Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy đến gần Đức Chúa Trời

“Xin Chúa đem con về”

“Xin Chúa đem con về”

Có phải bạn từng phụng sự Đức Giê-hô-va? Có phải bạn từng nghĩ đến việc trở về tiếp tục phụng sự ngài, nhưng vẫn băn khoăn không biết ngài có vui lòng chấp nhận mình không? Mời bạn đọc kỹ bài này và bài sau. Hai bài này được biên soạn đặc biệt dành cho bạn.

“Tôi đã cầu xin Đức Giê-hô-va cho phép tôi trở về phụng sự ngài, và tha thứ vì tôi đã làm ngài đau lòng”. Đây là lời tâm sự của một phụ nữ đã bị trôi dạt, không còn theo lối sống của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, dù đã được dạy đạo từ khi còn nhỏ. Bạn có đồng cảm với cô ấy không? Có bao giờ bạn thắc mắc: “Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về những người từng phụng sự ngài? Ngài có nhớ đến họ không? Ngài có muốn họ ‘trở về’ không?”. Để trả lời những câu hỏi trên, chúng ta hãy xem xét lời nhà tiên tri Giê-rê-mi ghi lại. Câu trả lời chắc chắn sẽ sưởi ấm lòng bạn.—Đọc Giê-rê-mi 31:18-20.

Hãy xem xét bối cảnh khi Giê-rê-mi ghi lại lời này. Vào năm 740 trước công nguyên (TCN), nhiều thập kỷ trước thời Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va đã để dân Y-sơ-ra-ên thuộc vương quốc mười chi phái bị quân A-si-ri bắt đi làm phu tù *. Đức Chúa Trời cho phép tai họa này xảy ra như là sự sửa phạt vì dân ngài bắt đầu phạm tội trọng, lờ đi những lời cảnh báo được các nhà tiên tri lặp lại nhiều lần (2 Các Vua 17:5-18). Khi xa cách Đức Chúa Trời và quê hương trong thời gian bị lưu đày, những cực khổ mà dân sự trải nghiệm có làm họ thay đổi thái độ không? Đức Giê-hô-va có quên hẳn họ không? Liệu ngài có vui lòng đón họ trở về không?

‘Con đã ăn năn’

Khi bị bắt làm phu tù, dân Y-sơ-ra-ên đã tỉnh ngộ và ăn năn. Đức Giê-hô-va thấy tấm lòng chân thành của họ. Hãy lắng nghe ngài nói về thái độ và cảm xúc của Ép-ra-im, tức dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày.

‘Ta nghe Ép-ra-im than-thở’ (câu 18). Đức Giê-hô-va đã nói như vậy. Tiếng dân Y-sơ-ra-ên than khóc vì chịu hậu quả do những việc làm sai trái, nay đã thấu đến tai ngài. Theo một học giả, cụm từ “than-thở” có thể bao hàm “cử chỉ lắc đầu”. Dân Y-sơ-ra-ên giống như một người con bướng bỉnh, khi ngẫm nghĩ về các khó khăn gặp phải thì lắc đầu nuối tiếc và buồn rầu nhớ về những ngày ở quê nhà (Lu-ca 15:11-17). Khi đó, dân sự đã nói gì?

“Ngài đã sửa-phạt tôi... như con bò tơ chưa quen ách” (câu 18). Dân sự thừa nhận rằng họ đáng bị sửa phạt. Họ giống như con bò tơ chưa quen ách, tức chưa thuần. So sánh này có thể ám chỉ dân Y-sơ-ra-ên giống như con bò tơ bị sửa phạt, vì theo một tài liệu, “con bò chỉ bị đánh khi cưỡng lại cái ách”.

“Xin Chúa cho tôi trở lại, thì tôi sẽ được trở lại; vì Chúa là Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi!” (câu 18). Dân sự đã hạ mình kêu cầu Đức Chúa Trời. Họ đã lầm lạc trong con đường tội lỗi, nhưng giờ đây họ nài xin được giúp đỡ để có lại ân huệ của ngài. Bản Dịch Mới dịch câu này là: “Xin Chúa đem con về... vì CHÚA là Đức Chúa Trời của con”.

“Tôi đã ăn-năn... Tôi nhuốc-nhơ hổ-thẹn” (câu 19). Dân sự ăn năn vì đã phạm tội. Họ nhận trách nhiệm về mình và thừa nhận tội lỗi. Họ cũng cảm thấy hổ thẹn và nản lòng.—Lu-ca 15:18, 19, 21.

Lòng tràn ngập nỗi buồn rầu, dân Y-sơ-ra-ên thú tội với Đức Chúa Trời và từ bỏ đường lối xấu. Sự ăn năn của họ có làm dịu cơn giận của Đức Chúa Trời không? Ngài có cho phép họ trở về không?

“Ta sẽ thương xót nó”

Đức Giê-hô-va đặc biệt yêu mến dân Y-sơ-ra-ên. Ngài phán: “Ta làm cha cho Y-sơ-ra-ên, còn Ép-ra-im là con đầu lòng ta” (Giê-rê-mi 31:9). Khi đứa con thật lòng hối hận muốn trở về, làm sao người cha yêu thương lại có thể từ chối? Hãy lưu ý đến cách Đức Giê-hô-va biểu lộ cảm xúc của người Cha đối với dân ngài.

“Ép-ra-im há là con rất thiết của ta, là con mà ta ưa-thích sao? Mỗi khi ta nói nghịch cùng nó, ta còn nhớ đến nó lắm” (câu 20). Những lời này thật dịu dàng làm sao! Như người cha yêu thương nhưng kiên quyết, Đức Chúa Trời buộc phải nói “nghịch” cùng con cái ngài, cảnh báo nhiều lần về đường lối sai lầm của họ. Khi họ ngoan cố không nghe, ngài để họ bị lưu đày và phải lìa quê hương. Dù sửa phạt, ngài vẫn không quên họ. Ngài không bao giờ quên họ. Một người cha yêu thương không bao giờ quên con mình. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi con mình thật sự ăn năn?

“Ta đã động lòng vì nó; phải, ta sẽ thương-xót nó” (câu 20). Đức Giê-hô-va mong ngóng các con ngài. Sự ăn năn thành thật của họ đã động đến lòng ngài, và ngài rất mong muốn họ trở lại. Như người cha trong dụ ngôn của Chúa Giê-su về đứa con hoang đàng, Đức Giê-hô-va “động lòng thương xót” và vui mừng chào đón con trở về.—Lu-ca 15:20.

“Đức Giê-hô-va cho phép tôi trở về!”

Những lời nơi Giê-rê-mi 31:18-20 cho thấy rõ Đức Giê-hô-va giàu lòng trắc ẩn và thương xót. Ngài không quên những người từng phụng sự ngài. Nếu một người như thế muốn trở lại với ngài thì sao? Đức Chúa Trời “sẵn tha-thứ” (Thi-thiên 86:5). Ngài không bao giờ quay lưng với người có lòng ăn năn muốn trở về (Thi-thiên 51:17). Ngược lại, ngài vui mừng tiếp nhận họ.—Lu-ca 15:22-24.

Người phụ nữ được đề cập ở đầu bài đã chủ động trở về với Đức Giê-hô-va, và dự nhóm họp tại hội thánh địa phương của Nhân Chứng. Trước tiên, chị phải vượt qua cảm xúc tiêu cực. Chị hồi tưởng: “Tôi cảm thấy mình không xứng đáng”. Nhưng các trưởng lão của hội thánh đã khích lệ và giúp chị có lại mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Lòng đầy biết ơn, chị bày tỏ: “Thật tuyệt vời biết bao khi Đức Giê-hô-va cho phép tôi trở về!”.

Nếu bạn từng phụng sự Đức Giê-hô-va và nay muốn trở lại phụng sự ngài, chúng tôi mời bạn đến dự nhóm họp tại hội thánh địa phương của Nhân Chứng Giê-hô-va. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va tỏ lòng trắc ẩn và thương xót khi người ăn năn kêu cầu ngài: “Xin Chúa đem con về”.

Phần đọc Kinh Thánh trong tháng tư:

Giê-rê-mi 17-31

[Chú thích]

^ đ. 2 Nhiều thế kỷ trước, vào năm 997 TCN, dân Y-sơ-ra-ên bị chia thành hai vương quốc. Ở phía nam là vương quốc Giu-đa gồm hai chi phái. Ở phía bắc là vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái, cũng gọi là Ép-ra-im vì đây là chi phái nổi bật nhất.