Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa”

“Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa”

“Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa, vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi”.—THI 143:10.

1, 2. Việc xem xét vấn đề theo quan điểm của Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta như thế nào? Tại sao gương của Đa-vít hữu ích cho chúng ta?

Bạn đã bao giờ sử dụng bản đồ điện tử chưa? Công cụ này giúp bạn nhìn bao quát nơi mình muốn đến, từ đó chọn ra lộ trình tốt nhất. Tương tự, trước những quyết định quan trọng, chúng ta nhận được lợi ích khi xem xét vấn đề một cách bao quát, tức theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Nhờ thế, chúng ta biết ý muốn của ngài là gì và có thể bước theo đường lối mà ngài chấp nhận.—Ê-sai 30:21.

2 Gần suốt cuộc đời, vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên đã nêu gương trong việc luôn nghĩ đến và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Đa-vít là người có lòng “trọn-lành” với Đức Giê-hô-va. Trong bài này, chúng ta hãy xem xét một số biến cố trong cuộc đời của ông, từ đó rút ra bài học cho bản thân.—1 Vua 11:4.

ĐA-VÍT TÔN KÍNH DANH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

3, 4. (a) Điều gì thôi thúc Đa-vít giao chiến với Gô-li-át? (b) Đa-vít có thái độ nào đối với danh Đức Chúa Trời?

3 Hãy xem trường hợp Đa-vít giao chiến với Gô-li-át, dũng sĩ của quân Phi-li-tin. Điều gì thôi thúc chàng trai trẻ Đa-vít giao chiến với một tên khổng lồ cao “sáu thước một gang” (khoảng 2,9m) và được trang bị vũ khí đầy đủ? (1 Sa 17:4). Có phải do Đa-vít can đảm? Hay Đa-vít có lòng tin nơi Đức Chúa Trời? Cả hai yếu tố này đều rất quan trọng. Tuy nhiên, động lực chính thôi thúc Đa-vít đối đầu với tên khổng lồ cao lớn đó là lòng tôn kính Đức Giê-hô-va và danh cao cả của ngài. Đa-vít phẫn nộ hỏi: “Người Phi-li-tin nầy, kẻ chẳng chịu phép cắt-bì nầy, là ai, mà lại dám sỉ-nhục đạo-binh của Đức Chúa Trời hằng sống?”.—1 Sa 17:26.

4 Khi đối mặt với Gô-li-át, Đa-vít tuyên bố: “Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo-binh Y-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ-nhục” (1 Sa 17:45). Nhờ nương cậy nơi Đức Chúa Trời, Đa-vít đã hạ gục tên dũng sĩ người Phi-li-tin chỉ bằng một viên đá và một chiếc trành. Đây không phải là trường hợp duy nhất Đa-vít tin cậy Đức Giê-hô-va và tôn kính danh ngài, mà ông đã làm thế trong suốt cuộc đời. Thật vậy, Đa-vít khuyên giục người Y-sơ-ra-ên ‘lấy danh thánh Đức Giê-hô-va làm vinh’.—Đọc 1 Sử-ký 16:8-10.

5. Như Gô-li-át, nhiều người ngày nay tỏ ra bất kính đối với Đức Giê-hô-va như thế nào?

5 Bạn có hãnh diện khi có Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của mình không? (Giê 9:24). Bạn phản ứng thế nào khi hàng xóm, đồng nghiệp, bạn học hay người thân nói xấu Đức Giê-hô-va và chế nhạo Nhân Chứng của ngài? Bạn có bênh vực cho danh của Đức Giê-hô-va và tin cậy ngài sẽ trợ giúp không? Đúng là “có kỳ nín-lặng”, nhưng chúng ta không nên hổ thẹn về việc mình là Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va và là môn đồ của Chúa Giê-su (Truyền 3:1, 7; Mác 8:38). Dù tỏ ra tế nhị và lịch sự với những người có thái độ không tốt, nhưng chúng ta không muốn giống như những người Y-sơ-ra-ên ‘hoảng-hồn và sợ-hãi’ khi nghe lời sỉ nhục của Gô-li-át (1 Sa 17:11). Thay vì thế, chúng ta hãy kiên quyết làm sáng danh Đức Giê-hô-va. Chúng ta muốn giúp người khác biết sự thật về ngài. Đó là lý do chúng ta dùng Kinh Thánh để giúp họ thấy tại sao cần đến gần Đức Chúa Trời.—Gia 4:8.

6. Mối quan tâm chính của Đa-vít khi giao chiến với Gô-li-át là gì? Chúng ta nên quan tâm đến điều gì trước hết?

6 Cuộc chiến giữa Đa-vít và Gô-li-át dạy chúng ta một bài học quan trọng khác. Khi chạy đến chiến tuyến, Đa-vít hỏi: “Người ta sẽ đãi thể nào cho kẻ giết được người Phi-li-tin nầy, và cất sự sỉ-nhục khỏi Y-sơ-ra-ên?”. Những người ở đó nhắc lại lời họ nói lúc trước: “Nếu ai giết được hắn, thì vua sẽ ban-thưởng nhiều của-cải, gả con gái mình cho người đó” (1 Sa 17:25-27). Tuy nhiên, mối quan tâm chính của Đa-vít không phải là phần thưởng. Ông quan tâm đến điều cao trọng hơn, đó là việc tôn vinh Đức Chúa Trời. (Đọc 1 Sa-mu-ên 17:46, 47). Còn chúng ta thì sao? Phải chăng mối quan tâm chính của chúng ta là tạo danh tiếng cho mình bằng cách tích lũy của cải hay trở nên nổi bật trong thế gian này? Chắc chắn, chúng ta muốn bắt chước Đa-vít. Ông hát: “Hãy cùng tôi tôn-trọng Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy cùng nhau tôn-cao danh của Ngài” (Thi 34:3). Mong sao chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va và luôn xem trọng danh ngài, thay vì danh tiếng của bản thân.—Mat 6:9.

7. Làm thế nào chúng ta có thể vun đắp đức tin cần thiết để tiếp tục rao giảng, bất kể phản ứng tiêu cực của một số người?

7 Để có thể can đảm đối đầu với Gô-li-át, Đa-vít phải tuyệt đối tin cậy Đức Giê-hô-va. Chàng trai trẻ này có đức tin mạnh mẽ. Đa-vít củng cố đức tin bằng cách nương cậy Đức Chúa Trời từ khi làm nghề chăn chiên (1 Sa 17:34-37). Chúng ta cũng cần có đức tin mạnh để tiếp tục thi hành thánh chức, nhất là khi gặp những người phản ứng tiêu cực. Chúng ta có thể vun đắp đức tin như thế qua việc nương cậy Đức Chúa Trời trong các hoạt động thường ngày. Chẳng hạn, chúng ta có thể cố gắng để chia sẻ Kinh Thánh cho người ngồi cạnh khi đi lại bằng phương tiện công cộng. Chúng ta cũng không nên ngại làm chứng cho người mình gặp trên đường phố khi đang đi rao giảng từng nhà.—Công 20:20, 21.

ĐA-VÍT CHỜ ĐỢI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Tại sao Đa-vít không giết Sau-lơ khi có cơ hội?

8, 9. Trong việc đối xử với vua Sau-lơ, làm thế nào Đa-vít cho thấy ông luôn nghĩ đến ý muốn của Đức Giê-hô-va?

8 Việc Đa-vít hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va cũng được thấy rõ qua thái độ của ông đối với vị vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên là Sau-lơ. Vì lòng ghen tị nên ba lần Sau-lơ phóng giáo để đâm Đa-vít dính vào vách tường. Nhưng mỗi lần Đa-vít đều né được và không đáp trả. Cuối cùng, Đa-vít chạy trốn Sau-lơ (1 Sa 18:7-11; 19:10). Sau đó, Sau-lơ đem 3.000 người mà ông đã chọn trong cả dân Y-sơ-ra-ên đi truy tìm Đa-vít trong hoang mạc (1 Sa 24:3). Ngày nọ, Sau-lơ vào một cái hang mà không biết đó chính là nơi Đa-vít và đoàn tùy tùng đang ẩn núp. Đa-vít có thể nhân cơ hội này giết người đang đe dọa mạng sống mình. Hơn nữa, chẳng phải Đức Chúa Trời có ý muốn cho Đa-vít thế ngôi Sau-lơ sao? (1 Sa 16:1, 13). Những người tùy tùng của Đa-vít cũng khuyên ông giết Sau-lơ. Nhưng Đa-vít nói: “Nguyện Đức Giê-hô-va chớ để ta phạm tội cùng chúa ta, là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va, mà tra tay trên mình người, vì người là kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va”. (Đọc 1 Sa-mu-ên 24:5-8). Sau-lơ vẫn là vị vua được Đức Chúa Trời bổ nhiệm. Đức Giê-hô-va chưa truất ngôi của Sau-lơ nên Đa-vít không muốn cướp vương quyền của ông ta. Đa-vít chỉ cắt vạt áo choàng của Sau-lơ. Điều này cho thấy Đa-vít không có ý làm hại vua.—1 Sa 24:12.

9 Lần cuối gặp Sau-lơ, Đa-vít vẫn tôn trọng người “chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va”. Lúc đó, Đa-vít và A-bi-sai đến nơi Sau-lơ cắm trại và thấy ông đang ngủ. Dù A-bi-sai lý luận rằng Đức Chúa Trời đã phó kẻ thù này vào tay Đa-vít và xin được dùng giáo đâm Sau-lơ, nhưng Đa-vít không cho phép (1 Sa 26:8-11). Vì luôn tìm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, nên Đa-vít quyết tâm không muốn làm trái ý ngài, bất kể A-bi-sai nói gì.

10. Chúng ta có thể đối mặt với thử thách nào, và điều gì sẽ giúp chúng ta đứng vững?

10 Có lẽ chúng ta cũng bị người khác gây áp lực để làm theo ý của con người thay vì ý của Đức Giê-hô-va. Giống như A-bi-sai, một số người có thể xúi giục chúng ta làm điều gì đó mà không cần nghĩ đến ý muốn của Đức Chúa Trời. Để giữ vững lập trường, chúng ta cần biết rõ quan điểm của Đức Giê-hô-va về vấn đề đó và kiên quyết theo sát đường lối của ngài.

11. Chúng ta học được gì từ gương của Đa-vít trong việc luôn chú tâm vào ý muốn của Đức Chúa Trời?

11 Đa-vít cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa”. (Đọc Thi-thiên 143:5, 8, 10). Thay vì dựa vào ý kiến riêng hay nghe theo sự xúi giục của người khác, Đa-vít mong muốn được Đức Chúa Trời dạy dỗ. Ông ‘tưởng đến mọi việc Đức Giê-hô-va đã làm, và suy-gẫm công-việc của tay Chúa’. Chúng ta có thể biết ý muốn của Đức Chúa Trời bằng cách đào sâu Kinh Thánh và suy ngẫm về cách ngài hướng dẫn nhân loại trong quá khứ.

ĐA-VÍT COI TRỌNG NGUYÊN TẮC NẰM SAU LUẬT PHÁP

12, 13. Tại sao Đa-vít đổ bỏ nước mà ba người tùy tùng mang về cho ông?

12 Đa-vít cũng nêu gương trong việc coi trọng nguyên tắc nằm sau Luật pháp và cố gắng sống theo những nguyên tắc ấy. Hãy xem điều gì xảy ra khi Đa-vít bày tỏ ước muốn được uống nước của “giếng bên cửa thành Bết-lê-hem”. Lúc đó thành đang bị quân Phi-li-tin chiếm đóng. Ba người tùy tùng của Đa-vít xông qua trại Phi-li-tin để lấy nước về cho ông. Tuy nhiên, Đa-vít “chẳng chịu uống, bèn rảy nước ấy ra trước mặt Đức Giê-hô-va”. Tại sao? Đa-vít giải thích: “Cầu Chúa giữ lấy tôi, đừng để tôi làm sự nầy; tôi hẳn không uống huyết của ba người nầy, đã liều thân mình đặng đem nước đến”.—1 Sử 11:15-19.

Chúng ta học được gì qua việc Đa-vít từ chối uống nước mà ba người tùy tùng mang về?

13 Đa-vít biết Luật pháp cấm ăn huyết và huyết phải được đổ ra trước mặt Đức Giê-hô-va. Ông cũng hiểu tại sao nên làm điều ấy, ông biết “sanh-mạng của xác-thịt ở trong huyết”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đó là nước chứ không phải huyết. Vậy tại sao Đa-vít từ chối uống? Vì ông coi trọng nguyên tắc nằm sau điều luật đó. Đối với Đa-vít, nước ấy quý giá như huyết của ba người tùy tùng, nên ông không thể uống. Ông đổ nước ấy xuống đất.—Lê 17:11; Phục 12:23, 24.

14. Điều gì đã giúp Đa-vít có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va?

14 Đa-vít đã cố gắng hấp thu trọn vẹn Luật pháp của Đức Chúa Trời. Ông hát: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa, Luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi 40:8). Đa-vít học hỏi và suy ngẫm Luật pháp của Đức Chúa Trời. Ông tin chắc những điều răn của ngài là khôn ngoan. Vì thế, Đa-vít muốn tuân theo Luật pháp Môi-se, không chỉ những điều luật được ghi trong đó mà còn tinh thần nằm sau các điều luật. Khi học Kinh Thánh, thật khôn ngoan nếu chúng ta suy ngẫm về những gì mình đọc và khắc ghi vào lòng. Điều này giúp chúng ta có những quyết định làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va.

15. Điều gì cho thấy Sa-lô-môn không còn xem trọng Luật pháp của Đức Chúa Trời?

15 Con trai của Đa-vít là Sa-lô-môn được Đức Giê-hô-va ban nhiều ân huệ, nhưng cuối cùng Sa-lô-môn không còn xem trọng Luật pháp của ngài. Đức Giê-hô-va ban mệnh lệnh là vua Y-sơ-ra-ên “không nên kén nhiều phi tần”, nhưng ông lại lờ đi (Phục 17:17). Ông lấy nhiều vợ ngoại bang. Khi về già, “các hoàng-hậu của Sa-lô-môn dụ lòng người đi theo các thần khác”. Dù Sa-lô-môn lý luận thế nào thì ông đã “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va, chẳng vâng theo Đức Giê-hô-va cách trọn-lành như Đa-vít, cha người, đã làm” (1 Vua 11:1-6). Vâng theo những điều luật và nguyên tắc trong Lời Đức Chúa Trời thật quan trọng biết bao! Hãy xem một lĩnh vực, đó là khi một người dự tính kết hôn.

16. Nếu nhận ra tinh thần của mệnh lệnh chỉ kết hôn với “môn đồ của Chúa”, những tín đồ dự tính kết hôn sẽ quyết tâm làm gì?

16 Nếu có người không cùng đức tin theo đuổi, chúng ta phản ứng ra sao? Chúng ta cố gắng xem vấn đề theo quan điểm của Đức Giê-hô-va như Đa-vít, hay lờ đi các mệnh lệnh của ngài như Sa-lô-môn? Những tín đồ chân chính cần làm theo mệnh lệnh là chỉ kết hôn với “môn đồ của Chúa” (1 Cô 7:39). Vì thế, nếu kết hôn, một tín đồ nên lấy người cùng đức tin. Ngoài ra, nếu nhận ra tinh thần của mệnh lệnh này, chúng ta sẽ không chỉ từ chối kết hôn với người không cùng đức tin, mà còn không để người đó nuôi hy vọng.

17. Điều gì giúp chúng ta tránh cạm bẫy của tài liệu khiêu dâm?

17 Noi gương Đa-vít về việc tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta kháng cự cám dỗ xem tài liệu khiêu dâm. Hãy đọc những câu Kinh Thánh sau đây, suy nghĩ về những nguyên tắc chứa đựng trong đó và cố gắng nhận ra ý muốn của Đức Giê-hô-va trong vấn đề này. (Đọc Thi-thiên 119:37; Ma-thi-ơ 5:28, 29; Cô-lô-se 3:5). Suy ngẫm về những tiêu chuẩn cao của Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta tránh cạm bẫy của tài liệu khiêu dâm.

LUÔN CỐ GẮNG CÓ CÙNG QUAN ĐIỂM VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI

18, 19. (a) Dù là người bất toàn, điều gì đã giúp Đa-vít giữ được ân huệ của Đức Chúa Trời? (b) Bạn quyết tâm làm gì?

18 Dù Đa-vít nêu gương trong nhiều khía cạnh, nhưng ông cũng phạm một số tội trọng (2 Sa 11:2-4, 14, 15, 22-27; 1 Sử 21:1, 7). Tuy nhiên, mỗi lần phạm tội, Đa-vít đều tỏ ra ăn năn. Ông bước đi trước mặt Đức Chúa Trời với “lòng trọn-lành” (1 Vua 9:4). Tại sao có thể nói như thế? Vì Đa-vít đã cố gắng hành động phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va.

19 Dù bất toàn, chúng ta có thể giữ được ân huệ của Đức Giê-hô-va. Để làm được điều đó, chúng ta phải siêng năng học hỏi và suy ngẫm Lời ngài, rồi hành động theo những điều mình đã học. Khi đó, chúng ta sẽ có thái độ khiêm nhường như Đa-vít: “Xin dạy tôi làm theo ý-muốn Chúa”.