Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Anh em không biết ngày và giờ đó”

“Anh em không biết ngày và giờ đó”

“Hãy luôn thức canh, vì anh em không biết ngày và giờ đó”.—MAT 25:13.

1-3. (a) Những tình huống nào giúp chúng ta hiểu bài học trong hai dụ ngôn của Chúa Giê-su? (b) Chúng ta cần giải đáp những câu hỏi nào?

Hãy hình dung, một viên chức có danh tiếng đề nghị bạn chở đi dự một cuộc họp quan trọng. Tuy nhiên, vài phút trước khi đi, bạn mới biết là xe mình sắp hết xăng. Bạn tức tốc đi đổ xăng. Ngay lúc ấy, vị viên chức đến chỗ hẹn. Ông nhìn quanh nhưng không thấy bạn. Vì không thể đợi thêm nên ông đề nghị người khác chở đi. Ít phút sau, bạn quay lại nhưng ông ấy đi rồi. Bạn cảm thấy thế nào?

2 Giờ đây, hãy tưởng tượng bạn chính là vị viên chức ấy, bạn chọn ba người có năng lực để làm một số việc quan trọng. Bạn giải thích công việc và cả ba đều đồng ý làm. Tuy nhiên, một hồi sau bạn quay lại, bạn biết được chỉ hai người hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, người thứ ba còn bào chữa cho hành động của mình. Thực ra, người này không hề cố gắng hoàn thành công việc được giao. Bạn cảm thấy thế nào?

3 Trong hai dụ ngôn về những trinh nữ và ta-lâng, Chúa Giê-su dùng tình huống tương tự để minh họa tại sao vào thời kỳ cuối cùng, một số tín đồ được xức dầu sẽ tỏ ra trung tín và khôn ngoan, còn số khác thì không * (Mat 25:1-30). Ngài nhấn mạnh bài học: “Vậy hãy luôn thức canh, vì anh em không biết ngày và giờ đó”, tức thời điểm Chúa Giê-su đến để thi hành sự phán xét đối với thế gian Sa-tan (Mat 25:13). Lời khuyên này cũng áp dụng cho chúng ta ngày nay. Làm thế nào chúng ta nhận được lợi ích nhờ việc thức canh như Chúa Giê-su khuyến khích? Ai đã chứng tỏ mình trong tư thế sẵn sàng để được sống sót? Và ngay bây giờ, chúng ta phải làm gì để luôn thức canh?

LỢI ÍCH CỦA VIỆC LUÔN THỨC CANH

4. Tại sao thức canh không có nghĩa là canh giờ?

4 Có một số hoạt động đòi hỏi phải đúng giờ, chẳng hạn như làm việc trong công xưởng, đi khám bệnh hoặc đi lại bằng phương tiện công cộng. Tuy nhiên, đối với những hoạt động khác như cứu hỏa, cứu trợ, thì việc canh giờ có thể làm phân tâm, thậm chí còn gây thiệt hại. Trong những tình huống như thế, chú tâm vào công việc trước mắt quan trọng hơn giữ theo thời biểu. Khi thời điểm kết thúc của thế gian càng gần kề, việc giúp người ta chú ý đến sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để được cứu quan trọng hơn bao giờ hết. Thế nên, tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải thức canh, nhưng thức canh không có nghĩa là canh giờ. Thực tế, chúng ta nhận được ít nhất năm lợi ích khi không biết chính xác ngày và giờ của thời điểm kết thúc.

5. Tại sao việc không biết thời điểm kết thúc giúp chúng ta bộc lộ những gì chất chứa trong lòng?

5 Thứ nhất, việc không biết thời điểm kết thúc cho chúng ta cơ hội bộc lộ những gì chất chứa trong lòng. Điều này cho thấy Đức Giê-hô-va tôn trọng chúng ta, ngài cho phép chúng ta chọn lựa mình sẽ trung thành với ngài hay không. Dù mong đợi được sống sót qua ngày lớn, nhưng chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va vì yêu thương ngài, chứ không phải chỉ muốn được cứu. (Đọc Thi-thiên 37:4). Chúng ta vui khi làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va và nhận ra rằng ngài đang dạy dỗ chúng ta hầu chúng ta được lợi ích (Ê-sai 48:17). Chúng ta không thấy điều răn của ngài là nặng nề.—1 Giăng 5:3.

6. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi chúng ta phụng sự ngài vì tình yêu thương, và tại sao?

6 Lợi ích thứ hai của việc không biết thời điểm kết thúc là chúng ta có cơ hội làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Khi phụng sự ngài vì tình yêu thương, chứ không phải vì ngày lớn của ngài sắp đến hoặc chỉ vì phần thưởng, chúng ta góp phần đáp lại lời thách thức vô căn cứ của Sa-tan (Gióp 2:4, 5; đọc Châm-ngôn 27:11). Vì biết rõ sự đau khổ mà Kẻ Quỷ Quyệt gây ra, nên chúng ta vui mừng ủng hộ quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va và bác bỏ sự cai trị độc ác của Sa-tan.

7. Tại sao bạn nghĩ đời sống hy sinh mang lại lợi ích?

7 Thứ ba, việc phụng sự mà không biết chính xác ngày và giờ giúp chúng ta có đời sống hy sinh. Ngày nay, một số người không biết Đức Chúa Trời cũng tin rằng thế gian này không thể tồn tại lâu hơn nữa. Do sợ thảm họa sắp xảy đến nên họ có tư tưởng: “Hãy ăn, hãy uống, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!” (1 Cô 15:32). Còn chúng ta thì không lo sợ. Chúng ta cũng không tự cô lập để thỏa mãn những ước muốn riêng (Châm 18:1). Thay vì thế, chúng ta từ bỏ chính mình và dùng thời gian, năng lực cũng như mọi điều khác mình có để rao truyền tin mừng về Nước Trời. (Đọc Ma-thi-ơ 16:24). Chúng ta vui sướng khi phụng sự Đức Chúa Trời, đặc biệt khi được giúp người khác biết đến ngài.

8. Trường hợp nào trong Kinh Thánh cho thấy chúng ta cần hoàn toàn nương cậy Đức Giê-hô-va và Lời ngài?

8 Lợi ích thứ tư là việc không biết ngày và giờ thôi thúc chúng ta hoàn toàn nương cậy nơi Đức Giê-hô-va và cố gắng áp dụng Lời ngài trong đời sống. Con người bất toàn có khuynh hướng tin cậy bản thân. Phao-lô cảnh báo tất cả các tín đồ: “Ai nghĩ mình đang đứng thì phải coi chừng kẻo ngã”. Khi Giô-suê sắp dẫn dân Đức Giê-hô-va vào Đất Hứa thì hai mươi ba ngàn người đã đánh mất ân huệ của ngài. Phao-lô nói: ‘Những điều đó được viết lại để cảnh báo chúng ta, là những người sống trong thời điểm kết thúc của thời đại này’.—1 Cô 10:8, 11, 12.

9. Làm sao thử thách tinh luyện chúng ta và giúp chúng ta càng gắn bó hơn với Đức Chúa Trời?

9 Lợi ích thứ năm của việc không biết thời điểm kết thúc là chúng ta được tinh luyện trước thử thách. (Đọc Thi-thiên 119:71). Những ngày sau cùng của thế gian này thật sự là “thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” (2 Ti 3:1-5). Nhiều người trong thế gian của Sa-tan thù ghét chúng ta nên chúng ta có thể bị bắt bớ vì đức tin (Giăng 15:19; 16:2). Nếu khiêm nhường và tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời khi gặp thử thách, đức tin của chúng ta được tinh luyện như thể qua lửa. Chúng ta không bị vấp ngã. Ngược lại, chúng ta càng gắn bó với Đức Giê-hô-va, có lẽ còn hơn cả sự mong đợi.—Gia 1:2-4; 4:8.

10. Điều gì khiến thời gian dường như trôi qua nhanh chóng?

10 Thời gian trôi qua nhanh hay chậm tùy thuộc phần nào vào chúng ta. Khi chúng ta bận rộn thay vì cứ canh giờ, thời gian dường như qua nhanh như chớp. Tương tự thế, nếu miệt mài làm công việc thú vị mà Đức Giê-hô-va giao thì có lẽ ngày và giờ ấy sẽ đến mau hơn mình tưởng. Hầu hết những người được xức dầu đều nêu gương tốt về điều này. Chúng ta hãy điểm lại những biến cố xảy ra sau khi Chúa Giê-su lên ngôi vào năm 1914, và xem làm sao một số người đã thể hiện tinh thần sẵn sàng, còn số khác thì không.

NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC XỨC DẦU THỂ HIỆN TINH THẦN SẴN SÀNG

11. Sau năm 1914, tại sao một số tín đồ được xức dầu kết luận rằng Chúa Giê-su đến trễ?

11 Hãy nhớ lại các dụ ngôn của Chúa Giê-su về những trinh nữ và ta-lâng. Nếu các trinh nữ biết khi nào chàng rể đến, hoặc đầy tớ biết khi nào chủ đến, thì họ không cần phải thức canh. Nhưng vì không biết nên họ phải sẵn sàng. Từ nhiều thập kỷ trước, những người được xức dầu tin rằng năm 1914 sẽ là một năm đặc biệt, nhưng họ không hiểu rõ điều gì xảy ra vào năm ấy. Khi mọi chuyện không diễn ra như mong đợi, một số người nghĩ rằng Chàng Rể đến trễ. Một anh nhớ lại: “Vài người trong chúng tôi thật sự nghĩ rằng chúng tôi sẽ được lên trời trong tuần lễ đầu tiên của tháng 10 [năm 1914]”.

12. Những người được xức dầu thể hiện sự trung tín và khôn ngoan như thế nào?

12 Hãy tưởng tượng họ thất vọng thế nào khi điều mình kỳ vọng không xảy ra! Hơn nữa, các anh chị này phải đương đầu với sự chống đối trong Thế Chiến I. Trong một thời gian, công việc rao giảng gần như bị gián đoạn. Theo một nghĩa nào đó, các tín đồ được xức dầu đang ngủ. Tuy nhiên, năm 1919, có lời kêu gọi thức dậy! Chúa Giê-su đã đến thanh tra đền thờ thiêng liêng. Cuộc thanh tra cho thấy một số người không còn hội đủ tiêu chuẩn để tiếp tục làm việc cho Vua. Như những trinh nữ dại, họ không siêng năng trong việc tiếp thêm dầu về thiêng liêng. Và như đầy tớ biếng nhác, họ không muốn hy sinh vì Nước Trời. Tuy nhiên, đa số những người được xức dầu đều thể hiện lòng trung kiên không lay chuyển, và rất mong muốn được phục vụ Chủ suốt những năm tháng đầy khó khăn của thời chiến.

13. Sau năm 1914, lớp đầy tớ có thái độ nào, và ngày nay thì sao?

13 Tháp Canh ngày 1-2-1916 có đăng những lời đáng chú ý sau: “Hỡi anh em, những ai có thái độ đúng thì không bao giờ thất vọng về bất cứ sắp đặt nào của Đức Chúa Trời. Chúng ta không mong ý của mình được nên, do đó, khi hiểu ra điều mình kỳ vọng về tháng 10 năm 1914 là sai, chúng ta mừng vì Chúa không thay đổi kế hoạch của ngài để phù hợp với ý chúng ta. Chúng ta không muốn ngài làm thế. Chúng ta chỉ muốn hiểu rõ kế hoạch và ý định của ngài”. Cho đến nay, thái độ khiêm nhường và tin kính ấy vẫn là nét đặc trưng của những người được xức dầu. Họ không cho rằng ý của mình luôn đúng, mình được thần khí soi dẫn giống như những người viết Kinh Thánh. Họ chỉ muốn thi hành công việc mà Chúa Giê-su giao. Và giờ đây đám đông chiên khác, tức những người có hy vọng sống trên đất, đang noi theo gương sốt sắng và thức canh của họ.—Khải 7:9; Giăng 10:16.

CHIÊN KHÁC THỂ HIỆN TINH THẦN SẴN SÀNG

14. Nhờ gắn bó với lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan, chúng ta được bảo vệ như thế nào?

14 Như các tín đồ được xức dầu, những tín đồ tỉnh táo thuộc đám đông cũng quý trọng phương tiện Đức Chúa Trời dùng để cấp phát thức ăn thiêng liêng. Kết quả là họ đang tiếp thêm dầu về thiêng liêng từ Lời Đức Chúa Trời và thần khí. (Đọc Thi-thiên 119:130; Giăng 16:13). Nhờ thế, họ cũng thể hiện tinh thần sẵn sàng trong khi chờ Chúa Giê-su đến, đồng thời có thể giữ lòng trung thành ngay cả khi gặp thử thách cam go. Chẳng hạn, tại một trại giam của Đức Quốc Xã, mới đầu anh em của chúng ta chỉ có một cuốn Kinh Thánh. Thế nên, họ cầu xin Đức Giê-hô-va cho thêm thức ăn thiêng liêng. Không lâu sau, họ nghe nói là một anh mới vào trại đã mang theo vài cuốn Tháp Canh mới, giấu trong chân gỗ của mình. Trong số những người được sống sót có anh Ernst Wauer, là người được xức dầu. Anh nhớ lại: “Qua cách tuyệt vời, Đức Giê-hô-va giúp chúng tôi nhớ những điểm khích lệ trong các bài đó”. Rồi anh nói thêm: “Ngày nay, có được thức ăn thiêng liêng thì rất dễ, nhưng chúng ta có luôn quý trọng không? Tôi tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ban phước dồi dào cho những ai tin cậy ngài, giữ lòng trung thành và ăn tại bàn của ngài”.

15, 16. Một cặp vợ chồng sốt sắng trong thánh chức đã nhận được ân phước nào? Bạn học được gì qua kinh nghiệm của anh chị này?

15 Các chiên khác cũng bận rộn trong công việc của Chủ, như thế họ hết lòng ủng hộ anh em của Đấng Ki-tô (Mat 25:40). Không như đầy tớ vô dụng và biếng nhác trong dụ ngôn của Chúa Giê-su, họ sẵn sàng hy sinh và cố gắng đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu. Chẳng hạn, khi anh Jon và chị Masako được mời đến giúp cánh đồng tiếng Hoa ở Kenya, lúc đầu họ hơi do dự. Nhưng sau khi cầu nguyện và xem xét hoàn cảnh, họ quyết định chuyển đến đó.

16 Nhờ sốt sắng trong thánh chức nên họ nhận được nhiều ân phước. Hai anh chị nói: “Thánh chức ở đây thật tuyệt vời!”. Họ có bảy học hỏi Kinh Thánh và nhiều kinh nghiệm thú vị khác nữa. Họ cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi đều cám ơn Đức Giê-hô-va vì đã cho chúng tôi đến đây”. Nhiều anh chị khác cũng cho thấy họ muốn toàn tâm toàn ý vào công việc của Đức Chúa Trời cho đến thời điểm kết thúc. Chẳng hạn, hàng ngàn anh chị tốt nghiệp Trường Ga-la-át và phụng sự với tư cách là giáo sĩ. Để biết thêm về công việc đặc biệt này, hãy đọc bài “Chúng tôi dốc hết sức mình!” trong Tháp Canh ngày 15-10-2001. Khi xem kinh nghiệm lý thú về một ngày làm việc của giáo sĩ, hãy nghĩ ra những cách mà bạn có thể gia tăng thánh chức. Nhờ thế bạn có thể ca ngợi Đức Giê-hô-va nhiều hơn và có thêm niềm vui.

HÃY LUÔN THỨC CANH

17. Việc không biết chính xác ngày và giờ mang lại lợi ích nào cho chúng ta?

17 Rõ ràng, việc không biết chính xác ngày và giờ thế gian này kết thúc mang lại lợi ích cho chúng ta. Khi tận tâm làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va, chúng ta không bực bội hoặc nản lòng mà cảm thấy mình càng đến gần Cha yêu thương hơn. Nhờ tiếp tục nắm chắc cái “cày” trong tay cũng như tránh bị phân tâm, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui sâu xa trong công việc của Chủ.—Lu 9:62.

18. Tại sao chúng ta muốn tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va?

18 Ngày phán xét của Đức Giê-hô-va đang đến gần. Không ai trong chúng ta muốn làm Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thất vọng. Hai đấng đã ban cho chúng ta nhiều đặc ân quý giá trong những ngày cuối cùng này. Thật vui mừng biết bao vì chúng ta được Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su tin cậy!—Đọc 1 Ti-mô-thê 1:12.

19. Chúng ta có thể bày tỏ tinh thần sẵn sàng như thế nào?

19 Bất kể có hy vọng lên trời hoặc sống trên đất, chúng ta hãy quyết tâm làm tròn nhiệm vụ mà Đức Giê-hô-va giao cho là rao giảng và đào tạo môn đồ. Chúng ta chưa biết chính xác khi nào ngày Đức Giê-hô-va đến, nhưng xét cho cùng, chúng ta có thật sự cần biết không? Dù gì đi nữa, chúng ta sẽ sẵn sàng cho ngày đó! (Mat 24:36, 44). Chúng ta tin chắc rằng khi hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va và đặt Nước Trời lên hàng đầu, chúng ta sẽ không bao giờ thất vọng.—Rô 10:11.