Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thể hạnh phúc trong gia đình không cùng tôn giáo

Bạn có thể hạnh phúc trong gia đình không cùng tôn giáo

Bạn có thể hạnh phúc trong gia đình không cùng tôn giáo

“Hỡi người làm vợ, biết đâu chị sẽ cứu được chồng mình? Hỡi người làm chồng, biết đâu anh sẽ cứu được vợ mình?”.—1 CÔ 7:16.

BẠN CÓ THỂ TRẢ LỜI?

Người tin đạo có thể làm gì để vun đắp sự hòa thuận trong gia đình không cùng tôn giáo?

Một tín đồ có thể giúp người thân không tin đạo chấp nhận sự thờ phượng thật như thế nào?

Những người khác có thể làm gì để giúp anh em đồng đạo sống trong gia đình không cùng tôn giáo?

1. Gia đình có thể phản ứng thế nào khi một thành viên chấp nhận thông điệp Nước Trời?

Vào một dịp, khi sai các sứ đồ đi rao giảng, Chúa Giê-su căn dặn họ: “Khi đi, hãy rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã đến gần’” (Mat 10:1, 7). Những người chấp nhận và quý trọng tin mừng này sẽ được bình an và hạnh phúc. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cảnh báo các sứ đồ rằng nhiều người sẽ chống đối công việc rao giảng về Nước Trời (Mat 10:16-23). Đặc biệt đau lòng là khi những người thân trong gia đình bác bỏ thông điệp Nước Trời.—Đọc Ma-thi-ơ 10:34-36.

2. Tại sao các tín đồ sống trong gia đình không cùng tôn giáo có thể hạnh phúc?

2 Phải chăng điều này có nghĩa là tín đồ đạo Đấng Ki-tô sống trong gia đình không cùng tôn giáo không thể hạnh phúc? Hoàn toàn không phải vậy. Dù một số anh chị bị gia đình chống đối dữ dội nhưng không phải ai cũng ở trong tình cảnh đó. Ngoài ra, sự chống đối từ gia đình cũng không nhất thiết kéo dài mãi. Điều này phụ thuộc phần nào vào cách người tín đồ phản ứng trước sự chống đối hay thờ ơ của người thân. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va ban phước cho những người trung thành với ngài, giúp họ giữ niềm vui bất chấp hoàn cảnh không thuận lợi. Các tín đồ có thể hạnh phúc hơn khi (1) nỗ lực vun đắp sự hòa thuận trong gia đình và (2) thật lòng cố gắng giúp người thân không cùng đức tin chấp nhận sự thờ phượng thật.

HÃY VUN ĐẮP SỰ HÒA THUẬN TRONG GIA ĐÌNH

3. Tại sao một tín đồ sống trong gia đình không cùng tôn giáo nên vun đắp sự hòa thuận?

3 Để hạt giống của sự công chính đơm hoa kết trái trong môi trường gia đình thì sự hòa thuận là điều thiết yếu. (Đọc Gia-cơ 3:18). Ngay cả khi sống trong gia đình chưa hợp nhất trong sự thờ phượng thanh sạch thì người tín đồ vẫn phải ra sức cố gắng vun đắp sự hòa thuận với người thân. Làm sao đạt được điều đó?

4. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể duy trì sự bình an nội tâm qua những cách nào?

4 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải giữ sự bình an nội tâm. Để làm thế, chúng ta cần cầu nguyện hết lòng, vì Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta sự bình an không gì sánh được (Phi-líp 4:6, 7). Chúng ta sẽ có sự bình an và hạnh phúc khi tiếp thu sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va và áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh trong đời sống (Ê-sai 54:13). Ngoài ra, chúng ta cũng cần tham gia vào các buổi họp của hội thánh và sốt sắng rao giảng để có sự bình an và hạnh phúc. Thường thì các tín đồ sống trong gia đình không cùng tôn giáo có thể tìm được cách để làm những việc quan trọng kể trên. Thí dụ, hãy xem trường hợp của chị Duyên *, người bị chồng chống đối dữ dội. Chị tham gia công việc đào tạo môn đồ sau khi hoàn tất công việc nhà. Chị nói: “Mỗi khi cố gắng chia sẻ tin mừng với người khác, tôi đều nhận được kết quả tốt nhờ sự ban phước dồi dào của Đức Giê-hô-va”. Những ân phước như thế chắc chắn mang lại sự bình an, thỏa nguyện và hạnh phúc.

5. Những tín đồ sống trong gia đình không cùng tôn giáo thường phải đương đầu với khó khăn nào? Điều gì có thể giúp họ?

5 Chúng ta cần nỗ lực để vun đắp mối quan hệ hòa thuận với người thân không tin đạo. Điều này có thể là khó vì đôi khi họ muốn chúng ta làm những điều trái với nguyên tắc Kinh Thánh. Việc chúng ta kiên quyết giữ vững các tiêu chuẩn đúng đắn có thể làm một số người thân khó chịu, nhưng về lâu về dài lập trường đó sẽ thúc đẩy sự hòa thuận. Dĩ nhiên, nếu chúng ta cứ cứng nhắc trong những việc không vi phạm nguyên tắc Kinh Thánh thì điều này có thể gây ra bất đồng không cần thiết. (Đọc Châm-ngôn 16:7). Khi đương đầu với thử thách, tìm kiếm lời khuyên dựa trên Kinh Thánh trong những ấn phẩm do lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp cũng như từ các trưởng lão là điều quan trọng.—Châm 11:14.

6, 7. (a) Tại sao một số người chống đối khi người thân bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va? (b) Một người đang học Kinh Thánh hoặc một tín đồ nên phản ứng thế nào trước sự chống đối của gia đình?

6 Để vun đắp sự hòa thuận trong gia đình, chúng ta cần tin cậy Đức Giê-hô-va và thấu hiểu cảm xúc của người thân không tin đạo (Châm 16:20; 20:5). Ngay cả những học viên Kinh Thánh mới cũng cần cố gắng làm thế. Một số người chồng hoặc vợ không phản đối người hôn phối học Kinh Thánh. Thậm chí họ có thể công nhận điều đó là tốt cho gia đình. Tuy nhiên có những trường hợp người hôn phối lại chống đối gay gắt. Chị Thanh, giờ là một Nhân Chứng, thừa nhận rằng chị đã “vô cùng tức giận” khi chồng chị bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị nói: “Lúc thì tôi quăng đi, lúc thì tôi đốt bỏ sách báo của chồng”. Anh Hiếu, người mới đầu chống đối vợ học Kinh Thánh, nhận xét: “Nhiều người chồng lo là vợ bị lừa theo một giáo phái nào đó. Có thể vì không biết cách đối phó với nỗi lo sợ này mà người chồng quay sang chống đối vợ”.

7 Chúng ta nên giúp học viên Kinh Thánh bị người hôn phối chống đối thấy rằng người ấy không cần phải ngưng học Kinh Thánh. Thường thì người ấy có thể giải quyết vấn đề bằng cách tỏ thái độ ôn hòa và tôn trọng bạn đời không tin đạo (1 Phi 3:15). Anh Hiếu nói: “Tôi rất biết ơn vì cô ấy đã điềm tĩnh và không phản ứng quá mạnh!”. Vợ anh giải thích: “Anh Hiếu bắt tôi bỏ học Kinh Thánh. Anh ấy nói là tôi đang bị tẩy não. Thay vì tranh cãi, tôi nói rằng có thể anh đúng nhưng tôi không hiểu làm sao điều như vậy có thể xảy ra được. Thế nên, tôi nhờ anh đọc sách mà tôi đang học. Anh đã làm vậy và không thể không đồng ý với những gì ghi trong đó. Điều này tác động sâu sắc đến anh”. Hãy nhớ rằng người hôn phối không tin đạo có thể cảm thấy bị bỏ rơi hoặc bất an khi vợ hay chồng mình đi tham gia các hoạt động của đạo Đấng Ki-tô. Thế nhưng, những lời trấn an đầy yêu thương có thể làm những cảm giác đó nguôi bớt đi.

HÃY GIÚP HỌ CHẤP NHẬN SỰ THỜ PHƯỢNG THẬT

8. Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ có người hôn phối không tin đạo điều gì?

8 Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô đừng bỏ người hôn phối chỉ vì người ấy không tin đạo *. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 7:12-16). Một điều có thể giúp người tín đồ giữ được niềm vui là ghi nhớ rằng có thể một ngày nào đó người hôn phối sẽ trở thành Nhân Chứng. Tuy nhiên, người tín đồ cần thận trọng khi nỗ lực giúp người hôn phối hiểu sự thật Kinh Thánh, như kinh nghiệm sau cho thấy.

9. Khi chia sẻ sự thật Kinh Thánh với người thân, người tín đồ cần thận trọng về điều gì?

9 Nhớ lại phản ứng của mình khi mới biết sự thật Kinh Thánh, anh Sơn nói: “Tôi muốn nói cho tất cả mọi người biết!”. Khi một học viên Kinh Thánh nhận ra những gì mình học là sự thật, người ấy có thể hạnh phúc đến nỗi gần như lúc nào cũng nói về điều đó. Có lẽ người ấy nghĩ người thân sẽ chấp nhận thông điệp Nước Trời ngay lập tức, nhưng có thể họ phản ứng ngược lại. Trước sự nhiệt tình ban đầu của anh Sơn, vợ anh cảm thấy thế nào? Chị nhớ lại: “Tôi cảm thấy bị choáng ngợp”. Một phụ nữ chấp nhận sự thật Kinh Thánh sau chồng 18 năm nói: “Riêng tôi, tôi cần tìm hiểu dần dần”. Nếu một học viên Kinh Thánh của bạn có người hôn phối không muốn đi theo sự thờ phượng thật, tại sao không đều đặn có những buổi tập dượt để giúp người ấy ứng phó với các tình huống một cách tế nhị? Môi-se nói: “Giáo huấn của tôi như giọt mưa thánh thót, lời tôi dạy bảo tựa sương móc nhỏ sa, khác nào mưa rơi trên nội cỏ” (Phục 32:2, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Thật vậy, chia sẻ sự thật Kinh Thánh với người thân một cách nhỏ giọt thường tốt hơn là tuôn xối xả.

10-12. (a) Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra lời khuyên nào cho các tín đồ có người hôn phối không tin đạo? (b) Một học viên Kinh Thánh đã học cách áp dụng lời khuyên nơi 1 Phi-e-rơ 3:1, 2 như thế nào?

10 Được thần khí hướng dẫn, sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra một lời khuyên cho những người vợ tin đạo đang sống trong gia đình không cùng tôn giáo. Ông viết: “Hãy vâng phục chồng, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo lời Đức Chúa Trời thì cũng được cảm hóa bởi hạnh kiểm của chị, mà không cần phải nói lời nào, vì anh ấy chứng kiến cách ăn ở thanh sạch và lòng kính trọng sâu xa của chị” (1 Phi 3:1, 2). Một nữ tín đồ có thể giúp chồng chấp nhận sự thờ phượng thật bằng cách vâng phục và tôn trọng chồng sâu xa, ngay cả khi anh đối xử khắc nghiệt với chị. Tương tự, một người chồng tin đạo nên có lối sống tin kính và là người chủ gia đình yêu thương bất kể bị vợ chống đối thế nào.—1 Phi 3:7-9.

11 Nhiều trường hợp thời nay cho thấy lợi ích của việc áp dụng lời khuyên của Phi-e-rơ. Hãy xem trường hợp của chị Sương. Khi chị bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, chồng chị là anh Bảo không hài lòng. Anh thừa nhận: “Tôi trở nên tức giận, ghen tị, bất an và muốn độc chiếm vợ”. Chị Sương nói là ngay cả khi chưa biết sự thật Kinh Thánh, chị đã phải thận trọng trong từng lời nói và hành động khi sống với anh Bảo. Chị cho biết: “Tính chồng tôi rất nóng nảy. Khi tôi bắt đầu học Kinh Thánh, tính khí ấy càng mạnh hơn”. Điều gì đã giúp họ?

12 Chị Sương nhớ lại bài học nhận được từ người giúp chị học Kinh Thánh. Chị nói: “Có một hôm tôi không muốn học Kinh Thánh. Đêm trước đó, anh Bảo đã đánh tôi khi tôi cố bảo vệ quan điểm của mình, tôi thấy buồn cũng như tủi thân. Sau khi tôi kể cho chị Nhân Chứng nghe chuyện gì đã xảy ra và tôi cảm thấy thế nào, chị bảo tôi đọc 1 Cô-rinh-tô 13:4-7. Đọc xong, tôi bắt đầu lý luận: ‘Anh Bảo chưa bao giờ thể hiện bất cứ hành động yêu thương nào trong số đó với mình’. Nhưng chị ấy giúp tôi thay đổi suy nghĩ bằng cách hỏi: ‘Chị đã thể hiện với anh ấy bao nhiêu hành động yêu thương trong số đó?’. Tôi trả lời: ‘Không một hành động nào, vì anh ấy là người khó mà sống chung được’. Chị Nhân Chứng nhẹ nhàng nói: ‘Chị Sương, ai là người đang cố gắng làm môn đồ Chúa Giê-su? Chị hay anh Bảo?’. Nhận thấy mình phải điều chỉnh lối suy nghĩ, tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp tôi thể hiện tình yêu thương nhiều hơn với chồng. Dần dần, mọi chuyện bắt đầu thay đổi”. Sau 17 năm, anh Bảo đã chấp nhận sự thật Kinh Thánh.

CÁCH NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ GIÚP

13, 14. Bằng cách nào các anh chị trong hội thánh có thể hỗ trợ những anh chị sống trong gia đình không cùng tôn giáo?

13 Như những giọt mưa nhẹ nhàng thấm sâu vào lòng đất và giúp cây cỏ lớn lên, những hành động tử tế của anh chị trong hội thánh góp phần giúp các tín đồ sống trong gia đình không cùng tôn giáo được hạnh phúc. Chị Elvina ở Brazil nói: “Tình yêu thương của các anh chị đã giúp tôi đứng vững trong sự thật”.

14 Cách đối xử tử tế và sự quan tâm của các anh chị trong hội thánh có thể tác động nhiều đến lòng người không tin đạo. Một người chồng ở Nigeria trở thành Nhân Chứng sau vợ 13 năm nói: “Khi tôi đang đi cùng một anh Nhân Chứng thì xe của anh bị hỏng. Anh tìm được những Nhân Chứng ở làng bên cạnh, và họ cho chúng tôi ở nhờ qua đêm. Họ chăm sóc chúng tôi như thể chúng tôi đã biết họ từ khi còn nhỏ vậy. Ngay lập tức, tôi cảm nhận được tình yêu thương của đạo Đấng Ki-tô mà vợ tôi luôn nhắc đến”. Một người vợ ở nước Anh làm báp-têm sau chồng 18 năm, chị nhớ lại: “Các anh chị Nhân Chứng hay mời vợ chồng tôi dùng bữa. Tôi đã luôn cảm thấy được chào đón” *. Cũng ở nước ấy, một người chồng kể lại lúc anh chưa là Nhân Chứng: “Các anh chị đến thăm hoặc mời chúng tôi tới nhà họ, tôi thấy họ ân cần với chúng tôi. Điều này càng dễ nhận thấy khi tôi nằm viện và nhiều anh chị đã tới thăm tôi”. Bạn có thể tìm cách thể hiện sự quan tâm như thế đối với những người không tin đạo trong gia đình các anh chị khác không?

15, 16. Điều gì có thể giúp một tín đồ giữ niềm vui khi người thân không hưởng ứng?

15 Tất nhiên, không phải tất cả người hôn phối, con cái, cha mẹ hay những người thân khác đều chấp nhận sự thờ phượng thật, cho dù người tín đồ sống gương mẫu và làm chứng tế nhị trong nhiều năm. Một vài người tiếp tục thờ ơ hoặc không bớt chống đối (Mat 10:35-37). Tuy nhiên, việc người tín đồ thể hiện các đức tính tin kính có thể mang lại kết quả tốt. Một người chồng trước đây không tin đạo nói: “Khi người tin đạo bắt đầu để cho các đức tính đáng yêu đó tỏa sáng, bạn không biết điều gì đang diễn ra trong lòng và trí của người hôn phối không tin đạo. Vì thế đừng bao giờ bỏ cuộc khi giúp người hôn phối không tin đạo”.

16 Ngay cả khi người thân trong gia đình không trở thành Nhân Chứng, người tín đồ vẫn có thể hạnh phúc. Một chị đã cố gắng làm chứng cho chồng 21 năm, nhưng anh vẫn không hưởng ứng. Chị nói: “Tôi có thể giữ niềm vui nhờ cố gắng làm vui lòng Đức Giê-hô-va, trung thành với ngài và hành động để củng cố tình trạng thiêng liêng của mình. Việc giữ mình bận rộn với các hoạt động thiêng liêng—học hỏi cá nhân, đi nhóm họp, rao giảng và giúp các anh chị trong hội thánh—đã giúp tôi đến gần Đức Giê-hô-va hơn và giữ gìn lòng mình”.—Châm 4:23.

ĐỪNG BỎ CUỘC!

17, 18. Bằng cách nào một tín đồ có thể giữ niềm hy vọng dù sống trong gia đình không cùng tôn giáo?

17 Nếu bạn là một tín đồ trung thành sống trong gia đình không cùng tôn giáo, đừng bỏ cuộc. Hãy nhớ rằng “Đức Giê-hô-va vì cớ danh lớn mình, sẽ chẳng từ bỏ dân-sự Ngài” (1 Sa 12:22). Ngài luôn ở cùng bạn, miễn là bạn gắn bó với ngài. (Đọc 2 Sử-ký 15:2). Vậy, hãy tìm niềm vui khi học về Đức Giê-hô-va và “nhờ-cậy nơi Ngài” (Thi 37:4, 5). Hãy “kiên trì cầu nguyện” và tin rằng Cha yêu thương trên trời có thể giúp bạn chịu đựng mọi hoàn cảnh khó khăn.—Rô 12:12.

18 Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí giúp bạn vun đắp sự hòa thuận trong gia đình (Hê 12:14). Vâng, bạn có thể góp phần tạo nên bầu không khí hòa thuận, và với thời gian có thể điều đó sẽ động đến lòng người thân không tin đạo. Bạn sẽ cảm nghiệm được niềm hạnh phúc và sự bình an tâm trí khi “làm mọi việc vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (1 Cô 10:31). Trong khi cố gắng làm thế, hẳn bạn ấm lòng biết bao khi biết mình có sự trợ giúp đầy yêu thương của các anh chị trong hội thánh!

[Chú thích]

^ đ. 4 Các tên đã được thay đổi.

^ đ. 8 Lời khuyên của Phao-lô không có nghĩa là tín đồ đạo Đấng Ki-tô không được phép ly thân trong những tình huống nghiêm trọng. Đây là quyết định cá nhân và phải được cân nhắc kỹ. Xin xem sách Hãy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, trang 220, 221.

^ đ. 14 Kinh Thánh không cấm ăn chung với người không cùng đức tin.—1 Cô 10:27.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 28]

Hãy chọn đúng thời điểm để giải thích niềm tin

[Hình nơi trang 29]

Hãy quan tâm đến người hôn phối không tin đạo