KINH NGHIỆM

“Tôi thấy nhưng không hiểu”

“Tôi thấy nhưng không hiểu”

Năm 1975, khi tôi được hai tuổi, lần đầu tiên mẹ nghi ngờ là tôi có điều gì bất ổn. Khi mẹ đang bế tôi, một người bạn làm rơi vật nặng trên sàn nhà, gây ra một tiếng động lớn. Mẹ thấy tôi không giật mình chút nào. Khi lên ba, tôi vẫn không nói chuyện được. Rồi gia đình nhận một tin rất sốc, các bác sĩ cho biết tôi hoàn toàn bị điếc!

Cha mẹ tôi ly dị khi tôi còn bé. Mẹ phải đơn thân nuôi dưỡng bốn đứa con, ba trai một gái. Thời đó, trẻ em khiếm thính ở Pháp không được học hành như bây giờ, và người ta sử dụng các phương pháp đôi khi gây nhiều khổ sở. Tuy nhiên, từ nhỏ tôi đã có một lợi thế mà nhiều người khiếm thính không có. Hãy để tôi giải thích.

Khi tôi khoảng năm tuổi

Trong một thời gian, nhiều nhà sư phạm nghĩ rằng trẻ em khiếm thính nên được dạy bằng liệu pháp ngôn ngữ và xem môi của giáo viên để hiểu. Thật vậy, tại Pháp, nơi tôi lớn lên, việc ra dấu tuyệt đối bị cấm ở trường. Một số em khiếm thính thậm chí còn bị trói tay sau lưng trong buổi học.

Trong vài năm đầu đời, mỗi tuần tôi đã đi học với chuyên viên điều trị người bị khuyết tật về nói năng. Tôi bị bóp hàm hoặc đầu và buộc phải phát âm đi phát âm lại những âm mà tôi không thể nghe. Tôi không được giao tiếp với các bạn khác. Ðây là những năm tháng khổ sở đối với tôi.

Ðến năm lên sáu, tôi được học ở trường nội trú dành cho trẻ em khiếm thính, đó là lần đầu tiên tôi giao tiếp với các bạn khiếm thính khác. Ở đây, ngôn ngữ ký hiệu cũng bị cấm đoán. Nếu ra dấu trong lớp, chúng tôi bị quấn các ngón tay lại hoặc bị giựt tóc. Tuy nhiên, chúng tôi lén ra dấu, dùng ký hiệu tự chế. Cuối cùng, tôi có thể giao tiếp với các bạn khác. Ðây là sự khởi đầu của bốn năm hạnh phúc.

Khi lên mười tuổi, tôi chuyển qua trường tiểu học, học chung với các bạn không khiếm thính. Tôi thất vọng não nề! Tôi cảm thấy như tất cả các bạn khiếm thính khác đều đã chết và tôi là người duy nhất còn sót lại trên đời này. Vì e ngại tôi sẽ không còn nhận lợi ích của liệu pháp ngôn ngữ, các bác sĩ khuyên gia đình tôi không học cách ra dấu và tôi cũng không được phép giao tiếp với những bạn khiếm thính. Tôi vẫn nhớ một lần đến bác sĩ chuyên môn về tai. Ông ấy có một cuốn sách ngôn ngữ ký hiệu ở trên bàn. Khi thấy các hình ngoài bìa, tôi chỉ vào và cho biết: “Tôi muốn sách này!”, nhưng bác sĩ liền giấu nó. *

TÔI BẮT ÐẦU TÌM HIỂU KINH THÁNH

Mẹ cố gắng nuôi dưỡng anh em chúng tôi theo các nguyên tắc Kinh Thánh. Mẹ dẫn chúng tôi đến dự các buổi họp ở hội thánh Mérignac của Nhân Chứng Giê-hô-va, gần Bordeaux. Khi còn nhỏ, tôi hiểu rất ít tại các buổi họp. Tuy nhiên, các thành viên trong hội thánh đã thay phiên ngồi cạnh tôi để ghi chú những điều được trình bày tại đấy. Tôi cảm động trước tình yêu thương và lòng quan tâm của họ. Ở nhà, mẹ dạy Kinh Thánh cho tôi, nhưng không bao giờ tôi hiểu rõ những gì mình học. Tôi cảm thấy mình hơi giống nhà tiên tri Ða-ni-ên, người mà sau khi nhận lời tiên tri từ thiên sứ, đã nói: ‘Ta nghe nhưng không hiểu’ (Ða-ni-ên 12:8). Còn tôi thì “tôi thấy nhưng không hiểu”.

Dù vậy, dần dần tôi học được các dạy dỗ cơ bản trong Kinh Thánh. Tôi quý trọng những điều mình hiểu rõ và cố gắng áp dụng trong đời sống. Tôi cũng học hỏi qua việc quan sát cách cư xử của người khác. Chẳng hạn, Kinh Thánh khuyên chúng ta nên kiên nhẫn (Gia-cơ 5:7, 8). Tôi không hiểu rõ tính kiên nhẫn là gì. Nhưng khi quan sát anh em đồng đạo, tôi có thể hiểu được đức tính này. Thật vậy, hội thánh đã mang lại cho tôi nhiều lợi ích.

THẤT VỌNG Ê CHỀ RỒI ÐẾN SỰ BẤT NGỜ

Anh Stéphane giúp tôi hiểu Kinh Thánh

Ở tuổi thanh thiếu niên, một ngày nọ tôi thấy vài bạn trẻ trên đường phố nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Tôi lén lút kết hợp với họ và bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu Pháp. Tôi tiếp tục tham dự các buổi họp tại hội thánh, nơi đây có một anh Nhân Chứng tên Stéphane rất quan tâm đến tôi. Anh nỗ lực nhiều để tiếp xúc với tôi và tôi cảm thấy rất gắn bó với anh. Tuy nhiên, nỗi thất vọng ê chề sắp xảy ra. Anh Stéphane bị tù vì từ chối tham gia nghĩa vụ quân sự. Tôi suy sụp tinh thần! Trong thời gian anh Stéphane ngồi tù, tôi nản chí vô cùng, hầu như không đi hội thánh nữa.

Mười một tháng sau, anh Stéphane được ra tù và về nhà. Hãy hình dung nỗi kinh ngạc của tôi khi anh ấy bắt đầu nói chuyện với tôi bằng ngôn ngữ ký hiệu. Thật không thể tin vào mắt mình! Chuyện gì đã xảy ra? Trong tù, anh Stéphane đã học ngôn ngữ ký hiệu Pháp. Khi quan sát các cử động tay và nét mặt anh, tôi càng phấn khích vì biết điều này sẽ giúp ích cho tôi thế nào.

CUỐI CÙNG TÔI HIỂU SỰ DẠY DỖ CỦA KINH THÁNH

Anh Stéphane bắt đầu giúp tôi tìm hiểu Kinh Thánh. Kể từ đó, tôi có thể liên kết những dạy dỗ mà mình đã học trước đây. Khi còn bé, tôi thích xem hình ảnh đẹp trong các ấn phẩm Kinh Thánh, so sánh các nhân vật và xem mọi chi tiết để ghi nhớ câu chuyện. Tôi biết về Áp-ra-ham, “dòng dõi” của ông và “đám đông”, nhưng chỉ khi được giải thích bằng ngôn ngữ ký hiệu thì tôi mới thật sự hiểu rõ ý nghĩa những điều này (Sáng-thế Ký 22:15-18; Khải huyền 7:9). Tôi đã thật sự tìm được ngôn ngữ của mình, ngôn ngữ động đến lòng tôi.

Giờ đây tôi có thể hiểu những gì được trình bày tại các buổi họp nên tôi rất xúc động và khao khát tìm hiểu nhiều hơn. Nhờ anh Stéphane hỗ trợ, sự hiểu biết về Kinh Thánh của tôi tiếp tục gia tăng. Năm 1992, tôi cống hiến đời mình cho Giê-hô-va Ðức Chúa Trời và làm báp-têm. Dù có sự tiến bộ, nhưng vì từ nhỏ không thể tiếp xúc với người khác nên tôi sống thu mình và dè dặt.

PHẤN ÐẤU VƯỢT QUA TÍNH NHÚT NHÁT

Với thời gian, nhóm nhỏ gồm các anh chị khiếm thính mà tôi tham gia đã nhập vào hội thánh ở Pessac, vùng ngoại ô của Bordeaux. Ðiều này thật hữu ích và tôi tiếp tục tiến bộ về tâm linh. Dù tôi vẫn bị giới hạn trong khả năng giao tiếp, các bạn không bị khiếm thính luôn giúp tôi hiểu mọi điều. Vợ chồng anh Gilles và chị Elodie đã nỗ lực nhiều để giao tiếp với tôi. Họ thường mời tôi dùng bữa hoặc uống cà phê sau các buổi nhóm họp, qua đó chúng tôi vun đắp một tình bạn tuyệt vời. Quả là điều vui mừng khi được ở giữa những người theo đường lối yêu thương của Ðức Chúa Trời!

Vợ tôi, Vanessa, thật sự hỗ trợ cho tôi

Tại hội thánh này, tôi đã gặp một chị dễ thương là Vanessa. Tôi bị thu hút bởi tính nhạy cảm và ý thức về sự công chính của chị. Chị không bao giờ xem khuyết tật của tôi là rào cản mà là cơ hội để chị cải thiện khả năng tiếp xúc với người khiếm thính. Chị đã chiếm được cảm tình của tôi và chúng tôi kết hôn vào năm 2005. Dù việc giao tiếp không là ưu điểm của tôi, nhưng Vanessa đã giúp tôi khắc phục tính nhút nhát và trở nên cởi mở hơn. Tôi thật sự cảm kích trước sự hỗ trợ của vợ trong khi tôi chăm lo các trách nhiệm của mình.

MÓN QUÀ KHÁC TỪ ÐỨC GIÊ-HÔ-VA

Năm chúng tôi kết hôn, chi nhánh Pháp của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Louviers mời tôi đến để được huấn luyện một tháng cho công việc dịch thuật. Những năm trước đó, chi nhánh đã cố gắng xuất bản nhiều ấn phẩm bằng ngôn ngữ ký hiệu Pháp dưới dạng DVD. Vì sẽ có nhiều việc hơn nên ban dịch cần thêm người.

Trình bày bài giảng dựa trên Kinh Thánh bằng ngôn ngữ ký hiệu Pháp

Vợ chồng tôi cảm thấy phụng sự tại chi nhánh là một đặc ân lớn cho tôi và là món quà đến từ Giê-hô-va Ðức Chúa Trời. Nhưng phải thừa nhận rằng chúng tôi vẫn còn e ngại. Nhóm ngôn ngữ ký hiệu của chúng tôi sẽ ra sao? Còn nhà cửa thì sao? Liệu Vanessa có tìm được việc làm trong vùng đó không? Ðức Giê-hô-va đã giải quyết mỗi vấn đề một cách tuyệt vời. Tôi thật sự cảm nhận được tình yêu thương của Ðức Giê-hô-va dành cho vợ chồng tôi cũng như cho những người khiếm thính.

ÐƯỢC HỖ TRỢ QUA MỘT DÂN TỘC HỢP NHẤT

Nhờ làm công việc dịch thuật, tôi càng thấy rõ có nhiều việc phải làm để giúp người khiếm thính biết về Ðức Chúa Trời. Tôi rất vui khi thấy nhiều anh chị làm chung cố gắng tiếp xúc với mình! Họ học được vài ký hiệu rồi cố giao tiếp với tôi, điều này khiến tôi xúc động. Tôi không cảm thấy đơn độc một chút nào. Tất cả những hành động đầy yêu thương này cho thấy sự hợp nhất nổi bật của dân Ðức Giê-hô-va.—Thi-thiên 133:1.

Làm việc trong Ban dịch thuật tại văn phòng chi nhánh

Tôi rất biết ơn Ðức Giê-hô-va, vì qua hội thánh, ngài luôn dùng một người nào đó để giúp tôi. Tôi cũng quý trọng việc được góp một phần nhỏ công sức hầu giúp những người khiếm thính học biết về Ðấng Tạo Hóa yêu thương và đến gần ngài. Tôi mong đợi đến ngày mọi rào cản về giao tiếp sẽ không còn và gia đình nhân loại hợp nhất đều nói “ngôn ngữ thanh sạch”, tức sự thật về Giê-hô-va Ðức Chúa Trời và ý định của ngài.—Sô-phô-ni 3:9, NW.

^ đ. 9 Cho đến năm 1991, chính phủ Pháp mới chính thức công nhận việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để dạy trẻ em khiếm thính.