Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phản bội một dấu hiệu của thời kỳ sau cùng!

Phản bội một dấu hiệu của thời kỳ sau cùng!

Phản bội một dấu hiệu của thời kỳ sau cùng!

“Cách ăn ở của chúng tôi... thật trung tín, công chính và không thể chê trách”.—1 TÊ 2:10.

TÌM RA ĐIỂM CHÍNH:

Chúng ta rút ra bài học nào từ sự phản bội của Đa-li-la, Áp-sa-lôm và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt?

Làm thế nào chúng ta có thể noi gương trung thành của Giô-na-than và Phi-e-rơ?

Làm sao chúng ta có thể giữ lòng chung thủy với người hôn phối và lòng trung thành với Đức Giê-hô-va?

1-3. (a) Đâu là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong thời kỳ sau cùng, và nó bao hàm điều gì? (b) Chúng ta sẽ giải đáp ba câu hỏi nào?

Đa-li-la, Áp-sa-lôm và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt có điểm chung nào? Đó là họ đều bất trung. Đa-li-la phản bội người yêu thương mình là quan xét Sam-sôn, Áp-sa-lôm phản bội cha mình là vua Đa-vít, và Giu-đa phản bội Thầy mình là Chúa Giê-su. Trong mỗi trường hợp, hành động xấu xa của họ quả đã tàn hại người khác! Nhưng tại sao chúng ta nên quan tâm đến điều này?

2 Một tác giả thời hiện đại liệt kê sự phản bội trong số những thói xấu phổ biến nhất ngày nay. Điều này không có gì lạ. Khi cho biết dấu hiệu về “kỳ cuối cùng của thời đại này”, Chúa Giê-su nói ‘nhiều người sẽ phản bội nhau’ (Mat 24:3, 10). Phản bội có nghĩa là chống lại người hay cái mà mình phải trung thành, tôn trọng và bảo vệ. Tình trạng bất trung ngày nay cho thấy chúng ta đang sống trong “những ngày sau cùng”, thời mà Phao-lô báo trước rằng người ta sẽ “bất trung,... phản bội” (2 Ti 3:1, 2, 4). Nhiều nhà văn và nhà biên kịch đưa sự phản bội vào văn học và phim ảnh để dựng lên những cốt truyện đầy kịch tính, có sức thu hút. Tuy nhiên, trong đời thường, sự bất trung và phản bội gây nhiều đau khổ. Thật vậy, đây là một dấu hiệu xấu của thời kỳ này!

3 Chúng ta rút ra bài học nào từ những người bất trung vào thời Kinh Thánh? Chúng ta có thể noi gương những người đã trung thành với người khác như thế nào? Và chúng ta phải giữ lòng trung thành với ai? Hãy cùng xem.

CÁC GƯƠNG CẢNH BÁO VÀO THỜI XƯA

4. Đa-li-la phản bội Sam-sôn như thế nào? Tại sao đây là hành động rất đê hèn?

4 Trước tiên, hãy xem trường hợp của Đa-li-la xảo trá, người mà quan xét Sam-sôn đã đem lòng yêu mến. Sam-sôn có ý định chống lại người Phi-li-tin để cứu dân Đức Chúa Trời. Năm quan trưởng Phi-li-tin muốn trừ diệt Sam-sôn. Có lẽ biết Đa-li-la không thật lòng yêu thương Sam-sôn, nên họ đề nghị cho bà một số tiền lớn hầu tìm ra bí mật tại sao Sam-sôn có sức mạnh phi thường. Đa-li-la chấp thuận nhưng bà đã thất bại ba lần khi cố tìm bí mật của Sam-sôn. Sau đó, bà cứ “lấy câu hỏi ghẹo lòng rối trí người”. Cuối cùng, Sam-sôn “tức mình hòng chết”. Ông bảo bà rằng mình chưa bao giờ cắt tóc vì nếu làm thế, ông sẽ mất đi sức mạnh *. Biết được điều này, Đa-li-la cho người cắt tóc Sam-sôn khi ông ngủ trên đùi bà, rồi bà nộp ông cho kẻ thù để họ muốn làm gì tùy ý (Quan 16:4, 5, 15-21). Đúng là một hành động đê hèn! Vì lòng tham mà Đa-li-la đã phản bội người yêu thương mình.

5. (a) Áp-sa-lôm đã bất trung với Đa-vít như thế nào, và hành động đó cho thấy gì về con người ông? (b) Đa-vít cảm thấy thế nào khi bị A-hi-tô-phe phản bội?

5 Kế tiếp, hãy xem trường hợp của Áp-sa-lôm xảo quyệt. Ông quyết tâm chiếm ngôi cha là vua Đa-vít để thỏa mãn tham vọng của mình. Trước tiên, Áp-sa-lôm “dụ lấy lòng người Y-sơ-ra-ên”, dùng những lời hứa ngon ngọt và cử chỉ giả tạo. Ông ôm hôn họ như thể thật sự quan tâm đến nhu cầu của họ (2 Sa 15:2-6). Thậm chí, Áp-sa-lôm còn lấy được lòng của cố vấn tín cẩn của Đa-vít là A-hi-tô-phe. A-hi-tô-phe đã phản bội Đa-vít và đứng về phe Áp-sa-lôm (2 Sa 15:31). Trong bài Thi-thiên 3 và 55, Đa-vít cho biết sự bất trung ấy đã ảnh hưởng thế nào đến ông (Thi 3:1-8; đọc Thi-thiên 55:12-14). Qua âm mưu chống lại vị vua được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm, Áp-sa-lôm cho thấy rõ ông xem thường quyền tối thượng của Đức Chúa Trời (1 Sử 28:5). Cuối cùng, cuộc chiếm ngôi không thành, và Đa-vít tiếp tục cai trị với tư cách là người được xức dầu của Đức Giê-hô-va.

6. Giu-đa đã phản bội Chúa Giê-su như thế nào? Trong một số ngôn ngữ, tên của Giu-đa đồng nghĩa với điều gì?

6 Giờ đây, hãy xem trường hợp của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, kẻ phản bội Chúa Giê-su. Khi ăn Lễ Vượt Qua lần cuối với 12 sứ đồ, Chúa Giê-su nói: “Quả thật, tôi nói với anh em: Một người trong anh em là kẻ phản tôi” (Mat 26:21). Một lát sau, Chúa Giê-su nói với Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng trong vườn Ghết-sê-ma-nê: “Kìa! Kẻ phản tôi đang đến”. Ngay lập tức, Giu-đa xuất hiện cùng với những kẻ đồng lõa. “Hắn đi thẳng đến chỗ Chúa Giê-su và nói: ‘Chào Ráp-bi!’, rồi hôn ngài một cách thân tình” (Mat 26:46-50; Lu 22:47, 52). Giu-đa “phản bội một người công chính”, nộp Chúa Giê-su cho kẻ thù. Kẻ ham tiền này làm thế với mục đích gì? Để lấy 30 đồng bạc! (Mat 27:3-5). Kể từ đó, trong một số ngôn ngữ, tên của Giu-đa đồng nghĩa với “kẻ phản bội”, nhất là một kẻ phản bội người khác dưới danh nghĩa tình bạn *.

7. Chúng ta học được gì qua gương xấu của: (a) Áp-sa-lôm và Giu-đa? (b) Đa-li-la?

7 Chúng ta học được gì qua những gương cảnh báo trên? Cả Áp-sa-lôm và Giu-đa đều chuốc lấy kết cục nhục nhã vì phản bội người được Đức Giê-hô-va xức dầu (2 Sa 18:9, 14-17; Công 1:18-20). Tên của Đa-li-la sẽ luôn gắn liền với sự dối trá và tình yêu giả tạo (Châm 13:5). Thật quan trọng biết bao khi chúng ta loại bỏ bất cứ khuynh hướng tham vọng hoặc tham lam, là những điều khiến chúng ta mất ân huệ của Đức Giê-hô-va! Suy ngẫm về những gương cảnh báo ấy sẽ giúp chúng ta quyết tâm không bao giờ bất trung.

NOI GƯƠNG NHỮNG NGƯỜI TRUNG THÀNH

8, 9. (a) Tại sao Giô-na-than hứa nguyện trung thành với Đa-vít? (b) Làm sao chúng ta có thể noi gương Giô-na-than?

8 Kinh Thánh cũng cho biết nhiều gương trung thành. Hãy xem hai trường hợp để biết làm sao chúng ta có thể noi gương họ. Trước tiên, chúng ta hãy xem một người đã trung thành với Đa-vít, đó là Giô-na-than. Giô-na-than là con trưởng nam của Sau-lơ, vua đầu tiên của nước Y-sơ-ra-ên. Nếu Đức Giê-hô-va không chọn Đa-vít làm vua kế nhiệm Sau-lơ, hẳn Giô-na-than đã nối ngôi cha. Nhưng Giô-na-than tôn trọng quyết định của Đức Chúa Trời. Thay vì ghen tị và xem Đa-vít là địch thủ, Giô-na-than ‘khế-hiệp cùng Đa-vít’ và thề nguyện sẽ trung thành với Đa-vít. Thậm chí, ông còn trao cho Đa-vít áo, gươm, cung và đai, cho thấy ông nhìn nhận Đa-vít là vua (1 Sa 18:1-4). Giô-na-than đã làm mọi điều có thể để giúp Đa-vít “vững lòng”, ngay cả liều mạng ủng hộ Đa-vít trước mặt Sau-lơ. Giô-na-than cũng nói với Đa-vít: “Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên, còn tôi sẽ làm tể-tướng anh” (1 Sa 20:30-34; 23:16, 17). Không ngạc nhiên gì, sau khi Giô-na-than qua đời, Đa-vít giãi bày nỗi niềm và tình yêu thương đối với bạn mình qua một bài ai ca.—2 Sa 1:17, 26.

9 Giô-na-than một lòng trung thành với Đa-vít. Ông hoàn toàn vâng phục Đấng Tối Thượng là Đức Giê-hô-va, và hết lòng ủng hộ người được ngài xức dầu là Đa-vít. Tương tự thế, dù có thể chúng ta không được giao một trách nhiệm đặc biệt trong hội thánh, nhưng chúng ta vẫn sẵn sàng ủng hộ các anh được bổ nhiệm dẫn đầu hội thánh.—1 Tê 5:12, 13; Hê 13:17, 24.

10, 11. (a) Tại sao Phi-e-rơ cương quyết trung thành với Chúa Giê-su? (b) Làm sao chúng ta có thể noi gương Phi-e-rơ?

10 Chúng ta sẽ xem xét một gương mẫu khác là sứ đồ Phi-e-rơ, người tuyên bố là sẽ trung thành với Chúa Giê-su. Khi Chúa Giê-su dùng phép ẩn dụ sống động để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt đức tin nơi sự hy sinh của ngài, nhiều môn đồ cảm thấy sốc và bỏ ngài đi (Giăng 6:53-60, 66). Thế nên, Chúa Giê-su quay sang 12 sứ đồ và hỏi: “Các anh có muốn bỏ đi không?”. Phi-e-rơ trả lời: “Thưa Chúa, chúng tôi sẽ theo ai đây? Chúa có những lời mang lại sự sống vĩnh cửu; chúng tôi đã tin và nhận biết ngài là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời” (Giăng 6:67-69). Có phải Phi-e-rơ đã hiểu rõ những gì Chúa Giê-su nói về sự hy sinh sắp đến của ngài không? Hẳn là không. Tuy nhiên, Phi-e-rơ vẫn cương quyết trung thành với người Con được Đức Chúa Trời xức dầu.

11 Phi-e-rơ không lý luận rằng Chúa Giê-su hẳn có quan điểm sai và sau một thời gian ngài sẽ rút lại những lời mình nói. Thay vì thế, ông đã khiêm nhường công nhận rằng Chúa Giê-su nói “những lời mang lại sự sống vĩnh cửu”. Tương tự, chúng ta phản ứng thế nào khi thấy một điểm khó hiểu hoặc không phù hợp với quan điểm của mình trong ấn phẩm của lớp “người quản gia trung tín”? Chẳng phải chúng ta nên cố gắng hiểu điểm ấy thay vì chỉ nghĩ rằng sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với quan điểm của mình sao?—Đọc Lu-ca 12:42.

CHUNG THỦY VỚI NGƯỜI HÔN PHỐI

12, 13. Sự phản bội trong hôn nhân có thể nảy sinh như thế nào? Tại sao không nên dựa vào tuổi tác để biện hộ cho điều này?

12 Sự phản bội dưới bất cứ hình thức nào cũng là đê hèn. Người tín đồ không thể để điều này phá vỡ sự bình an và hợp nhất trong hội thánh cũng như trong gia đình. Vì thế, chúng ta hãy xem xét làm sao mình có thể giữ lòng chung thủy với người hôn phối và trung thành với Đức Chúa Trời.

13 Ngoại tình là một trong những hình thức phản bội tai hại nhất. Người ngoại tình không còn chung thủy với người hôn phối; người ấy quay sang chú ý đến người khác. Người hôn phối vô tội đột nhiên bị bỏ rơi, đời sống đảo lộn. Điều gì khiến cho hai người đã từng yêu thương nhau trở nên như vậy? Thường bước đầu là do hai người có một khoảng cách về tình cảm. Một giáo sư ngành xã hội học cho biết khi vợ chồng không toàn tâm toàn ý với nhau thì sự phản bội rất dễ nảy sinh. Điều này có thể xảy ra ngay cả ở những cặp trung niên. Chẳng hạn, một người đàn ông 50 tuổi ly dị người vợ chung chăn gối với mình 25 năm để sống với người phụ nữ khác. Một số người biện hộ rằng điều này xảy ra là do “khủng hoảng tuổi trung niên”. Tuy nhiên, thay vì cho rằng đây là điều không thể tránh được, chúng ta hãy gọi đúng tên của nó là sự phản bội ở tuổi trung niên *.

14. (a) Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về sự phụ bạc trong hôn nhân? (b) Chúa Giê-su nói gì về sự chung thủy?

14 Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về những người rời bỏ người hôn phối mà không có lý do chính đáng dựa vào Kinh Thánh? Ngài ghét sự ly dị cũng như lên án mạnh mẽ những người ngược đãi và ruồng bỏ người hôn phối của mình. (Đọc Ma-la-chi 2:13-16). Như Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su cũng dạy rằng một người không thể ruồng bỏ bạn đời vô tội của mình và làm như không có chuyện gì xảy ra.—Đọc Ma-thi-ơ 19:3-6, 9.

15. Làm thế nào vợ chồng có thể củng cố lòng chung thủy với nhau?

15 Làm thế nào vợ chồng có thể giữ lòng chung thủy với nhau? Lời Đức Chúa Trời nói: “Hãy lấy làm vui-thích nơi vợ [hay chồng] con cưới buổi đang-thì” và “hãy ở vui-vẻ cùng vợ [hay chồng] mình yêu-dấu” (Châm 5:18; Truyền 9:9). Càng lớn tuổi, các cặp vợ chồng càng phải “toàn tâm toàn ý” với nhau. Họ phải quan tâm đến nhau, dành thời gian cho nhau và gắn bó với nhau. Họ phải chú tâm vào việc giữ gìn hôn nhân và mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Để làm được điều này, vợ chồng cần học Kinh Thánh cùng nhau, đều đặn tham gia thánh chức cùng nhau và cầu nguyện cùng nhau để xin Đức Giê-hô-va ban phước.

GIỮ LÒNG TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

16, 17. (a) Lòng trung thành của chúng ta có thể bị thử thách như thế nào trong gia đình và hội thánh? (b) Hãy kể một kinh nghiệm cho thấy việc vâng theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời mang lại kết quả tốt.

16 Có những thành viên trong hội thánh phạm tội trọng, họ bị khiển trách ‘nghiêm khắc hầu có đức tin mạnh mẽ’ (Tít 1:13). Một số người phải bị khai trừ vì phạm tội trọng mà không ăn năn. Đối với “những người được rèn luyện qua sự sửa phạt ấy”, họ được giúp để khôi phục về thiêng liêng (Hê 12:11). Nói sao nếu thân nhân hoặc bạn thân của chúng ta bị khai trừ? Giờ đây, lòng trung thành của chúng ta bị thử thách, không phải đối với người bị khai trừ nhưng đối với Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đang quan sát xem chúng ta có vâng theo mệnh lệnh của ngài là không liên lạc với bất cứ ai bị khai trừ hay không.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 5:11-13.

17 Khi gia đình làm theo mệnh lệnh ấy của Đức Giê-hô-va thì có thể mang lại kết quả tốt. Chúng ta hãy cùng xem một trường hợp. Một thanh niên bị khai trừ hơn 10 năm. Trong thời gian này, cha mẹ và bốn anh em “ngưng kết hợp” với anh. Thỉnh thoảng, anh cố tham gia các sinh hoạt với gia đình nhưng thật đáng khen, mỗi thành viên trong gia đình cương quyết không tiếp xúc với anh. Sau khi được nhận lại, anh cho biết là lúc đó anh rất nhớ những dịp quây quần với gia đình, nhất là khi ở một mình vào buổi tối. Anh nói là nếu gia đình đã tiếp xúc với anh, dù chỉ một chút thôi, cũng làm anh mãn nguyện. Tuy nhiên, vì anh không được bất cứ người nào trong gia đình hỏi thăm, nên ước muốn được đoàn tụ với gia đình là một động lực thôi thúc anh khôi phục lại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Hãy nghĩ đến kinh nghiệm này nếu bạn bị cám dỗ để liên lạc với người thân bị khai trừ.

18. Sau khi xem xét những lợi ích của lòng trung thành và hậu quả của sự bất trung, bạn quyết tâm làm gì?

18 Chúng ta đang sống trong một thế gian đầy sự phản bội. Tuy nhiên, có nhiều gương trung thành trong hội thánh để chúng ta noi theo. Lối sống của họ đúng với những lời của sứ đồ Phao-lô: “Anh em và Đức Chúa Trời làm chứng rằng cách ăn ở của chúng tôi đối với anh em thật trung tín, công chính và không thể chê trách” (1 Tê 2:10). Mong sao tất cả chúng ta luôn giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và với nhau.

[Chú thích]

^ đ. 4 Vì Sam-sôn là người Na-xi-rê nên tóc của ông tượng trưng cho mối quan hệ đặc biệt với Đức Giê-hô-va. Chính mối quan hệ này là nguồn sức mạnh của ông.

^ đ. 6 Trong một số ngôn ngữ, cụm từ “nụ hôn Giu-đa” có nghĩa là “một hành động phản bội”.

^ đ. 13 Để biết cách đối phó khi người hôn phối không chung thủy, xin xem bài “Làm sao đương đầu khi người hôn phối phản bội?” trong Tháp Canh ngày 15-6-2010, trang 29-32.

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Phi-e-rơ trung thành với người Con được Đức Chúa Trời xức dầu dù người khác rời bỏ ngài