Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vun trồng tinh thần của “người nhỏ hơn”

Vun trồng tinh thần của “người nhỏ hơn”

“Ai cư xử như người nhỏ hơn trong vòng anh em thì người đó là lớn”.—LU 9:48.

1, 2. Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên nào cho các sứ đồ, và tại sao?

Vào năm 32 CN, khi Chúa Giê-su đang ở vùng Ga-li-lê thì có một vấn đề xảy ra. Các sứ đồ cãi nhau xem ai lớn nhất trong vòng họ. Biết điều này, Chúa Giê-su gọi một đứa trẻ đến đứng bên cạnh, rồi nói: “Ai vì danh tôi mà tiếp đón đứa trẻ này là tiếp đón tôi, và ai tiếp đón tôi là tiếp đón đấng sai tôi đến. Ai cư xử như người nhỏ hơn trong vòng anh em thì người đó là lớn” (Lu 9:46-48). Bằng sự cương quyết nhưng kiên nhẫn, Chúa Giê-su đã giúp các sứ đồ hiểu họ cần phải khiêm nhường.

2 Lời khuyên của Chúa Giê-su về việc cư xử như người nhỏ hơn có phù hợp với văn hóa của người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất không? Hay nó đi ngược lại với tinh thần của quần chúng? Bình luận về bối cảnh thời đó, một từ điển (Theological Dictionary of the New Testament) giải thích: “Trong mọi vấn đề, người ta luôn quan tâm ai là người có địa vị, và chú trọng đến việc bày tỏ sự tôn trọng tùy theo cấp bậc”. Chúa Giê-su khuyên các sứ đồ đừng giống như những người cùng thời.

3. (a) Cư xử như người nhỏ hơn có nghĩa gì, và tại sao điều này có thể là thách đố? (b) Về việc vun trồng tinh thần của người nhỏ hơn, những câu hỏi nào được nêu lên?

3 Trong tiếng Hy Lạp, cụm từ được dịch là “người nhỏ hơn” muốn nói đến một người khiêm nhường, khiêm tốn, hèn mọn, không quan trọng hoặc không có ảnh hưởng, không được xem trọng. Chúa Giê-su đã dùng một đứa trẻ để giúp các sứ đồ hiểu rằng họ nên khiêm nhường và khiêm tốn. Bài học này cũng rất quan trọng cho các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su thời nay. Có thể chúng ta thấy khó để cư xử như người nhỏ hơn, ít nhất trong một số trường hợp. Chẳng hạn, khuynh hướng kiêu ngạo có thể thôi thúc một người muốn nổi trội hơn người khác. Môi trường cạnh tranh ngoài xã hội và tinh thần thế gian có thể khiến chúng ta ích kỷ, hiếu chiến hoặc áp đặt. Vậy, điều gì có thể giúp chúng ta vun trồng tinh thần của người nhỏ hơn? Chúa Giê-su có ý gì khi nói ‘người nhỏ hơn trong vòng anh em thì là lớn’? Chúng ta nên cố gắng thể hiện tinh thần khiêm nhường trong những khía cạnh nào của đời sống?

“SÂU THẲM THAY LÀ SỰ GIÀU CÓ, KHÔN NGOAN VÀ HIỂU BIẾT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI!”

4, 5. Điều gì giúp chúng ta vun trồng tính khiêm nhường? Hãy cho ví dụ.

4 Một cách để vun trồng tính khiêm nhường là nhớ rằng Đức Giê-hô-va cao cả hơn chúng ta rất nhiều. Thật vậy, “sự khôn-ngoan Ngài không thể dò” (Ê-sai 40:28). Nhấn mạnh về sự vĩ đại của Đức Giê-hô-va, sứ đồ Phao-lô viết: “Sâu thẳm thay là sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Đức Chúa Trời! Những phán quyết của ngài không ai hiểu thấu, và đường lối ngài không ai dò ra được!” (Rô 11:33). Những lời này được viết cách đây khoảng 2.000 năm. Ngày nay, sự hiểu biết của con người đã gia tăng rất nhiều nhưng lời của Phao-lô vẫn đúng. Dù biết nhiều đến đâu, chúng ta vẫn còn vô số điều có thể học về Đức Giê-hô-va cũng như công việc và đường lối của ngài. Ý thức điều này sẽ giúp chúng ta khiêm nhường.

5 Việc ý thức mình không thể hiểu hết về đường lối của Đức Giê-hô-va đã giúp anh Leo * xem mình là người nhỏ hơn. Khi còn trẻ, anh Leo rất say mê khoa học. Vì mong được hiểu nhiều về vũ trụ, anh đã học ngành vật lý thiên thể. Rồi anh nhận ra một điều quan trọng. Anh nói: “Trong quá trình học, tôi nhận ra rằng nếu chỉ với giả định khoa học hiện thời thì dường như con người không thể hiểu hết về vũ trụ. Thế nên tôi chuyển sang học luật”. Anh Leo trở thành công tố viên và sau đó là thẩm phán. Thời gian sau, anh và vợ cùng học Kinh Thánh với Nhân Chứng. Họ chấp nhận sự thật Kinh Thánh và dâng mình cho Đức Chúa Trời. Điều gì đã giúp một người có học vấn và địa vị như anh Leo cư xử như người nhỏ hơn? Không do dự, anh trả lời: “Tôi nhận ra rằng dù chúng ta học bao nhiêu về Đức Giê-hô-va và vũ trụ, thì vẫn còn nhiều điều để khám phá”.

Đức Giê-hô-va xem trọng chúng ta khi ban cho chúng ta đặc ân rao truyền tin mừng

6, 7. (a) Đức Giê-hô-va nêu gương về sự khiêm nhường như thế nào? (b) Như Đa-vít, chúng ta trở nên “sang-trọng” thế nào nhờ sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va?

6 Một yếu tố khác giúp chúng ta khiêm nhường là chính Đức Giê-hô-va cũng khiêm nhường. Kinh Thánh nói: ‘Chúng ta là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời’ (1 Cô 3:9). Hãy tưởng tượng: Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời Tối Cao, xem trọng chúng ta bằng cách ban cho chúng ta đặc ân dùng Lời ngài để rao giảng. Dù Đức Giê-hô-va là đấng làm cho hạt giống lớn lên, nhưng ngài ban cho chúng ta đặc ân cùng làm việc với ngài với tư cách là người trồng và tưới những hạt giống đó (1 Cô 3:6, 7). Chẳng phải điều này cho thấy sự khiêm nhường tuyệt vời của Đức Giê-hô-va sao? Chắc chắn, gương khiêm nhường của ngài thôi thúc mỗi chúng ta cư xử như người nhỏ hơn.

7 Gương khiêm nhường của Đức Chúa Trời đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến người viết Thi-thiên là Đa-vít. Ông hát: “Chúa đã ban sự chửng-cứu cho tôi làm cái khiên, và sự hiền-từ [“khiêm nhường”, NW] Chúa đã làm cho tôi nên sang-trọng” (2 Sa 22:36). Đa-vít nhận biết là mọi sự “sang-trọng” ông có trong nước Y-sơ-ra-ên chính là vì Đức Giê-hô-va khiêm nhường, hạ mình xuống và chú ý đến ông (Thi 113:5-7). Còn chúng ta thì sao? Những khả năng, phẩm chất hay đặc ân chúng ta có chẳng phải cũng nhận từ Đức Giê-hô-va sao? (1 Cô 4:7). Một người khiêm nhường trở nên “lớn” theo nghĩa là người đó càng có giá trị trước mắt Đức Chúa Trời (Lu 9:48). Chúng ta hãy xem tại sao.

‘NGƯỜI NHỎ HƠN TRONG VÒNG ANH EM LÀ LỚN’

8. Tại sao những người trong tổ chức của Đức Chúa Trời cần khiêm nhường?

8 Để thỏa lòng trong tổ chức của Đức Giê-hô-va và sẵn sàng ủng hộ các sắp đặt của hội thánh, một người cần phải khiêm nhường. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của Petra, một chị trẻ lớn lên trong gia đình Nhân Chứng. Vì muốn làm theo ý mình nên chị Petra tự xa rời hội thánh. Nhiều năm sau, chị kết hợp trở lại với hội thánh. Hiện nay, chị rất hạnh phúc được ở trong tổ chức của Đức Giê-hô-va và sốt sắng ủng hộ các sắp đặt của hội thánh. Điều gì đã giúp chị thay đổi? Chị viết: “Để không cảm thấy lạc lõng trong tổ chức Đức Chúa Trời, hai đức tính quan trọng nhất mà tôi cần hiểu và vun trồng là khiêm nhường và khiêm tốn”.

9. Một người khiêm nhường có thái độ nào về thức ăn thiêng liêng? Tại sao thái độ này làm cho người ấy có giá trị hơn?

9 Một người khiêm nhường thật lòng quý trọng những điều Đức Giê-hô-va cung cấp, bao gồm thức ăn thiêng liêng. Người ấy chăm chỉ học hỏi Kinh Thánh cũng như đọc Tháp Canh Tỉnh Thức!. Giống như nhiều tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, có lẽ người ấy có thói quen đọc ấn phẩm mới trước khi để vào thư viện cá nhân. Khi thể hiện sự khiêm nhường qua việc đọc và nghiên cứu các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, chúng ta sẽ tiến bộ về thiêng liêng, và có thể được Đức Giê-hô-va sử dụng nhiều hơn trong tổ chức của ngài.—Hê 5:13, 14.

10. Làm thế nào chúng ta có thể thể hiện tinh thần của người nhỏ hơn trong hội thánh?

10 Người cư xử như người nhỏ hơn thì càng có giá trị trước mắt Đức Giê-hô-va vì một lý do khác nữa. Mỗi hội thánh đều có những anh được bổ nhiệm dưới sự hướng dẫn của thần khí để phụng sự với tư cách là trưởng lão. Họ đưa ra những sắp đặt liên quan đến các hoạt động thiêng liêng, chẳng hạn như các buổi nhóm họp, công việc rao giảng và việc chăn bầy. Khi thể hiện tinh thần của người nhỏ hơn bằng cách sẵn sàng ủng hộ những sắp đặt này, chúng ta sẽ góp phần vào sự vui mừng, bình an và hợp nhất của hội thánh. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:7, 17). Nếu đang phụng sự với tư cách là trưởng lão hoặc phụ tá hội thánh, chẳng phải bạn nên khiêm nhường biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã ban cho bạn đặc ân đó sao?

11, 12. Thái độ nào giúp chúng ta càng có giá trị trong tổ chức của Đức Giê-hô-va, và tại sao?

11 Một người cư xử như người nhỏ hơn thì càng có giá trị trong tổ chức của Đức Giê-hô-va, vì sự khiêm nhường giúp người ấy trở thành tôi tớ hữu dụng của ngài. Chúa Giê-su khuyên các môn đồ cư xử như người nhỏ hơn vì một số môn đồ bị ảnh hưởng bởi tinh thần phổ biến thời đó. Lu-ca 9:46 cho biết: “Các môn đồ cãi nhau xem ai lớn nhất trong vòng họ”. Phải chăng chúng ta cũng bắt đầu suy nghĩ rằng mình giỏi hơn anh em đồng đạo hoặc người khác? Chúng ta không nên bắt chước tinh thần kiêu ngạo và ích kỷ của những người xung quanh. Thay vì thế, chúng ta nên khiêm nhường và kiên quyết đặt ý muốn của Đức Giê-hô-va lên hàng đầu. Khi đó, chúng ta sẽ mang lại sự khoan khoái cho anh em đồng đạo.

12 Lời khuyên của Chúa Giê-su về việc cư xử như người nhỏ hơn rất hữu ích. Chẳng phải chúng ta nên cố gắng thể hiện tinh thần của người nhỏ hơn trong mọi khía cạnh của đời sống sao? Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh sau.

HÃY CỐ GẮNG CƯ XỬ NHƯ NGƯỜI NHỎ HƠN

13, 14. Làm sao người chồng và người vợ cho thấy mình cư xử như người nhỏ hơn, và điều này mang lại kết quả nào?

13 Trong hôn nhân. Ngày nay, nhiều người xem trọng quyền cá nhân đến mức tìm mọi cách để có được quyền đó, ngay cả lấn quyền của người khác. Tuy nhiên, người cư xử như người nhỏ hơn sẽ có tinh thần mà Phao-lô khuyến khích anh em ở thành Rô-ma thể hiện. Ông viết: “Hãy gắng sức hòa thuận và giúp nhau vững mạnh” (Rô 14:19). Người cư xử như người nhỏ hơn sẽ cố gắng giữ sự hòa thuận với mọi người, đặc biệt với người hôn phối.

14 Giả sử, vợ chồng có sở thích khác nhau trong lĩnh vực giải trí. Có lẽ chồng thích ở nhà nghỉ ngơi và đọc sách, còn vợ thích đi ăn ở ngoài hoặc thăm bạn bè. Vợ sẽ dễ tôn trọng chồng hơn nếu anh khiêm nhường và xem trọng sở thích của chị, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân. Chồng sẽ càng yêu thương và quý trọng vợ nếu chị không cố làm theo ý mình, nhưng quan tâm đến sở thích của anh. Nếu mỗi người cư xử như người nhỏ hơn thì hôn nhân sẽ ngày càng bền vững.—Đọc Phi-líp 2:1-4.

15, 16. Nơi bài Thi-thiên 131, Đa-vít khuyến khích người Y-sơ-ra-ên có tinh thần nào? Tinh thần này nên ảnh hưởng thế nào đến cách cư xử của chúng ta trong hội thánh?

15 Trong hội thánh. Nhiều người trong thế gian muốn thỏa mãn ước muốn của mình ngay lập tức. Đối với họ, chờ đợi là một cực hình. Việc vun trồng tinh thần của người nhỏ hơn giúp chúng ta “trông-cậy [“chờ đợi”, NW]” Đức Giê-hô-va. (Đọc Thi-thiên 131:1-3). Khi khiêm nhường và chờ đợi Đức Giê-hô-va, một người sẽ có bình an, hạnh phúc và thỏa lòng. Chẳng lạ gì mà Đa-vít đã khuyến khích người Y-sơ-ra-ên kiên nhẫn chờ đợi Đức Chúa Trời!

16 Bạn cũng có thể cảm nghiệm niềm an ủi như thế khi khiêm nhường chờ đợi Đức Giê-hô-va. Có lẽ bạn “mong muốn một việc tốt lành” và “đang vươn tới trách nhiệm giám thị” (1 Ti 3:1-7). Dĩ nhiên, bạn nên làm mọi điều có thể để thần khí giúp bạn hội đủ những phẩm chất cần thiết của một giám thị. Nhưng nếu quá trình phấn đấu của bạn dường như lâu hơn người khác thì sao? Người cư xử như người nhỏ hơn sẽ kiên nhẫn chờ đợi, tiếp tục vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va và sẵn sàng nhận bất cứ công việc nào được giao.

17, 18. (a) Việc sẵn sàng xin lỗi và tha thứ cho người khác mang lại kết quả nào? (b) Châm-ngôn 6:1-5 khuyên chúng ta điều gì?

17 Trong mối quan hệ với người khác. Đa số người ta khó nói lời xin lỗi. Tuy nhiên, tôi tớ của Đức Chúa Trời cư xử như người nhỏ hơn bằng cách sẵn sàng nhận lỗi và xin được tha thứ. Họ cũng sẵn lòng tha lỗi cho người khác. Thực tế cho thấy, sự tự cao gây chia rẽ và tranh cãi; ngược lại, tinh thần vị tha gây dựng sự hòa thuận trong vòng anh em đồng đạo.

18 Chúng ta cũng phải “hạ mình xuống” qua việc thành thật xin lỗi người khác khi không làm tròn một thỏa thuận nào đó vì lý do ngoài ý muốn. Dù có thể người kia cũng phải chịu một phần trách nhiệm nhưng một tín đồ khiêm nhường sẽ nhận lỗi của mình và sẵn sàng xin lỗi.—Đọc Châm-ngôn 6:1-5.

Bạn có những cơ hội nào để cư xử như “người nhỏ hơn”?

19. Tại sao chúng ta quý trọng lời khuyên của Kinh Thánh về việc cư xử như người nhỏ hơn?

19 Những lời khuyên trong Kinh Thánh về việc cư xử như người nhỏ hơn thật quý giá biết bao! Dù đôi khi chúng ta khó làm thế, nhưng việc ý thức rõ vị thế của mình so với Đấng Tạo Hóa và hiểu sự khiêm nhường của ngài có thể giúp chúng ta vun trồng đức tính ấy. Khi đó, chúng ta sẽ càng có giá trị trước mắt Đức Giê-hô-va. Vậy, mong sao mỗi người chúng ta cư xử như người nhỏ hơn.

^ đ. 5 Các tên đã được thay đổi.