Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có quý trọng di sản thiêng liêng?

Bạn có quý trọng di sản thiêng liêng?

‘Ðức Chúa Trời đoái đến dân ngoại để lấy ra một dân mang danh ngài’.—CÔNG 15:14.

1, 2. (a) ‘Nhà của Ða-vít’ là gì, và nó được tái lập thế nào? (b) Ngày nay, những ai phụng sự Ðức Giê-hô-va với tư cách là tôi tớ của ngài?

Tại buổi họp lịch sử của hội đồng lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem vào năm 49 CN, môn đồ Gia-cơ nói: “Si-mê-ôn [Phi-e-rơ] kể rõ lần đầu tiên Ðức Chúa Trời đoái đến dân ngoại như thế nào để lấy ra một dân mang danh ngài. Ðiều này phù hợp với lời các nhà tiên tri đã viết: ‘Sau những việc ấy, ta sẽ trở lại và tái dựng nhà đã sập của Ða-vít; ta sẽ xây lại những gì đổ nát và sẽ dựng lại nó, để những người còn lại và người thuộc mọi dân, là những người mang danh ta, sốt sắng tìm kiếm ta, là Ðức Giê-hô-va. Ðó là lời phán của Ðức Giê-hô-va, đấng thực hiện những việc ấy, là những việc ngài đã biết từ đời xưa’”.—Công 15:13-18.

2 ‘Nhà của Ða-vít’, nghĩa là vương triều của dòng tộc Ða-vít, sập khi vua Sê-đê-kia bị truất ngôi (A-mốt 9:11). Tuy nhiên, “nhà” đó được tái lập khi Chúa Giê-su, hậu duệ của Ða-vít, lên ngôi vua (Ê-xê 21:32; Công 2:29-36). Trong buổi họp trên, Gia-cơ cho thấy lời tiên tri này cũng báo trước là cả dân Do Thái lẫn dân ngoại sẽ được thâu nhóm để cùng Chúa Giê-su cai trị trên trời. Ngày nay, các tín đồ được xức dầu còn lại và hàng triệu “chiên khác” vai sánh vai rao truyền sự thật Kinh Thánh với tư cách là tôi tớ của Ðức Giê-hô-va.—Giăng 10:16.

DÂN CỦA ÐỨC GIÊ-HÔ-VA GẶP THỬ THÁCH

3, 4. Ðiều gì đã giúp dân Ðức Chúa Trời sống sót về thiêng liêng khi ở Ba-by-lôn?

3 Rõ ràng, ‘nhà của Ða-vít’ đã sập khi dân Do Thái bị bắt đi lưu đày ở Ba-by-lôn. Sự thờ phượng sai lầm lan tràn khắp Ba-by-lôn, vậy điều gì đã giúp dân của Ðức Chúa Trời sống sót về thiêng liêng trong suốt 70 năm lưu đày? Ðó là nhờ một di sản thiêng liêng quý giá. Di sản này cũng có thể giúp dân Ðức Chúa  Trời ngày nay sống sót về thiêng liêng trong thế gian của Sa-tan.—1 Giăng 5:19.

4 Một phần di sản thiêng liêng của chúng ta là Lời Ðức Chúa Trời. Người Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn không có trọn bộ Kinh Thánh, nhưng họ có sự hiểu biết về Luật pháp Môi-se, trong đó có Mười Ðiều Răn. Họ biết các “bài ca của Si-ôn”, nhớ nhiều câu châm ngôn và biết về những gương trung thành của tôi tớ Ðức Giê-hô-va thời xưa. Dân Do Thái đã khóc khi nhớ về Si-ôn và họ không quên Ðức Giê-hô-va. (Ðọc Thi-thiên 137:1-6). Những điều này đã giúp họ đứng vững về thiêng liêng dù xung quanh đầy dẫy giáo lý và thực hành sai lầm.

Ý NIỆM CHÚA BA NGÔI KHÔNG PHẢI LÀ MỚI LẠ

5. Người Ba-by-lôn và Ai Cập cổ xưa tin vào những thần bộ ba nào?

5 Ðặc điểm của tôn giáo Ba-by-lôn xưa là thờ các thần bộ ba. Một thần bộ ba của họ gồm Sin (thần mặt trăng), Shamash (thần mặt trời) và Ishtar (nữ thần sinh sản và chiến trận). Vào thời Ai Cập cổ xưa, người ta thường quan niệm rằng một vị thần cưới một nữ thần, rồi sinh một con trai. Gia đình họ ‘tạo thành thần bộ ba, trong đó người cha không luôn đứng đầu. Có khi ông phải bằng lòng với cương vị phò mã, còn vai trò chính thuộc về nữ thần’ (New Larousse Encyclopedia of Mythology). Một thần bộ ba của người Ai Cập gồm thần Osiris, nữ thần Isis và con trai họ là Horus.

6. Chúa Ba Ngôi là gì, và chúng ta được che chở khỏi niềm tin sai lầm này như thế nào?

6 Những tôn giáo tự nhận theo Chúa Giê-su cũng tin vào một thần bộ ba là Chúa Ba Ngôi. Hàng giáo phẩm dạy rằng Cha, Con và thần khí tạo thành một Ðức Chúa Trời. Nhưng đây là sự công kích quyền tối thượng của Ðức Giê-hô-va. Ý niệm ấy khiến người ta nghĩ rằng Ðức Giê-hô-va không phải là đấng có nhiều quyền lực nhất vì ngài chỉ là một trong ba ngôi. Tuy nhiên, dân của Ðức Giê-hô-va được che chở khỏi niềm tin sai lầm ấy vì họ biết “Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai” (Phục 6:4). Chúa Giê-su đã trích dẫn câu này và các môn đồ chân chính tin vào điều ngài nói.—Mác 12:29.

7. Ðể làm báp-têm trở thành môn đồ chân chính của Chúa Giê-su, một người phải công nhận điều gì?

7 Giáo lý Chúa Ba Ngôi đi ngược lại sứ mệnh mà Chúa Giê-su giao cho môn đồ là ‘dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ ngài, làm báp-têm cho họ nhân danh Cha, Con và thần khí’ (Mat 28:19). Ðể làm báp-têm trở thành môn đồ Chúa Giê-su và là Nhân Chứng Giê-hô-va, một người phải công nhận quyền tối thượng của Cha là Ðức Giê-hô-va, và vị thế cũng như uy quyền của Con là Chúa Giê-su. Ứng viên báp-têm cũng phải tin rằng thần khí, tức lực hoạt động của Ðức Chúa Trời, không phải là một phần của Chúa Ba Ngôi (Sáng 1:2). Chúng ta thật biết ơn vì nhờ di sản thiêng liêng, chúng ta được che chở khỏi sự dạy dỗ bôi nhọ Ðức Chúa Trời!

TÀ THUẬT LAN TRÀN!

8. Người Ba-by-lôn xem các vị thần và ác thần như thế nào?

8 Người Ba-by-lôn không chỉ tin vào các vị thần mà còn tin vào những ác thần và tà thuật. Bách khoa từ điển Kinh Thánh tiêu chuẩn quốc tế (The International Standard Bible Encyclopaedia) cho biết rằng ‘sau các vị thần, các ác thần là mối quan tâm kế tiếp của tôn giáo Ba-by-lôn. Người ta cho rằng chúng gây nhiều loại bệnh về thể xác và tâm trí, khiến con người khổ sở. Người Ba-by-lôn tốn nhiều công sức vào việc chống lại  ác thần, và khắp nơi, người ta cầu xin các vị thần giúp đỡ và bảo vệ’.

9. (a) Sau thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lôn, làm thế nào nhiều người Do Thái bị tiêm nhiễm những quan niệm sai lầm? (b) Ðiều gì bảo vệ chúng ta khỏi mối nguy hiểm của tà thuật?

9 Sau thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lôn, nhiều người Do Thái bị tiêm nhiễm những quan niệm trái với Kinh Thánh. Khi triết lý Hy Lạp xâm nhập, nhiều người Do Thái bắt đầu tin rằng ác thần có thể tốt hay xấu. Tuy nhiên, chúng ta biết Ðức Chúa Trời lên án các thực hành tà thuật của Ba-by-lôn. Di sản thiêng liêng này bảo vệ chúng ta khỏi mối nguy hiểm của việc dính líu đến ác thần (Ê-sai 47:1, 12-15). Chúng ta được che chở khi có cùng quan điểm với Ðức Chúa Trời về tà thuật.—Ðọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12; Khải huyền 21:8.

10. Chúng ta có thể nói gì về niềm tin và thực hành của Ba-by-lôn Lớn?

10 Không chỉ người Ba-by-lôn xưa mà những người ủng hộ Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giáo sai lầm, cũng thực hành tà thuật (Khải 18:21-24). Từ điển thông giải Kinh Thánh (Interpreter’s Dictionary of the Bible) cho biết: ‘Ba-by-lôn [Lớn] không chỉ nói đến một đế quốc hay một nền văn hóa. Nó được nhận diện bởi sự sùng bái hình tượng, chứ không phải vị trí địa lý hay thời đại’ (tập 1, trang 338). Ba-by-lôn Lớn đầy dẫy thực hành tà thuật, thờ hình tượng và các tội lỗi khác, nên chẳng bao lâu nữa nó sẽ bị hủy diệt.—Ðọc Khải huyền 18:1-5.

11. Tổ chức đưa ra những lời cảnh báo nào về tà thuật trong các ấn phẩm?

11 Ðức Giê-hô-va tuyên bố: “Ta chẳng khứng chịu tội-ác [“quyền phép huyền bí, NW]” (Ê-sai 1:13). Vào thế kỷ 19, nhiều người thực hành tà thuật, vì thế Tháp Canh Si-ôn (Zion’s Watch Tower) tháng 5 năm 1885 viết: “Niềm tin người chết vẫn tồn tại ở một cõi vô hình nào đó không phải là mới lạ. Nó là một phần của tôn giáo cổ xưa và là gốc rễ của mọi câu chuyện thần thoại”. Bài nói thêm, ý tưởng người chết có thể liên lạc với người sống ‘đã khiến trò giả dạng người chết của các ác thần trở nên hiệu lực hơn. Lợi dụng chiêu bài che giấu danh tánh ấy, chúng giữ tầm kiểm soát trên tâm trí cũng như đời sống nhiều người’. Tổ chức cũng đưa ra những lời cảnh báo tương tự trong một sách mỏng xuất bản không lâu sau đó (What Say the Scriptures About Spiritism?) và trong nhiều ấn phẩm gần đây.

NGƯỜI CHẾT CÓ BỊ ÐÀY ÐỌA DƯỚI ÐỊA NGỤC?

12. Dưới sự hướng dẫn của Ðức Chúa Trời, Sa-lô-môn nói gì về tình trạng người chết?

12 “Hết thảy những người đã nhận biết sự thật” đều có thể trả lời câu hỏi trên (2 Giăng 1). Chắc chắn, chúng ta đồng ý với những lời của Sa-lô-môn: “Con chó sống hơn là sư-tử chết. Kẻ sống biết mình sẽ chết; nhưng kẻ chết chẳng biết chi hết... Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm-phủ [mồ mả chung của nhân loại], là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu-kế cũng chẳng có tri thức hay là sự khôn-ngoan”.—Truyền 9:4, 5, 10.

13. Tôn giáo và văn hóa của Hy Lạp cổ đại đã ảnh hưởng thế nào đến người Do Thái?

13 Người Do Thái đã biết sự thật về người chết. Tuy nhiên, khi nắm quyền kiểm soát Giu-đa và Sy-ri, các nhà cai trị Hy Lạp cố dùng văn hóa và tôn giáo của Hy Lạp cổ đại để đồng hóa dân hai nước. Vì thế, người Do Thái bắt đầu tin có linh hồn bất tử và một địa ngục thống khổ. Người Hy Lạp không phải là những người đầu tiên tin về một cõi âm đầy những linh hồn đau đớn. Trước đó, người Ba-by-lôn đã từng có ý tưởng  về ‘một cõi âm, là nơi đầy cảnh rùng rợn, do các vị thần và quỷ sứ mạnh mẽ và hung ác kiểm soát’ (The Religion of Babylonia and Assyria). Rõ ràng, người Ba-by-lôn đã tin vào linh hồn bất tử.

14. Gióp và Áp-ra-ham đã biết gì về sự chết và sự sống lại?

14 Dù người công chính Gióp không có Kinh Thánh nhưng ông biết sự thật về người chết. Ông cũng biết Ðức Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời yêu thương, và khi ông chết, ngài mong chờ làm cho ông sống lại (Gióp 14:13-15). Áp-ra-ham cũng tin vào sự sống lại. (Ðọc Hê-bơ-rơ 11:17-19). Rõ ràng, những người tin kính này không tin vào linh hồn bất tử. Nếu người ta không thực sự chết thì không cần sự sống lại. Chắc chắn, thần khí của Ðức Chúa Trời đã giúp ông Gióp và Áp-ra-ham hiểu về tình trạng người chết cũng như đặt đức tin nơi sự sống lại. Những sự thật này cũng là một phần di sản của chúng ta.

CHÚNG TA CẦN ÐƯỢC ‘GIẢI THOÁT QUA GIÁ CHUỘC’

15, 16. Nhờ điều gì chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết?

15 Chúng ta biết ơn Ðức Chúa Trời vì ngài cũng tiết lộ sự thật về cách ngài giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết do A-đam truyền lại (Rô 5:12). Chúng ta biết Chúa Giê-su “đến không phải để được người khác phục vụ, mà để phục vụ người khác và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mác 10:45). Thật vui mừng xiết bao khi biết chúng ta được ‘giải thoát khỏi tội lỗi qua giá chuộc của Ðấng Ki-tô Giê-su’!—Rô 3:22-24.

16 Vào thế kỷ thứ nhất, người Do Thái và dân ngoại phải ăn năn và thể hiện đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su thì mới được tha tội. Ngày nay cũng thế (Giăng 3:16, 36). Ai không từ bỏ những giáo lý sai lầm, như Chúa Ba Ngôi và linh hồn bất tử, thì không thể nhận được lợi ích từ giá chuộc. Nhưng chúng ta thì có thể. Chúng ta biết sự thật về  “Con yêu dấu [của Ðức Chúa Trời], nhờ Con ấy mà chúng ta được giải thoát bởi giá chuộc, tức được tha thứ tội lỗi”.—Cô 1:13, 14.

HỠI DÂN MANG DANH ÐỨC GIÊ-HÔ-VA, HÃY TIẾN LÊN!

17, 18. Chúng ta có thể tìm nơi đâu thông tin hữu ích về lịch sử của Nhân Chứng Giê-hô-va? Những bài học rút ra từ lịch sử sẽ giúp chúng ta như thế nào?

17 Di sản thiêng liêng của chúng ta cũng bao hàm những sự dạy dỗ khác đến từ Ðức Chúa Trời, những kinh nghiệm tích lũy trong cuộc đời phụng sự, cũng như các ân phước về thiêng liêng và vật chất mà ngài ban cho chúng ta. Các sách Niên giám (Yearbook) chứa đựng những lời tường thuật hào hứng về hoạt động của dân Ðức Chúa Trời trên toàn cầu. Lịch sử của Nhân Chứng Giê-hô-va được tái hiện trong DVD có tựa đề “Ðức tin qua hành động” (Faith in Action), phần 1 và 2 cũng như các ấn phẩm, chẳng hạn sách Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời (Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom). Ngoài ra, các tạp chí của chúng ta thường đăng những kinh nghiệm thú vị về các anh chị đồng đạo yêu dấu.

18 Chúng ta được lợi ích khi xem xét lịch sử của tổ chức Ðức Giê-hô-va, như dân Y-sơ-ra-ên đã được lợi ích khi suy ngẫm về cách Ðức Chúa Trời giải cứu họ khỏi ách nô lệ ở Ai Cập (Xuất 12:26, 27). Là người từng chứng kiến những hành động kỳ diệu của Ðức Chúa Trời, khi về già, Môi-se khuyến giục dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy nhớ lại những ngày xưa; suy-xét những năm của các đời trước; hãy hạch-hỏi cha ngươi, người sẽ dạy cho, cùng các trưởng-lão, họ sẽ nói cho” (Phục 32:7). Là ‘dân-sự của Ðức Giê-hô-va, và là bầy chiên của đồng cỏ ngài’, tất cả chúng ta sốt sắng ngợi khen ngài và nói cho người khác biết về những công việc phi thường của ngài (Thi 79:13). Những bài học rút ra từ lịch sử của tổ chức Ðức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta tiếp tục sốt sắng phụng sự ngài.

19. Ðược ban ánh sáng thiêng liêng, chúng ta nên làm gì?

19 Trong một thế gian tối tăm, chúng ta biết ơn vì Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta ánh sáng thiêng liêng (Châm 4:18, 19). Vậy, chúng ta hãy chăm chỉ học Lời ngài và sốt sắng chia sẻ sự thật với người khác. Chúng ta muốn có tinh thần như người viết Thi-thiên đã ngợi khen Ðức Giê-hô-va. Ông nói: “Tôi sẽ đến thuật công-việc quyền-năng của Chúa Giê-hô-va; tôi sẽ nói về sự công-bình của Chúa, chỉ nói đến sự công-bình của Chúa mà thôi. Hỡi Ðức Chúa Trời, Chúa đã dạy tôi từ buổi thơ-ấu; cho đến bây giờ tôi đã rao-truyền các công-việc lạ-lùng của Chúa. Hỡi Ðức Chúa Trời, dầu khi tôi đã già và tóc bạc rồi, xin chớ bỏ tôi, cho đến chừng tôi đã truyền ra cho dòng-dõi sau sức-lực của Chúa, và quyền-thế Chúa cho mỗi người sẽ đến”.—Thi 71:16-18.

20. Những vấn đề nào đang tồn tại, và bạn cảm thấy thế nào về những vấn đề này?

20 Là dân đã dâng mình cho Ðức Giê-hô-va, chúng ta hiểu rõ vấn đề liên quan đến quyền tối thượng của ngài và lòng trung kiên của con người. Chúng ta công bố một sự thật hiển nhiên rằng Ðức Giê-hô-va là Ðấng Cai Trị Hoàn Vũ, xứng đáng để chúng ta thờ phượng hết lòng (Khải 4:11). Ngài cũng ban thần khí để giúp chúng ta loan báo tin mừng cho người nhu mì, băng bó những tấm lòng tan vỡ và an ủi người buồn rầu (Ê-sai 61:1, 2). Mọi nỗ lực của Sa-tan nhằm kiểm soát dân Ðức Chúa Trời và toàn thể nhân loại sẽ trở nên vô ích. Hãy quý trọng di sản thiêng liêng, đồng thời quyết tâm giữ lòng trung kiên và ngợi khen Chúa Tối Thượng Giê-hô-va từ nay cho đến mãi mãi.—Ðọc Thi-thiên 26:11; 86:12.