Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tự truyện

Chúng tôi học được “bí quyết” từ công việc thánh chức

Chúng tôi học được “bí quyết” từ công việc thánh chức

Do anh Olivier Randriamora kể lại

“Tôi biết thế nào là thiếu thốn và thế nào là dư dật. Trong mọi việc và mọi hoàn cảnh, tôi học bí quyết để thỏa lòng khi no lẫn khi đói... Trong mọi sự, tôi có sức mạnh nhờ đấng ban sức cho tôi”.—Phi-líp 4:12, 13.

Từ lâu, những lời ấy của sứ đồ Phao-lô luôn khích lệ tôi và vợ tôi là Oly. Như Phao-lô, chúng tôi học được “bí quyết” qua việc nương cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va khi phụng sự ngài ở Madagascar.

Khi mẹ của Oly bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 1982, Oly và tôi đã đính hôn. Tôi cũng đồng ý học Kinh Thánh, và sau đó Oly cùng tham gia học với tôi. Chúng tôi cưới nhau năm 1983, làm báp-têm năm 1985, và ngay sau đó làm tiên phong phụ trợ. Tháng 7 năm 1986, chúng tôi làm tiên phong đều đều.

Tháng 9 năm 1987, chúng tôi bắt đầu phụng sự với tư cách là tiên phong đặc biệt. Nhiệm sở đầu tiên của chúng tôi là một thị trấn nhỏ ở vùng tây bắc của Madagascar, nơi không có hội thánh. Ở Madagascar có 18 nhóm sắc tộc chính cũng như vô số gia tộc, nên có nhiều phong tục và truyền thống khác nhau. Malagasy là ngôn ngữ chính thức, nhưng cũng có những phương ngữ. Vì thế, chúng tôi lên kế hoạch học phương ngữ, điều này giúp chúng tôi dễ hòa nhập với cộng đồng hơn.

Lúc đầu, tôi nói bài giảng công cộng vào mỗi chủ nhật. Nhóm họp chỉ có hai vợ chồng tôi. Sau bài giảng, Oly luôn vỗ tay ủng hộ. Vợ chồng tôi cũng có Trường Thánh Chức với chương trình đầy đủ. Oly làm bài giảng với người phụ diễn không có thật. Nhưng sau đó, có giám thị vòng quanh đến thăm và anh đã đề nghị chúng tôi điều chỉnh các buổi nhóm họp. Với sự điều chỉnh mới, chúng tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm!

Vì dịch vụ bưu chính ở đấy không được tốt, nên có tháng chúng tôi không nhận được tiền trợ cấp. Do đó, chúng tôi đã tập quen với những lúc thiếu thốn. Một lần, chúng tôi không có đủ tiền mua vé xe buýt để đi tham dự hội nghị vòng quanh, được tổ chức cách đó khoảng 130km. Chúng tôi đã nhớ đến lời khuyên của một anh: “Hãy cho Đức Giê-hô-va biết vấn đề của anh chị. Anh chị đang làm công việc của ngài mà”. Vì thế, chúng tôi đã cầu nguyện và quyết định đi bộ. Tuy nhiên, ngay trước khi đi, bỗng nhiên một anh đến thăm chúng tôi và tặng chúng tôi một ít tiền, vừa đủ mua vé!

CÔNG VIỆC VÒNG QUANH

Tháng 2 năm 1991, tôi được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh. Lúc đó, nhóm nhỏ của chúng tôi có 9 người công bố, trong đó có 3 người đã làm báp-têm, và trung bình có 50 người tham dự nhóm họp. Sau khi được huấn luyện, chúng tôi phụng sự ở một vòng quanh tại thủ đô là Antananarivo. Năm 1993, chúng tôi nhận nhiệm sở mới, đó là một vòng quanh ở miền đông của đất nước. Điều kiện sống ở đó rất khác so với ở Antananarivo.

Chúng tôi đi bộ đến các hội thánh và các nhóm đơn lẻ. Thỉnh thoảng, chúng tôi phải đi tới 145km, băng qua những ngọn núi có rừng rậm rạp. Chúng tôi mang rất ít hành lý. Dĩ nhiên, khi bài giảng công cộng của giám thị vòng quanh cần chiếu hình (hồi đó thỉnh thoảng có) thì chúng tôi phải mang nhiều đồ hơn. Oly mang máy chiếu, còn tôi thì xách bình ắc-quy xe hơi 12 vôn.

Thường thì một ngày chúng tôi đi khoảng 40km để đến hội thánh tiếp theo. Chúng tôi băng qua núi, sông và những đầm lầy. Đôi khi chúng tôi ngủ bên lề đường, nhưng chúng tôi thường cố gắng tìm một làng gần đó để trú ngụ qua đêm. Thỉnh thoảng, chúng tôi xin người lạ cho ngủ nhờ. Sau khi tìm được chỗ, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị bữa ăn. Oly mượn một cái nồi và đi lấy nước ở sông hay hồ gần đó. Còn tôi thì mượn cái rìu, bổ củi để nấu nướng. Làm những việc đó cũng mất thời gian. Lâu lâu, chúng tôi mua một con gà, sau đó phải làm thịt và rửa sạch.

Ăn xong, chúng tôi đi lấy thêm nước để tắm. Thỉnh thoảng, chúng tôi ngủ trong bếp. Nếu trời mưa và mái bị dột, chúng tôi phải ngồi dựa vào tường ngủ để tránh bị ướt.

Chúng tôi luôn cố gắng làm chứng cho chủ nhà. Khi đến nơi dự định, lòng tử tế và hiếu khách của anh em đồng đạo làm chúng tôi vô cùng cảm động. Lòng biết ơn chân thành của họ về sự viếng thăm của chúng tôi đã bù đắp cho mọi khó khăn chúng tôi gặp phải trên đường.

Khi ở nhà của anh em, chúng tôi vui vẻ giúp họ làm những việc vặt. Nhờ thế, họ có nhiều thời gian hơn để đi rao giảng cùng chúng tôi. Chúng tôi không mong có những thứ xa xỉ hoặc những món cao lương mỹ vị, là những điều ngoài khả năng của anh em.

THĂM CÁC NHÓM ĐƠN LẺ

Chúng tôi rất vui khi được thăm các nhóm đơn lẻ. Các anh chị ở đó chào đón chúng tôi bằng một lịch trình rao giảng kín mít. Chúng tôi hầu như không có thời gian để “nghỉ ngơi một chút” (Mác 6:31). Ở một nơi nọ, một cặp vợ chồng Nhân Chứng mời tất cả học viên của họ, gồm 40 người, đến nhà để chúng tôi có thể tham dự học hỏi. Oly tham dự 20 học hỏi với người vợ, còn tôi thì tham dự 20 học hỏi với người chồng. Chúng tôi học liên tiếp, hết người này tới người kia. Đến giờ nhóm họp, chúng tôi phải dời mấy cuộc học hỏi lại để học tiếp sau đó. Một ngày “chạy sô” có khi hơn 8 giờ tối mới kết thúc!

Ở nhóm khác, chúng tôi khởi hành đến làng kế bên vào khoảng 8 giờ sáng. Tất cả đều mặc quần áo cũ. Sau khi băng qua rừng, chúng tôi đến khu vực vào tầm trưa. Chúng tôi thay quần áo và bắt tay ngay vào công việc rao giảng từng nhà. Nhà ở đây thì ít, còn nhóm chúng tôi lại đông người. Vì thế, chúng tôi rao giảng hết khu vực trong vòng 30 phút. Rồi chúng tôi đi đến làng kế tiếp. Sau khi rao giảng ở đó, chúng tôi phải đi đường dài trở về nhà. Lúc đầu, điều này làm chúng tôi hơi nản. Chúng tôi bỏ ra nhiều thời gian và công sức, nhưng chỉ rao giảng từ nhà này sang nhà kia được một tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, các anh chị địa phương không hề phàn nàn. Họ vẫn giữ tinh thần hăng hái.

Một nhóm đơn lẻ ở thị trấn Taviranambo nằm gần đỉnh núi. Ở đó, chúng tôi đến một gia đình Nhân Chứng sống trong căn nhà một phòng. Gần nhà, có một phòng nhỏ dùng làm nơi nhóm họp. Bỗng dưng, anh chủ nhà gọi lớn tiếng: “Các anh ơi!”. Từ đỉnh ngọn núi kế bên, có tiếng trả lời: “Dạ!”. Anh chủ nhà nói tiếp: “Giám thị vòng quanh đến rồi!”. Lại có tiếng đáp lại: “Dạ!”. Hình như bằng cách này, thông điệp lần lượt được chuyển đến những người sống ở những nơi xa hơn nữa. Chẳng bao lâu, người ta nhóm lại, rồi khi nhóm họp bắt đầu, hơn 100 người có mặt.

KHÓ KHĂN TRONG VIỆC DI CHUYỂN

Năm 1996, chúng tôi được bổ nhiệm đến một vòng quanh ở vùng cao nguyên miền trung, gần Antananarivo hơn. Ở vòng quanh này, chúng tôi gặp những thử thách chưa từng gặp ở các vòng quanh khác. Phương tiện di chuyển công cộng đến những vùng hẻo lánh không phải lúc nào cũng có. Theo chương trình, chúng tôi đi thăm một nhóm ở thị trấn Beankàna (Besakay), cách Antananarivo khoảng 240km. Sau một vài thỏa thuận với tài xế, chúng tôi lên một xe tải nhỏ đang trên đường đến đó. Có khoảng 30 hành khách khác bên trong và bên ngoài xe tải, một số nằm trên nóc xe còn số khác thì đứng bám lấy gờ phía đuôi xe.

Chẳng bao lâu, như chuyện thường xảy ra, xe tải bị hỏng, và chúng tôi đi bộ tiếp. Sau vài tiếng đồng hồ đi bộ mệt nhọc, có một xe tải lớn đi ngang qua. Xe tải ấy đã chật cứng người và hàng hóa, nhưng tài xế vẫn dừng xe lại. Chúng tôi lên xe, chấp nhận đứng, vì đây là giải pháp duy nhất. Sau đó, chúng tôi tới một con sông, nhưng cầu đang được sửa. Một lần nữa, chúng tôi lại xuống đi bộ và cuối cùng chúng tôi đến một ngôi làng nhỏ, có vài tiên phong đặc biệt ở đó. Dù không nằm trong lịch trình viếng thăm, nhưng chúng tôi dành thời gian đi rao giảng cùng họ cho đến khi cầu được sửa xong và có xe khác đi qua.

Một tuần sau, có xe đi ngang qua và chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình. Đường toàn là ổ gà lớn. Chúng tôi thường xuyên phải giúp để đẩy xe qua những hố sâu ngập nước đến đầu gối, bị vấp ngã là chuyện thường tình. Khi trời còn chưa sáng, chúng tôi đến một ngôi làng nhỏ và xuống xe. Sau khi đi hết đường cái, chúng tôi đi bộ qua những cánh đồng lúa, nước đục lên tới thắt lưng.

Vì là lần đầu tiên đến vùng này nên chúng tôi quyết định làm chứng cho một số nông dân trên cánh đồng và hỏi đường đến nhà các anh chị Nhân Chứng. Thật vui mừng làm sao vì những nông dân ấy lại chính là anh em đồng đạo!

KHUYẾN KHÍCH NGƯỜI KHÁC PHỤNG SỰ TRỌN THỜI GIAN

Qua nhiều năm, chúng tôi thật vui mừng khi nhìn thấy kết quả của việc khuyến khích người khác phụng sự trọn thời gian. Khi thăm một hội thánh có chín người tiên phong đều đều, chúng tôi khuyến khích mỗi người tiên phong đặt mục tiêu giúp một người công bố gia nhập hàng ngũ tiên phong. Sáu tháng sau, khi trở lại viếng thăm, số tiên phong đều đều của hội thánh ấy lên tới 22 người. Hai chị tiên phong đã khuyến khích cha mình, cả hai đều là trưởng lão, làm tiên phong. Sau đó, hai trưởng lão này cũng khuyến khích trưởng lão thứ ba cùng tham gia. Không lâu sau đó, trưởng lão thứ ba được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt. Về sau, anh và vợ bắt đầu công việc vòng quanh. Còn hai trưởng lão kia thì sao? Một anh làm giám thị vòng quanh, anh kia là tình nguyện viên xây Phòng Nước Trời.

Chúng tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va mỗi ngày vì sự giúp đỡ của ngài. Chúng tôi hiểu rằng mình không thể thực hiện bất cứ điều gì bằng sức riêng. Dù đôi khi cảm thấy mệt mỏi và mắc bệnh, nhưng chúng tôi vẫn hạnh phúc khi nghĩ đến những kết quả trong thánh chức. Đức Giê-hô-va làm cho công việc của ngài tiến triển. Hiện nay, chúng tôi đang phụng sự với tư cách là tiên phong đặc biệt và rất hạnh phúc vì được góp một phần nhỏ bé vào công việc của Đức Chúa Trời. Chúng tôi đã học được “bí quyết” qua việc nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, “đấng ban sức” cho chúng tôi.

[Câu nổi bật nơi trang 6]

Chúng tôi đã học được “bí quyết” qua việc nương cậy nơi Đức Giê-hô-va

[Bản đồ/Các hình nơi trang 4]

Madagascar, còn được gọi là Đảo Đỏ, là hòn đảo lớn thứ tư trên thế giới. Đất ở đây là đất đỏ, và có nhiều động, thực vật quý hiếm ở đảo này

[Hình nơi trang 5]

Chúng tôi vui thích tham dự các cuộc học hỏi Kinh Thánh

[Các hình nơi trang 5]

Di chuyển là một trong những thử thách lớn nhất mà chúng tôi gặp