Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự thật về tận thế

Sự thật về tận thế

Sự thật về tận thế

“Ác thần... đi đến các vua trên khắp đất để... quy tụ các vua lại một chỗ, trong tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ha-ma-ghê-đôn”.—KHẢI HUYỀN 16:14, 16.

Trong Kinh Thánh, ngày tận cùng của thế giới này được gọi là “Ha-ma-ghê-đôn”. Đây là tên của một địa danh. Tuy nhiên, dường như đó không phải là một địa điểm có thật.

Vậy, từ “Ha-ma-ghê-đôn” thật sự có nghĩa gì? Tại sao từ này thường được liên kết với một biến cố, chẳng hạn như một cuộc chiến?

Quy tụ lại một chỗ gọi là Ha-ma-ghê-đôn

Trong nguyên ngữ tiếng Hê-bơ-rơ, từ Har–Magedon có nghĩa đen là “núi Mê-ghi-đô”. Dù không có núi nào mang tên đó, nhưng địa danh Mê-ghi-đô thì có thật. Nó nằm ở một giao lộ chiến lược thuộc vùng tây bắc mà dân Y-sơ-ra-ên xưa sinh sống. Nhiều trận chiến quyết định diễn ra gần đó. Vì thế, địa danh Mê-ghi-đô gắn liền với chiến tranh. *

Tuy nhiên, tầm quan trọng của từ Mê-ghi-đô không phải là cuộc chiến nào xảy ra ở đó mà là tại sao nó xảy ra. Mê-ghi-đô là một phần của vùng Đất Hứa mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:1; Giô-suê 12:7, 21). Ngài hứa là sẽ bảo vệ họ khỏi các kẻ thù, và ngài đã làm thế (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:18, 19). Chẳng hạn, tại Mê-ghi-đô, Đức Giê-hô-va làm phép lạ bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên khỏi đội quân xâm lược của vua nước Ca-na-an là Gia-bin và quan tổng binh của ông là Si-sê-ra.—Các Quan Xét 4:14-16.

Vì thế, từ “Ha-ma-ghê-đôn” mang nghĩa bóng. Nó liên hệ đến một cuộc chiến giữa hai lực lượng hùng mạnh.

Lời tiên tri nơi sách Khải huyền nói về một thời điểm trong tương lai gần đây khi Sa-tan và những ác thần sẽ thúc giục các chính phủ quy tụ quân đội lại. Khi làm thế, chúng đe dọa dân Đức Chúa Trời và công việc họ đang thực thi. Hậu quả là Đức Chúa Trời tiêu diệt hàng triệu kẻ thù này.—Khải huyền 19:11-18.

Tại sao Đức Chúa Trời, đấng mà Kinh Thánh mô tả là “thương-xót, chậm nóng giận, và dư đầy nhân-từ”, lại gây ra sự chết chóc cho quá nhiều người như vậy? (Nê-hê-mi 9:17). Để hiểu về hành động của Đức Chúa Trời, chúng ta cần trả lời ba câu hỏi sau: (1) Ai gây ra cuộc chiến? (2) Tại sao Đức Chúa Trời lại can thiệp? (3) Cuộc chiến này sẽ mang lại kết quả lâu dài nào cho trái đất cùng dân cư trên đó?

1. AI GÂY RA CUỘC CHIẾN?

Đức Chúa Trời không gây ra cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn. Thay vì thế, ngài bảo vệ người tốt khỏi những kẻ muốn tiêu diệt họ. Những kẻ phát động cuộc chiến này là “các vua trên khắp đất”, tức các nhà lãnh đạo của thế gian. Do đâu mà có cuộc chiến này? Vì như một người điều khiển rối lão luyện, Sa-tan sẽ lèo lái để các chính phủ cùng lực lượng quân đội dồn hết nỗ lực tấn công những người thờ phượng Đức Giê-hô-va.—Khải huyền 16:13, 14; 19:17, 18.

Hiện nay, quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng được một số quốc gia coi trọng, vì thế việc các chính phủ sẽ giới hạn hoặc loại bỏ bất cứ hoạt động tôn giáo nào là điều mà nhiều người nghĩ không thể nào xảy ra. Tuy nhiên, những việc như thế đã diễn ra trong thế kỷ 20 và hiện nay cũng đang diễn ra. * Dù thế, có ít nhất hai sự khác biệt rõ ràng giữa cuộc tấn công trong trận chiến Ha-ma-ghê-đôn và các cuộc tấn công vào tôn giáo trước đó. Thứ nhất, cuộc tấn công này sẽ diễn ra trên toàn cầu. Thứ hai, hành động của Đức Giê-hô-va sẽ mạnh mẽ hơn bất cứ hành động nào ngài thực hiện trong quá khứ (Giê-rê-mi 25:32, 33). Kinh Thánh mô tả cuộc chiến này là “cuộc chiến diễn ra vào ngày lớn của Đức Chúa Trời Toàn Năng”.

2. TẠI SAO ĐỨC CHÚA TRỜI LẠI CAN THIỆP?

Đức Giê-hô-va khuyên dạy những người thờ phượng ngài phải trở nên người hiếu hòa và yêu thương kẻ thù (Mi-chê 4:1-3; Ma-thi-ơ 5:43, 44; 26:52). Thế nên, họ sẽ không dùng vũ khí để tự vệ khi bị tấn công dữ dội. Nếu Đức Chúa Trời không can thiệp để cứu dân ngài thì họ sẽ bị loại trừ. Như vậy, thanh danh của Đức Giê-hô-va có nguy cơ bị tổn hại. Nếu những kẻ tấn công có thể tiêu diệt dân ngài thì không khác gì Đức Giê-hô-va thiếu yêu thương, bất công hoặc bất lực. Điều đó không thể nào xảy ra!—Thi-thiên 37:28, 29.

Đức Chúa Trời không muốn hủy diệt bất cứ người nào, nên ngài đã cảnh báo trước những điều ngài sẽ làm (2 Phi-e-rơ 3:9). Qua các lời tường thuật được ghi lại trong Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va nhắc nhở mọi người rằng trong quá khứ ngài từng báo thù những kẻ tấn công dân ngài (2 Các Vua 19:35). Kinh Thánh cũng cảnh báo là trong tương lai, khi Sa-tan cùng những người theo hắn tấn công dân Đức Chúa Trời, một lần nữa ngài sẽ can thiệp và chống lại những kẻ gây nguy hại cho dân sự ngài. Thật vậy, Lời Đức Chúa Trời đã báo trước từ lâu là ngài sẽ hủy diệt kẻ ác (Châm-ngôn 2:21, 22; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-9). Lúc ấy, những kẻ tấn công sẽ biết rằng họ đang tranh chiến với Đấng Toàn Năng.—Ê-xê-chi-ên 38:21-23.

3. CUỘC CHIẾN NÀY SẼ MANG LẠI KẾT QUẢ LÂU DÀI NÀO?

Cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn sẽ dẫn đến việc cứu mạng hàng triệu người. Thật vậy, nó mở ra một thời kỳ hòa bình trên đất.—Khải huyền 21:3, 4.

Sách Khải huyền cho biết “đám đông” không ai có thể đếm được sẽ sống sót qua cuộc chiến này (Khải huyền 7:9, 14). Dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, họ sẽ cải tạo trái đất thành địa đàng theo ý định ban đầu của ngài.

Chúng ta có biết cuộc tấn công nhắm vào dân sự Đức Chúa Trời sẽ diễn ra khi nào không?

[Chú thích]

^ đ. 6 Việc gắn liền một địa danh với chiến tranh không phải là hiếm. Chẳng hạn, thành phố Hiroshima của Nhật Bản từng bị bom nguyên tử tàn phá, giờ đây trở thành một biểu tượng cho nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

^ đ. 13 Cuộc tàn sát tập thể dưới thời Quốc xã là một thí dụ cho thấy chính phủ này cố gắng loại trừ các nhóm tôn giáo và sắc tộc. Trong thời đại Xô Viết, các nhóm tôn giáo ở Liên bang Xô Viết cũng bị đàn áp dữ dội. Xin xem bài nơi trang 4-9 trong Tháp Canh ngày 15 tháng 7 năm 2011, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 6]

Đức Giê-hô-va đã bảo vệ dân ngài trong quá khứ

[Hình nơi trang 7]

Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ dân ngài một lần nữa trong cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn