Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có thể nào lương thiện trong một thế giới tham nhũng?

Có thể nào lương thiện trong một thế giới tham nhũng?

“Chúng tôi... muốn sống lương thiện trong mọi việc”.—HÊ-BƠ-RƠ 13:18.

Bất kể bản chất tội lỗi, bất kể thế giới xung quanh và Kẻ Quỷ Quyệt có thể gây áp lực rất lớn trên chúng ta, chúng ta vẫn có thể kháng cự các ảnh hưởng đó! Bằng cách nào? Bằng cách đến gần Đức Chúa Trời và áp dụng các nguyên tắc trong Lời của ngài là Kinh Thánh, tức những nguyên tắc đã chứng tỏ hữu ích qua hàng thế kỷ. Hãy xem hai thí dụ.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Đừng rập khuôn theo đời này”.—Rô-ma 12:2.

Kinh nghiệm có thật: Guilherme là một doanh nhân Brazil thành đạt. Anh thừa nhận rằng sống lương thiện không hề dễ dàng. Anh nói: “Một doanh nhân có thể dễ trở nên bất lương trong việc kinh doanh, có lẽ vì áp lực phải đạt được những mục tiêu của công ty hoặc để tồn tại trong một thế giới cạnh tranh. Nhiều người xem việc nhận hoặc đưa hối lộ là chuyện bình thường. Khi bạn là chủ một doanh nghiệp có nhiều trách nhiệm tài chính nặng nề thì việc sống lương thiện là cả một thách thức”.

Dù thế, anh Guilherme đã kháng cự thành công áp lực sống không lương thiện. Anh cho biết: “Ngay cả trong môi trường kinh doanh mà người ta chấp nhận việc phá luật, chúng ta vẫn có thể sống lương thiện. Chúng ta cần có các tiêu chuẩn đạo đức vững chắc. Kinh Thánh đã giúp tôi thấy được những lợi ích của sự lương thiện. Người lương thiện có một lương tâm trong sạch, bình an nội tâm và lòng tự trọng. Người ấy có thể ảnh hưởng tích cực đến những người xung quanh”.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Những ai quyết chí làm giàu thì rơi vào cám dỗ, cạm bẫy, cùng nhiều ước muốn vô nghĩa tai hại, nhấn chìm người ta trong sự hủy hoại và diệt vong. Bởi lòng ham tiền là gốc rễ của mọi loại tai hại”.—1 Ti-mô-thê 6:9, 10.

Kinh nghiệm có thật: André là chủ một công ty lắp đặt hệ thống an ninh. Trong số các khách hàng của anh có một câu lạc bộ bóng đá lớn. Vào dịp nọ, André đi đến văn phòng quản lý của họ sau một trận đấu lớn và đưa hóa đơn của các dịch vụ mà anh đã làm. Ban kế toán lúc đó đang bận rộn đếm số tiền vừa nhận từ các quầy vé. Vì lúc đó là cuối ngày, người quản lý vội vã trả tiền cho các nhà cung cấp, bao gồm cả anh André.

Anh kể lại: “Trên đường về, tôi phát hiện người quản lý đã trả dư tiền. Tôi nghĩ ông ta chắc không biết đã trả dư tiền cho ai. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng người đàn ông tội nghiệp ấy sẽ phải lấy tiền túi để bù vào số tiền bị mất! Tôi quyết định trở lại. Tôi chen qua một đám đông cổ động viên và trả lại số tiền dư. Người quản lý vô cùng ngạc nhiên. Chưa từng có ai trả lại tiền cho ông ấy”.

Anh André nói tiếp: “Hành động lương thiện ấy đã chiếm được sự tôn trọng của người quản lý. Nhiều năm trôi qua, trong số những nhà cung cấp ban đầu, tôi là người duy nhất vẫn có hợp đồng với câu lạc bộ. Tôi rất vui vì nhờ áp dụng các nguyên tắc đạo đức cao của Kinh Thánh, tôi đã có một danh tiếng tốt”.

Thật khích lệ khi biết rằng với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể chống lại các ảnh hưởng gây bại hoại. Tuy nhiên, những nỗ lực cá nhân không thể nào loại bỏ tận gốc sự tham nhũng. Nguyên nhân của nó rất sâu xa—sâu đến mức con người không thể tự giải quyết được. Vậy phải chăng điều này có nghĩa là nạn tham nhũng sẽ không bao giờ chấm dứt? Bài cuối cùng trong loạt bài này sẽ nêu bật câu trả lời đầy khích lệ từ Kinh Thánh.