Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy tiếp tục đến gần Ðức Giê-hô-va

Hãy tiếp tục đến gần Ðức Giê-hô-va

“Hãy đến gần Ðức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em”.—GIA 4:8.

1, 2. (a) “Mưu kế” của Sa-tan là gì? (b) Ðiều gì sẽ giúp chúng ta đến gần Ðức Chúa Trời?

Ðức Giê-hô-va tạo ra con người với nhu cầu đến gần ngài. Thế nhưng, Sa-tan muốn chúng ta nghĩ rằng mình không cần Ðức Giê-hô-va. Kể từ khi lừa gạt Ê-va trong vườn Ê-đen bằng lời nói dối đó, Sa-tan tiếp tục ra sức khiến con người tin như vậy (Sáng 3:4-6). Trong suốt lịch sử nhân loại, nhiều người đã có suy nghĩ sai lầm ấy.

2 Chúng ta có thể tránh mắc bẫy của Sa-tan vì “chẳng phải chúng ta không biết mưu kế của hắn” (2 Cô 2:11). Sa-tan cố kéo chúng ta ra xa khỏi Ðức Giê-hô-va bằng cách cám dỗ để chúng ta có lựa chọn sai. Nhưng như đã xem trong bài trước, chúng ta có thể có lựa chọn đúng liên quan đến nghề nghiệp, giải trí và mối quan hệ gia đình. Bài này sẽ thảo luận thêm bốn khía cạnh: thiết bị điện tử, sức khỏe, tiền bạc và lòng tự hào. Việc lựa chọn đúng trong những lĩnh vực này có thể giúp chúng ta “đến gần Ðức Chúa Trời”.—Gia 4:8.

THIẾT BỊ ÐIỆN TỬ

3. Hãy lấy ví dụ cho thấy mặt lợi và hại của thiết bị điện tử.

3 Hiện nay, thiết bị điện tử ngày càng phổ biến. Nếu dùng đúng cách, chúng có thể mang lại lợi ích. Nếu dùng không đúng cách, chúng có thể là vật ngăn cách chúng ta với Cha trên trời. Hãy xem ví dụ về máy vi tính. Tạp chí bạn đang học được biên soạn và xuất bản với sự hỗ trợ của công cụ này. Máy vi tính có thể là phương tiện trao đổi và tra cứu hữu ích, và đôi khi cũng giúp chúng ta thư giãn. Tuy nhiên, chúng ta có thể rơi vào tình trạng ham mê máy vi tính. Các nhà quảng cáo khiến người ta nghĩ rằng mình phải có những sản phẩm mới nhất. Một thanh niên muốn sở hữu một máy tính bảng đến mức đã bí mật bán thận của mình để mua nó. Thật là sự hy sinh thiển cận!

4. Một anh đã đối phó thế nào với sự ham mê máy vi tính?

 4 Nếu việc dùng thiết bị điện tử khiến một người hy sinh mối quan hệ với Ðức Giê-hô-va thì còn tồi tệ hơn. Anh Jon *, một tín đồ gần 30 tuổi, nói: ‘Tôi biết Kinh Thánh nói là chúng ta nên “tận dụng thì giờ” cho các việc thiêng liêng. Nhưng khi ngồi trước màn hình vi tính, tôi không dứt ra được’. Anh Jon thường lướt mạng đến khuya. Anh kể: “Càng mệt thì càng khó ngưng chat hoặc ngưng xem những đoạn phim ngắn, không phải phim nào cũng lành mạnh”. Ðể bỏ thói quen xấu đó, anh Jon cài đặt để máy tự động tắt vào giờ anh phải đi ngủ.—Ðọc Ê-phê-sô 5:15, 16.

Hỡi các bậc cha mẹ, hãy giúp con dùng thiết bị điện tử cách khôn ngoan

5, 6. (a) Cha mẹ có trách nhiệm nào với con cái? (b) Làm sao cha mẹ có thể giúp con có mối giao tiếp lành mạnh?

5 Nếu là cha mẹ, dù không cần kiểm soát nhất cử nhất động của con, bạn cần giám sát việc chúng dùng máy vi tính. Ðừng để chúng tự do vào các trang web đồi bại hoặc mang tính ma thuật, chơi game bạo lực và giao tiếp với người xấu, chỉ vì bạn muốn chúng bận rộn và không làm phiền mình. Nếu bạn làm thế, chúng có thể kết luận: “Bố mẹ đâu nói gì nên chắc không có gì sai”. Là cha mẹ, bạn có trách nhiệm bảo vệ con cái, kể cả con ở tuổi vị thành niên, khỏi bất cứ điều gì khiến chúng xa cách Ðức Giê-hô-va. Ngay cả loài vật cũng bảo vệ con mình khỏi mối nguy hiểm. Thử tưởng tượng gấu mẹ sẽ làm gì nếu có người gây hại cho con nó!—So sánh Ô-sê 13:8.

6 Hãy giúp con bạn có những cuộc kết hợp lành mạnh với các tín đồ gương mẫu, cả trẻ và lớn tuổi. Cũng hãy nhớ rằng các con cần bạn dành thời gian cho chúng! Vậy, hãy dành thời gian để cùng con vui chơi, cười đùa, làm việc và “đến gần Ðức Chúa Trời”. *

SỨC KHỎE

7. Tại sao tất cả chúng ta đều muốn bảo vệ sức khỏe?

7 “Bạn khỏe không?”. Lời chào hỏi thông thường này nói lên một thực tế đáng buồn. Vì tổ tiên của loài người đã để Sa-tan khiến họ xa cách Ðức Giê-hô-va, nên không ai tránh khỏi bệnh tật. Bệnh tật phục vụ ý đồ của Sa-tan, vì khi bị bệnh, chúng ta khó phụng sự Ðức Giê-hô-va hơn. Và khi chết, chúng ta hoàn toàn không thể phụng sự ngài (Thi 115:17). Vì thế, dĩ nhiên chúng ta muốn bảo vệ sức khỏe *. Chúng ta cũng nên quan tâm đến sức khỏe của anh em đồng đạo.

8, 9. (a) Làm thế nào chúng ta có thể tránh lo lắng thái quá về sức khỏe? (b) Lòng vui mừng mang lại lợi ích nào?

8 Tuy nhiên, chúng ta không nên lo lắng thái quá về sức khỏe. Một số tín đồ giới thiệu những chế độ ăn kiêng, cách trị  bệnh hoặc sản phẩm làm đẹp, thậm chí sốt sắng hơn cả việc rao giảng tin mừng Nước Trời. Có thể họ thật sự tin những điều đó giúp được người khác. Tuy vậy, nói về các sản phẩm làm đẹp và phương pháp trị bệnh trước và sau nhóm họp ở Phòng Nước Trời hoặc hội nghị là điều không thích hợp. Tại sao?

9 Chúng ta nhóm lại để thảo luận về những điều thiêng liêng và gia tăng niềm vui, một khía cạnh của bông trái thần khí (Ga 5:22). Trong các dịp như thế, việc chúng ta tư vấn hoặc đưa ra các sản phẩm về sức khỏe, dù chủ động hay không, có thể làm mình mất tập trung vào những điều thiêng liêng và cướp đi niềm vui của người khác (Rô 14:17). Chăm sóc sức khỏe theo cách nào là vấn đề cá nhân. Hơn nữa, không ai có giải pháp triệt để cho mọi loại bệnh. Ngay cả bác sĩ giỏi nhất cũng phải già, bệnh và cuối cùng chết. Ngoài ra, quá lo lắng về sức khỏe cũng không thể kéo dài tuổi thọ (Lu 12:25). Trái lại, “lòng vui-mừng vốn một phương thuốc hay”.—Châm 17:22.

10. (a) Ðiều gì khiến một người trở nên đẹp trước mắt Ðức Giê-hô-va? (b) Khi nào chúng ta sẽ có một sức khỏe hoàn hảo?

10 Tương tự, quan tâm đến ngoại diện của mình là điều thích hợp. Nhưng chúng ta không cần ra sức xóa bỏ mọi dấu vết của sự lão hóa. Những dấu vết đó có thể là biểu hiện của sự chín chắn, thành thục và vẻ đẹp trong tâm hồn. Kinh Thánh nói: “Tóc bạc là mão triều-thiên vinh-hiển, miễn là thấy ở trong đường công-bình” (Châm 16:31). Ðức Giê-hô-va xem con người bên trong quan trọng hơn vẻ bề ngoài, và chúng ta cũng nên nhìn bản thân theo cách đó. (Ðọc 1 Phi-e-rơ 3:3, 4). Vì thế, có khôn ngoan không khi liều lĩnh dùng các phương pháp điều trị và phẫu thuật thẩm mỹ có thể gây nguy hiểm chỉ với mục đích là làm mình hấp dẫn hơn? “Sự vui-vẻ của Ðức Giê-hô-va” tạo nên vẻ đẹp thật sự, tỏa ra từ bên trong, bất kể tuổi tác hay sức khỏe (Nê 8:10). Chỉ trong thế giới mới, chúng ta mới khỏe mạnh và trẻ đẹp một cách hoàn hảo (Gióp 33:25; Ê-sai 33:24). Từ nay cho đến lúc đó, chúng ta cần có lựa chọn khôn ngoan và có đức tin nơi những lời hứa của Ðức Giê-hô-va. Ðiều này sẽ giúp chúng ta vui hưởng cuộc sống ngay bây giờ và không lo lắng thái quá về sức khỏe.—1 Ti 4:8.

TIỀN BẠC

11. Tiền bạc có thể là một cạm bẫy như thế nào?

11 Bản thân tiền bạc không phải là xấu, việc làm ăn trung thực cũng không có gì sai (Truyền 7:12; Lu 19:12, 13). Tuy nhiên, ấp ủ “lòng ham tiền” chắc chắn sẽ khiến chúng ta xa cách Ðức Giê-hô-va (1 Ti 6:9, 10). “Những mối lo lắng trong đời này”, tức quá lo về việc đáp ứng nhu cầu trong đời sống, có thể làm chúng ta bị bóp nghẹt về thiêng liêng. Vì “sự cám dỗ của giàu sang”, một người có thể mù quáng tin rằng tiền bạc mang lại sự che chở và hạnh phúc lâu dài (Mat 13:22). Chúa Giê-su nói rằng “không ai” có thể vừa làm tôi Ðức Chúa Trời vừa làm tôi tiền của.—Mat 6:24.

12. Một số cách kiếm tiền nhanh chóng đang phổ biến ngày nay là gì, và làm sao chúng ta có thể tránh mắc phải?

12 Quan điểm sai về tiền bạc có thể dẫn đến việc “phạm tội” (Châm 28:20, Trịnh Văn Căn). Những lời mời gọi kiếm tiền nhanh chóng và dễ dàng đã cám dỗ người ta chơi xổ số hoặc tham gia mô hình bán hàng đa cấp. Một số anh chị theo đuổi mô hình kinh doanh như thế còn lôi kéo anh chị khác trong hội thánh tham gia. Có những anh chị đã bị lừa bởi lời mời chào cho vay với lãi suất cao. Ðừng để lòng tham khiến bạn bị lừa gạt! Hãy thận trọng, vì những phương cách kiếm tiền dễ dàng thường có sự mờ ám.

13. Quan điểm của Ðức Giê-hô-va về tiền bạc khác với quan điểm của thế gian như thế nào?

 13 Nếu chúng ta đặt “Nước Ðức Chúa Trời và sự công chính của ngài” lên hàng đầu, Ðức Giê-hô-va sẽ ban phước cho những nỗ lực của chúng ta hầu đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống (Mat 6:33; Ê-phê 4:28). Ngài không muốn chúng ta ngủ gật trong buổi nhóm do làm việc quá sức, hoặc lo lắng về tiền bạc khi ngồi trong Phòng Nước Trời. Nhiều người thế gian tin rằng chỉ khi dồn hết sức kiếm tiền, họ mới có tương lai chắc chắn và thoải mái. Họ thường thúc ép con cái theo đuổi mục tiêu vật chất như họ. Chúa Giê-su cho thấy suy nghĩ như thế là không hợp lý. (Ðọc Lu-ca 12:15-21). Ðiều này nhắc chúng ta nhớ đến Ghê-ha-xi, người đã nghĩ rằng mình có thể thỏa mãn lòng tham mà vẫn giữ được vị thế tốt trước mắt Ðức Giê-hô-va.—2 Vua 5:20-27.

14, 15. Tại sao đặt tin cậy nơi tiền bạc là điều thiếu khôn ngoan? Hãy cho ví dụ.

14 Một số chim đại bàng đã bị chết chìm vì không buông con mồi nặng quá sức của nó. Ðiều tương tự có thể xảy ra với một tín đồ không? Hãy xem trường hợp của một trưởng lão tên là Alex. Anh nói: “Tôi thường rất tằn tiện. Khi đổ hơi nhiều dầu gội ra, tôi đổ lại một ít vào chai”. Nhưng rồi anh Alex theo đuổi việc kinh doanh cổ phiếu, với hy vọng có thể nghỉ việc và làm tiên phong. Anh mải mê trong việc nghiên cứu thị trường và những cơ hội đầu tư. Anh dồn tất cả tiền tiết kiệm và vay mượn để mua những cổ phiếu mà các nhà phân tích chứng khoán dự đoán là sẽ nhanh chóng sinh lời. Nhưng giá cổ phiếu bất ngờ tụt xuống. Anh kể: “Tôi quyết tâm lấy lại số tiền đã đầu tư. Tôi nghĩ rằng nếu mình cứ giữ thì cổ phiếu sẽ tăng trở lại”.

15 Trong nhiều tháng, anh Alex không còn đầu óc nghĩ đến chuyện khác. Anh khó tập trung vào việc thiêng liêng và mất ăn mất ngủ. Nhưng giá cổ phiếu không bao giờ lên trở lại. Rốt cuộc anh Alex bị mất trắng và phải bán nhà. Anh thừa nhận: “Tôi đã gây đau khổ cho gia đình”. Anh học được một bài học xương máu: “Bây giờ, tôi hiểu rằng bất cứ ai đặt tin cậy nơi hệ thống của Sa-tan đều bị thất vọng cay đắng” (Châm 11:28). Thật vậy, đặt hy vọng nơi những khoản tiết kiệm, vốn đầu tư hoặc khả năng kiếm tiền trong thế gian này đồng nghĩa với việc đặt hy vọng nơi “chúa đời này” là Sa-tan (2 Cô 4:4; 1 Ti 6:17). Sau lần đó, anh Alex đã đơn giản hóa đời sống để dành nhiều thời gian hơn cho công việc rao giảng tin mừng. Nhờ vậy, anh và gia đình hạnh phúc cũng như đến gần Ðức Giê-hô-va hơn.—Ðọc Mác 10:29, 30.

LÒNG TỰ HÀO

16. Tự hào về điều gì là tốt? Nhưng đánh giá mình quá cao có thể dẫn đến điều gì?

16 Tự hào về điều đúng là tốt. Chẳng hạn, chúng ta nên tự hào mình là Nhân Chứng Giê-hô-va (Giê 9:24). Lòng tự hào như thế giúp chúng ta luôn cố gắng đưa ra những quyết định khôn ngoan và giữ tiêu chuẩn cao của Ðức Chúa Trời. Nhưng đánh giá mình quá cao có thể làm chúng ta xa cách Ðức Giê-hô-va.—Thi 138:6; Rô 12:3.

Thay vì mong chờ một chức vụ trong hội thánh, hãy vui thích với công việc rao giảng!

17, 18. (a) Hãy kể một số người khiêm nhường cũng như kiêu ngạo được đề cập trong Kinh Thánh. (b) Một anh đã không để lòng kiêu ngạo khiến mình xa cách Ðức Giê-hô-va như thế nào?

17 Kinh Thánh ghi lại cả gương cảnh báo về lòng kiêu ngạo và gương tốt về sự khiêm nhường. Vua Ða-vít khiêm nhường xin Ðức Giê-hô-va hướng dẫn và ngài đã ban phước cho ông (Thi 131:1-3). Nhưng Ðức Giê-hô-va đã hạ bệ hai vua kiêu ngạo là Nê-bu-cát-nết-sa và Bên-xát-sa (Ða 4:30-37; 5:22-30). Ðôi khi, lòng khiêm nhường của chúng ta bị thử thách. Anh Ryan 32 tuổi, một phụ tá hội thánh, chuyển đến hội thánh mới. Anh  kể: “Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ sớm được đề cử làm trưởng lão, nhưng một năm trôi qua mà vẫn chưa thấy gì”. Vậy, anh có cay đắng và giận các trưởng lão vì không đề cử mình? Anh có ngưng đi nhóm, để lòng kiêu ngạo khiến mình xa cách Ðức Giê-hô-va và dân ngài? Nếu ở trong hoàn cảnh ấy, bạn sẽ làm gì?

18 Anh Ryan kể: “Tôi đã đọc các bài trong ấn phẩm liên quan đến sự ‘trông-cậy trì-hoãn’” (Châm 13:12). Ðiều này giúp anh thế nào? Anh cho biết: “Tôi nhận ra rằng mình cần học tính kiên nhẫn và khiêm nhường. Tôi cần để Ðức Giê-hô-va huấn luyện mình”. Thay vì cứ nghĩ đến bản thân, anh Ryan bắt đầu tập trung vào việc phục vụ người khác, trong hội thánh cũng như ngoài cánh đồng. Chẳng bao lâu, anh có một số học hỏi Kinh Thánh tiến bộ. Anh nói: “Khi được bổ nhiệm làm trưởng lão một năm rưỡi sau đó, tôi rất bất ngờ. Lúc ấy, tôi không còn nghĩ về chức vụ đó nữa vì tôi đang vui thích trong công việc rao giảng”.—Ðọc Thi-thiên 37:3, 4.

HÃY GẮN BÓ VỚI ÐỨC GIÊ-HÔ-VA

19, 20. (a) Làm thế nào chúng ta đảm bảo rằng những mục tiêu thường ngày không làm mình xa cách Ðức Giê-hô-va? (b) Về việc gắn bó với Ðức Giê-hô-va, chúng ta có thể noi theo những gương nào?

19 Bảy khía cạnh chúng ta đã thảo luận trong bài này và bài trước không phải là những điều sai. Chúng ta tự hào được làm tôi tớ của Ðức Giê-hô-va. Gia đình hạnh phúc và sức khỏe tốt là những món quà ngài ban. Công việc ngoài đời và tiền bạc có thể giúp chúng ta đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống. Việc giải trí mang lại sự tươi tỉnh, và thiết bị điện tử có thể là công cụ hữu ích. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng theo đuổi những điều ấy vào sai thời điểm, sai cách hoặc sai thời lượng có thể khiến chúng ta xa cách Ðức Giê-hô-va.

Ðừng để bất cứ điều gì làm bạn xa cách Ðức Giê-hô-va!

20 Dĩ nhiên, Sa-tan muốn chúng ta xa cách Ðức Giê-hô-va. Nhưng bạn có thể ngăn cản điều đó xảy ra với mình và gia đình! (Châm 22:3). Hãy đến gần Ðức Giê-hô-va và luôn gắn bó với ngài. Về điều này, Kinh Thánh ghi lại nhiều gương để hướng dẫn chúng ta. Hê-nóc và Nô-ê “đồng đi cùng Ðức Chúa Trời” (Sáng 5:22; 6:9). Môi-se “luôn vững vàng như thể nhìn thấy đấng vô hình” (Hê 11:27). Chúa Giê-su luôn được Ðức Chúa Trời hỗ trợ vì ngài luôn làm điều đẹp lòng Cha trên trời (Giăng 8:29). Hãy noi theo những gương đó. “Hãy luôn vui mừng. Không ngừng cầu nguyện. Hãy cảm tạ về mọi điều” (1 Tê 5:16-18). Ðừng để bất cứ điều gì làm bạn xa cách Ðức Giê-hô-va!

^ đ. 4 Các tên đã được thay đổi.

^ đ. 6 Xin xem Tỉnh Thức! tháng 10-12 năm 2011 có tựa đề “Dạy con thành người có trách nhiệm”.

^ đ. 7 Xin xem Tỉnh Thức! tháng 4-6 năm 2011 có tựa đề “Năm bí quyết để cải thiện sức khỏe”.