Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Hãy mạnh dạn và can đảm’

‘Hãy mạnh dạn và can đảm’

‘Hãy mạnh dạn và can đảm’

“Hãy vững lòng bền chí [“mạnh dạn và cực kỳ can đảm”, Bản Dịch Mới],... Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi”.—GIÔ-SUÊ 1:7-9.

BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?

Hê-nóc và Nô-ê đã thể hiện lòng can đảm qua những cách nào?

Một số phụ nữ thời xưa đã nêu gương về đức tin và lòng can đảm như thế nào?

Những gương nào về lòng can đảm của người trẻ gây ấn tượng với bạn?

1, 2. (a) Có khi chúng ta cần điều gì để giữ lối sống ngay thẳng? (b) Chúng ta sẽ xem xét hai câu hỏi nào?

Can đảm trái ngược với sợ hãi, yếu đuối và hèn nhát. Có thể chúng ta nghĩ người can đảm là người mạnh mẽ, gan dạ, thậm chí dạn dĩ. Nhưng trong đời sống hằng ngày, có khi chỉ để giữ lối sống ngay thẳng, chúng ta cũng cần can đảm.

2 Trong Kinh Thánh, một số người đã dũng cảm khi gặp những tình huống cam go, số khác thì can đảm trong những hoàn cảnh mà hầu hết tôi tớ Đức Giê-hô-va đều gặp phải. Chúng ta học được gì từ những gương can đảm này? Chúng ta có thể biểu lộ lòng can đảm như thế nào?

NHỮNG NHÂN CHỨNG CAN ĐẢM TRONG MỘT THẾ GIAN KHÔNG TIN KÍNH

3. Hê-nóc báo trước điều gì sẽ xảy ra cho những kẻ không tin kính?

3 Trong thế gian gian ác trước trận Nước Lụt thời Nô-ê, một người phải thật can đảm mới có thể làm nhân chứng của Đức Giê-hô-va. Thế mà Hê-nóc, “cháu bảy đời của A-đam”, dạn dĩ rao truyền thông điệp có tính cách tiên tri: “Kìa! Đức Giê-hô-va đã đến với muôn vàn thiên sứ thánh của ngài để xét xử mọi người và kết án những kẻ khinh thường ngài vì mọi hành vi bất kính của họ, vì mọi lời độc địa mà những kẻ tội lỗi ấy đã nói phạm đến ngài” (Giu 14, 15). Hê-nóc dùng thì quá khứ vì lời tiên tri đó chắc chắn sẽ xảy ra. Quả thật, những kẻ không tin kính đã bị hủy diệt trong một trận lụt toàn cầu!

4. Nô-ê “đồng đi cùng Đức Chúa Trời” bất chấp hoàn cảnh nào?

4 Từ thời Hê-nóc đến trận Nước Lụt vào năm 2370 TCN là hơn 650 năm. Trong thời gian đó, Nô-ê sinh ra, lớn lên và lập gia đình. Ông cùng các con đóng một chiếc tàu. Cùng thời đó, các thiên sứ gian ác biến thành người, ăn ở với những phụ nữ đẹp trên đất và sinh ra những người to lớn lạ thường. Hơn nữa, sự gian ác của con người lan tràn khắp nơi, đâu đâu cũng có bạo lực (Sáng 6:1-5, 9, 11). Bất chấp hoàn cảnh đó, “Nô-ê... đồng đi cùng Đức Chúa Trời”. Ông dạn dĩ làm chứng với tư cách là “người rao giảng sự công chính”. (Đọc 2 Phi-e-rơ 2:4, 5). Chúng ta cần can đảm như thế trong những ngày sau cùng này.

HỌ ĐÃ THỂ HIỆN ĐỨC TIN VÀ LÒNG CAN ĐẢM

5. Môi-se đã thể hiện đức tin và lòng can đảm như thế nào?

5 Môi-se đã nêu gương về đức tin và lòng can đảm (Hê 11:24-27). Từ 1513-1473 TCN, Đức Chúa Trời dùng ông để dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập và hướng dẫn họ trong hoang mạc. Dù cảm thấy không đủ khả năng, Môi-se vẫn nhận nhiệm vụ (Xuất 6:12). Nhiều lần, ông và anh trai là A-rôn trình diện trước Pha-ra-ôn tàn bạo của Ai Cập, can đảm thông báo Mười Tai Vạ mà Đức Giê-hô-va dùng để sỉ nhục các thần của xứ này cũng như giải cứu dân ngài (Xuất, chương 7-12). Môi-se đã thể hiện đức tin và lòng can đảm vì ông luôn được Đức Chúa Trời trợ giúp, và chúng ta cũng thế.—Phục 33:27.

6. Nếu bị chính quyền chất vấn, điều gì giúp chúng ta can đảm làm chứng?

6 Chúng ta cần can đảm như Môi-se, vì Chúa Giê-su nói: “Anh em sẽ vì cớ tôi mà bị giải đến trước mặt vua chúa và quan quyền để làm chứng cho họ cùng các dân ngoại. Khi bị nộp, chớ lo sợ mình phải nói gì và nói thế nào, vì những điều anh em phải nói sẽ được mách bảo vào lúc đó. Thật vậy, không phải tự anh em nói, mà nhờ thần khí của Cha trên trời giúp anh em” (Mat 10:18-20). Nếu chúng ta bị chính quyền chất vấn, thần khí của Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta làm chứng theo cách tôn trọng, với đức tin và lòng can đảm.—Đọc Lu-ca 12:11, 12.

7. Nhờ đâu Giô-suê có lòng can đảm và được thành công?

7 Người kế nhiệm Môi-se là Giô-suê có đức tin và lòng can đảm nhờ đều đặn học Luật pháp của Đức Chúa Trời. Năm 1473 TCN, dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị vào Đất Hứa. Đức Chúa Trời phán với Giô-suê: “Hãy vững lòng bền chí [“mạnh dạn và cực kỳ can đảm”, BDM]”. Nếu làm theo Luật pháp, Giô-suê sẽ hành động khôn ngoan và được thành công. Đức Giê-hô-va động viên ông: “Chớ run-sợ, chớ kinh-khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Giô-suê 1:7-9). Những lời đó hẳn làm vững mạnh Giô-suê biết bao! Thật vậy, Đức Giê-hô-va đã ở cùng ông, vì chỉ sau sáu năm, vào năm 1467 TCN, dân Y-sơ-ra-ên đã chinh phục phần lớn Đất Hứa.

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ CAN ĐẢM

8. Ra-háp đã nêu gương về đức tin và lòng can đảm như thế nào?

8 Suốt hàng thế kỷ, nhiều phụ nữ đã chứng tỏ là những tôi tớ can đảm của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, kỹ nữ Ra-háp, sống ở thành Giê-ri-cô, đã thể hiện đức tin nơi Đức Chúa Trời. Bà can đảm giấu hai người do thám được Giô-suê phái đi, sau đó đánh lạc hướng những thuộc hạ của vua thành đó. Ra-háp và người nhà được bảo toàn tính mạng khi dân Y-sơ-ra-ên chiếm thành Giê-ri-cô. Sau đó, bà bỏ nghề sai trái, trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va và trở thành tổ mẫu của Đấng Mê-si (Giô-suê 2:1-6; 6:22, 23; Mat 1:1, 5). Vì có đức tin và lòng can đảm, Ra-háp đã nhận được phần thưởng lớn biết bao!

9. Đê-bô-ra, Ba-rác và Gia-ên đã thể hiện lòng can đảm như thế nào?

9 Sau khi Giô-suê qua đời vào khoảng năm 1450 TCN, dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu có các quan xét. Vua Ca-na-an là Gia-bin đã đàn áp dân Y-sơ-ra-ên trong 20 năm, và Đức Chúa Trời dùng nữ tiên tri Đê-bô-ra thúc đẩy quan xét Ba-rác ra tay hành động. Ba-rác triệu tập 10.000 binh lính trên núi Tha-bô và sẵn sàng nghênh chiến với quân của Gia-bin bao gồm 900 cỗ xe ngựa. Dưới sự chỉ huy của Si-sê-ra, đội quân của Gia-bin đã tiến vào trũng Ki-sôn. Khi quân Y-sơ-ra-ên tiến vào vùng này, Đức Chúa Trời gây ra một trận lũ chớp nhoáng khiến chiến trường trở nên lầy lội và các cỗ xe ngựa của Si-sê-ra mắc kẹt. Quân của Ba-rác đã chiến thắng và “cả đạo binh Si-sê-ra bị gươm giết”. Si-sê-ra chạy đến lều của Gia-ên để trú náu, nhưng khi ông đang ngủ, Gia-ên đã giết ông. Đúng như Đê-bô-ra đã tiên tri với Ba-rác, “sự vinh-hiển” của chiến thắng này thuộc về một người nữ, là Gia-ên. Vì Đê-bô-ra, Ba-rác và Gia-ên đã can đảm hành động, nên xứ Y-sơ-ra-ên “được hòa-bình trong bốn mươi năm” (Quan 4:1-9, 14-22; 5:20, 21, 31). Nhiều người nam và nữ tin kính khác cũng thể hiện đức tin và lòng can đảm như thế.

LỜI NÓI CÓ THỂ TRUYỀN SỰ CAN ĐẢM

10. Trường hợp nào cho thấy lời nói có thể truyền sự can đảm?

10 Lời nói của chúng ta có thể truyền sự can đảm cho tôi tớ khác của Đức Giê-hô-va. Vào thế kỷ 11 TCN, vua Đa-vít nói với con trai là Sa-lô-môn: “Hãy vững lòng bền chí [“mạnh mẽ và can đảm lên”, BDM] mà làm; chớ sợ-sệt, chớ kinh-hãi chi, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tức là Đức Chúa Trời của cha, vẫn ở cùng con; Ngài chẳng hề từ-bỏ con, cũng chẳng hề lìa khỏi con cho đến chừng các công-việc cất đền của Đức Giê-hô-va được xong” (1 Sử 28:20). Sa-lô-môn đã can đảm hành động và xây đền thờ nguy nga cho Đức Giê-hô-va tại Giê-ru-sa-lem.

11. Lời nói can đảm của một em gái Y-sơ-ra-ên đã làm thay đổi đời sống của một người như thế nào?

11 Vào thế kỷ thứ mười TCN, những lời can đảm của một em gái Y-sơ-ra-ên đã làm thay đổi đời sống của tướng chỉ huy quân đội Sy-ri là Na-a-man, người bị phong cùi. Em đã bị một toán cướp bắt đi và trở thành đầy tớ trong nhà Na-a-man. Vì biết các phép lạ Đức Giê-hô-va đã thực hiện qua nhà tiên tri Ê-li-sê, em nói với bà chủ là nếu chồng bà đến nước Y-sơ-ra-ên, nhà tiên tri của Đức Chúa Trời sẽ chữa bệnh cho ông. Na-a-man đã làm theo và được chữa khỏi bệnh bằng phép lạ; ông cũng trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va (2 Vua 5:1-3, 10-17). Nếu bạn là người trẻ yêu mến Đức Giê-hô-va như em gái ấy, ngài sẽ cho bạn sự can đảm để làm chứng cho thầy cô, bạn học và những người khác.

12. Những lời của vua Ê-xê-chia đã tác động đến dân Giu-đa như thế nào?

12 Trong lúc nguy khốn, những lời khéo chọn có thể truyền sự can đảm. Vào thế kỷ thứ tám TCN, khi quân A-si-ri tấn công Giê-ru-sa-lem, vua Ê-xê-chia nói với thần dân: “Khá vững lòng bền chí [“mạnh mẽ và can đảm lên”, BDM], chớ sợ, chớ kinh-hãi trước mặt vua A-si-ri và đám quân đông-đảo theo người; vì có một Đấng ở cùng chúng ta thắng hơn kẻ ở với họ: với người chỉ một cánh tay xác-thịt; còn với chúng ta có Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta, đặng giúp-đỡ và chiến-tranh thế cho chúng ta”. Những lời đó tác động đến dân Giu-đa như thế nào? Họ trở nên can đảm hơn. Kinh Thánh nói: “Dân-sự bèn nương-cậy nơi lời của Ê-xê-chia, vua Giu-đa”! (2 Sử 32:7, 8). Những lời như thế có thể giúp chúng ta và tín đồ khác can đảm khi bị bắt bớ.

13. Quan tổng quản Áp-đia đã nêu gương can đảm như thế nào?

13 Đôi khi, lòng can đảm được thể hiện qua việc giữ kín thông tin. Vào thế kỷ thứ mười TCN, quan tổng quản trong cung vua A-háp là Áp-đia đã can đảm giấu một trăm nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va trong hang, “mỗi hang năm mươi người”, để họ không bị hoàng hậu Giê-sa-bên gian ác giết (1 Vua 18:4). Như Áp-đia, nhiều tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va thời nay can đảm bảo vệ anh em đồng đạo bằng cách không tiết lộ thông tin của anh em cho những người bắt bớ.

Ê-XƠ-TÊ—HOÀNG HẬU CAN ĐẢM

14, 15. Hoàng hậu Ê-xơ-tê đã thể hiện đức tin và lòng can đảm như thế nào? Kết quả là gì?

14 Hoàng hậu Ê-xơ-tê đã thể hiện đức tin và lòng can đảm nổi bật. Vào thế kỷ thứ năm TCN, kẻ độc ác Ha-man lập mưu diệt hết dân Do Thái trên khắp đế quốc Phe-rơ-sơ. Vì thế, người Do Thái đã than khóc, kiêng ăn và chắc chắn cũng cầu nguyện khẩn thiết (Ê-xơ-tê 4:1-3). Hoàng hậu Ê-xơ-tê rất đau buồn. Anh họ bà là Mạc-đô-chê gửi cho bà một bản sao của lệnh tuyệt diệt, đề nghị bà đến yết kiến vua và xin tha cho người Do Thái, là đồng hương của bà. Tuy nhiên, bất cứ ai gặp vua mà không được triệu đến đều sẽ bị xử tử.—Ê-xơ-tê 4:4-11.

15 Dù vậy, Mạc-đô-chê nói với Ê-xơ-tê: ‘Nếu ngươi làm thinh trong lúc nầy đây, dân Giu-đa hẳn sẽ được giải-cứu bởi cách khác, song nào ai biết rằng chẳng phải vì cớ cơ-hội hiện lúc nầy mà ngươi được vị hoàng-hậu sao?’. Ê-xơ-tê bảo Mạc-đô-chê nhóm người Do Thái lại tại Su-sơ và kiêng ăn vì bà. Bà nói: “Tôi... cũng sẽ kiêng-cữ ăn nữa; như vậy, tôi sẽ vào cùng vua, là việc trái luật-pháp; nếu tôi phải chết thì tôi chết” (Ê-xơ-tê 4:12-17). Ê-xơ-tê can đảm hành động, và sách mang tên bà cho biết Đức Chúa Trời đã giải cứu dân ngài. Vào thời chúng ta, các tín đồ được xức dầu và bạn đồng hành của họ thể hiện lòng can đảm tương tự trong lúc gặp thử thách, và “Đấng nghe lời cầu-nguyện” luôn ở cùng họ.—Đọc Thi-thiên 65:2; 118:6.

“HÃY CAN ĐẢM LÊN!”

16. Chúa Giê-su đã nêu gương mẫu nào cho tín đồ trẻ?

16 Vào thế kỷ thứ nhất, khi Chúa Giê-su 12 tuổi, có lần người ta tìm thấy ngài trong đền thờ, “đang ngồi giữa các thầy dạy đạo, vừa lắng nghe vừa đặt câu hỏi”. Không những thế, “ai nghe cũng đều kinh ngạc trước sự hiểu biết và lời đối đáp của ngài” (Lu 2:41-50). Dù còn trẻ, Chúa Giê-su có đủ đức tin và lòng can đảm để đặt câu hỏi cho những thầy dạy đạo lớn tuổi trong đền thờ. Ghi nhớ gương của Chúa Giê-su sẽ giúp những tín đồ trẻ tận dụng mọi cơ hội để “bênh vực niềm hy vọng của mình khi có bất cứ ai chất vấn”.—1 Phi 3:15.

17. Tại sao Chúa Giê-su thúc giục các môn đồ “hãy can đảm lên”? Tại sao chúng ta cần can đảm?

17 Chúa Giê-su thúc giục các môn đồ hãy can đảm. Ngài nói với họ: “Kìa! Giờ sẽ đến và sắp đến rồi, anh em sẽ bị phân tán, ai về nhà nấy và bỏ tôi lại một mình; nhưng tôi không đơn độc đâu, vì Cha ở cùng tôi. Tôi nói những điều ấy cho anh em để nhờ tôi mà anh em được bình an. Anh em sẽ gặp hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy can đảm lên! Tôi đã thắng thế gian” (Giăng 16:32, 33). Như các môn đồ thời ban đầu, chúng ta cũng bị thế gian thù ghét. Thế nhưng, đừng để áp lực này khiến chúng ta trở nên giống thế gian. Suy ngẫm về lòng can đảm của Con Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta can đảm giữ mình tách biệt khỏi thế gian ô uế này. Chúa Giê-su đã thắng thế gian, và chúng ta cũng có thể làm được.—Giăng 17:16; Gia 1:27.

“HÃY GIỮ VỮNG LÒNG CAN ĐẢM!”

18, 19. Sứ đồ Phao-lô thể hiện đức tin và lòng can đảm như thế nào?

18 Sứ đồ Phao-lô đã chịu nhiều thử thách. Một lần nọ, nếu lính La Mã không can thiệp kịp thời thì người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem đã xé xác ông. Ban đêm, “Chúa đến nói với ông: ‘Hãy giữ vững lòng can đảm! Anh đã làm chứng cặn kẽ về tôi ở thành Giê-ru-sa-lem thế nào thì cũng phải làm chứng như vậy ở thành Rô-ma’” (Công 23:11). Phao-lô đã làm theo lời đó.

19 Phao-lô đã mạnh dạn khiển trách “những sứ đồ siêu đẳng” tìm cách đầu độc hội thánh ở Cô-rinh-tô (2 Cô 11:5; 12:11). Khác với họ, ông có thể đưa ra những bằng chứng về chức sứ đồ của mình: bị tù đày, đánh đập, trải qua những chuyến hành trình đầy gian khổ, gặp bao nguy hiểm khác, chịu đói, chịu khát và thức đêm, cũng như trăn trở, lo lắng cho anh em đồng đạo. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 11:23-28). Quả là những bằng chứng về đức tin và lòng can đảm, chứng tỏ sức mạnh đến từ Đức Chúa Trời!

20, 21. (a) Hãy kể một kinh nghiệm cho thấy chúng ta phải tiếp tục can đảm. (b) Chúng ta cần thể hiện lòng can đảm trong những hoàn cảnh nào? Chúng ta có thể tin chắc điều gì?

20 Không phải tín đồ đạo Đấng Ki-tô nào cũng trải qua những bắt bớ khắc nghiệt. Thế nhưng, tất cả đều phải can đảm để đương đầu với những thử thách trong đời sống. Ví dụ: Một thanh niên ở Brazil thuộc một băng đảng. Khi tìm hiểu Kinh Thánh, anh thấy mình cần phải thay đổi, nhưng thường thì bất cứ thành viên nào ly khai khỏi băng đảng đều bị giết. Anh đã cầu nguyện và dùng Kinh Thánh để giải thích cho người cầm đầu hiểu tại sao anh không thể ở lại băng nhóm. Sau đó, anh được tự do mà không bị làm hại gì, và anh trở thành người công bố về Nước Trời.

21 Tính can đảm là cần thiết trong công việc rao giảng tin mừng. Những tín đồ trẻ cần đức tính này để giữ lòng trung kiên khi ở trường. Có thể một số anh chị phải can đảm xin nghỉ làm để tham dự đầy đủ chương trình hội nghị. Còn nhiều trường hợp khác nữa. Bất kể chúng ta phải đương đầu với thử thách nào, Đức Giê-hô-va sẽ nghe những “lời cầu nguyện với đức tin” của chúng ta (Gia 5:15). Và chắc chắn ngài có thể ban thần khí để giúp chúng ta ‘mạnh dạn và can đảm’!

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 11]

Hê-nóc can đảm rao giảng trong một thế gian không tin kính

[Hình nơi trang 12]

Gia-ên mạnh mẽ và can đảm