Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh nghiệm

Tình bạn trong 60 năm và chỉ mới bắt đầu

Tình bạn trong 60 năm và chỉ mới bắt đầu

Vào một buổi tối mùa hè năm 1951, bốn chàng trai trẻ đứng trong dãy bốt điện thoại công cộng ở Ithaca, New York, Hoa Kỳ. Họ háo hức gọi điện đến Michigan, Iowa và California. Họ có tin vui để chia sẻ!

Tháng 2 năm đó, 122 người tiên phong đổ về South Lansing, New York, để dự khóa thứ 17 của Trường Ga-la-át. Trong số những giáo sĩ tương lai có Lowell Turner, William Kasten (cũng gọi là Bill), Richard Kelsey và Ramon Templeton. Lowell và Bill đến từ Michigan, Richard từ Iowa và Ramon từ California. Bốn anh nhanh chóng trở thành bạn của nhau.

Khoảng năm tháng sau, các học viên hào hứng khi nghe thông báo là anh Nathan Knorr từ trụ sở trung ương sắp đến thăm lớp học. Bốn anh đã bày tỏ nguyện vọng được phụng sự trong cùng một nước nếu có thể. Có phải đã đến lúc họ được biết về nhiệm sở của mình không? Đúng vậy!

Các học viên rất háo hức khi anh Knorr bắt đầu thông báo về các nhiệm sở. Những học viên đầu tiên được gọi lên bục là bốn chàng trai ấy. Họ hồi hộp vì không biết mình sẽ đi đâu, nhưng lại nhẹ nhõm vì biết dù nhiệm sở ở đâu thì ít nhất họ cũng được đi chung với nhau! Nhưng họ sẽ đến nước nào? Cả lớp vô cùng ngạc nhiên và vỗ tay không ngớt khi biết bốn anh được phái đến Đức.

Thời đó, Nhân Chứng Giê-hô-va ở khắp nơi thán phục lòng trung thành của anh em ở Đức vào thời Hitler (từ năm 1933). Nhiều học viên từng tham gia chuẩn bị đồ cứu trợ, quần áo và lương thực để gửi cho anh em ở châu Âu sau Thế Chiến II. Dân Đức Chúa Trời ở Đức nêu gương về đức tin, lòng kiên định và dũng cảm cũng như sự tin cậy nơi Đức Giê-hô-va. Anh Lowell nhớ là lúc ấy anh thầm nghĩ: “Mình sắp được gặp những anh chị thân thương ấy”. Vì vậy, chẳng lạ gì tối hôm đó bốn anh có mặt ở bốt điện thoại và háo hức gọi điện về nhà để chia sẻ tin vui!

TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN ĐỨC

Ngày 27-7-1951, con tàu SS Homeland rời bến ở sông Đông, thành phố New York, và bốn người bạn bắt đầu chuyến hành trình 11 ngày đến Đức. Anh Albert Schroeder, giảng viên Trường Ga-la-át và sau này là thành viên Hội đồng Lãnh đạo, đã dạy họ vài câu tiếng Đức. Trên tàu có những hành khách người Đức, nên có vẻ như cơ hội học thêm tiếng Đức đã đến. Nhưng hình như những hành khách ấy nói những phương ngữ khác nhau. Bốn anh rất bối rối!

Sáng thứ ba, ngày 7 tháng 8, sau những trận say sóng, cuối cùng các anh cũng đặt chân đến Hamburg, Đức. Đâu đâu họ cũng thấy tàn tích của cuộc chiến đã chấm dứt từ sáu năm về trước. Họ rất đau lòng trước cảnh tượng ấy. Rồi họ đáp tàu hỏa qua đêm để đến Wiesbaden, nơi mà lúc đó văn phòng chi nhánh tọa lạc.

Sáng sớm thứ tư, họ gặp Nhân Chứng đầu tiên, anh có cái tên thuần chất Đức—Hans! Anh Hans chở họ từ ga tàu hỏa đến Bê-tên. Tới nơi, anh để họ ở lại với một chị lớn tuổi không biết nói tiếng Anh. Có lẽ chị cho rằng âm lượng lớn có thể phá vỡ rào cản ngôn ngữ. Thế nhưng, chị càng nói lớn thì càng làm cho cả chị và những chàng trai ấy thêm căng thẳng. Mừng thay anh tôi tớ chi nhánh tên là Erich Frost xuất hiện và trìu mến chào đón họ bằng tiếng Anh! Mọi chuyện có chiều hướng tốt.

Cuối tháng 8, lần đầu tiên, bốn anh tham dự hội nghị ở Đức có chủ đề “Sự thờ phượng thanh sạch” tổ chức tại Frankfurt am Main. Số người tham dự lên tới 47.432 người và sự kiện 2.373 người làm báp-têm đã thổi bùng lòng hăng hái và ước muốn rao giảng của các giáo sĩ trẻ này. Nhưng ít ngày sau, anh Knorr cho biết là họ sẽ ở lại Bê-tên và phụng sự ở đó.

Niềm vui họ cảm nghiệm tại Bê-tên giúp họ tin chắc rằng Đức Giê-hô-va luôn biết rõ nhất

Vì lòng của Ramon hướng đến công việc giáo sĩ nên trước đây anh đã bỏ qua cơ hội làm việc tại Bê-tên ở Hoa Kỳ. Richard và Bill cũng chưa từng nghĩ đến việc phụng sự ở Bê-tên. Nhưng niềm vui mà sau đó họ cảm nghiệm tại Bê-tên giúp họ tin chắc rằng Đức Giê-hô-va luôn biết rõ nhất. Thật khôn ngoan khi làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, thay vì làm theo ước muốn của bản thân! Hiểu được điều này thì dù phụng sự ở bất cứ nơi đâu hoặc được giao bất cứ công việc gì, chúng ta sẽ luôn cảm thấy thỏa lòng.

VERBOTEN!

Nhiều anh chị trong nhà Bê-tên Đức hy vọng mình sẽ có cơ hội để tập nói tiếng Anh với bốn anh người Mỹ. Nhưng một ngày nọ, trong phòng ăn, niềm hy vọng này bị tan biến. Anh Frost, với cách nói nhiệt thành vốn có của mình, bắt đầu nói bằng tiếng Đức về chuyện gì có vẻ rất nghiêm trọng. Hầu hết mọi người đều im lặng, dán mắt vào những cái đĩa. Những anh mới đến, dù không hiểu nhưng biết là có chuyện gì đó liên quan đến mình. Vì thế, khi anh Frost nói lớn cụm từ “VERBOTEN!” (“Nghiêm cấm!”) rồi nhấn mạnh lần nữa bằng giọng lớn hơn thì họ cảm thấy lo lắng. Họ đã làm gì sai sao?

Ăn xong, mọi người nhanh chóng trở về phòng. Sau đó, một anh giải thích cho bốn người: “Muốn giúp chúng tôi thì các anh phải nói được tiếng Đức. Đó là lý do anh Frost nói rằng từ giờ cho đến lúc các anh nói thành thạo tiếng Đức, chúng tôi bị NGHIÊM CẤM nói tiếng Anh với các anh”.

Gia đình Bê-tên liền tuân theo mệnh lệnh ấy. Điều này không chỉ giúp bốn anh mới đến có cơ hội học tiếng Đức mà còn giúp họ hiểu rằng lời khuyên của một anh đầy lòng yêu thương thường mang lại lợi ích cho chúng ta, dù có thể lúc đầu khó vâng theo. Lời khuyên của anh Frost cho thấy anh nghĩ đến quyền lợi Nước Trời và yêu thương anh em *. Không ngạc nhiên gì khi bốn anh trẻ này ngày càng yêu quý anh Frost.

HỌC HỎI LẪN NHAU

Chúng ta có thể học được nhiều điều từ những người bạn kính sợ Đức Chúa Trời. Gương của họ có thể giúp chúng ta củng cố tình bạn với Đức Giê-hô-va. Bốn anh trẻ học được nhiều điều từ các anh chị trung thành người Đức, nhưng họ cũng học hỏi lẫn nhau. Anh Richard giải thích: “Anh Lowell biết chút ít tiếng Đức và anh đã tận dụng tốt, còn ba người chúng tôi đã phải rất vất vả. Anh cũng là người lớn tuổi nhất trong nhóm nên chúng tôi nhờ anh giúp đỡ về tiếng Đức và để anh dẫn đầu nhóm”. Anh Ramon nhớ lại: “Sau một năm ở Đức, chúng tôi có kỳ nghỉ đầu tiên tại Thụy Sĩ. Một anh tại địa phương cho chúng tôi ở nhờ trong căn nhà của mình. Tôi rất vui vì cứ đinh ninh rằng mình sẽ không phải nói tiếng Đức trong hai tuần! Nhưng tôi đã mừng hụt. Anh Lowell bắt chúng tôi đọc và thảo luận phần tra xem Kinh Thánh mỗi ngày vào các buổi sáng bằng tiếng Đức! Tôi thấy thất vọng. Tuy nhiên, chúng tôi học được một bài học quý giá. Đó là chúng ta nên làm theo sự hướng dẫn của các anh thành thật quan tâm đến mình, dù có lúc mình không đồng ý. Thái độ này đã mang lại lợi ích cho chúng tôi trong nhiều năm, và giúp chúng tôi dễ tuân theo sự chỉ dẫn thần quyền hơn”.

Bốn người bạn cũng biết quý trọng những ưu điểm của nhau, như Phi-líp 2:3 khuyên: “Hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình”. Ba người trong nhóm thường giao cho anh Bill những việc mà cả ba đều nghĩ rằng anh có thể giải quyết tốt hơn. Anh Lowell nhớ lại: “Khi cần tháo gỡ bất kỳ khúc mắc nào, chúng tôi đều tìm đến anh Bill. Anh là người có tài xử lý những tình huống khó mà cả ba dù đã biết nên làm gì nhưng lại không có đủ can đảm và khả năng để làm”.

HÔN NHÂN HẠNH PHÚC

Rồi bốn anh lần lượt xây tổ ấm. Tình bạn của họ dựa trên nền tảng là tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và lòng quý trọng thánh chức trọn thời gian. Thế nên, họ đặt mục tiêu tìm người hôn phối sẵn sàng đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu. Thánh chức trọn thời gian dạy họ rằng cho thì có phước hơn nhận và cần phải đặt quyền lợi Nước Trời lên trên ước muốn cá nhân. Vì thế, họ đã chọn người hôn phối là những chị đang phụng sự trọn thời gian. Kết quả là cả bốn cuộc hôn nhân đều hạnh phúc.

Để tình bạn và hôn nhân thật sự vững bền, thì cần có Đức Giê-hô-va trong các mối quan hệ ấy (Truyền 4:12). Cho dù anh Bill và anh Ramon sau này chịu mất mát vì người hôn phối qua đời, nhưng cả hai đều đã cảm nghiệm được niềm vui và có sự trợ giúp đắc lực từ những người vợ trung thành. Anh Lowell và anh Richard thì vẫn đang hưởng sự trợ giúp này. Anh Bill đã tái hôn, anh chọn vợ cách khôn ngoan hầu có thể tiếp tục phụng sự trọn thời gian.

Về sau, nhiệm sở mới đã dẫn họ đến nhiều nước, chủ yếu là Đức, Áo, Luxembourg, Canada và Hoa Kỳ. Vì thế, bốn người bạn không có nhiều thời gian bên nhau như họ mong muốn. Nhưng dù xa xôi cách trở, họ luôn giữ liên lạc và cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn (Rô 12:15). Chúng ta cần quý mến và trân trọng những người bạn như thế. Họ là những món quà quý đến từ Đức Giê-hô-va (Châm 17:17). Thật khó tìm được người bạn chân chính trong thế gian ngày nay, nhưng mỗi tín đồ đạo Đấng Ki-tô đều có thể tìm thấy nhiều người bạn như thế trong vòng họ. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta có tình bạn với anh em đồng đạo trên khắp thế giới, trên hết là với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su.

Như chúng ta, bốn người bạn trên cũng phải đương đầu với nhiều thử thách trên đường đời, như mất người hôn phối, có vấn đề về sức khỏe, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái khi phụng sự trọn thời gian, lo lắng khi nhận nhiệm vụ mới và bây giờ phải đối phó thêm với vấn đề tuổi già. Tuy nhiên, họ cũng cảm nghiệm rằng họ có thể đối phó thành công với mỗi thử thách gặp phải với sự trợ giúp của những người bạn gần cũng như xa.

SÁU MƯƠI NĂM CHỈ LÀ SỰ KHỞI ĐẦU

Khi Lowell 18 tuổi, Ramon 12 tuổi, Bill 11 tuổi và Richard 10 tuổi, họ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, rồi bắt đầu phụng sự trọn thời gian trong độ tuổi từ 17 đến 21. Các anh này đã làm theo lời khuyên nơi Truyền-đạo 12:1: “Hãy suy tưởng đến Đấng Tạo Hóa khi còn trong tuổi thanh xuân” (Bản Dịch Mới).

Bạn có phải là một nam tín đồ trẻ không? Hãy nhận lời mời phụng sự trọn thời gian của Đức Giê-hô-va, nếu có thể. Rồi nhờ lòng nhân từ bao la của ngài, có thể bạn sẽ cảm nhận được niềm vui, như bốn người bạn ở trên, trong công việc vòng quanh, địa hạt hoặc vùng; trong việc phụng sự ở nhà Bê-tên, kể cả làm thành viên Ủy ban chi nhánh; trong việc giảng dạy tại Trường thánh chức Nước Trời, Trường dành cho tiên phong; và trong việc nói bài giảng tại các hội nghị, dù có quy mô lớn hay nhỏ. Bốn anh rất vui mừng khi biết rằng công việc họ làm đã mang lại lợi ích cho hàng chục ngàn người! Kết quả này có được là do cả bốn anh đã nhận lời mời yêu thương của Đức Giê-hô-va trong tuổi thanh xuân để hết mình phụng sự ngài.—Cô 3:23.

Ngày nay, anh Lowell, anh Richard và anh Ramon lại được phụng sự cùng nhau ở văn phòng chi nhánh Đức, hiện nằm ở thị trấn Selters. Đáng buồn là anh Bill đã qua đời năm 2010 khi đang làm tiên phong đặc biệt ở Hoa Kỳ. Sau gần 60 năm, tình bạn keo sơn của họ đã bị sự chết chia cắt! Thế nhưng, Đức Giê-hô-va không bao giờ quên những người bạn của ngài. Chúng ta có thể tin chắc rằng dưới sự cai trị của Nước Trời, tình bạn của các tín đồ đạo Đấng Ki-tô sẽ được khôi phục, dù hiện giờ bị chia cắt.

“Trong suốt 60 năm làm bạn với nhau, tôi không nhớ kỷ niệm buồn nào giữa chúng tôi”

Không lâu trước khi chết, anh Bill viết: “Trong suốt 60 năm làm bạn với nhau, tôi không nhớ kỷ niệm buồn nào giữa chúng tôi. Tình bạn ấy rất quý giá với tôi”. Khi nghĩ đến tình bạn vĩnh cửu của họ trong thế giới mới, ba anh còn lại tiếp lời người bạn quá cố của mình: “Và tình bạn của chúng tôi chỉ mới bắt đầu”.

^ đ. 17 Kinh nghiệm sống động của anh Frost được đăng trong Tháp Canh ngày 15-4-1961, trang 244-249 (Anh ngữ).