Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Họ “được thần khí hướng dẫn”

Họ “được thần khí hướng dẫn”

Họ “được thần khí hướng dẫn”

“Không hề có lời tiên tri nào ra bởi ý muốn của loài người, nhưng người ta nói những gì đến từ Đức Chúa Trời khi được thần khí hướng dẫn”.—2 PHI 1:21.

ĐIỂM ĐỂ SUY NGẪM

Đức Chúa Trời dùng thần khí để truyền thông điệp của ngài cho những người viết Kinh Thánh như thế nào?

Những bằng chứng nào chứng tỏ Kinh Thánh được viết dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời?

Mỗi ngày, bạn có thể làm gì để giữ lòng quý trọng đối với Lời Đức Chúa Trời?

1. Tại sao chúng ta cần Lời Đức Chúa Trời?

Chúng ta đến từ đâu? Tại sao chúng ta tồn tại trên đất này? Chúng ta sẽ đi về đâu? Tại sao tình trạng thế giới lại xấu đến như vậy? Điều gì xảy ra khi chúng ta chết? Người dân khắp nơi trên thế giới hỏi những câu hỏi ấy. Nếu không có Lời Đức Chúa Trời, làm sao chúng ta giải đáp được những câu hỏi đó và những câu hỏi quan trọng khác? Không có Kinh Thánh, chủ yếu chúng ta phải học hỏi qua kinh nghiệm bản thân. Nếu thế, làm sao chúng ta cảm nhận được như người viết Thi-thiên về “Luật-pháp của Đức Giê-hô-va”?—Đọc Thi-thiên 19:7.

2. Điều gì sẽ giúp chúng ta luôn quý trọng Kinh Thánh?

2 Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn là một số người để cho lòng yêu mến Kinh Thánh lúc ban đầu bị nguội lạnh. (So sánh Khải huyền 2:4). Họ không còn sống theo đường lối đẹp lòng Đức Giê-hô-va nữa (Ê-sai 30:21). Chúng ta đừng để điều này xảy ra với mình. Chúng ta có thể và nên nỗ lực để giữ lòng quý trọng đối với Kinh Thánh và những sự dạy dỗ trong sách này. Kinh Thánh là món quà quý giá từ Đấng Tạo Hóa yêu thương (Gia 1:17). Điều gì sẽ giúp chúng ta gia tăng lòng quý trọng “lời Đức Chúa Trời”? Đó là suy ngẫm về cách người ta được hướng dẫn để viết Kinh Thánh. Điều này bao hàm việc nhớ lại một số trong nhiều bằng chứng về sự hướng dẫn ấy. Làm thế, chúng ta sẽ được thôi thúc để đọc Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày và áp dụng lời khuyên trong đó.—Hê 4:12.

“ĐƯỢC THẦN KHÍ HƯỚNG DẪN”—NHƯ THẾ NÀO?

3. Các nhà tiên tri và người viết Kinh Thánh “được thần khí hướng dẫn” theo nghĩa nào?

3 Khoảng 40 người đã viết Kinh Thánh trong 1.610 năm, từ năm 1513 TCN đến năm 98 CN. Một số là nhà tiên tri, “được thần khí hướng dẫn”. (Đọc 2 Phi-e-rơ 1:20, 21). Trong câu này, từ Hy Lạp được dịch là “hướng dẫn” có nghĩa là được chuyển động, được mang đi, hoặc để cho mình chuyển động. Công vụ 27:15 dùng cụm từ này để miêu tả một chiếc thuyền bị thổi đi, tức bị gió cuốn trôi theo một hướng nào đó. Các nhà tiên tri và người viết Kinh Thánh “được thần khí hướng dẫn” theo nghĩa là Đức Chúa Trời thông tri với họ, thúc đẩy họ và hướng dẫn công việc của họ bằng lực hoạt động của ngài. Vì thế, họ viết ra ý của Đức Chúa Trời, chứ không phải ý riêng của mình. Thậm chí, có lúc các nhà tiên tri và người viết Kinh Thánh không biết ý nghĩa của những lời họ viết hoặc tiên tri (Đa 12:8, 9). Thật vậy, “cả Kinh Thánh được viết bởi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời” và hoàn toàn không có quan điểm của con người trong đó.—2 Ti 3:16.

4-6. Đức Giê-hô-va truyền thông điệp của ngài cho người viết Kinh Thánh qua những cách nào? Hãy minh họa.

4 Thế nhưng, qua thần khí, thông điệp của Đức Chúa Trời được truyền cho những người viết Kinh Thánh như thế nào? Họ nhận được chính xác từng từ hay chỉ nhận các ý tưởng, rồi diễn tả bằng lời riêng của mình? Hãy xem cách một thương gia soạn lá thư. Khi cần phải chính xác từng từ, ông sẽ tự viết thư hoặc đọc từng chữ cho thư ký viết. Người thư ký đánh máy thư đó, và lá thư mang chữ ký của thương gia. Những lúc khác, thương gia chỉ nói ý chính, và người thư ký sẽ soạn lá thư với văn phong và ngôn từ của mình. Sau đó, thương gia đọc lại thư và nếu cần sửa đổi gì thì ông bảo thư ký làm theo. Cuối cùng, thương gia ký tên vào lá thư và như vậy lá thư được xem là thư của ông.

5 Tương tự, một số phần Kinh Thánh được viết “bởi ngón tay Đức Chúa Trời” (Xuất 31:18). Khi cần phải chính xác từng từ, Đức Giê-hô-va bảo người viết chép theo từng lời ngài phán. Chẳng hạn, Xuất Ê-díp-tô Ký 34:27 cho biết: “Đức Giê-hô-va cũng phán cùng Môi-se rằng: Hãy chép các lời nầy; vì theo các lời nầy mà ta lập giao-ước cùng ngươi và cùng Y-sơ-ra-ên”. Tương tự, Đức Giê-hô-va bảo nhà tiên tri Giê-rê-mi: “Hãy chép mọi lời ta đã phán cùng ngươi vào trong sách”.—Giê 30:2.

6 Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, Đức Chúa Trời truyền những ý tưởng của ngài vào lòng và trí người viết Kinh Thánh một cách kỳ diệu, rồi cho phép họ tự chọn lời lẽ để diễn tả. Truyền-đạo 12:10 cho biết: “Kẻ truyền-đạo có chuyên-lo tìm-kiếm những câu luận tốt-đẹp; và các lời đã viết ra đều là chánh-trực và chân-thật”. Người viết Phúc âm Lu-ca “đã tìm hiểu chính xác mọi việc từ lúc bắt đầu nên quyết định viết... theo trình tự” (Lu 1:3). Đức Chúa Trời dùng thần khí để đảm bảo rằng sự bất toàn của con người không làm thông điệp của ngài bị thay đổi.

7. Tại sao việc Đức Chúa Trời dùng con người để viết Kinh Thánh cho thấy sự khôn ngoan của ngài?

7 Sự khôn ngoan tột bậc của Đức Chúa Trời được thấy rõ qua việc ngài dùng con người để viết Kinh Thánh. Ngôn từ không chỉ truyền đạt thông tin mà còn truyền cảm xúc và tình cảm. Nói sao nếu Đức Giê-hô-va dùng các thiên sứ để viết Kinh Thánh? Họ có thể chuyển tải hết những cảm xúc của con người như sợ hãi, buồn rầu và thất vọng không? Khi cho phép những người bất toàn chọn lời để diễn tả ý tưởng mà họ nhận được qua thần khí, Đức Chúa Trời truyền thông điệp của ngài một cách nồng ấm, phong phú và thu hút chúng ta!

GHI NHỚ NHỮNG BẰNG CHỨNG

8. Tại sao có thể nói rằng Kinh Thánh không giống bất cứ sách kinh nào khác?

8 Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Kinh Thánh được viết dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ về Đức Chúa Trời hơn bất cứ sách kinh nào khác. Chẳng hạn, thánh kinh của Ấn Độ giáo bao gồm sách thánh ca Vệ Đà và bộ sưu tập các bình luận về những bài thánh ca ấy, những khảo luận triết học được gọi là Áo Nghĩa Thư, và các sách sử thi như Ramayana Mahabharata. Chí Tôn Ca, cuốn sách chứa đựng những hướng dẫn về luân lý, là một phần của Mahabharata. Tam tạng Kinh điển của Phật giáo gồm ba bộ sưu tập. Bộ thứ nhất chủ yếu là các luật lệ và quy định về việc sống tập thể của thầy tu và ni cô. Bộ thứ nhì chủ yếu là các giáo điều Phật giáo. Còn bộ thứ ba ghi lại những dạy dỗ truyền miệng của Phật Thích Ca. Phật Thích Ca không tự cho mình là một vị thần, và ông nói rất ít về Đức Chúa Trời. Kinh của đạo Khổng bao gồm các sự kiện lịch sử, luật lệ luân lý, phép thuật và bài ca. Đành rằng, thánh kinh của Hồi giáo dạy là có một Đức Chúa Trời. Sách này nói Đức Chúa Trời là một đấng biết hết mọi chuyện, biết trước tương lai và định đoạt mọi việc, nhưng không cho biết tên của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va, trong khi Kinh Thánh nhắc đến tên này hàng ngàn lần.

9, 10. Chúng ta học được gì về Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh?

9 Trong khi hầu hết các sách chính của tôn giáo nói rất ít, thậm chí không nói gì về Đức Chúa Trời, thì Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ về Đức Giê-hô-va và công việc của ngài. Sách này giúp chúng ta biết ngài là đấng như thế nào. Kinh Thánh tiết lộ Đức Chúa Trời không chỉ là đấng toàn năng, khôn ngoan và công bằng mà còn yêu thương chúng ta. (Đọc Giăng 3:16; 1 Giăng 4:19). Hơn nữa, Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời không hề thiên vị, nhưng trong các dân, hễ ai kính sợ ngài và làm điều đúng thì được ngài chấp nhận” (Công 10:34, 35). Theo một nghĩa nào đó, việc Kinh Thánh được dịch ra nhiều thứ tiếng chứng tỏ Đức Chúa Trời không thiên vị. Các nhà ngôn ngữ học nói rằng trong khoảng 6.700 ngôn ngữ đang được sử dụng, có gần 100 ngôn ngữ được 90% dân số trên thế giới dùng. Kinh Thánh, trọn bộ hay một phần, đã được dịch sang hơn 2.400 ngôn ngữ. Hầu như mọi người trên thế giới được đọc ít nhất một phần của Kinh Thánh trong ngôn ngữ của mình.

10 Chúa Giê-su nói: “Cha tôi vẫn làm việc cho đến nay, và tôi cũng vậy” (Giăng 5:17). Vả lại, ‘từ trước vô-cùng cho đến đời đời Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời’. Vậy, công việc của Đức Chúa Trời thật nhiều thay! (Thi 90:2). Chỉ có Kinh Thánh cho chúng ta biết về các công việc của ngài trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết những điều Đức Chúa Trời hài lòng và không hài lòng, cũng như cho chúng ta biết cách để đến gần ngài (Gia 4:8). Vậy, chúng ta đừng để cho mục tiêu cá nhân hay những lo lắng làm mình xa cách ngài.

11. Kinh Thánh chứa đựng những lời khuyên khôn ngoan nào?

11 Những lời khuyên thực tế và khôn ngoan được thấy trong Kinh Thánh cũng chứng tỏ sách này đến từ một nguồn cao hơn con người. Sứ đồ Phao-lô viết: “Ai biết được tư tưởng của Đức Giê-hô-va để chỉ dẫn ngài?” (1 Cô 2:16). Câu này dựa trên điều mà nhà tiên tri Ê-sai đã hỏi người cùng thời: “Ai lường được Thần của Đức Chúa Trời, và làm mưu-sĩ Ngài, đặng dạy Ngài điều gì?” (Ê-sai 40:13). Dĩ nhiên, câu trả lời là không ai làm được điều đó. Vì vậy, không ngạc nhiên gì khi làm theo lời khuyên của Kinh Thánh về hôn nhân, con cái, giải trí, giao tiếp, tính lương thiện và đạo đức thì mang lại kết quả vượt trội! Kinh Thánh không bao giờ hướng chúng ta đi sai đường. Trái lại, con người không đủ khôn ngoan để đưa ra những lời khuyên luôn giúp ích (Giê 10:23). Mỗi khi nhận ra lời khuyên trước đây là sai thì họ phải chỉnh sửa và cập nhật lại. Kinh Thánh nói tư tưởng loài người “chỉ như cơn gió thoảng”.—Thi 94:11, Các Giờ Kinh Phụng Vụ.

12. Kinh Thánh tồn tại qua hàng thế kỷ bất chấp những nỗ lực nào?

12 Lịch sử cũng cho chúng ta lý do để tin rằng Đức Chúa Trời là Tác Giả của Kinh Thánh. Trong quá khứ, nhiều người đã tìm mọi cách để thủ tiêu thông điệp của Đức Chúa Trời. Năm 168 TCN, vua của Si-ri là Antiochus IV cố tìm kiếm những bản Luật pháp của Đức Chúa Trời để đốt bỏ. Năm 303 CN, hoàng đế La Mã Diocletian ra sắc lệnh dẹp bỏ các nơi nhóm họp của đạo Đấng Ki-tô và đốt Kinh Thánh của họ. Đợt tàn phá này kéo dài một thập kỷ. Sau thế kỷ 11, các giáo hoàng dẫn đầu cuộc ngăn chặn việc phổ biến Kinh Thánh. Họ đã chống lại việc dịch Kinh Thánh sang những ngôn ngữ thông dụng. Bất chấp nỗ lực như thế của Sa-tan và những tay sai của hắn, Kinh Thánh vẫn tồn tại cho đến thời chúng ta. Đức Giê-hô-va không để cho bất cứ kẻ nào xóa bỏ món quà ngài ban cho nhân loại.

BẰNG CHỨNG ĐÃ THUYẾT PHỤC NHIỀU NGƯỜI

13. Bằng chứng nào cho thấy Kinh Thánh được viết dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời?

13 Có bằng chứng khác cho thấy Kinh Thánh được viết dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời: hòa hợp về nội dung, chính xác về khoa học, lời tiên tri được ứng nghiệm, sự thẳng thắn của người viết, quyền lực thay đổi đời sống, chính xác về lịch sử và các lời giải đáp thỏa đáng cho những câu hỏi được đề cập trong đoạn 1. Hãy xem điều gì đã khiến một số người nhận ra rằng Kinh Thánh đến từ Đức Chúa Trời.

14-16. (a) Điều gì đã thuyết phục một người Hồi giáo, một người Ấn Độ giáo và một người nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời tin rằng Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời? (b) Trong thánh chức, bạn thích dùng bằng chứng nào cho thấy Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời?

14 Anh Anwar * từng là tín đồ Hồi giáo ở một nước thuộc vùng Trung Đông. Một thời gian sống ở Bắc Mỹ, anh đã gặp Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì đã nghe về các cuộc Thập Tự Chinh và Tòa án Dị giáo nên lúc đó, anh “không có thiện cảm với các đạo thuộc Ki-tô giáo”. Anh nói tiếp: “Nhưng vốn là người hiếu kỳ, tôi đã đồng ý học Kinh Thánh”. Chẳng bao lâu, anh Anwar trở về nước và mất liên lạc với Nhân Chứng. Nhiều năm sau, anh chuyển đến châu Âu và tiếp tục học Kinh Thánh. Anh đi đến kết luận: “Sự ứng nghiệm của các lời tiên tri trong Kinh Thánh, nội dung hòa hợp mà không mâu thuẫn của sách này cũng như tình yêu thương trong vòng những người thờ phượng Đức Giê-hô-va đã khiến tôi tin rằng Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời”. Anh Anwar làm báp-têm vào năm 1998.

15 Chị Asha, 16 tuổi, đến từ một gia đình Ấn Độ giáo rất sùng đạo. Chị nói: “Em chỉ cầu nguyện khi đến chùa hoặc trong những lúc gặp khó khăn. Khi đời sống êm ả thì em không hề nghĩ đến Đức Chúa Trời”. Chị nói tiếp: “Tuy nhiên, khi Nhân Chứng Giê-hô-va gõ cửa nhà em, cuộc đời em đã thay đổi 180 độ”. Asha đã tìm hiểu Kinh Thánh và bắt đầu xem Đức Chúa Trời là Bạn. Điều gì đã thuyết phục chị tin Kinh Thánh được viết dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời? Chị giải thích: “Kinh Thánh giải đáp mọi thắc mắc của em. Sách này giúp em có đức tin cho dù không thấy Đức Chúa Trời, em không cần đi đến chùa quỳ lạy pho tượng nữa”.

16 Chị Paula lớn lên trong một gia đình Công giáo, nhưng khi còn là thanh niên, chị nghi ngờ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Sau đó đã có sự thay đổi. Chị nói: “Tôi gặp một người bạn mà hàng tháng trước đó chúng tôi không gặp nhau. Lúc đó là thời híp-pi. Khi thấy anh bạn đó đã thay đổi, trông anh gọn gàng và vui vẻ, tôi hỏi anh: ‘Sao trông anh lạ vậy? Bấy lâu nay anh đi đâu mà không thấy mặt?’. Anh nói là anh đã bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, rồi anh làm chứng cho tôi”. Tận mắt chứng kiến quyền lực của Kinh Thánh, chị đã chú ý đến thông điệp trong đó và bắt đầu tin rằng Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời.

“LỜI CHÚA LÀ NGỌN ĐÈN CHO CHÂN TÔI”

17. Bạn sẽ nhận được lợi ích nào khi đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày?

17 Kinh Thánh là món quà tuyệt diệu mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta qua thần khí. Hãy vui thích đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Nhờ thế, lòng yêu thương của bạn đối với Kinh Thánh và Tác Giả của sách này sẽ ngày càng gia tăng (Thi 1:1, 2). Mỗi khi đọc Kinh Thánh, hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban thần khí để giúp bạn hiểu điều sắp đọc (Lu 11:13). Kinh Thánh chứa đựng ý tưởng của Đức Chúa Trời, nên khi suy ngẫm sự dạy dỗ trong sách này, bạn đang tập để có cùng quan điểm với ngài.

18. Tại sao bạn muốn tiếp tục học hỏi Kinh Thánh?

18 Khi gia tăng sự hiểu biết về sự thật Kinh Thánh, hãy áp dụng những gì bạn học. (Đọc Thi-thiên 119:105). Hãy xem xét kỹ Kinh Thánh như bạn soi gương. Nếu thấy mình có điểm nào cần sửa thì hãy sửa ngay (Gia 1:23-25). Hãy dùng Lời Đức Chúa Trời như là gươm để bảo vệ niềm tin của mình và “cắt bỏ” những niềm tin sai lầm trong lòng của những người nhu mì (Ê-phê 6:17). Khi làm thế, hãy biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã dùng thần khí để hướng dẫn các nhà tiên tri và người viết thông điệp Kinh Thánh.

[Chú thích]

^ đ. 14 Một số tên đã được thay đổi.

[Câu hỏi thảo luận]

[Câu nổi bật nơi trang 29]

Đọc Kinh Thánh mỗi ngày, tình yêu thương của bạn đối với Tác Giả sách này sẽ càng gia tăng

[Hình nơi trang 26]

Lá thư được xem là của người ký tên trên đó