tin phải đi đôi với việc làm (Gia 2:26). Tín đồ gốc Do Thái vào thế kỷ thứ nhất hiểu những sự thật cơ bản về Đức Chúa Trời vì đã quen thuộc với Luật pháp Môi-se. Sứ đồ Phao-lô khuyến khích họ áp dụng những gì đã học. Khi làm thế, hạnh kiểm của họ sẽ hòa hợp với những nguyên tắc của Đức Chúa Trời mà họ dạy người khác.—Đọc Rô-ma 2:21-23.

19 Ngày nay, dù tín đồ đạo Đấng Ki-tô không cần theo Luật pháp Môi-se nhưng họ vẫn phải dâng vật tế lễ đẹp lòng Đức Giê-hô-va. Bài kế tiếp sẽ thảo luận cách chúng ta có thể làm điều đó.

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 17]

Những đòi hỏi cơ bản của Đức Giê-hô-va đối với tôi tớ ngài không bao giờ thay đổi

[Hình nơi trang 18]

Nếu là bạn, bạn sẽ dâng con vật nào cho Đức Giê-hô-va?

[Hình nơi trang 19]

Nếu dâng vật tế lễ đẹp lòng Đức Giê-hô-va thì chúng ta sẽ được ngài chấp nhận