Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúa Giê-su Ki-tô—Những thắc mắc được giải đáp

Chúa Giê-su Ki-tô—Những thắc mắc được giải đáp

Chúa Giê-su Ki-tô​—Những thắc mắc được giải đáp

“Dân chúng nói tôi là ai?”.—LU-CA 9:18.

Chúa Giê-su hỏi các môn đồ câu hỏi đó vì ngài biết dân chúng có những ý kiến khác nhau về ngài. Đáng lẽ người ta không nên bối rối như thế vì Chúa Giê-su không phải là người sống ẩn dật và hành động bí mật. Trái lại, ngài tiếp xúc với mọi người tại những nơi công cộng như các làng và thành. Ngài rao giảng và dạy dỗ công khai vì muốn người ta biết sự thật về ngài.—Lu-ca 8:1.

Chúng ta có thể hiểu sự thật về Chúa Giê-su qua lời nói và hành động của ngài, được ghi lại trong bốn sách Phúc âm của Kinh Thánh là Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng. Các sách ấy được Đức Chúa Trời hướng dẫn, và là cơ sở để giải đáp những thắc mắc về Chúa Giê-su. *Giăng 17:17.

THẮC MẮC: Chúa Giê-su là một nhân vật lịch sử?

GIẢI ĐÁP: Đúng. Các sử gia ngoài đời, trong đó có Josephus và Tacitus sống vào thế kỷ thứ nhất, nhắc đến Chúa Giê-su như một nhân vật lịch sử. Quan trọng hơn, các sách Phúc âm chứng tỏ một cách thuyết phục rằng Chúa Giê-su là nhân vật có thật chứ không phải hư cấu. Lời tường thuật trong đó cụ thể và chi tiết về thời gian cũng như nơi chốn. Ví dụ như một người viết Phúc âm là Lu-ca đã đề cập đến bảy người có chức quyền, mà tên của họ được chứng thực bởi các sử gia ngoài đời, để xác thực năm Chúa Giê-su bắt đầu thánh chức.—Lu-ca 3:1, 2, 23.

Bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su là nhân vật lịch sử được củng cố vững chắc. Sách Evidence for the Historical Jesus ghi rõ: “Hầu hết học giả đều công nhận rằng người được biết đến với tên gọi Giê-su Na-xa-rét thật sự đã sống vào thế kỷ thứ nhất”.

THẮC MẮC: Chúa Giê-su thật sự là Đức Chúa Trời?

GIẢI ĐÁP: Không. Chúa Giê-su không bao giờ xem mình ngang hàng với Đức Chúa Trời. Trái lại, Chúa Giê-su nhiều lần cho thấy ngài dưới quyền Đức Giê-hô-va *. Ví dụ, Chúa Giê-su gọi Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời của con” và “Đức Chúa Trời có thật và duy nhất” (Ma-thi-ơ 27:46; Giăng 17:3). Chỉ khi một người dưới quyền người kia thì mới nói như thế. Một người làm công sẽ gọi người thuê mình là “sếp của tôi” hoặc “chủ của tôi” để nhìn nhận địa vị thấp hơn của mình.

Chúa Giê-su cũng cho thấy ngài riêng biệt với Đức Chúa Trời. Có lần, Chúa Giê-su nói với những kẻ chống đối muốn thách đố thẩm quyền của ngài: “Trong Luật pháp của các ông có viết: ‘Có hai người làm chứng thì điều đó là thật’. Tôi làm chứng về mình, và Cha là đấng phái tôi đến, cũng làm chứng về tôi” (Giăng 8:17,18). Chúa Giê-su phải riêng biệt với Đức Giê-hô-va. Nếu không, làm sao có thể xem hai đấng trên như là hai người làm chứng? *

THẮC MẮC: Chúa Giê-su chỉ là một người tốt?

GIẢI ĐÁP: Không. Ngài còn hơn cả thế. Chúa Giê-su hiểu rằng ngài được giao một số vai trò quan trọng để thực hiện ý muốn của Đức Chúa Trời. Một vài trong số đó là:

“Con một của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:18). Chúa Giê-su biết nguồn gốc của mình. Cuộc sống của ngài đã bắt đầu từ lâu trước khi được sinh ra trên đất. Ngài nói: “Tôi từ trời xuống” (Giăng 6:38). Chúa Giê-su là tạo vật đầu tiên của Đức Chúa Trời và ngài đã giúp sáng tạo mọi vật khác. Vì là tạo vật duy nhất do Đức Chúa Trời trực tiếp tạo ra, Chúa Giê-su có thể được gọi là “Con một của Đức Chúa Trời”.—Giăng 1:3, 14; Cô-lô-se 1:15, 16.

“Con Người” (Ma-thi-ơ 8:20). Chúa Giê-su nhiều lần gọi mình là “Con Người”, và ngài nói như thế khoảng 80 lần trong các sách Phúc âm. Cụm từ này cho thấy ngài thật sự là con người chứ không phải là Đức Chúa Trời hóa thân. Làm thế nào Con của Đức Chúa Trời có thể sinh ra như một con người? Đức Giê-hô-va dùng thần khí chuyển sự sống của Con ngài vào tử cung một trinh nữ Do Thái tên Ma-ri, khiến nàng thụ thai. Nhờ đó, Chúa Giê-su được sinh ra là người hoàn hảo và không có tội.—Ma-thi-ơ 1:18; Lu-ca 1:35; Giăng 8:46.

“Thầy” (Giăng 13:13). Chúa Giê-su cho thấy rõ ngài được Đức Chúa Trời giao việc “giảng dạy..., rao giảng tin mừng về Nước của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:23; Lu-ca 4:43). Bằng cách rõ ràng và đơn giản, ngài giải thích Nước của Đức Chúa Trời là gì và nước ấy sẽ làm gì để thực hiện ý muốn của Đức Giê-hô-va.—Ma-thi-ơ 6:9, 10.

“Ngôi Lời” (Giăng 1:1). Chúa Giê-su đóng vai trò là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, được ngài dùng để truyền đạt thông tin và sự hướng dẫn của ngài đến với người khác. Đức Giê-hô-va phái Chúa Giê-su đến để rao truyền thông điệp của ngài cho nhân loại trên đất.—Giăng 7:16, 17.

THẮC MẮC: Chúa Giê-su là Đấng Mê-si được Đức Chúa Trời hứa trước?

GIẢI ĐÁP: Đúng. Những lời tiên tri trong Kinh Thánh báo trước Đấng Mê-si (hay Đấng Ki-tô, nghĩa là Đấng Được Xức Dầu) sẽ đến. Đấng được hứa trước này đóng vai trò chính trong việc hoàn thành ý định của Đức Giê-hô-va. Lần nọ, một phụ nữ Sa-ma-ri đã nói với Chúa Giê-su: “Tôi biết Đấng Mê-si, gọi là Đấng Ki-tô, sắp đến rồi”. Chúa Giê-su bèn nói cùng người ấy: “Tôi, người đang nói chuyện với chị, chính là đấng ấy”.—Giăng 4:25, 26.

Làm sao chứng minh Chúa Giê-su thật sự là Đấng Mê-si? Như dấu vân tay để nhận dạng một người, có ba điểm gộp thành bằng chứng không thể chối cãi để chứng minh điều đó. Hãy xem xét:

Dòng dõi của ngài. Kinh Thánh báo trước Đấng Mê-si sinh ra từ dòng dõi Áp-ra-ham, qua dòng tộc vua Đa-vít (Sáng-thế Ký 22:18; Thi-thiên 132:11, 12). Chúa Giê-su là con cháu của cả hai người.—Ma-thi-ơ 1:1-16; Lu-ca 3:23-38.

Những lời tiên tri được ứng nghiệm. Phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ chứa đựng hàng chục lời tiên tri về đời sống trên đất của Đấng Mê-si, bao gồm những chi tiết về sự ra đời và cái chết của ngài. Chúa Giê-su làm ứng nghiệm các lời tiên tri về ngài. Một vài trong số đó là: ngài được sinh ra ở Bết-lê-hem (Mi-chê 5:1; Lu-ca 2:4-11), được gọi ra khỏi xứ Ai Cập (Ô-sê 11:1; Ma-thi-ơ 2:15), và bị hành quyết mà không bị gãy một cái xương nào (Thi-thiên 34:20; Giăng 19:33, 36). Chúa Giê-su không thể lèo lái mọi việc xảy ra trong cuộc đời sao cho trùng khớp với những lời tiên tri về Đấng Mê-si *.

Chính Đức Chúa Trời xác nhận. Lúc Chúa Giê-su chào đời, Đức Chúa Trời sai các thiên sứ báo cho những người chăn chiên là Đấng Mê-si đã ra đời (Lu-ca 2:10-14). Khi Chúa Giê-su thi hành thánh chức, có vài lần chính Đức Chúa Trời đã phán từ trên trời rằng Chúa Giê-su làm hài lòng ngài (Ma-thi-ơ 3:16, 17; 17:1-5). Đức Giê-hô-va cho Chúa Giê-su quyền năng làm những phép lạ để cung cấp thêm bằng chứng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si.—Công vụ 10:38.

THẮC MẮC: Tại sao Chúa Giê-su phải chịu khổ và chết?

GIẢI ĐÁP: Vì là người vô tội nên Chúa Giê-su không đáng phải chịu khổ. Ngài cũng không đáng phải bị đóng đinh trên cây khổ hình như một tên tội phạm rồi bị bỏ mặc cho đến chết một cách nhục nhã. Tuy nhiên, Chúa Giê-su chấp nhận bị ngược đãi như thế và sẵn lòng chịu khổ.—Ma-thi-ơ 20:17-19; 1 Phi-e-rơ 2:21-23.

Những lời tiên tri về Đấng Mê-si báo trước ngài phải chịu khổ và chết để chuộc tội cho nhân loại (Ê-sai 53:5; Đa-ni-ên 9:24, 26). Chính Chúa Giê-su nói rằng ngài đến để “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28). Những ai đặt đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của ngài sẽ có triển vọng được giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết, rồi được sống mãi mãi trong địa đàng trên đất *.—Giăng 3:16; 1 Giăng 4:9, 10.

THẮC MẮC: Chuyện Chúa Giê-su được sống lại có đáng tin không?

GIẢI ĐÁP: Có. Chúa Giê-su biết rõ là ngài sẽ được sống lại (Ma-thi-ơ 16:21). Tuy nhiên, cần lưu ý điều quan trọng là cả Chúa Giê-su lẫn những người viết Kinh Thánh đều không hề nói đến ý niệm là ngài sẽ tự nhiên sống lại sau khi chết. Ý niệm đó không đúng, vì Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời đã làm cho người sống lại bằng cách giải thoát người khỏi sự trói buộc của sự chết” (Công vụ 2:24). Nếu chúng ta chấp nhận rằng có một Đức Chúa Trời và ngài là đấng đã tạo nên muôn vật, chúng ta có mọi lý do để tin ngài có thể làm Con ngài sống lại.—Hê-bơ-rơ 3:4.

Có bằng chứng đáng tin cậy nào cho thấy Chúa Giê-su đã sống lại không? Hãy cùng xem xét.

Những người chứng kiến. Khoảng 22 năm sau cái chết của Chúa Giê-su, sứ đồ Phao-lô viết là đã có hơn 500 người tận mắt thấy Chúa Giê-su sau khi ngài sống lại và phần lớn họ vẫn còn sống (1 Cô-rinh-tô 15:6). Một hoặc hai người làm chứng thì còn dễ dàng bác bỏ, chứ 500 người chứng kiến thì ai có thể phản bác?

Những nhân chứng đáng tin. Các môn đồ ban đầu của Chúa Giê-su, những người có vị thế đặc biệt để biết rõ mọi chuyện đã xảy ra, dạn dĩ tuyên bố là Chúa Giê-su đã sống lại (Công vụ 2:29-32; 3:13-15). Thật vậy, họ xem niềm tin nơi sự sống lại của ngài là điều cần thiết cho đức tin của môn đồ Chúa Giê-su (1 Cô-rinh-tô 15:12-19). Những môn đồ đó thà chịu chết còn hơn là chối bỏ đức tin nơi Chúa Giê-su (Công vụ 7:51-60; 12:1, 2). Bạn có sẵn lòng chịu chết vì một điều mà bạn biết là dối trá không?

Chúng ta đã xem xét những lời giải đáp trong Kinh Thánh cho sáu thắc mắc chính về Chúa Giê-su. Những lời giải đáp đó cho thấy rõ Chúa Giê-su là ai. Nhưng những lời giải đáp có quan trọng không? Nói cách khác, nó có làm bạn thay đổi nhận định về Chúa Giê-su không?

[Chú thích]

^ đ. 4 Để biết thêm về sự khác biệt giữa các sách Phúc âm với các văn bản giả mạo viết về Chúa Giê-su, xin xem bài “Ngụy thư phúc âm tiết lộ sự thật về Chúa Giê-su?” nơi trang 18, 19.

^ đ. 9 Trong Kinh Thánh, “Giê-hô-va” là danh riêng của Đức Chúa Trời.

^ đ. 10 Để biết thêm chi tiết, xin xem bài “Nói chuyện với chủ nhà—Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời?”, trang 20-22.

^ đ. 21 Để xem danh sách một số lời tiên tri đã ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, trang 200.

^ đ. 25 Để biết thêm thông tin về sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, xin xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, chương 5.