Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự tha thứ của Đức Giê-hô-va có nghĩa gì với bạn?

Sự tha thứ của Đức Giê-hô-va có nghĩa gì với bạn?

‘Giê-hô-va là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, xá điều gian-ác, tội trọng, và tội-lỗi’.—XUẤT 34:6, 7.

1, 2. (a) Cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên chứng tỏ ngài là đấng như thế nào? (b) Bài này sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi nào?

Khi dân Y-sơ-ra-ên trở về quê hương sau thời kỳ lưu đày, một nhóm người Lê-vi thừa nhận trong lời cầu nguyện trước dân chúng rằng tổ phụ của họ đã nhiều lần “không nghe” điều răn của Đức Giê-hô-va. Dù vậy, hết lần này đến lần khác, Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ là “Đức Chúa Trời sẵn tha-thứ, hay làm ơn, và thương-xót, chậm nóng giận, và dư đầy nhân-từ”. Ngài vẫn tiếp tục thể hiện lòng nhân từ bao la với những người hồi hương ấy.—Nê 9:16, 17.

2 Mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Sự tha thứ của Đức Giê-hô-va có nghĩa gì đối với mình?”. Để trả lời câu hỏi quan trọng này, chúng ta hãy xem cách Đức Giê-hô-va đối xử với hai vị vua là Đa-vít và Ma-na-se, và nhờ sự tha thứ của ngài, họ nhận được lợi ích nào.

ĐA-VÍT PHẠM TỘI TRỌNG

3-5. Đa-vít đã vướng vào tội trọng như thế nào?

3 Dù là người tin kính nhưng Đa-vít vẫn phạm một số tội trọng, trong đó có hai tội trọng liên quan đến vợ chồng U-ri và Bát-Sê-ba. Hành vi của Đa-vít gây ra hậu quả đau buồn cho những người trong cuộc. Tuy nhiên, qua cách Đức Giê-hô-va sửa trị Đa-vít, chúng ta hiểu rõ hơn về sự tha thứ của ngài. Hãy xem chuyện xảy ra thế nào.

4 Đa-vít điều quân Y-sơ-ra-ên đi vây hãm kinh đô của xứ Am-môn là Ráp-ba, cách Giê-ru-sa-lem 80km về phía đông, bên kia sông Giô-đanh. Đa-vít ở lại cung điện tại Giê-ru-sa-lem. Từ sân thượng của cung điện, ông nhìn thấy Bát-Sê-ba đang tắm. Chồng bà đang ở chiến trường. Đa-vít ham muốn Bát-Sê-ba đến nỗi cho người triệu bà vào cung, rồi phạm tội ngoại tình với bà.—2 Sa 11:1-4.

5 Nghe tin Bát-Sê-ba có thai, vua Đa-vít lệnh cho U-ri trở về Giê-ru-sa-lem với hy vọng là U-ri sẽ có quan hệ chăn gối với vợ. Dù Đa-vít làm mọi cách nhưng U-ri vẫn không đặt chân vào nhà. Vì thế, vua bí mật viết thư ra lệnh cho tướng chỉ huy đạo binh, chỉ định rằng U-ri phải được bố trí “tại hàng đầu, nơi hiểm-nguy hơn hết của chiến-trận”, và những đồng đội phải rút lui, bỏ lại ông. U-ri bị giết trên chiến trường và thế là âm mưu của Đa-vít đã thành công (2 Sa 11:12-17). Như vậy, Đa-vít không chỉ ngoại tình mà còn giết người vô tội.

ĐA-VÍT THAY ĐỔI THÁI ĐỘ

6. Trước tội trọng của Đa-vít, Đức Giê-hô-va đã làm gì? Qua cách xử lý đó, chúng ta biết gì về ngài?

6 Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va thấy mọi việc xảy ra. Không điều gì lọt khỏi tầm nhìn của ngài (Châm 15:3). Dù sau đó Đa-vít lấy Bát-Sê-ba làm vợ, nhưng điều ông làm “không đẹp lòng Đức Giê-hô-va” (2 Sa 11:27). Trước tội trọng của Đa-vít, Đức Giê-hô-va đã làm gì? Ngài phái nhà tiên tri Na-than đến gặp vua. Là Đức Chúa Trời khoan dung, dường như ngài muốn tìm cơ sở để tỏ lòng thương xót. Điều này hẳn làm chúng ta ấm lòng. Thay vì bắt Đa-vít phải khai ra tội của mình, Đức Giê-hô-va phái Na-than đến kể cho vua nghe một câu chuyện cho thấy tội của vua nghiêm trọng đến mức nào. (Đọc 2 Sa-mu-ên 12:1-4). Điều xảy ra tiếp theo cho thấy đây là cách hiệu quả để xử lý vấn đề tế nhị này.

7. Đa-vít phản ứng thế nào trước câu chuyện của Na-than?

7 Đa-vít thấy những gì xảy ra trong câu chuyện mà Na-than kể thật bất công. Ông tức giận nói: “Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, người đã phạm điều ấy thật đáng chết!”. Đa-vít còn bảo rằng người đó phải bồi thường cho nạn nhân. Nhưng Na-than tuyên bố: “Vua là người đó!”. Quả là một đòn đau đớn đối với Đa-vít! Na-than cho Đa-vít biết rằng do hành vi của ông mà “gươm chẳng hề thôi hủy-hoại nhà” ông, và tai họa sẽ giáng trên gia đình ông. Đồng thời, chính Đa-vít cũng phải chịu nhục nhã cách công khai. Giờ đây, Đa-vít hiểu tội của mình nghiêm trọng thế nào. Ông ân hận nói: “Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va”.—2 Sa 12:5-14.

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA ĐA-VÍT VÀ SỰ THA THỨ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

8, 9. Bài Thi-thiên 51 cho thấy gì về nỗi lòng của Đa-vít? Qua bài Thi-thiên này, chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va?

8 Đa-vít bày tỏ nỗi ân hận của mình qua bài Thi-thiên 51. Bài này cho thấy ông không chỉ nhận lỗi mà còn thật sự ăn năn. Đối với Đa-vít, mối quan hệ của ông với Đức Chúa Trời là điều quan trọng nhất. Ông thú nhận: “Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi”. Ông nài xin: “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong-sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần-linh ngay-thẳng... Xin hãy ban lại cho tôi sự vui-vẻ về sự cứu-rỗi của Chúa, dùng thần-linh sẵn lòng mà nâng-đỡ tôi” (Thi 51:1-4, 7-12). Khi phạm lỗi lầm, bạn có tha thiết và trải lòng như thế với Đức Giê-hô-va không?

9 Đức Giê-hô-va không miễn cho Đa-vít khỏi những hậu quả của tội mà ông đã phạm. Trong suốt quãng đời còn lại, ông phải gánh chịu hậu quả cay đắng. Tuy nhiên, Đa-vít thật sự ăn năn và có “lòng đau-thương thống-hối”, nên được Đức Giê-hô-va tha thứ. (Đọc Thi-thiên 32:5; Thi 51:17). Đức Chúa Trời Toàn Năng hiểu thái độ và động cơ của người phạm tội. Thay vì để cho quan xét loài người tuyên án tử hình Đa-vít và Bát-Sê-ba, như Luật pháp quy định, Đức Giê-hô-va đích thân xét xử và thể hiện lòng thương xót với họ (Lê 20:10). Thậm chí, ngài đã cho con trai của họ là Sa-lô-môn làm vua tiếp theo của Y-sơ-ra-ên.—1 Sử 22:9, 10.

10. (a) Đức Giê-hô-va tha thứ cho Đa-vít có lẽ vì lý do nào nữa? (b) Muốn được Đức Giê-hô-va tha thứ, người phạm tội phải làm gì?

10 Có lẽ một lý do nữa khiến Đức Giê-hô-va tha thứ cho Đa-vít là vì ông đã tỏ lòng thương xót với Sau-lơ (1 Sa 24:5-8). Như Chúa Giê-su giải thích, Đức Giê-hô-va đối xử với chúng ta theo cách chúng ta đối xử với người khác. Chúa Giê-su nói: “Đừng xét đoán người khác nữa, để anh em không bị xét đoán; vì anh em xét đoán người ta thế nào thì cũng sẽ bị xét đoán thế ấy, và anh em đối xử với người ta thế nào thì họ cũng sẽ đối xử với anh em thế ấy” (Mat 7:1, 2). Thật nhẹ nhõm khi biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ ngay cả tội trọng như ngoại tình hoặc giết người! Ngài làm thế nếu chúng ta tha thứ cho người khác, thú tội với ngài và thay đổi thái độ về hành vi sai trái của mình. Khi người phạm tội thật lòng ăn năn, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho người ấy “kỳ thanh thản”.—Đọc Công vụ 3:19.

MA-NA-SE PHẠM TỘI TRỌNG NHƯNG ĐÃ ĂN NĂN

11. Ma-na-se làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va như thế nào?

11 Hãy xem một trường hợp khác cho thấy lòng rộng lượng tha thứ của Đức Giê-hô-va. Khoảng 360 năm sau khi Đa-vít lên ngôi, Ma-na-se trở thành vua xứ Giu-đa và cai trị trong 55 năm. Đức Giê-hô-va lên án các thực hành ghê tởm của vị vua này, như việc lập bàn thờ cho Ba-anh, thờ “cả cơ-binh trên-trời”, đưa con cái mình qua lửa và cổ xúy các thực hành huyền bí. Quả thật, “người làm điều ác thái-quá tại trước mặt Đức Giê-hô-va”.—2 Sử 33:1-6.

12. Ma-na-se đã quay về với Đức Giê-hô-va như thế nào?

12 Cuối cùng, Ma-na-se bị bắt sang Ba-by-lôn và bị bỏ tù. Trong thời gian ở đó, có lẽ ông nhớ lại lời Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Khi ngươi bị gian-nan, và các việc nầy xảy đến cho ngươi, bấy giờ trong ngày cuối-cùng, ngươi sẽ trở về cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và vâng theo tiếng Ngài” (Phục 4:30). Ma-na-se đã quay về với Đức Giê-hô-va. Như thế nào? Ông “hạ mình xuống” và tha thiết cầu nguyện với Đức Chúa Trời (như hình trang 21) (2 Sử 33:12, 13). Kinh Thánh không cho biết Ma-na-se đã nói gì trong lời cầu nguyện, nhưng có thể lời cầu nguyện của ông tương tự như lời cầu nguyện của Đa-vít nơi bài Thi-thiên 51. Dù sao đi nữa, chúng ta biết rằng Ma-na-se đã hoàn toàn thay đổi thái độ.

13. Tại sao Đức Giê-hô-va tha thứ cho Ma-na-se?

13 Đức Giê-hô-va có nghe lời cầu nguyện của Ma-na-se không? Kinh Thánh cho biết: “Ngài nhậm lời người, dủ nghe lời nài-xin của người”. Như Đa-vít, Ma-na-se nhận ra tội của mình nghiêm trọng thế nào và thật lòng ăn năn. Vì thế, Đức Giê-hô-va tha thứ và cho phép ông trở về Giê-ru-sa-lem để tiếp tục làm vua. “Khi ấy, Ma-na-se nhìn biết Giê-hô-va là Đức Chúa Trời” (2 Sử 33:13). Thật an ủi khi biết rằng Đức Chúa Trời của chúng ta là đấng giàu lòng thương xót, ngài sẵn sàng tha thứ những ai thật sự ăn năn!

Nhờ lòng tha thứ của Đức Giê-hô-va, Ma-na-se được trở về Giê-ru-sa-lem để tiếp tục làm vua

CÓ PHẢI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA THA THỨ CHO MỌI TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI KHÔNG?

14. Đức Giê-hô-va tha thứ hay không tùy thuộc vào điều gì?

14 Ít ai trong vòng dân Đức Giê-hô-va ngày nay phạm phải những tội nghiêm trọng như Đa-vít hoặc Ma-na-se. Dù vậy, qua trường hợp của hai vua này, chúng ta học được rằng Đức Giê-hô-va sẵn sàng tha thứ ngay cả tội trọng, nếu người phạm tội thật sự ăn năn.

15. Tại sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va không luôn tha thứ cho mọi người phạm tội?

15 Dĩ nhiên, chúng ta không kết luận rằng Đức Giê-hô-va luôn tha thứ cho mọi người phạm tội. Hãy so sánh thái độ của Đa-vít và Ma-na-se với thái độ ương ngạnh của dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa. Đức Chúa Trời phái Na-than đến gặp Đa-vít và cho ông cơ hội để thay đổi thái độ. Đa-vít tỏ ra biết ơn và nắm lấy cơ hội này. Khi Ma-na-se gặp nạn, ông ăn năn từ đáy lòng. Còn dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa thì khác. Dù nhiều lần Đức Giê-hô-va phái các nhà tiên tri đến để lên án hành vi bất tuân của họ, nhưng họ vẫn không ăn năn. Vì thế, Đức Giê-hô-va không tha thứ cho họ. (Đọc Nê-hê-mi 9:30). Kể cả khi dân Y-sơ-ra-ên hồi hương sau thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lôn, Đức Giê-hô-va vẫn dấy lên các sứ giả trung thành như thầy tế lễ E-xơ-ra và nhà tiên tri Ma-la-chi, để khuyên bảo dân sự. Khi dân Y-sơ-ra-ên hành động phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va, họ cảm nghiệm được vô vàn niềm vui.—Nê 12:43-47.

16. (a) Việc dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống không ăn năn dẫn đến hậu quả nào? (b) Các cá nhân thuộc dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống và con cháu của họ vẫn có cơ hội nào?

16 Khi Chúa Giê-su xuống thế và hy sinh mạng sống làm vật tế lễ hoàn hảo, Đức Giê-hô-va không chấp nhận các con vật tế lễ của dân Y-sơ-ra-ên nữa (1 Giăng 4:9, 10). Lúc còn ở trên đất, Chúa Giê-su phản ánh quan điểm của Cha ngài khi nói những lời cảm động sau: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi đã giết các nhà tiên tri và ném đá những người được sai đến! Đã bao lần ta muốn nhóm con cái ngươi lại, như gà mẹ túc con mình dưới cánh! Nhưng các ngươi không muốn”. Ngài tuyên bố: “Này! Nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi” (Mat 23:37, 38). Đức Giê-hô-va thay thế dân tội lỗi và không ăn năn đó bằng dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng (Mat 21:43; Ga 6:16). Nhưng đối với những cá nhân thuộc dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống và con cháu của họ thì sao? Họ vẫn có thể được Đức Giê-hô-va tha thứ và thương xót nếu thể hiện đức tin nơi ngài cũng như nơi sự hy sinh của Chúa Giê-su Ki-tô. Cơ hội này cũng mở ra cho những người được sống lại trong địa đàng, dù họ chưa ăn năn trước khi chết.—Giăng 5:28, 29; Công 24:15.

HÃY NHẬN LỢI ÍCH TỪ LÒNG THA THỨ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

17, 18. Chúng ta phải làm gì để được Đức Giê-hô-va tha thứ?

17 Khi biết Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ, chúng ta được thúc đẩy làm gì? Chắc chắn, chúng ta muốn tỏ ra ăn năn như Đa-vít và Ma-na-se. Chúng ta cần thừa nhận mình là người có tội, rồi ăn năn và tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va tha thứ, cũng như xin ngài giúp chúng ta loại bỏ mọi ước muốn sai trái trong lòng (Thi 51:10). Nếu phạm tội trọng, chúng ta cũng cần xin các trưởng lão giúp đỡ (Gia 5:14, 15). Dù đã phạm tội nghiêm trọng đến đâu, chúng ta được an ủi khi nhớ những lời Đức Giê-hô-va nói với Môi-se: “[Ta] là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực, ban ơn đến ngàn đời, xá điều gian-ác, tội trọng, và tội-lỗi”. Đức Giê-hô-va không hề thay đổi.—Xuất 34:6, 7.

18 Qua một hình ảnh so sánh sống động, Đức Giê-hô-va hứa với người Y-sơ-ra-ên biết ăn năn rằng ngài sẽ hoàn toàn xóa bỏ tội lỗi của họ. Dù tội của họ như “hồng-điều”, ngài sẽ làm cho nó “trắng như tuyết”. (Đọc Ê-sai 1:18). Vậy, sự tha thứ của Đức Giê-hô-va có nghĩa gì đối với chúng ta? Đó là chúng ta được miễn tội hoàn toàn nếu tỏ ra ăn năn và thể hiện lòng biết ơn.

19. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?

19 Là những người đã được Đức Giê-hô-va tha thứ, chúng ta có thể bắt chước ngài như thế nào trong việc tha thứ cho người khác? Làm sao chúng ta có thể tha thứ cho những người phạm tội trọng nhưng thật lòng ăn năn? Bài kế tiếp sẽ giúp chúng ta xem xét lòng mình để có thể bắt chước Cha trên trời, Đức Giê-hô-va, đấng “sẵn tha-thứ”.—Thi 86:5.