Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tham nhũng—Lan rộng đến mức nào?

Tham nhũng—Lan rộng đến mức nào?

“Công ty chúng tôi cung cấp các dịch vụ cho một cơ quan nhà nước địa phương. Chúng tôi thường phải đợi đến hai hoặc ba tháng mới nhận được tiền công cho các dịch vụ đó. Nhưng gần đây tôi nhận được cú điện thoại từ một viên chức nhà nước. Ông ấy bảo sẽ giúp chúng tôi nhận được tiền nhanh hơn nếu cho ông ấy tiền hoa hồng”.—JOHN *.

Bạn đã từng là nạn nhân của sự tham nhũng chưa? Có lẽ không giống như trường hợp được nêu trên, nhưng hẳn bạn đã phải chịu ảnh hưởng từ sự tham nhũng.

Dựa trên Chỉ số Nhận thức Tham nhũng * năm 2011 của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), thì “phần lớn các nước trong 183 quốc gia và lãnh thổ được khảo sát bị chấm điểm thấp hơn 5 trong thang điểm từ 0 (tham nhũng cao) đến 10 (trong sạch)”. Hai năm trước đó, báo cáo thường niên năm 2009 của tổ chức này đã phơi bày thực tế về sự lan tràn của nạn tham nhũng như sau: “Rõ ràng là không có nơi nào trên thế giới hoàn toàn miễn nhiễm với các mối nguy hiểm của nạn tham nhũng”.

“Tham nhũng là sự lạm dụng quyền hành được giao để mưu cầu lợi ích cá nhân. Nó gây hại cho tất cả những ai có cuộc sống, kế sinh nhai hoặc hạnh phúc phụ thuộc vào sự liêm chính của những người có quyền hành”.—TỔ CHỨC MINH BẠCH QUỐC TẾ

Trong một số trường hợp, hậu quả của sự tham nhũng có thể vô cùng thảm khốc. Chẳng hạn, tạp chí Time báo cáo rằng “sự tham nhũng và cẩu thả” phải chịu ít nhất một phần trách nhiệm về tổng số rất lớn những người tử nạn trong trận động đất nặng nề tại Haiti năm 2010. Tạp chí này cho biết thêm: “Các tòa nhà được xây với rất ít ý kiến chuyên môn từ các kỹ sư và rất nhiều vật đút lót dành cho những người được gọi là thanh tra nhà nước”.

Đâu là giải pháp vĩnh viễn cho nạn tham nhũng? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải hiểu các nguyên nhân cơ bản của sự tham nhũng. Hãy xem bài kế tiếp.

^ đ. 2 Tên đã được đổi.

^ đ. 4 “Chỉ số Nhận thức Tham nhũng [Corruption Perceptions Index] xếp hạng các quốc gia theo mức độ tham nhũng được biết đến của giới quan chức”.—Tổ chức Minh bạch Quốc tế.