Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy noi gương thức canh của Chúa Giê-su

Hãy noi gương thức canh của Chúa Giê-su

Hãy noi gương thức canh của Chúa Giê-su

“Hãy luôn thức canh và cầu nguyện”.—MAT 26:41.

BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?

Làm sao chúng ta cho thấy mình thức canh trong việc cầu nguyện?

Chúng ta cho thấy mình thức canh trong thánh chức qua những cách nào?

Tại sao tiếp tục thức canh trong lúc gặp thử thách là điều quan trọng? Làm sao chúng ta có thể làm thế?

1, 2. (a) Những câu hỏi nào có thể được nêu lên liên quan đến gương thức canh của Chúa Giê-su? (b) Gương mẫu hoàn hảo của Chúa Giê-su có giúp ích cho con người tội lỗi không? Hãy minh họa.

Có lẽ bạn thắc mắc: “Làm sao noi gương thức canh của Chúa Giê-su được? Ngài là người hoàn hảo mà! Vả lại, có lúc ngài thấy trước tương lai, thậm chí hàng ngàn năm sau thời ngài! Vậy ngài có thật sự cần thức canh không?” (Mat 24:37-39; Hê 4:15). Trước tiên, chúng ta hãy giải đáp những câu hỏi đó để thấy việc thức canh là cần thiết và cấp bách như thế nào.

2 Gương mẫu hoàn hảo có giúp ích cho con người tội lỗi không? Có, vì điều này cũng giống như một học trò học theo gương của thầy giáo giỏi. Ví dụ, hãy tưởng tượng một người học bắn cung. Lúc đầu, anh không thể bắn tên trúng bia, nhưng anh học thêm và tiếp tục cố gắng. Để tiến bộ, anh cẩn thận quan sát cách làm của thầy, là một xạ thủ. Anh chú ý tư thế đứng, cách giương cung và kéo dây cung của thầy. Với lòng quyết tâm, dần dần anh biết phải kéo dây cung căng bao nhiêu, biết xem xét mức ảnh hưởng của gió, và anh tiếp tục nỗ lực. Bằng cách bắt chước thầy, càng ngày anh càng bắn tên gần tâm điểm. Tương tự, chúng ta tiếp tục cố gắng trở thành những tín đồ tốt hơn qua việc làm theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su và noi theo gương mẫu tuyệt hảo của ngài.

3. (a) Chúa Giê-su nói gì cho thấy ngài cần thức canh? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Về việc thức canh thì sao? Chúa Giê-su có thật sự cần thức canh không? Có. Chẳng hạn, vào đêm cuối cùng trên đất, Chúa Giê-su kêu gọi các sứ đồ trung thành: ‘Hãy thức canh với tôi’. Ngài nói thêm: “Hãy luôn thức canh và cầu nguyện để anh em không rơi vào cám dỗ” (Mat 26:38, 41). Dù trước đó Chúa Giê-su luôn thức canh, nhưng trong những giờ phút cam go ấy, ngài càng muốn thức canh và đến gần Cha. Ngài biết các môn đồ cũng cần thức canh, không chỉ lúc đó mà cả trong tương lai. Vì thế, hãy xem tại sao Chúa Giê-su muốn chúng ta thức canh. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét ba cách mình có thể noi gương thức canh của Chúa Giê-su trong đời sống hằng ngày.

TẠI SAO CHÚA GIÊ-SU MUỐN CHÚNG TA THỨC CANH?

4. Có mối liên hệ nào giữa việc chúng ta không biết hết về tương lai và việc cần thức canh?

4 Chúa Giê-su muốn chúng ta tiếp tục thức canh vì những gì chúng ta không biết và những gì chúng ta biết. Khi làm người trên đất, Chúa Giê-su có biết hết mọi điều xảy ra trong tương lai không? Không. Ngài khiêm nhường thừa nhận: “Về ngày và giờ đó thì không ai biết, kể cả thiên sứ trên trời và Con cũng vậy, nhưng chỉ mình Cha biết mà thôi” (Mat 24:36). Lúc đó, “Con”, tức là Chúa Giê-su, không biết chính xác khi nào thế giới gian ác này chấm dứt. Còn chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta có biết mọi điều về tương lai không? Tất nhiên không! Chúng ta không biết chính xác khi nào Đức Giê-hô-va sẽ dùng Con ngài để kết liễu thế giới gian ác này. Nếu biết trước, chúng ta có thật sự cần thức canh không? Như Chúa Giê-su giải thích, ngày đó sẽ đến một cách thình lình, nên chúng ta cần luôn thức canh.—Đọc Ma-thi-ơ 24:43.

5, 6. (a) Sự hiểu biết về Nước Trời thúc đẩy chúng ta thức canh như thế nào? (b) Chúng ta biết gì về Sa-tan? Tại sao điều này khiến chúng ta càng quyết tâm thức canh?

5 Mặt khác, Chúa Giê-su đã biết nhiều điều kỳ diệu về tương lai, những sự thật mà đa số người xung quanh hoàn toàn không biết. Dù sự hiểu biết của chúng ta không bằng Chúa Giê-su, nhưng nhờ ngài, chúng ta biết nhiều điều về Nước Trời và những gì Nước này sẽ thực hiện trong tương lai gần đây. Nhìn quanh chúng ta, dù ở trường học, sở làm hoặc khu vực rao giảng, chẳng phải chúng ta thấy phần lớn người ta không hề biết những sự thật tuyệt vời này sao? Vì thế, chúng ta có thêm một lý do để thức canh. Như Chúa Giê-su, chúng ta cần luôn thức canh, tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ những gì mình biết về Nước Trời. Mỗi cơ hội như thế là điều quý giá mà chúng ta không muốn bỏ lỡ. Tính mạng của nhiều người đang lâm nguy!—1 Ti 4:16.

6 Một điều khác đã khiến Chúa Giê-su tiếp tục thức canh là ngài biết Sa-tan ra sức cám dỗ, bắt bớ và phá đổ lòng trung kiên của ngài. Kẻ thù nguy hiểm đó luôn “chờ dịp” để thử thách Chúa Giê-su (Lu 4:13). Chúa Giê-su không bao giờ mất cảnh giác. Ngài muốn sẵn sàng cho bất cứ thử thách nào, dù là cám dỗ, chống đối hay bắt bớ. Chẳng phải chúng ta cũng muốn làm thế sao? Chúng ta biết Sa-tan vẫn “như sư tử gầm rống, tìm kiếm người nào đó để cắn nuốt”. Vì thế, Lời Đức Chúa Trời khuyên tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Hãy giữ mình tỉnh táo và luôn cảnh giác” (1 Phi 5:8). Nhưng chúng ta có thể làm thế như thế nào?

THỨC CANH TRONG VIỆC CẦU NGUYỆN

7, 8. Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên nào về việc cầu nguyện? Ngài nêu gương mẫu nào?

7 Kinh Thánh cho biết có sự liên quan chặt chẽ giữa việc tỉnh thức về thiêng liêng, hay thức canh, với việc cầu nguyện (Cô 4:2; 1 Phi 4:7). Không lâu sau khi bảo các môn đồ tiếp tục thức canh với ngài, Chúa Giê-su nói: “Hãy luôn thức canh và cầu nguyện để anh em không rơi vào cám dỗ” (Mat 26:41). Có phải lời khuyên ấy của Chúa Giê-su chỉ dành cho các môn đồ trong tình huống cam go đó không? Không. Lời khuyên của ngài là một nguyên tắc mà mỗi ngày chúng ta cần áp dụng vào đời sống.

8 Chúa Giê-su đã nêu gương xuất sắc trong việc cầu nguyện. Chắc bạn còn nhớ lần Chúa Giê-su cầu nguyện với Cha cả đêm. Thử hình dung bối cảnh đó. (Đọc Lu-ca 6:12, 13). Lúc ấy là mùa xuân, có lẽ địa điểm là gần thành Ca-bê-na-um, nơi Chúa Giê-su thường trú ngụ khi đến vùng Ga-li-lê. Khi hoàng hôn buông xuống, ngài đi lên một trong những ngọn núi hướng ra biển Ga-li-lê. Càng về đêm, có lẽ ngài thấy ánh sáng lập lòe của những ngọn đèn dầu từ Ca-bê-na-um và những làng gần đó. Nhưng khi nói chuyện với Đức Giê-hô-va, ngài chú tâm hoàn toàn vào lời cầu nguyện. Hàng phút, hàng giờ trôi qua. Ngài hầu như không để ý ánh sáng phía dưới xa lần lượt tắt, trăng trôi qua bầu trời hay súc vật ăn đêm sục sạo trong bụi cây. Hẳn ngài cầu nguyện về quyết định quan trọng trước mắt, đó là chọn 12 sứ đồ. Chúng ta có thể hình dung Chúa Giê-su trút bầu tâm sự với Cha, thổ lộ cùng Cha mọi suy nghĩ và lo lắng về mỗi môn đồ, đồng thời tha thiết cầu xin Cha hướng dẫn và ban sự khôn ngoan.

9. Chúng ta học được gì từ việc Chúa Giê-su cầu nguyện suốt đêm?

9 Chúng ta học được gì từ gương của Chúa Giê-su? Chúng ta có buộc phải cầu nguyện hàng giờ không? Không. Nói về các môn đồ, Chúa Giê-su thừa nhận: “Tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mat 26:41). Dù vậy, chúng ta vẫn có thể noi gương ngài. Chẳng hạn, chúng ta có xin Cha trên trời hướng dẫn trước khi quyết định một vấn đề có thể ảnh hưởng đến tình trạng thiêng liêng của chúng ta, gia đình hoặc anh em đồng đạo không? Chúng ta có cầu nguyện cho các anh chị khác không? Chúng ta có cầu nguyện chân thành thay vì chỉ dùng những lời lặp đi lặp lại không? Cũng hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su quý việc trò chuyện riêng và thân tình với Cha. Trong thế giới bận rộn và hối hả ngày nay, chúng ta rất dễ bị cuốn theo nhịp sống ấy đến mức quên đi những điều quan trọng nhất. Nếu dành nhiều thời gian để cầu nguyện riêng với Đức Giê-hô-va từ đáy lòng, chúng ta sẽ tỉnh táo hơn về thiêng liêng (Mat 6:6, 7). Chúng ta sẽ đến gần Đức Giê-hô-va hơn, mong muốn củng cố mối quan hệ với ngài và tránh làm bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ đó.—Thi 25:14.

THỨC CANH TRONG VIỆC RAO GIẢNG

10. Trường hợp nào cho thấy Chúa Giê-su nhanh nhạy nắm bắt cơ hội làm chứng?

10 Chúa Giê-su đã thức canh trong công việc Đức Giê-hô-va giao cho ngài. Có một số công việc không đòi hỏi sự tập trung nhiều, nhân viên vừa làm vừa nghĩ vẩn vơ nhưng không ảnh hưởng mấy đến kết quả công việc. Tuy nhiên, có nhiều việc đòi hỏi sự tỉnh táo và tập trung cao độ, và thánh chức rao giảng là một công việc như thế. Chúa Giê-su luôn tỉnh thức trong công việc này, tìm cơ hội chia sẻ tin mừng. Chẳng hạn, khi ngài và các môn đồ đến thành Si-kha sau một buổi sáng đi bộ mệt mỏi, các môn đồ đi mua đồ ăn còn Chúa Giê-su ngồi lại gần một cái giếng để nghỉ ngơi. Nhưng ngài tiếp tục tỉnh thức và tìm thấy một cơ hội làm chứng. Một phụ nữ Sa-ma-ri đến múc nước. Chúa Giê-su đã có thể tận dụng thời gian đó để nghỉ trưa, hoặc nghĩ ra một số lý do để khỏi phải nói chuyện. Nhưng ngài không làm thế. Trái lại, ngài đã chủ động gợi chuyện với người phụ nữ, và việc làm chứng mạnh mẽ của ngài đã tác động đến đời sống của nhiều người trong thành đó (Giăng 4:4-26, 39-42). Chúng ta có thể theo sát hơn gương thức canh của Chúa Giê-su không? Có lẽ bằng cách nhanh nhạy nắm bắt cơ hội chia sẻ tin mừng cho những người mình gặp hằng ngày?

11, 12. (a) Điều gì cho thấy Chúa Giê-su không để người ta làm ngài sao lãng công việc? (b) Chúa Giê-su tỏ ra thăng bằng như thế nào trong công việc?

11 Chúa Giê-su không để người ta làm ngài sao lãng công việc, dù họ có thiện chí. Tại thành Ca-bê-na-um, đám đông cảm động trước những phép lạ chữa bệnh của ngài đến mức muốn giữ ngài ở lại với họ. Điều đó cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, sứ mệnh của Chúa Giê-su là rao giảng cho tất cả “những con chiên lạc của nhà Y-sơ-ra-ên”, chứ không chỉ cho người tại thành này (Mat 15:24). Vì thế, ngài nói với họ: “Tôi phải rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời ở các thành khác nữa, vì tôi được phái đến để làm việc đó” (Lu 4:40-44). Rõ ràng, đời sống của Chúa Giê-su tập trung vào thánh chức. Ngài không để cho bất cứ điều gì làm ngài phân tâm.

12 Có phải Chúa Giê-su quá chú tâm vào công việc đến độ trở thành một người cuồng tín hay sống khổ hạnh? Có phải ngài mải mê trong thánh chức đến mức làm ngơ trước nhu cầu thực tế của các gia đình? Không, Chúa Giê-su nêu gương tuyệt hảo về sự thăng bằng. Ngài thưởng thức cuộc sống, vui vẻ cùng bạn bè trong nhiều dịp. Ngài quý trọng các gia đình, bày tỏ sự đồng cảm sâu xa trước nhu cầu và vấn đề của họ, đồng thời thoải mái thể hiện sự trìu mến với trẻ nhỏ.—Đọc Mác 10:13-16.

13. Làm sao chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su về việc thức canh và thăng bằng trong công việc rao giảng?

13 Khi noi gương thức canh của Chúa Giê-su, làm sao chúng ta có thể cố gắng thăng bằng như ngài? Chúng ta không để thế gian làm mình phân tâm trong công việc thánh chức. Thậm chí bạn bè và người thân có ý tốt có thể khuyên chúng ta làm thánh chức ít đi hoặc theo đuổi lối sống họ cho là bình thường. Tuy nhiên, nếu noi gương Chúa Giê-su, chúng ta sẽ xem thánh chức như là thức ăn (Giăng 4:34). Công việc ấy nuôi dưỡng chúng ta về tâm linh cũng như mang lại niềm vui thích cho chúng ta. Dù vậy, chúng ta không bao giờ muốn trở thành người cực đoan, sống khổ hạnh hay ra vẻ đạo đức hơn người khác. Như Chúa Giê-su, chúng ta muốn là những tôi tớ vui vẻ và thăng bằng của “Đức Chúa Trời hạnh phúc”.—1 Ti 1:11.

THỨC CANH TRONG LÚC GẶP THỬ THÁCH

14. Trong lúc gặp thử thách, chúng ta cần chống lại khuynh hướng nào? Tại sao?

14 Như chúng ta đã thấy, Chúa Giê-su đưa ra một số lời kêu gọi tha thiết nhất về việc thức canh là khi ngài đang chịu thử thách gay go. (Đọc Mác 14:37). Khi đối mặt với khó khăn, chúng ta cần gương mẫu của ngài hơn bao giờ hết. Trong lúc gặp thử thách, nhiều người có khuynh hướng quên mất một sự thật, là điều quan trọng đến mức được nhắc đến hai lần trong sách Châm-ngôn: “Có một con đường coi dường chánh-đáng cho loài người; nhưng đến cuối-cùng nó thành ra nẻo sự chết” (Châm 14:12; 16:25). Nếu dựa vào ý tưởng riêng, nhất là khi đương đầu với những vấn đề nghiêm trọng, có thể chúng ta đặt mình và người thân yêu vào tình thế nguy hiểm.

15. Người chủ gia đình có thể gặp cám dỗ nào trong thời buổi kinh tế khó khăn?

15 Chẳng hạn, người chủ gia đình có thể gặp áp lực nặng nề trong việc chu cấp vật chất cho “những người mình có trách nhiệm chăm sóc” (1 Ti 5:8). Anh có thể bị cám dỗ nhận một công việc khiến anh thường xuyên bỏ nhóm họp, Buổi thờ phượng của gia đình hay công việc thánh chức. Theo quan điểm của con người, điều anh làm dường như là chính đáng, thậm chí đáng khen. Tuy nhiên, hậu quả rất có thể là sự suy yếu hay chết về mặt tâm linh. Thật tốt hơn biết bao khi làm theo lời khuyên nơi Châm-ngôn 3:5, 6! Vua Sa-lô-môn nói: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”.

16. (a) Chúa Giê-su nêu gương mẫu nào về việc nương cậy nơi sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va thay vì bản thân? (b) Trong thời buổi khó khăn này, nhiều chủ gia đình đang noi gương Chúa Giê-su như thế nào?

16 Khi gặp thử thách, Chúa Giê-su kiên quyết không dựa vào sự hiểu biết riêng. Hãy nghĩ về điều này! Người khôn ngoan nhất từng sống trên đất đã không dựa vào sự khôn ngoan của mình. Chẳng hạn, khi bị Sa-tan cám dỗ, Chúa Giê-su nhiều lần trả lời bằng cụm từ: “Có lời viết” (Mat 4:4, 7, 10). Ngài dựa vào sự khôn ngoan của Cha để kháng cự cám dỗ, qua đó ngài thể hiện tính khiêm nhường, đức tính mà Sa-tan khinh thường và hoàn toàn không có. Chúng ta có làm giống như ngài không? Một người chủ gia đình noi gương thức canh của Chúa Giê-su sẽ để Lời Đức Chúa Trời hướng dẫn, đặc biệt trong thời buổi khó khăn. Trên khắp thế giới, hàng ngàn chủ gia đình đang làm thế. Họ luôn đặt Nước Trời và sự thờ phượng thanh sạch lên hàng đầu trong đời sống, thậm chí trên những nhu cầu vật chất. Làm thế, họ chăm sóc gia đình một cách tốt nhất. Đức Giê-hô-va ban phước cho họ trong nỗ lực chăm sóc gia đình về nhu cầu vật chất, như Lời ngài hứa.—Mat 6:33.

17. Điều gì khiến bạn muốn noi gương thức canh của Chúa Giê-su?

17 Không nghi ngờ gì, Chúa Giê-su là gương mẫu tốt nhất về việc thức canh. Gương của ngài rất thực tế, hữu ích và ngay cả cứu mạng con người. Hãy nhớ rằng Sa-tan muốn ru bạn ngủ về thiêng liêng, tức là yếu đức tin, thờ phượng hời hợt và mất lòng trung kiên (1 Tê 5:6). Đừng để hắn thành công! Hãy noi gương thức canh của Chúa Giê-su trong việc cầu nguyện, rao giảng và khi gặp thử thách. Làm thế, bạn sẽ có đời sống hạnh phúc và thỏa nguyện thậm chí ngay bây giờ, khi thế gian đang suy tàn. Tinh thần thức canh cũng đảm bảo rằng khi Chúa Giê-su đến để kết liễu thế gian, ngài sẽ thấy bạn tỉnh thức và tích cực thi hành ý muốn của Cha ngài. Đức Giê-hô-va sẽ phấn khởi biết dường nào khi ban thưởng cho bạn vì lối sống trung thành!—Khải 16:15.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 6]

Chúa Giê-su rao giảng cho người phụ nữ bên giếng nước. Hằng ngày, bạn tạo những cơ hội nào để rao giảng?

[Hình nơi trang 7]

Chăm sóc tốt cho gia đình về mặt tâm linh cho thấy bạn đang thức canh