Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chiến đấu vì tin mừng ở Tê-sa-lô-ni-ca

Chiến đấu vì tin mừng ở Tê-sa-lô-ni-ca

Chiến đấu vì tin mừng ở Tê-sa-lô-ni-ca

Tê-sa-lô-ni-ca, ngày nay được gọi là Thessaloníki hoặc Salonika, là một thành phố cảng phát đạt ở đông bắc Hy Lạp. Thành phố này đóng một vai trò nổi bật trong lịch sử của tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất, đặc biệt là trong đời sống truyền giảng của Phao-lô, sứ đồ được phái đến với dân ngoại.—CÔNG VỤ 9:15; RÔ-MA 11:13.

Vào khoảng năm 50 công nguyên (CN), Phao-lô và bạn đồng hành Si-la đến thành phố Tê-sa-lô-ni-ca. Họ đang đi chuyến hành trình rao giảng thứ hai của Phao-lô, đây là lần đầu tiên họ có cơ hội để mang tin mừng về Đấng Ki-tô tới vùng đất ngày nay gọi là châu Âu.

Khi đến Tê-sa-lô-ni-ca, những ký ức của họ về việc bị đánh đập và bỏ tù ở thành Phi-líp (thành phố chính của Ma-xê-đô-ni-a) chắc chắn vẫn còn mới nguyên trong tâm trí. Thật vậy, sau đó, Phao-lô đã cho những người Tê-sa-lô-ni-ca biết là ông đã rao giảng “tin mừng của ngài, dù bị chống đối rất nhiều” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1, 2). Liệu, ở Tê-sa-lô-ni-ca, tình hình có khả quan hơn không? Việc rao giảng ở đó thế nào? Sẽ đơm hoa kết trái? Trước hết, hãy cùng điểm qua thành phố thời cổ đại này.

Một thành phố có quá khứ xáo động

Ngay cả tên Tê-sa-lô-ni-ca của thành phố cũng đến từ hai từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người Thessaly” và “thắng lợi”, ngụ ý là chiến đấu. Người ta tin là vào năm 352 trước công nguyên (TCN), vua Ma-xê-đô-ni-a là Philip đệ nhị, thân phụ của A-léc-xan-đơ Đại đế, đã đánh bại một bộ tộc ở Thessaly, trung tâm Hy Lạp. Được biết là để kỷ niệm cho chiến thắng này, ông đã đặt tên cho một con gái của mình là Thessalonice, người sau đó kết hôn cùng Cassander, người kế vị anh trai nàng là A-léc-xan-đơ. Khoảng năm 315 TCN, Cassander đã cho xây dựng một thành phố ở phía tây bán đảo Chalcidice và đặt tên theo tên của vợ mình. Tê-sa-lô-ni-ca thường xảy ra xung đột trong suốt lịch sử đầy vấn đề của mình.

Tê-sa-lô-ni-ca cũng là một thành phố giàu sang. Nó có một trong những cảng tự nhiên tốt nhất ở biển Aegean. Vào thời La Mã, thành phố này nằm trên quốc lộ danh tiếng Via Egnatia. Nắm được vị trí chiến lược cả về đường biển lẫn đường bộ, Tê-sa-lô-ni-ca từng là một trong những cửa ngõ thương mại của đế quốc La Mã. Với thời gian, sự phồn thịnh của thành phố khiến nó trở thành một miếng mồi hấp dẫn đối với người Goth, người Slav, người Frank, người Venice, và người Thổ. Một số trong đó đã xâm chiếm nơi này bằng vũ lực và máu. Nhưng giờ đây, hãy tập trung vào chuyến viếng thăm của Phao-lô, khi cuộc chiến đấu vì tin mừng bắt đầu.

Phao-lô tới thành Tê-sa-lô-ni-ca

Mỗi khi đến một thành phố mới, Phao-lô thường đến gặp người Do Thái trước vì họ quen thuộc với Kinh Thánh nên có thể thảo luận và giúp họ hiểu về tin mừng. Một học giả cho rằng có lẽ thói quen này là một dấu hiệu cho thấy ông quan tâm đến những người đồng hương, hoặc là một nỗ lực để sử dụng những người Do Thái và những người khác kính sợ Đức Chúa Trời như một khởi đầu trong công việc của ông giữa những người ngoại.—Công vụ 17:2-4.

Vì vậy, khi đến Tê-sa-lô-ni-ca, trước hết Phao-lô vào nhà hội, nơi “ông lý luận với [người Do Thái] dựa trên Kinh Thánh, giải thích và đưa ra bằng chứng cho thấy Đấng Ki-tô phải chịu khổ và sống lại. Ông nói: ‘Đấng Ki-tô ấy chính là Chúa Giê-su mà tôi đang rao truyền cho anh em’”.—Công vụ 17:2, 3, 10.

Điểm chính mà Phao-lô giảng, tức vai trò và vị thế của Đấng Mê-si, là một vấn đề gây tranh cãi. Khái niệm về một Đấng Mê-si chịu khổ đi ngược lại với hình ảnh của người Do Thái về một Đấng Mê-si chiến binh thắng trận. Để thuyết phục họ, Phao-lô đã “lý luận”, “giải thích”, và “đưa ra bằng chứng” từ Kinh Thánh, những kỹ năng của một thầy dạy hữu hiệu *. Nhưng, khi nghe Phao-lô truyền đạt nhiều thông tin như vậy, cử tọa của ông đã phản ứng như thế nào?

Gặt hái thành công, gặp nhiều biến cố

Một số người Do Thái và nhiều người Hy Lạp cải đạo, cùng với “không ít phụ nữ có thế lực”, đã nghe theo Phao-lô. Cụm từ “phụ nữ có thế lực” thật thích hợp, vì ở Ma-xê-đô-ni-a, phụ nữ được hưởng địa vị cao trong xã hội. Họ được hoạt động chính trị, sở hữu tài sản, hưởng các đặc quyền công dân, và tham gia kinh doanh. Thậm chí các đài tưởng niệm để vinh danh họ cũng được dựng nên. Giống như nữ doanh nhân người Phi-líp tên là Ly-đi chấp nhận tin mừng, đã có sự hưởng ứng đáng chú ý từ những phụ nữ người Tê-sa-lô-ni-ca có địa vị cao. Có lẽ họ đến từ những gia đình gương mẫu hoặc là vợ của những người quan trọng.—Công vụ 16:14, 15; 17:4.

Tuy nhiên, người Do Thái lại hết sức ghen tức. Họ kêu gọi “bọn côn đồ, là những kẻ ăn không ngồi rồi ở chợ, rồi hợp thành một đám đông và bắt đầu gây náo loạn trong thành” (Công vụ 17:5). Những kẻ này là người như thế nào? Một học giả Kinh Thánh miêu tả họ là “bọn trụy lạc và vô dụng”. Ông nói thêm: “Dường như là họ không quan tâm gì đến thông điệp [của Phao-lô]; nhưng họ giống như những bọn khác, dễ kích động, và bị lôi kéo vào những hành động bạo lực”.

Bọn ô hợp đó “xông vào nhà của Gia-sôn [nơi Phao-lô trú], tìm bắt Phao-lô và Si-la để đem đến trước mặt đám đông”. Không tìm được Phao-lô, chúng đi đến cấp chính quyền cao nhất thành phố. Rồi chúng “lôi Gia-sôn và một số anh em đến các quan chức trong thành. [Chúng] la lên: ‘Những tên gây rối loạn khắp nơi giờ cũng đến thành chúng ta’”.—Công vụ 17:5, 6.

Là thủ đô của Ma-xê-đô-ni-a, Tê-sa-lô-ni-ca được hưởng một số quyền tự trị. Một phần trong chế độ tự trị là có một hội đồng nhân dân để giải quyết các vấn đề địa phương. “Các quan chức trong thành” * là những cán bộ cao cấp. Họ có trách nhiệm giữ trật tự và xoa dịu những tình huống có thể khiến La Mã phải can thiệp, làm mất đi những đặc quyền của thành phố. Vì vậy, hẳn là họ thấy phiền lòng khi nghe là sự bình an xã hội bị đe dọa bởi “những tên gây rối loạn”.

Tiếp theo là lời buộc tội rất nặng: “Bọn chúng chống lại sắc lệnh của Sê-sa vì nói rằng có một vua khác là Giê-su” (Công vụ 17:7). Nhà thần học Albert Barnes cho rằng điều này ám chỉ “sự xúi giục và dấy loạn” chống lại hoàng đế, người “không cho phép nhắc đến tên của một vua [khác] ở các thuộc địa trừ khi được quyền”. Ngoài ra, việc Chúa Giê-su, người được Phao-lô rao truyền là vua, đã bị các nhà cầm quyền La Mã hành quyết vì cho rằng xúi giục nổi loạn cũng khiến cho lời buộc tội dường như là có lý.—Lu-ca 23:2.

Các quan chức thành phố rất bực mình. Nhưng vì không có bằng chứng và bị cáo ở đâu cũng không rõ, nên các quan chức đành “lấy tiền bảo lãnh của Gia-sôn và những người kia rồi thả họ ra” (Công vụ 17:8, 9). Sự sắp đặt về tiền bảo lãnh này có lẽ là để Gia-sôn và các tín đồ đảm bảo rằng Phao-lô sẽ đi khỏi thành phố và không bao giờ trở lại gây rối nữa. Có lẽ Phao-lô đã ám chỉ đến sự kiện này khi ông nói “Sa-tan... ngăn đường cản lối”, không cho ông trở lại thành phố.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:18.

Tình huống buộc Phao-lô và Si-la đi ngay trong đêm để đến Bê-rê. Hành trình truyền giảng của Phao-lô ở đó cũng gặt hái nhiều thành công, nhưng cũng khiến những người Do Thái đối lập ở Tê-sa-lô-ni-ca nổi điên. Họ đi 80km đến Bê-rê để khuấy động đám đông và thổi bùng lên ngọn lửa chống đối. Không lâu sau đó, Phao-lô lại phải lên đường tiến đến A-thên, nhưng cuộc chiến đấu vì tin mừng vẫn chưa kết thúc.—Công vụ 17:10-14.

Cuộc chiến đấu của một hội thánh non nớt

Mừng thay, một hội thánh đã được thành lập ở Tê-sa-lô-ni-ca, nhưng sự chống đối không phải là thử thách duy nhất mà các môn đồ Chúa Giê-su ở đó gặp phải. Họ sống giữa những người ngoại giáo, môi trường sống trái đạo đức, và điều này khiến Phao-lô lo âu. Các anh chị ở đó sẽ đương đầu như thế nào?—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:17; 3:1, 2, 5.

Các tín đồ tại Tê-sa-lô-ni-ca biết là nếu họ thôi tham gia vào các hoạt động xã hội và tôn giáo của thành phố, họ sẽ gặp phải sự oán giận của các bạn bè cũ (Giăng 17:14). Hơn nữa, Tê-sa-lô-ni-ca có đầy những đền thờ các thần Hy Lạp như thần Dớt (Zeus), thần Ác-tê-mi (Artemis), thần mặt trời Apollo, và một số thần Ai Cập. Cũng cần nhắc tới việc thờ hoàng đế, và mọi công dân phải tuân theo các nghi thức của nó. Từ chối tham gia có thể được xem là nổi loạn chống lại La Mã.

Sự thờ hình tượng thúc đẩy lối sống bừa bãi trắng trợn. Thần hộ mệnh Cabirus của Tê-sa-lô-ni-ca, thần Dionysus, thần vệ nữ Aphrodite, và thần Isis của Ai Cập có điểm chung: các nghi lễ thờ phượng phần lớn là rượu chè và tình dục điên cuồng. Việc công khai lập phòng nhì và hoạt động mãi dâm phát triển. Đối với người ta, gian dâm không còn là tội lỗi. Xã hội của họ bị ảnh hưởng bởi văn hóa La Mã. Tờ Trinity Journal cho biết là theo văn hóa đó, “các công dân có thể đến các dịch vụ của những đàn ông và đàn bà để làm thỏa mãn mọi ham muốn—và các bác sĩ khuyên là những ham muốn đó không nên để bị dồn nén”. Dễ hiểu tại sao Phao-lô đã khuyên nhủ các tín đồ ở đó “tránh khỏi sự gian dâm”, cũng như “không theo những ham muốn nhục dục quá độ... [và] lối sống ô uế”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:3-8.

Chiến đấu và chiến thắng

Vì đức tin, tín đồ đạo Đấng Ki-tô ở Tê-sa-lô-ni-ca phải chiến đấu gian khổ. Bất chấp sự chống đối, những thử thách, và môi trường sống vừa ngoại giáo vừa trái luân lý, họ được Phao-lô khen ngợi vì bày tỏ ‘đức tin, công sức vì tình yêu thương, và sự chịu đựng’, cũng như nỗ lực để lan tỏa tin mừng đi xa.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:3, 8.

Vào năm 303 CN, sự hành hạ độc ác chống lại những người tuyên bố theo đạo Đấng Ki-tô bùng nổ ở đế quốc La Mã. Một kẻ chủ mưu là Sê-sa Galerius, là người đã sống và xây dựng nhiều công trình lộng lẫy ở Tê-sa-lô-ni-ca. Một số tàn tích của chúng vẫn còn cho các du khách xem.

Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va ở Thessaloníki rao giảng cho người lân cận, thường là ở ngay trước những công trình được xây bởi kẻ thù độc ác đó của đạo Đấng Ki-tô. Dù nhiều giai đoạn của thế kỷ 20 họ phải rao giảng dưới sự chống đối dữ dội, giờ đây có khoảng 60 hội thánh của các Nhân Chứng trong thành phố. Những nỗ lực của họ đã cho thấy việc chiến đấu để tin mừng được lan truyền, bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, vẫn tiếp diễn và thành công.

[Chú thích]

^ đ. 11 Có lẽ Phao-lô đã sử dụng những câu Kinh Thánh mà ngày nay là Thi-thiên 22:7; 69:21; Ê-sai 50:6; 53:2-7; Đa-ni-ên 9:26.

^ đ. 16 Cụm từ này không tìm thấy trong các tác phẩm tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên, những dòng khắc có chứa nó đã được tìm thấy ở vùng Tê-sa-lô-ni-ca, một số được xác định là từ thế kỷ thứ nhất TCN. Lời tường thuật của sách Công vụ đã được xác thực.

[Bản đồ nơi trang 18]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Via Egnatia

MA-XÊ-ĐÔ-NI-A

Phi-líp

Am-phi-bô-lít

Tê-sa-lô-ni-ca

Bê-rê

THESSALY

Biển Aegean

A-THÊN

[Các hình nơi trang 20, 21]

Trên: Thessaloníki ngày nay

Dưới: Phố buôn bán cổ có mái vòm và nhà tắm kiểu La Mã ở chợ

[Các hình nơi trang 21]

Nhà tròn gần mái vòm của Galerius; một tượng của Sê-sa Galerius; rao giảng cạnh mái vòm của Galerius

[Nguồn tư liệu nơi trang 18]

Head medallion: © Bibliothèque nationale de France; stone inscription: Thessalonica Archaeological Museum, copyright Hellenic Ministry of Culture and Tourism

[Nguồn tư liệu nơi trang 20]

Two bottom left images: 16th Ephorate of Prehistoric and Classical Antiquities, copyright Hellenic Ministry of Culture and Tourism

[Nguồn tư liệu nơi trang 21]

Middle image: Thessalonica Archaeological Museum, copyright Hellenic Ministry of Culture and Tourism