Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lớp thầy tế lễ làm vua mang lại lợi ích cho cả nhân loại

Lớp thầy tế lễ làm vua mang lại lợi ích cho cả nhân loại

“Anh em là ‘dòng giống được lựa chọn, lớp thầy tế lễ làm vua, một dân tộc thánh và dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời’”.—1 PHI 2:9.

1. Tại sao “bữa ăn tối của Chúa” cũng được gọi là Lễ Tưởng Niệm và mục đích của lễ đó là gì?

Vào tối ngày 14 Ni-san năm 33 CN, Chúa Giê-su và 12 sứ đồ cử hành Lễ Vượt Qua lần cuối. Sau khi bảo kẻ phản bội là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đi ra, Chúa Giê-su thiết lập một lễ khác, sau này gọi là “bữa ăn tối của Chúa” (1 Cô 11:20). Hai lần Chúa Giê-su nói: ‘Hãy làm việc này để nhớ đến tôi’. Lễ này cũng được gọi là Lễ Tưởng Niệm, một dịp để tưởng nhớ Chúa Giê-su, đặc biệt là sự chết của ngài (1 Cô 11:24, 25). Vâng theo mệnh lệnh này, hằng năm Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới cử hành Lễ Tưởng Niệm. Năm 2012, ngày 14 Ni-san (lịch Do Thái) bắt đầu lúc mặt trời lặn vào thứ năm, ngày 5 tháng 4.

2. Chúa Giê-su nói gì về những món biểu tượng ngài dùng?

2 Trong hai câu Kinh Thánh, môn đồ Lu-ca tóm tắt những gì Chúa Giê-su đã nói và làm vào dịp đó: “Chúa Giê-su cầm một ổ bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho họ và nói: ‘Bánh này tượng trưng cho thân thể tôi, sẽ được hiến dâng vì anh em. Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi’. Sau bữa ăn đó, ngài cũng cầm ly làm như vậy và nói: ‘Ly này tượng trưng cho giao ước mới, được lập bằng huyết tôi, là huyết sẽ đổ ra vì anh em’” (Lu 22:19, 20). Các sứ đồ hiểu những lời ấy của Chúa Giê-su như thế nào?

3. Các sứ đồ hiểu thế nào về ý nghĩa của các món biểu tượng?

3 Là người Do Thái, các sứ đồ biết rõ các con vật tế lễ được dâng lên cho Đức Chúa Trời tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Người ta dâng những lễ vật này là để nhận được ân huệ của Đức Giê-hô-va; trong đó có nhiều lễ vật để chuộc tội (Lê 1:4; 22:17-29). Vì thế, các sứ đồ hiểu rằng khi Chúa Giê-su nói thân thể ngài “được hiến dâng” và huyết ngài “sẽ đổ ra” vì họ, ý của Chúa Giê-su là ngài phải dâng chính mạng sống hoàn hảo của mình làm vật tế lễ. Đó sẽ là vật tế lễ có giá trị vượt trội so với con vật tế lễ.

4. Chúa Giê-su có ý gì khi nói: “Ly này tượng trưng cho giao ước mới, được lập bằng huyết tôi”?

4 Nói sao về những lời của Chúa Giê-su: “Ly này tượng trưng cho giao ước mới, được lập bằng huyết tôi”? Các sứ đồ đã biết lời tiên tri về giao ước mới nơi Giê-rê-mi 31:31-33. (Đọc). Lời Chúa Giê-su cho thấy ngài đang giới thiệu giao ước mới ấy. Giao ước này thay thế giao ước Luật pháp mà Đức Giê-hô-va đã lập với dân Y-sơ-ra-ên qua Môi-se. Hai giao ước có liên quan với nhau không?

5. Giao ước Luật pháp mở ra những triển vọng nào cho dân Y-sơ-ra-ên?

5 Hai giao ước ấy có liên quan chặt chẽ với nhau. Khi giới thiệu giao ước Luật pháp, Đức Giê-hô-va phán với dân ngài: “Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao-ước ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về ta, vì cả thế-gian đều thuộc về ta. Các ngươi sẽ thành một nước [“vương quốc”, Bản Dịch Mới] thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh cho ta” (Xuất 19:5, 6). Những lời này có nghĩa gì đối với dân Y-sơ-ra-ên?

LỜI HỨA VỀ LỚP THẦY TẾ LỄ LÀM VUA

6. Giao ước Luật pháp là bước quan trọng để thực hiện lời hứa nào?

6 Dân Y-sơ-ra-ên hiểu cụm từ “giao-ước” vì Đức Giê-hô-va đã lập giao ước, tức lập một cam kết trang trọng, với tổ phụ họ là Nô-ê và Áp-ra-ham (Sáng 6:18; 9:8-17; 15:18; 17:1-9). Một phần của giao ước với Áp-ra-ham là lời Đức Giê-hô-va hứa: “Các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước” (Sáng 22:18). Giao ước Luật pháp là bước quan trọng để thực hiện lời hứa này. Trên cơ sở của giao ước đó, dân Y-sơ-ra-ên có thể trở thành dân ‘thuộc riêng về Đức Giê-hô-va’. Với mục đích gì? Để ‘thành một vương quốc thầy tế-lễ cho ngài’.

7. Dân Y-sơ-ra-ên có cơ hội sản sinh ‘một vương quốc thầy tế-lễ’, điều này có nghĩa gì?

7 Dân Y-sơ-ra-ên quen thuộc với vua và thầy tế lễ, nhưng trước đó chỉ có Mên-chi-xê-đéc là người được Đức Giê-hô-va cho phép kiêm cả hai chức vụ cùng lúc (Sáng 14:18). Giờ đây, Đức Giê-hô-va cho họ cơ hội sản sinh ‘một vương quốc thầy tế-lễ’. Những sách sau đó trong Kinh Thánh giải thích điều này nghĩa là họ có cơ hội cung cấp “lớp thầy tế lễ làm vua”, tức là các vua kiêm chức thầy tế lễ.—1 Phi 2:9.

8. Thầy tế lễ được bổ nhiệm để làm việc gì?

8 Dĩ nhiên vua thì cai trị. Nhưng thầy tế lễ làm gì? Hê-bơ-rơ 5:1 giải thích: “Mọi thầy tế lễ thượng phẩm từ trong loài người chọn ra thì được bổ nhiệm để phục vụ Đức Chúa Trời nhằm mang lại lợi ích cho con người, hầu dâng lễ vật và vật tế lễ vì cớ tội lỗi”. Như vậy, Đức Giê-hô-va bổ nhiệm thầy tế lễ để đại diện những người có tội dâng lễ vật, khẩn cầu ngài vì lợi ích của họ. Mặt khác, thầy tế lễ cũng đại diện Đức Giê-hô-va trước dân sự, dạy dỗ họ luật pháp của ngài (Lê 10:8-11; Mal 2:7). Bằng những cách ấy, thầy tế lễ giúp con người hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.

9. (a) Dân Y-sơ-ra-ên có thể sản sinh ‘một vương quốc thầy tế-lễ’ với điều kiện nào? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va lập lớp thầy tế lễ trong vòng dân Y-sơ-ra-ên? (c) Khi còn ở dưới giao ước Luật pháp, điều gì cản trở dân Y-sơ-ra-ên sản sinh ‘một vương quốc thầy tế-lễ’?

9 Vậy, giao ước Luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên cơ hội sản sinh lớp thầy tế lễ làm vua sẽ mang lại lợi ích cho “muôn dân”. Tuy nhiên, triển vọng tuyệt vời này đi kèm với điều kiện là dân Y-sơ-ra-ên phải ‘vâng lời Đức Chúa Trời và giữ sự giao-ước ngài’. Dân Y-sơ-ra-ên có thể “vâng lời” Đức Giê-hô-va không? Có, nhưng họ không thể làm thế cách hoàn hảo (Rô 3:19, 20). Vì vậy, Đức Giê-hô-va đã lập lớp thầy tế lễ trong vòng dân Y-sơ-ra-ên. Họ không làm vua cai trị nhưng có nhiệm vụ dâng vật tế lễ chuộc tội cho dân sự (Lê 4:1–6:7). Trong đó bao gồm tội của chính các thầy tế lễ (Hê 5:1-3; 8:3). Dù được Đức Giê-hô-va chấp nhận nhưng những vật tế lễ ấy không thể hoàn toàn chuộc được tội lỗi của người dâng. Lớp thầy tế lễ dưới giao ước Luật pháp không thể giúp người Y-sơ-ra-ên, dù là người chân thành, hoàn toàn hòa thuận với Đức Chúa Trời. Như Phao-lô nói: “Huyết của bò đực và của dê không thể xóa được tội lỗi” (Hê 10:1-4). Khi vi phạm Luật pháp, người Y-sơ-ra-ên bị nguyền rủa (Ga 3:10). Trong tình trạng ấy, họ không thể thực hiện vai trò là lớp thầy tế lễ làm vua cho muôn dân.

10. Giao ước Luật pháp có vai trò gì?

10 Việc dân Y-sơ-ra-ên có thể sản sinh ‘một vương quốc thầy tế-lễ’ có phải chỉ là lời hứa suông của Đức Chúa Trời không? Hoàn toàn không. Nếu thật lòng cố gắng vâng lời, họ sẽ có cơ hội này, nhưng không phải dưới Luật pháp. Tại sao? (Đọc Ga-la-ti 3:19-25). Đối với những người trung thành vâng giữ Luật pháp thì Luật pháp có tác dụng bảo tồn sự thờ phượng thanh sạch. Luật pháp giúp người Do Thái ý thức là mình có tội và cần một vật tế lễ lớn hơn điều mà thầy tế lễ thượng phẩm có thể dâng. Luật pháp giống như người giám hộ dẫn họ đến Đấng Ki-tô, hay Đấng Mê-si, những tước vị có nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu”. Tuy nhiên, khi Đấng Mê-si đến, ngài sẽ giới thiệu giao ước mới mà Giê-rê-mi đã báo trước. Những người chấp nhận Đấng Ki-tô được mời dự phần vào giao ước mới và sẽ thật sự trở thành ‘một vương quốc thầy tế-lễ’. Như thế nào? Chúng ta hãy cùng xem.

GIAO ƯỚC MỚI SẢN SINH MỘT LỚP THẦY TẾ LỄ LÀM VUA

11. Làm sao Chúa Giê-su trở thành nền tảng của lớp thầy tế lễ làm vua?

11 Năm 29 CN, Đấng Mê-si đến, đó chính là Chúa Giê-su người Na-xa-rét. Lúc khoảng 30 tuổi, qua việc làm báp-têm, Chúa Giê-su trình diện để thi hành sứ mạng đặc biệt Đức Giê-hô-va giao. Đức Giê-hô-va công nhận Chúa Giê-su là “Con yêu dấu” của ngài. Ngài xức dầu, hay bổ nhiệm cho Chúa Giê-su bằng thần khí (Mat 3:13-17; Công 10:38). Bằng cách đó, Đức Giê-hô-va bổ nhiệm Chúa Giê-su làm thầy tế lễ thượng phẩm và vua tương lai của tất cả những người tin theo ngài, thuộc dân mọi nước (Hê 1:8, 9; 5:5, 6). Ngài sẽ là nền tảng của lớp thầy tế lễ làm vua.

12. Sự hy sinh của Chúa Giê-su mang lại điều gì?

12 Là thầy tế lễ thượng phẩm, Chúa Giê-su có thể dâng lễ vật nào để chuộc tội lỗi cách trọn vẹn cho những người tin ngài? Như lời ngài nói khi thiết lập Lễ Tưởng Niệm, chính mạng sống hoàn hảo của ngài là vật tế lễ. (Đọc Hê-bơ-rơ 9:11, 12). Từ thời điểm làm báp-têm năm 29 CN, Chúa Giê-su, với tư cách là thầy tế lễ thượng phẩm, đã chịu thử thách và rèn luyện cho đến khi qua đời (Hê 4:15; 5:7-10). Sau khi được sống lại, ngài lên trời và trình giá trị của sự hy sinh của ngài lên Đức Giê-hô-va (Hê 9:24). Từ đó, ngài có thể cầu xin Đức Giê-hô-va vì lợi ích của những người thể hiện đức tin nơi sự hy sinh của ngài, đồng thời giúp họ phụng sự Đức Chúa Trời với triển vọng sống đời đời (Hê 7:25). Sự hy sinh của Chúa Giê-su cũng làm giao ước mới có hiệu lực.—Hê 8:6; 9:15.

13. Những người được mời dự phần vào giao ước mới có triển vọng nào?

13 Những người được mời dự phần vào giao ước mới cũng được bổ nhiệm bằng thần khí (2 Cô 1:21). Con số đó bao gồm người Do Thái trung thành và tiếp đến là người ngoại (Ê-phê 3:5, 6). Những người dự phần vào giao ước mới nhận được lợi ích nào? Họ được tha tội hoàn toàn. Đức Giê-hô-va đã hứa: “Ta sẽ tha sự gian-ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa” (Giê 31:34). Khi được xóa tội một cách hợp lệ, họ có đủ tư cách trở thành ‘một vương quốc thầy tế-lễ’. Nói về các tín đồ được xức dầu, Phi-e-rơ viết: “Anh em ‘dòng giống được lựa chọn, lớp thầy tế lễ làm vua, một dân tộc thánh và dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời, hầu công bố khắp nơi các đức tính tuyệt hảo’ của đấng đã gọi anh em ra khỏi bóng tối mà đến với ánh sáng diệu kỳ của ngài” (1 Phi 2:9). Ở đây, Phi-e-rơ đã trích lời Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên khi ngài giới thiệu Luật pháp, và ông áp dụng lời ấy cho các tín đồ dự phần vào giao ước mới.—Xuất 19:5, 6.

LỚP THẦY TẾ LỄ LÀM VUA MANG LẠI LỢI ÍCH CHO CẢ NHÂN LOẠI

14. Lớp thầy tế lễ làm vua phục vụ ở đâu?

14 Những người dự phần vào giao ước mới phục vụ ở đâu? Trên trái đất, họ hợp thành nhóm người phục vụ với tư cách là lớp thầy tế lễ, đại diện cho Đức Giê-hô-va qua việc “công bố khắp nơi các đức tính tuyệt hảo” của ngài và cung cấp thức ăn thiêng liêng (Mat 24:45; 1 Phi 2:4, 5). Sau khi chết và được sống lại, họ phục vụ cùng Đấng Ki-tô ở trên trời với tư cách là vua kiêm thầy tế lễ, làm tròn mọi nhiệm vụ của hai trọng trách này (Lu 22:29; 1 Phi 1:3-5; Khải 1:6). Điều này được xác định bởi một khải tượng mà sứ đồ Giăng nhận được, cho thấy những tạo vật thần linh gần ngôi của Đức Giê-hô-va trên trời. Họ hát “một bài ca mới” cho “Chiên Con”: “Ngài đã bị giết và lấy huyết mình mà mua cho Đức Chúa Trời những người từ mọi chi phái, mọi thứ tiếng, mọi dân tộc cùng mọi nước, ngài lập họ thành một nước và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta, họ sẽ làm vua cai trị trái đất” (Khải 5:8-10). Trong một khải tượng sau đó, Giăng nói về những người cai trị này: “Họ sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Ki-tô, sẽ cùng làm vua cai trị với ngài trong một ngàn năm” (Khải 20:6). Cùng với Đấng Ki-tô, họ hợp thành lớp thầy tế lễ làm vua để mang lại lợi ích cho cả nhân loại.

15, 16. Lớp thầy tế lễ làm vua sẽ mang lại những lợi ích nào cho nhân loại?

15 Nhóm 144.000 người sẽ mang lại những lợi ích nào cho dân trên đất? Khải huyền chương 21 miêu tả họ như một thành ở trên trời, Giê-ru-sa-lem Mới, gọi là “vợ của Chiên Con” (Khải 21:9). Từ câu 2 đến 4 cho biết: “Tôi thấy thành thánh, tức Giê-ru-sa-lem Mới, từ nơi Đức Chúa Trời ở trên trời xuống và chuẩn bị sẵn như cô dâu được phục sức để đón chồng. Bấy giờ tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai nói rằng: ‘Này! Đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa nhân loại. Ngài sẽ ở với họ và họ sẽ là dân ngài. Chính Đức Chúa Trời sẽ ở cùng họ. Ngài sẽ lau hết nước mắt trên mắt họ, sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa. Những điều trước kia nay đã qua rồi’”. Thật là những ân phước tuyệt vời! Việc xóa đi cái chết sẽ loại bỏ nguyên nhân chính gây than van, khóc lóc và đau đớn. Nhân loại sẽ trở nên hoàn hảo và thật sự hòa thuận với Đức Chúa Trời.

16 Miêu tả thêm về những ân phước lớp thầy tế lễ làm vua sẽ mang lại, Khải huyền 22:1, 2 nói: “Thiên sứ chỉ cho tôi thấy một con sông chứa nước sự sống, trong như pha lê, chảy từ ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con xuống giữa con đường chính của thành [Giê-ru-sa-lem Mới]. Hai bên bờ sông có những cây sự sống sinh trái mười hai mùa, mỗi tháng đều ra trái. Lá của cây ấy dùng để chữa lành các dân”. Nhờ sự cung cấp tượng trưng này, “các dân”, tức tất cả các gia tộc trên đất, sẽ hoàn toàn được chữa khỏi sự bất toàn di truyền từ A-đam. Thật vậy, lúc ấy ‘những điều trước kia đã qua rồi’.

LỚP THẦY TẾ LỄ LÀM VUA HOÀN TẤT CÔNG VIỆC

17. Cuối cùng, lớp thầy tế lễ làm vua sẽ hoàn tất điều gì?

17 Đến cuối 1.000 năm phục vụ hữu ích, lớp thầy tế lễ làm vua đã làm cho dân trên đất trở thành những người hoàn hảo. Khi đó, với tư cách là thầy tế lễ thượng phẩm và vua, Đấng Ki-tô sẽ giao cho Đức Giê-hô-va gia đình nhân loại đã được hoàn toàn khôi phục. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:22-26). Vậy, lớp thầy tế lễ làm vua đã hoàn thành nhiệm vụ.

18. Sau khi lớp thầy tế lễ làm vua hoàn tất công việc, Đức Giê-hô-va sẽ dùng những người đồng cai trị với Đấng Ki-tô như thế nào?

18 Sau đó, Đức Giê-hô-va sẽ dùng những người đồng cai trị với Đấng Ki-tô như thế nào? Theo Khải huyền 22:5, “họ sẽ làm vua cai trị cho đến muôn đời”. Họ sẽ cai trị ai? Kinh Thánh không cho biết. Tuy nhiên, vì có đời sống bất tử và nhiều kinh nghiệm giúp dân bất toàn trên đất nên họ sẽ vẫn làm vua và được Đức Giê-hô-va dùng để thực hiện ý định của ngài đến mãi mãi.

19. Những người tham dự Lễ Tưởng Niệm sẽ được nhắc nhở về điều gì?

19 Khi nhóm lại để cử hành Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su vào thứ năm, ngày 5 tháng 4 năm 2012, chúng ta sẽ nhớ đến những lời dạy dỗ này của Kinh Thánh. Ngày đó, số ít người được xức dầu còn sót lại trên đất sẽ cho thấy họ dự phần vào giao ước mới qua việc dùng các món biểu tượng là bánh không men và rượu nho đỏ. Những món tượng trưng cho sự hy sinh của Chúa Giê-su sẽ nhắc họ nhớ những đặc ân tuyệt diệu cũng như trách nhiệm của mình trong ý định đời đời của Đức Chúa Trời. Mong sao tất cả chúng ta tham dự buổi lễ với lòng biết ơn sâu xa Giê-hô-va Đức Chúa Trời, vì ngài đã cung cấp lớp thầy tế lễ làm vua mang lại lợi ích cho cả nhân loại.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 29]

Lớp thầy tế lễ làm vua sẽ mang lại lợi ích vĩnh cửu cho nhân loại