Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu?

Tại sao đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu?

Tại sao đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu?

“Hằng ngày miệng tôi sẽ thuật sự công-bình và sự cứu-rỗi của Chúa”.—THI 71:15.

BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?

Tại sao Nô-ê, Môi-se, Giê-rê-mi và Phao-lô đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống?

Xem xét điều gì sẽ giúp bạn biết cách dùng đời sống của mình?

Tại sao bạn quyết tâm đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu?

1, 2. (a) Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va, một người cho thấy điều gì? (b) Chúng ta được lợi ích thế nào khi xem xét những lựa chọn của Nô-ê, Môi-se, Giê-rê-mi và Phao-lô?

Khi dâng mình và làm báp-têm để trở thành môn đồ Chúa Giê-su, bạn thực hiện một bước rất quan trọng. Dâng mình cho Đức Chúa Trời là quyết định quan trọng nhất trong đời bạn. Điều này giống như bạn nói: “Đức Giê-hô-va ơi, con muốn Cha là Chủ của con trong mọi khía cạnh của đời sống. Con là đầy tớ của Cha. Con muốn Cha cho con biết con phải đặt thứ tự ưu tiên như thế nào và con phải dùng thời gian, của cải và tài năng của con ra sao”.

2 Nếu là tín đồ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, những lời trên là điều bạn đã hứa với ngài. Bạn đáng được khen vì đã quyết định như thế. Đó là quyết định khôn ngoan và đúng đắn. Tuy nhiên, việc công nhận Đức Giê-hô-va là Chủ của bạn có liên quan thế nào đến cách bạn dùng thì giờ? Gương mẫu của Nô-ê, Môi-se, Giê-rê-mi và sứ đồ Phao-lô có thể giúp chúng ta trả lời câu hỏi này. Họ là những tôi tớ phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng. Hoàn cảnh của chúng ta cũng tương tự như họ. Quyết định của họ trong việc sắp xếp thứ tự ưu tiên có thể thúc đẩy chúng ta xem xét cách mình đang dùng thì giờ.—Mat 28:19, 20; 2 Ti 3:1.

TRƯỚC THỜI NƯỚC LỤT

3. Thời chúng ta tương đồng thế nào với thời Nô-ê?

3 Chúa Giê-su cho biết có sự tương đồng giữa thời Nô-ê và thời chúng ta. Ngài nói: “Thời Nô-ê thế nào, khi Con Người hiện diện cũng sẽ như thế”. Thời đó, người ta “ăn uống, cưới gả cho đến ngày Nô-ê vào tàu; và họ không để ý gì hết cho tới khi trận Đại Hồng Thủy đến cuốn trôi tất cả mọi người” (Mat 24:37-39). Hầu hết nhân loại ngày nay không ý thức được tính cấp bách của thời này. Họ không để ý đến lời cảnh báo mà tôi tớ Đức Chúa Trời rao truyền. Giống như người ta vào thời Nô-ê, nhiều người còn chế nhạo ý tưởng là Đức Chúa Trời sẽ can thiệp vào các vấn đề của nhân loại (2 Phi 3:3-7). Trong môi trường ấy, Nô-ê đã dùng thời gian như thế nào?

4. Sau khi nhận được chỉ thị của Đức Giê-hô-va, Nô-ê đã dùng thời gian như thế nào, và tại sao?

4 Đức Chúa Trời báo cho Nô-ê biết ngài sắp hủy diệt người ác và ngài giao cho ông một công việc đặc biệt: Đóng một chiếc tàu để cứu sống người và thú vật. Ông đã làm theo chỉ thị đó (Sáng 6:13, 14, 22). Nô-ê cũng công bố việc Đức Giê-hô-va sắp thi hành sự phán xét. Sứ đồ Phi-e-rơ gọi ông là “người rao giảng sự công chính”, cho thấy Nô-ê cố sức để giúp những người xung quanh nhận ra họ đang ở trong tình thế nguy hiểm. (Đọc 2 Phi-e-rơ 2:5). Có hợp lý không nếu gia đình Nô-ê dồn sức vào việc mở rộng kinh doanh, trở nên giàu có hơn những người cùng thời hoặc tạo một đời sống sung túc? Dĩ nhiên không! Vì biết chuyện gì sắp xảy ra, họ không để những điều ấy làm mình bị phân tâm.

LỰA CHỌN CỦA VỊ HOÀNG TỬ AI CẬP

5, 6. (a) Nền giáo dục Môi-se nhận được trang bị cho ông để làm gì? (b) Tại sao Môi-se bỏ lại những triển vọng của mình ở Ai Cập?

5 Kế tiếp, chúng ta hãy xem gương của Môi-se. Ông được con gái của Pha-ra-ôn nhận làm con nuôi và lớn lên trong hoàng cung Ai Cập. Là vị hoàng tử trẻ, ông được học “tất cả sự khôn ngoan của dân Ai Cập” (Công 7:22; Xuất 2:9, 10). Hẳn nền giáo dục này có mục tiêu là trang bị để Môi-se phục vụ trong triều đình Pha-ra-ôn. Ông có thể có địa vị cao trong chính phủ quyền lực nhất thời bấy giờ và hưởng đời sống xa hoa. Nhưng có phải mục tiêu của Môi-se là muốn tận hưởng đời sống như vậy không?

6 Vì được cha mẹ ruột dạy dỗ lúc thơ ấu nên hẳn Môi-se đã biết về những lời hứa Đức Giê-hô-va dành cho tổ phụ ông là Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Môi-se thể hiện đức tin nơi những lời hứa này. Hẳn ông đã suy nghĩ nghiêm túc về tương lai của mình cũng như việc giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Khi đứng trước sự lựa chọn giữa việc trở thành hoàng tử Ai Cập và người nô lệ Y-sơ-ra-ên, Môi-se đã quyết định thế nào? Ông “chọn bị ngược đãi cùng dân Đức Chúa Trời thay vì vui hưởng lạc thú chóng qua của tội lỗi”. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:24-26). Sau này, ông đã làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va về cách ông nên dùng đời sống của mình (Xuất 3:2, 6-10). Tại sao Môi-se làm thế? Vì ông tin nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời. Ông kết luận rằng ông sẽ không có tương lai nếu ở lại Ai Cập. Thật vậy, không lâu sau, Đức Chúa Trời giáng mười tai vạ trên dân tộc này. Bài học cho những người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va ngày nay là gì? Thay vì tập trung vào sự nghiệp hay bất cứ thú vui nào trong thế gian, chúng ta hãy tập trung vào Đức Giê-hô-va và việc phụng sự ngài.

GIÊ-RÊ-MI BIẾT ĐIỀU GÌ SẮP XẢY RA

7. Hoàn cảnh của Giê-rê-mi tương đồng thế nào với hoàn cảnh của chúng ta?

7 Một người khác cũng đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu là nhà tiên tri Giê-rê-mi. Đức Giê-hô-va bổ nhiệm ông làm nhà tiên tri để rao giảng thông điệp phán xét trên Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đa bội đạo. Theo một nghĩa nào đó, Giê-rê-mi sống “trong ngày sau-rốt” (Giê 23:19, 20). Ông biết rõ xã hội Do Thái thời bấy giờ sắp sụp đổ.

8, 9. (a) Tại sao quan điểm của Ba-rúc cần được điều chỉnh? (b) Chúng ta nên nhớ điều gì khi lập kế hoạch?

8 Niềm tin chắc của Giê-rê-mi thúc đẩy ông hành động thế nào? Ông không cố xây đắp tương lai trong một thế gian sắp bị hủy diệt. Nếu ông làm thế thì thật là thiếu khôn ngoan! Thế nhưng, thư ký của ông là Ba-rúc có lúc đã không thấy rõ điều này. Do đó, Đức Chúa Trời nói với Ba-rúc qua Giê-rê-mi: “Nầy, vật ta đã dựng thì ta phá đi, vật ta đã trồng thì ta nhổ đi, sự đó khắp trong cả đất. Còn ngươi, ngươi còn tìm việc lớn cho mình hay sao? Chớ có tìm-kiếm, vì nầy, ta sẽ giáng tai-vạ cho mọi loài xác-thịt; nhưng ngươi, hễ đi đến đâu, ta cũng sẽ ban mạng-sống cho ngươi làm của-cướp”.—Giê 45:4, 5.

9 Chúng ta không biết rõ “việc lớn” của Ba-rúc là gì *. Thế nhưng, chúng ta biết những việc đó không có tương lai; khi người Ba-by-lôn chiếm thành Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN thì những việc đó chẳng còn nghĩa lý gì. Chúng ta rút ra bài học nào? Đúng là để có được những điều thiết yếu trong đời sống, chúng ta phải lập một số kế hoạch cho tương lai (Châm 6:6-11). Nhưng có khôn ngoan không nếu chúng ta đầu tư nhiều thời gian và sức lực để theo đuổi những điều không có giá trị lâu dài? Đành rằng, tổ chức của Đức Giê-hô-va tiếp tục lên kế hoạch xây Phòng Nước Trời, trụ sở chi nhánh và thực hiện những dự án thần quyền khác. Tuy nhiên, những công việc này có giá trị lâu dài vì có mục tiêu là đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời. Tương tự, khi lập kế hoạch cho tương lai, tất cả những người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va nên ưu tiên cho công việc Nước Trời. Bạn có chắc chắn là mình đang “tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của ngài trước hết” không?—Mat 6:33.

‘TÔI XEM CHÚNG NHƯ RÁC RƯỞI’

10, 11. (a) Phao-lô đã cố nhắm đến mục tiêu nào trước khi trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô? (b) Tại sao mục tiêu của Phao-lô hoàn toàn thay đổi?

10 Cuối cùng, chúng ta hãy xem xét gương mẫu của Phao-lô. Trước khi trở thành môn đồ Chúa Giê-su, tương lai của ông có vẻ tươi sáng. Ông học luật pháp Do Thái từ một trong những bậc thầy lỗi lạc nhất thời đó. Ông được thầy tế lễ thượng phẩm Do Thái tin cậy và giao cho một nhiệm vụ quan trọng. Và ông có sự thăng tiến vượt bậc so với nhiều người cùng thời (Công 9:1, 2; 22:3; 26:10; Ga 1:13, 14). Tuy nhiên, mọi sự đã thay đổi khi Phao-lô nhận ra rằng dân Do Thái không nhận được ân huệ của Đức Giê-hô-va nữa.

11 Phao-lô nhận ra rằng sự nghiệp của mình trong xã hội Do Thái không có tương lai, nó không có giá trị gì trước mắt Đức Giê-hô-va (Mat 24:2). So với sự hiểu biết mới về ý định của Đức Chúa Trời và đặc ân phụng sự ngài, thì những điều trước đây ông xem là quan trọng, giờ đây chỉ là “rác rưởi”. Phao-lô từ bỏ những mục tiêu liên quan đến Do Thái giáo và dành quãng đời còn lại trên đất để rao giảng tin mừng.—Đọc Phi-líp 3:4-8, 15; Công 9:15.

HÃY XEM XÉT THỨ TỰ ƯU TIÊN

12. Sau khi làm báp-têm, Chúa Giê-su tập trung vào điều gì?

12 Nô-ê, Môi-se, Giê-rê-mi, Phao-lô và nhiều người khác đã dùng phần lớn thời gian và sức lực của mình để phụng sự Đức Giê-hô-va. Họ là những gương tốt để chúng ta noi theo. Dĩ nhiên, Chúa Giê-su là gương xuất sắc nhất cho những người đã dâng mình (1 Phi 2:21). Sau khi làm báp-têm, Chúa Giê-su đã dành quãng đời còn lại của mình trên đất để rao giảng tin mừng và tôn vinh Đức Giê-hô-va. Bài học rõ ràng cho một tín đồ là nếu công nhận Đức Giê-hô-va là Chủ thì người ấy nên đặt việc phụng sự ngài lên hàng đầu trong đời sống. Bạn có đang làm vậy không? Làm thế nào có thể đạt được các mục tiêu thần quyền mà vẫn chu toàn các trách nhiệm trong đời thường?—Đọc Thi-thiên 71:15; 145:2.

13, 14. (a) Các tín đồ đã dâng mình được khuyến khích xem xét điều gì? (b) Điều gì khiến dân Đức Chúa Trời cảm thấy thỏa lòng?

13 Tổ chức của Đức Giê-hô-va đã nhiều lần khuyến khích các tín đồ cầu nguyện và cân nhắc xem mình có làm tiên phong được hay không. Hoàn cảnh của một số tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va không cho phép họ rao giảng trung bình 70 giờ mỗi tháng. Họ không nên cảm thấy áy náy về điều này (1 Ti 5:8). Còn hoàn cảnh của bạn thì sao? Công việc tiên phong có thật sự nằm ngoài tầm tay của bạn không?

14 Hãy nhớ lại niềm vui mà nhiều anh chị đã cảm nhận được trong mùa Lễ Tưởng Niệm năm nay. Trong tháng ba, có một sắp đặt đặc biệt là các tiên phong phụ trợ có thể rao giảng 30 hoặc 50 giờ (Thi 110:3). Hàng triệu người đã làm tiên phong phụ trợ, không khí trong các hội thánh vui mừng nhộn nhịp. Bạn có thể sắp xếp thời gian sao cho mình được cảm nghiệm niềm vui ấy thường xuyên hơn không? Thật thỏa lòng nếu mỗi ngày chúng ta có thể thốt lên: “Đức Giê-hô-va ơi, hôm nay con đã làm hết sức mình để phụng sự Cha”.

15. Người trẻ nên có mục tiêu nào liên quan đến trình độ học vấn?

15 Nếu sắp học xong phổ thông trung học, có lẽ sức khỏe của bạn tốt và bạn chưa phải gánh vác nhiều trách nhiệm. Bạn đã suy nghĩ nghiêm túc về việc gia nhập hàng ngũ tiên phong chưa? Các nhà tham vấn học đường tin rằng việc bạn học lên cao và hoạch định cho sự nghiệp ngoài đời là cách đầu tư chắc chắn nhất. Nhưng họ đặt lòng tin cậy nơi hệ thống xã hội và tài chính của thế gian này, là điều không có tương lai lâu dài. Trái lại, khi theo đuổi sự nghiệp phụng sự Đức Giê-hô-va, bạn sẽ nhắm đến mục tiêu thật sự có giá trị lâu dài. Làm thế, bạn noi theo gương hoàn hảo của Chúa Giê-su. Bạn sẽ hạnh phúc khi có quyết định khôn ngoan như thế. Điều này sẽ che chở bạn và cũng cho thấy bạn cương quyết sống đúng với sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va.—Mat 6:19-21; 1 Ti 6:9-12.

16, 17. Câu hỏi nào được nêu lên liên quan đến công việc ngoài đời và những mục tiêu khác?

16 Ngày nay, nhiều tôi tớ Đức Chúa Trời đang làm việc nhiều giờ để chu cấp nhu cầu thiết yếu cho gia đình. Tuy nhiên, một số người làm việc quá nhiều giờ (1 Ti 6:8). Thế giới thương mại đang ra sức khiến chúng ta tin rằng chúng ta không thể nào sống nếu thiếu các sản phẩm của nó và mỗi mẫu mã mới trên thị trường. Nhưng tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính không muốn để cho thế giới của Sa-tan điều khiển họ (1 Giăng 2:15-17). Đối với những người đã về hưu, còn cách nào tốt hơn là dùng thời gian để làm tiên phong, đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu?

17 Mỗi tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va có thể tự hỏi: Mục tiêu chính trong đời sống của mình là gì? Mình có đang đặt Nước Trời lên hàng đầu không? Mình có noi theo tinh thần hy sinh của Chúa Giê-su không? Mình có làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su là luôn bước theo ngài không? Mình có thể điều chỉnh thời gian biểu để rao giảng về Nước Trời nhiều hơn hoặc nhắm đến mục tiêu thần quyền khác không? Nếu hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép mình làm nhiều hơn, thì mình có tiếp tục vun trồng tinh thần hy sinh không?.

‘ƯỚC MUỐN VÀ SỨC MẠNH ĐỂ THỰC HIỆN’

18, 19. Bạn có thể cầu nguyện về điều gì? Tại sao lời cầu nguyện đó làm vui lòng Đức Giê-hô-va?

18 Thật vui mừng khi được chứng kiến lòng sốt sắng của dân Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, một số người có lẽ cảm thấy không có hứng thú hoặc không đủ khả năng để làm tiên phong, cho dù hoàn cảnh cho phép (Xuất 4:10; Giê 1:6). Nếu một người ở trong hoàn cảnh này thì sao? Người ấy có thể cầu nguyện về điều này không? Dĩ nhiên có. Phao-lô nói với anh em đồng đạo rằng Đức Giê-hô-va sẽ “thêm sinh lực cho anh em, ban cho anh em ước muốn lẫn sức mạnh để thực hiện những điều đẹp lòng ngài” (Phi-líp 2:13). Nếu cảm thấy không có động lực để gia tăng thánh chức, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va cho bạn có ước muốn lẫn khả năng để làm thế.—2 Phi 3:9, 11.

19 Nô-ê, Môi-se, Giê-rê-mi, Phao-lô và Chúa Giê-su đều là những người tận tâm phụng sự Đức Giê-hô-va. Họ dùng thời gian và sức lực để công bố thông điệp cảnh báo của ngài. Họ không để cho mình bị phân tâm. Thế gian hiện tại sắp chấm dứt nên tất cả chúng ta, là những người đã dâng đời sống cho Đức Chúa Trời, cần chắc chắn rằng mình đang cố gắng hết sức để noi theo các gương mẫu xuất sắc ấy (Mat 24:42; 2 Ti 2:15). Khi làm thế, chúng ta sẽ khiến Đức Giê-hô-va vui lòng và được ngài ban phước dồi dào.—Đọc Ma-la-chi 3:10.

[Chú thích]

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 21]

Người ta không để ý đến lời cảnh báo của Nô-ê

[Hình nơi trang 24]

Bạn đã suy nghĩ nghiêm túc về việc gia nhập hàng ngũ tiên phong chưa?