Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn thể hiện tinh thần nào?

Bạn thể hiện tinh thần nào?

“Nguyện xin lòng nhân từ bao la của Chúa Giê-su Ki-tô ở cùng anh em, vì anh em thể hiện tinh thần đúng đắn”.—PHI-LÊ 25.

1. Sứ đồ Phao-lô đã nhiều lần nói gì khi viết thư cho anh em đồng đạo?

Trong thư gửi cho anh em đồng đạo, nhiều lần sứ đồ Phao-lô nói là ông hy vọng Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su chấp nhận tinh thần mà các hội thánh thể hiện. Chẳng hạn, Phao-lô viết cho hội thánh Ga-la-ti: “Nguyện xin lòng nhân từ bao la của Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta ở cùng anh em, vì anh em thể hiện tinh thần đúng đắn. A-men” (Ga 6:18). Ý của Phao-lô là gì khi nói “anh em thể hiện tinh thần đúng đắn”?

2, 3. (a) Sứ đồ Phao-lô dùng cụm từ “tinh thần” để ám chỉ điều gì? (b) Chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào?

2 Phao-lô dùng cụm từ “tinh thần” trong văn cảnh này để ám chỉ thái độ hoặc lối suy nghĩ. Tinh thần ấy chi phối lời nói hay hành động của chúng ta. Có người có tinh thần mềm mại, chu đáo, ôn hòa, rộng rãi hoặc tha thứ. Kinh Thánh đề cao “tính tình mềm mại và điềm đạm” (1 Phi 3:4). Ngược lại, có những người có tinh thần châm biếm, thiên về của cải vật chất, dễ bị xúc phạm hoặc độc lập. Tệ hơn, còn có những người có tinh thần đồi bại hay phản nghịch.

3 Thế nên, Phao-lô mong muốn anh em noi gương Đấng Ki-tô và có tinh thần làm Đức Chúa Trời hài lòng (2 Ti 4:22; đọc Cô-lô-se 3:9-12). Vì vậy, chúng ta nên tự hỏi: “Mình đang thể hiện tinh thần nào? Làm sao mình có thể thể hiện trọn vẹn hơn tinh thần mà Đức Chúa Trời hài lòng? Làm thế nào mình có thể góp phần vào tinh thần lành mạnh của hội thánh?”. Hãy xem minh họa: Trong một vườn hoa hướng dương, mỗi đóa hoa góp phần vào vẻ đẹp rực rỡ của cả vườn hoa. Bạn có phải là một “đóa hoa” góp phần vào vẻ đẹp của cả hội thánh không? Mỗi chúng ta nên cố gắng để trở thành một “đóa hoa”. Giờ đây, hãy xem những điều chúng ta có thể làm để thể hiện tinh thần mà Đức Chúa Trời hài lòng.

TRÁNH TINH THẦN THẾ GIAN

4. “Tinh thần của thế gian” là gì?

4 Kinh Thánh nói: “Chúng ta chẳng tiếp nhận tinh thần của thế gian, nhưng đã tiếp nhận thần khí từ Đức Chúa Trời” (1 Cô 2:12). “Tinh thần của thế gian” là gì? Đó là tinh thần được đề cập nơi Ê-phê-sô 2:2: “Những điều mà anh em từng làm, theo như người trong thế gian và kẻ nắm giữ quyền hành của bầu không khí này, tức tinh thần đang tác động trên những kẻ bất phục tùng”. “Bầu không khí” ở đây muốn nói đến tinh thần hay thái độ phổ biến trong thế gian. Giống như không khí, tinh thần này bao trùm khắp mọi nơi. Chẳng hạn, ngày nay nhiều người có thái độ như “Không ai có quyền ra lệnh cho tôi!” hoặc “Bạn phải đấu tranh để giành quyền mình đáng được hưởng!”. Những người như thế là những “kẻ bất phục tùng” của thế gian Sa-tan.

5. Một số người Y-sơ-ra-ên đã có thái độ tiêu cực nào?

5 Những thái độ như vậy không phải là mới lạ. Vào thời Môi-se, Cô-rê chống lại những người được ban quyền hành trong hội chúng Y-sơ-ra-ên. Hắn nhắm vào A-rôn và các con trai ông, những người có đặc ân phụng sự với tư cách là thầy tế lễ. Có lẽ hắn thấy khuyết điểm nào đó nơi họ. Hoặc có thể hắn cho rằng Môi-se thiên vị, chỉ giao đặc ân cho người thân. Dù gì đi nữa, Cô-rê đã nhìn sự việc theo quan điểm của người bất toàn. Hắn tỏ ra bất kính với những người được Đức Giê-hô-va bổ nhiệm khi nói: “Thôi đủ rồi!... Vậy sao các ngươi tự cao trên hội-chúng của Đức Giê-hô-va?” (Dân 16:3). Đa-than và A-bi-ram cũng có tinh thần tương tự. Họ chỉ trích Môi-se và cho rằng ông ‘muốn lấn-lướt trên họ’. Khi được yêu cầu đến gặp Môi-se, họ ngang bướng đáp: “Chúng tôi không đi lên đâu” (Dân 16:12-14). Đức Giê-hô-va không hài lòng với thái độ của họ và ngài đã xử tử tất cả những kẻ phản nghịch ấy.—Dân 16:28-35.

6. Vào thế kỷ thứ nhất, một số người đã có thái độ tiêu cực nào, và lý do có thể là gì?

6 Một số người vào thế kỷ thứ nhất cũng “khinh thường uy quyền” và chỉ trích những anh được ban quyền hành trong hội thánh (Giu 8). Những người này có lẽ không hài lòng với đặc ân mình có. Họ cố lôi kéo người khác chống lại những anh được Đức Chúa Trời bổ nhiệm, những người tận tụy với các trách nhiệm được giao.—Đọc 3 Giăng 9, 10.

7. Chúng ta nên thận trọng để tránh có thái độ nào?

7 Rõ ràng, tinh thần như thế không có chỗ trong hội thánh của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Vì vậy, chúng ta cần thận trọng để tránh thái độ này. Giống như những trưởng lão vào thời Môi-se và sứ đồ Giăng, các trưởng lão ngày nay cũng là người bất toàn. Họ có thể phạm những sai sót ảnh hưởng đến chúng ta. Nếu điều đó xảy ra, thật không thích hợp khi chúng ta có thái độ như những người trong thế gian, chẳng hạn như khăng khăng đòi lại “công bằng” hoặc cho rằng anh ấy phải bị xử lý. Đức Giê-hô-va có thể bỏ qua những sai sót nhỏ. Chúng ta có thể làm như thế không? Một số người phạm tội trọng không thích điểm nào đó của các trưởng lão được chỉ định giúp đỡ nên họ đã từ chối gặp các trưởng lão ấy. Điều này có thể ví như một bệnh nhân từ chối điều trị chỉ vì không thích điểm nào đó nơi bác sĩ.

8. Những câu Kinh Thánh nào giúp chúng ta giữ quan điểm đúng về các trưởng lão?

8 Để tránh thái độ đó, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giê-su được Kinh Thánh miêu tả là có “bảy ngôi sao” trên tay phải. Những “ngôi sao” tượng trưng cho các giám thị được xức dầu, và theo nghĩa rộng cũng nói đến tất cả các trưởng lão. Chúa Giê-su có thể điều khiển các “ngôi sao” trong tay ngài theo cách ngài thấy thích hợp (Khải 1:16, 20). Là Đầu hội thánh đạo Đấng Ki-tô, Chúa Giê-su nắm rõ mọi việc của hội đồng trưởng lão. Nếu một trưởng lão nào đó cần được sửa trị thì đấng có ‘mắt như ngọn lửa hừng’ sẽ lo liệu sao cho vấn đề được giải quyết vào đúng thời điểm và đúng cách (Khải 1:14). Trong khi chờ đợi vấn đề được giải quyết, chúng ta hãy tiếp tục tôn trọng những người được thần khí bổ nhiệm. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy vâng lời những người đang dẫn đầu trong vòng anh em và phục tùng họ, bởi họ đang coi sóc anh em và sẽ khai trình việc làm đó; hầu họ làm việc đó với lòng vui mừng chứ không phải chán nản, vì như thế sẽ gây hại cho anh em”.—Hê 13:17.

9. (a) Tinh thần của một tín đồ có thể được bộc lộ như thế nào khi bị sửa trị? (b) Cách phản ứng tốt nhất khi bị sửa trị là gì?

9 Tinh thần của một tín đồ có thể được bộc lộ khi bị sửa trị hoặc mất đặc ân trong hội thánh. Một anh trẻ được các trưởng lão tế nhị khuyên về việc chơi trò chơi điện tử bạo lực. Đáng buồn thay, anh ấy phản ứng không tốt và bị mất đặc ân làm phụ tá hội thánh vì không còn hội đủ điều kiện (Thi 11:5; 1 Ti 3:8-10). Sau đó, anh bày tỏ sự bất bình với người khác về quyết định của trưởng lão, rồi nhiều lần viết thư cho văn phòng chi nhánh để chỉ trích các trưởng lão, thậm chí xúi giục anh chị khác cũng viết thư. Thật dại dột khi cố bào chữa cho hành vi của mình và khiến hội thánh mất bình an! Tốt hơn biết bao nếu chúng ta xem sự sửa trị là cơ hội để nhận ra khuyết điểm của mình và khiêm nhường chấp nhận sự sửa trị.—Đọc Gióp 42:6; Ca 3:28, 29.

10. (a) Gia-cơ 3:16-18 cho biết gì về tinh thần đúng đắn và không đúng đắn? (b) Việc thể hiện “sự khôn ngoan từ trên” mang lại kết quả nào?

10 Gia-cơ 3:16-18 cho chúng ta biết thế nào là tinh thần đúng đắn và không đúng đắn trong hội thánh. Đoạn Kinh Thánh này nói: “Nơi nào có sự đố kỵ và tranh cãi, nơi đó cũng sẽ có rối loạn cùng mọi điều đê tiện. Còn sự khôn ngoan từ trên thì trước tiên là trong sạch, rồi đến hòa thuận, phải lẽ, sẵn sàng vâng lời, đầy dẫy lòng thương xót và các bông trái tốt, không thiên vị cũng chẳng đạo đức giả. Ngoài ra, hạt giống của trái công chính được gieo trong sự hòa thuận, giữa những người tạo sự hòa thuận”. Khi hành động phù hợp với “sự khôn ngoan từ trên”, chúng ta noi theo những đức tính của Đức Chúa Trời, và điều này góp phần vào sự bình an của hội thánh.

THỂ HIỆN THÁI ĐỘ TÔN TRỌNG TRONG HỘI THÁNH

11. (a) Việc giữ thái độ đúng đắn giúp chúng ta tránh điều gì? (b) Chúng ta học được gì từ gương của Đa-vít?

11 Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va giao cho các trưởng lão trách nhiệm ‘chăn dắt hội thánh của ngài’ (Công 20:28; 1 Phi 5:2). Vì vậy, điều khôn ngoan là chúng ta tôn trọng sự sắp đặt của Đức Chúa Trời, dù mình là trưởng lão hay không. Giữ tinh thần đúng đắn có thể giúp chúng ta tránh việc quá xem trọng chức vụ. Vua Sau-lơ của nước Y-sơ-ra-ên nghĩ Đa-vít là mối đe dọa cho vương quyền của mình, nên ông “thường ngó Đa-vít cách giận” (1 Sa 18:9). Sau-lơ đã có thái độ xấu, thậm chí muốn giết Đa-vít. Thay vì quá xem trọng địa vị như Sau-lơ, thật tốt hơn biết bao khi có thái độ như Đa-vít. Dù chịu nhiều bất công, nhưng ông vẫn tôn trọng người được Đức Chúa Trời bổ nhiệm.—Đọc 1 Sa-mu-ên 26:23.

12. Điều gì giúp chúng ta góp phần vào sự hợp nhất của hội thánh?

12 Quan điểm khác nhau có thể gây bất đồng trong hội thánh, ngay cả trong vòng các trưởng lão. Kinh Thánh khuyên chúng ta hãy “chủ động bày tỏ lòng tôn trọng lẫn nhau” và “chớ khôn ngoan theo mắt mình” (Rô 12:10, 16). Thay vì khăng khăng cho là mình đúng, chúng ta nên nhớ rằng thường thì không chỉ có duy nhất một quan điểm đúng. Nếu cố gắng nhìn vấn đề theo quan điểm của người khác, chúng ta có thể góp phần vào sự hợp nhất của hội thánh.—Phi-líp 4:5.

13. Chúng ta nên làm gì sau khi đưa ra ý kiến của mình? Trường hợp nào trong Kinh Thánh là gương mẫu cho chúng ta?

13 Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta không được đưa ra ý kiến khi nghĩ điều gì đó trong hội thánh cần được điều chỉnh? Không phải vậy. Vào thế kỷ thứ nhất, có một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Bấy giờ, các anh “bèn sắp xếp cho Phao-lô, Ba-na-ba cùng một số người lên Giê-ru-sa-lem gặp các sứ đồ và các trưởng lão để trình bày vấn đề này” (Công 15:2). Chắc chắn, mỗi anh đều có quan điểm riêng về cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, sau khi mỗi người nêu ý kiến và quyết định được đưa ra theo sự hướng dẫn của thần khí, các anh không còn nhắc đi nhắc lại quan điểm của mình nữa. Khi chỉ thị được truyền đến các hội thánh, anh em “rất vui vì được khích lệ” và “vững mạnh về đức tin” (Công 15:31; 16:4, 5). Tương tự thế, sau khi trình bày vấn đề nào đó với các anh có trách nhiệm, chúng ta nên để vấn đề ấy cho họ và tin rằng họ sẽ thận trọng xem xét.

THỂ HIỆN TINH THẦN ĐÚNG ĐẮN TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ

14. Làm thế nào chúng ta có thể thể hiện tinh thần tích cực trong mối quan hệ với người khác?

14 Chúng ta có nhiều cơ hội để thể hiện tinh thần đúng đắn trong mối quan hệ với người khác. Mỗi chúng ta cần có tinh thần tha thứ khi người khác làm mình tổn thương. Kinh Thánh khuyên: “Hãy tiếp tục chịu đựng và sẵn lòng tha thứ nhau dù có lý do để phàn nàn về người khác. Đức Giê-hô-va đã sẵn lòng tha thứ anh em thể nào, anh em cũng phải làm như vậy” (Cô 3:13). Cụm từ “có lý do để phàn nàn về người khác” cho thấy đôi khi chúng ta có lý do chính đáng để khó chịu với người khác. Nhưng chúng ta không nên tập trung vào những sai sót của anh em, điều có thể phá vỡ sự bình an của hội thánh. Thay vì thế, chúng ta hãy noi gương Đức Giê-hô-va, sẵn lòng tha thứ và tiếp tục cùng nhau trung thành phụng sự ngài.

15. (a) Chúng ta học được gì từ gương của Gióp trong việc tha thứ? (b) Lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta thể hiện tinh thần tích cực như thế nào?

15 Về việc tha thứ, chúng ta có thể học từ gương của Gióp. Ba người bạn đến an ủi ông nhưng lại nói những lời gây tổn thương. Dù vậy, Gióp đã tha thứ cho họ. Điều gì giúp ông làm thế? Ông “đã cầu-nguyện cho bạn-hữu” (Gióp 16:2; 42:10). Cầu nguyện cho người khác có thể giúp chúng ta thay đổi quan điểm về họ. Việc cầu nguyện cho các anh em đồng đạo giúp chúng ta vun trồng tinh thần như Đấng Ki-tô (Giăng 13:34, 35). Chúng ta cũng nên cầu xin Đức Chúa Trời ban thần khí (Lu 11:13). Thần khí sẽ giúp chúng ta thể hiện những phẩm chất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô trong mối quan hệ với người khác.—Đọc Ga-la-ti 5:22, 23.

GÓP PHẦN VÀO TINH THẦN LÀNH MẠNH CỦA HỘI THÁNH

16, 17. Liên quan đến việc “thể hiện tinh thần đúng đắn”, bạn quyết tâm làm gì?

16 Hội thánh sẽ nhận được rất nhiều lợi ích nếu mỗi thành viên cố gắng thể hiện tinh thần lành mạnh. Sau khi xem xét bài này, có lẽ chúng ta nhận ra mình cần cải thiện điểm nào đó. Nếu thế, chúng ta nên để Lời Đức Chúa Trời giúp mình biết cách sửa đổi (Hê 4:12). Sứ đồ Phao-lô, người luôn thận trọng trong lời nói và hành động, bày tỏ: “Tôi nhận thấy mình chẳng làm gì sai trái. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi được xem là công chính, nhưng đấng tra xét tôi là Đức Giê-hô-va”.—1 Cô 4:4.

17 Khi cố gắng hành động phù hợp với sự khôn ngoan từ trên, không quá xem trọng bản thân hoặc chức vụ, chúng ta sẽ góp phần vào tinh thần lành mạnh của hội thánh. Bằng cách thể hiện tinh thần tha thứ và suy nghĩ tích cực về người khác, chúng ta sẽ có sự hòa thuận với anh em đồng đạo (Phi-líp 4:8). Chắc chắn Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sẽ hài lòng về “tinh thần đúng đắn” mà chúng ta thể hiện.—Phi-lê 25.