Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Tại sao người Do Thái quan tâm đến gia phả của họ?

Gia phả được dùng để xác định các mối quan hệ trong gia tộc và chi phái. Người ta cũng dùng gia phả để phân chia đất đai và di sản. Điều đặc biệt quan trọng là dòng dõi của Đấng Mê-si đã hứa. Người Do Thái biết rõ là đấng đó phải đến từ dòng dõi Đa-vít, thuộc chi phái Giu-đa.—Giăng 7:42.

Ngoài ra, học giả Joachim Jeremias cho biết: “Vì thầy tế lễ và người Lê-vi được bổ nhiệm theo kiểu cha truyền con nối... nên quan trọng nhất là phải gìn giữ sự thuần nhất của dòng tộc”. Người nữ Y-sơ-ra-ên nào làm dâu trong gia đình thầy tế lễ thì phải đưa ra gia phả để chứng minh về dòng tộc của mình. Điều này giúp chức vụ thầy tế lễ giữ được “sự trọn vẹn và thuần khiết”. Thời Nê-hê-mi, cả gia tộc của người Lê-vi đã không đủ tư cách làm thầy tế lễ vì họ “tìm-kiếm gia-phổ mình, nhưng không thấy”.—Nê-hê-mi 7:61-65.

Hơn nữa, Luật pháp Môi-se quy định là “con ngoại-tình” cũng như “dân Am-môn và dân Mô-áp không được phép vào hội Đức Giê-hô-va” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:2, 3). Vì lý do này, ông Jeremias nói thêm: “Để thực hiện những quyền công dân, mỗi người nam phải chứng minh dòng họ mình là thuần nhất, và điều này xác nhận cho lời kết là... ngay cả thường dân Y-sơ-ra-ên cũng biết được ai là bà con gần của mình và có thể chỉ ra mình thuộc chi phái nào trong mười hai chi phái”.

Người Do Thái ghi chép và bảo quản gia phả như thế nào?

Hai người viết Phúc âm là Ma-thi-ơ và Lu-ca đã cung cấp chi tiết gia phả tổ tiên của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 1:1-16; Lu-ca 3:23-38). Ngoài ra, các bản ghi chép gia phả khác cũng được bảo quản. Chẳng hạn một tác phẩm diễn thuật kiểu midras của người Do Thái, tức tác phẩm diễn giải Kinh Thánh, đã nói về Hi-lên, một ráp-bi vào thời Chúa Giê-su: “Cuộn gia phả được tìm thấy ở Giê-ru-sa-lem viết rằng Hi-lên thuộc dòng dõi vua Đa-vít”. Trong tác phẩm Cuộc đời (The Life), nhà sử học Do Thái vào thế kỷ thứ nhất là ông Flavius Josephus tuyên bố rằng tổ tiên của ông là những thầy tế lễ, và về bên ngoại thì ông thuộc “dòng dõi hoàng tộc”. Ông cho biết đã tìm thấy thông tin này trong “các sổ đăng ký công cộng”.

Trong tác phẩm Chống lại Apion (Against Apion), ông Josephus viết rằng tổ tiên của ông đã trao quyền trông coi những gia phả của các dòng họ thầy tế lễ cho “những người nam đạo đức nhất”. Bách khoa từ điển Do Thái (The Jewish Encyclopedia) cho biết: “Dường như những gia phả này đã được giao cho một quan chức đặc biệt, và dường như một tòa án được lập tại Giê-ru-sa-lem để tiếp nhận và giải đáp các câu hỏi về gia phả”. Người Do Thái không thuộc dòng dõi thầy tế lễ thì đăng ký trong thành của cha ông mình (Lu-ca 2:1-5). Vậy, rất có thể những người viết Phúc âm đã tham khảo những tài liệu lưu trữ công cộng kể trên. Ngoài ra, dường như các gia đình cũng bảo quản các gia phả riêng của gia đình.