Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một đời sống có ý nghĩa—Chúa Giê-su dẫn đường

Một đời sống có ý nghĩa—Chúa Giê-su dẫn đường

‘Tiếp tục bước đi như Chúa Giê-su’.—1 Giăng 2:6.

Như đã thảo luận trong bài trước, Chúa Giê-su đã có một đời sống đầy ý nghĩa. Nếu muốn có đời sống như thế, chúng ta nên noi gương và làm theo lời khuyên của ngài.

Thật ra, Đức Giê-hô-va khuyến khích chúng ta làm thế, như câu Kinh Thánh trên cho thấy. Để bước đi như Chúa Giê-su, chúng ta phải làm theo gương mẫu và sự dạy dỗ của ngài trong mọi khía cạnh của đời sống. Làm thế sẽ giúp chúng ta có đời sống đầy ý nghĩa và được Đức Chúa Trời chấp nhận.

Chúa Giê-su dạy những nguyên tắc giúp chúng ta bước đi như ngài. Một số nguyên tắc này có trong Bài giảng nổi tiếng trên núi của ngài. Chúng ta hãy xem xét vài nguyên tắc và cách áp dụng chúng vào đời sống.

NGUYÊN TẮC: “Hạnh phúc thay những ai nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 5:3.

LÀM THẾ NÀO NGUYÊN TẮC NÀY GIÚP ĐỜI SỐNG CHÚNG TA CÓ Ý NGHĨA?

Chúa Giê-su cho thấy con người có nhu cầu tâm linh, tức cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Chúng ta mong muốn tìm ra lời giải đáp cho các câu hỏi như: Tại sao chúng ta hiện hữu? Tại sao có quá nhiều đau khổ trên thế giới? Đức Chúa Trời có thật sự quan tâm đến chúng ta không? Có điều gì xảy ra sau khi chết? Chúng ta cần biết các lời giải đáp này để có một đời sống đầy ý nghĩa. Chúa Giê-su biết rằng nguồn đáng tin cậy duy nhất có thể giải đáp các câu hỏi này, đó là Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh. Khi cầu nguyện với Cha, Chúa Giê-su nói: “Lời Cha là sự thật” (Giăng 17:17). Lời Đức Chúa Trời có thật sự thỏa mãn nhu cầu tâm linh và giúp chúng ta được hạnh phúc không?

CHUYỆN CÓ THẬT:

Là ca sĩ chính trong nhóm nhạc nổi tiếng, anh Esa trên đường tiến thân trở thành ngôi sao nhạc rock. Dù vậy, anh vẫn cảm thấy thiếu điều gì đó trong đời sống. Anh cho biết: “Dù thích tham gia trong ban nhạc, nhưng tôi mong muốn đời sống mình có ý nghĩa hơn”. Với thời gian, anh Esa gặp một Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh Esa thừa nhận: “Tôi dồn dập đặt nhiều câu hỏi. Các câu trả lời hợp lý, dựa vào Kinh Thánh, đã làm tôi tò mò nên tôi đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh với anh Nhân Chứng này”. Những gì học được đã động đến lòng Esa và thôi thúc anh cống hiến đời mình cho Đức Giê-hô-va. Anh nói: “Ngày xưa, tôi gặp hết vấn đề này đến vấn đề khác. Giờ đây tôi sống cuộc đời có mục đích thật sự”. *

NGUYÊN TẮC: “Hạnh phúc thay những ai có lòng thương xót”.—Ma-thi-ơ 5:7.

LÀM THẾ NÀO NGUYÊN TẮC NÀY GIÚP ĐỜI SỐNG CHÚNG TA CÓ Ý NGHĨA?

Sự thương xót bao hàm việc thể hiện lòng trắc ẩn, tử tế và quan tâm đến người khác. Chúa Giê-su bày tỏ lòng thương xót đối với người gặp khó khăn. Được thôi thúc bởi lòng trắc ẩn sâu xa, ngài đã chủ động xoa dịu nỗi đau của người khác (Ma-thi-ơ 14:14; 20:30-34). Khi noi gương Chúa Giê-su trong việc thể hiện lòng thương xót, thì đời sống chúng ta càng thêm ý nghĩa vì ai có lòng thương xót sẽ được hạnh phúc (Công vụ 20:35). Chúng ta có thể thương xót người khác qua lời nói và hành động tử tế, mang đến sự yên ủi cho những người cần được giúp đỡ. Bày tỏ lòng thương xót có thật sự làm chúng ta hạnh phúc hơn không?

Chị Maria và anh Carlos

CHUYỆN CÓ THẬT:

Chị Maria và chồng tên Carlos là gương mẫu về lòng thương xót. Cha của chị Maria góa vợ và trong những năm gần đây, ông nằm liệt giường. Hai vợ chồng chị đã đưa cha về nhà và chăm sóc chu đáo. Nhiều đêm họ không ngủ, thậm chí có lúc phải đưa cha đi cấp cứu vì bệnh tiểu đường. Họ thừa nhận rằng đôi khi rất mệt mỏi. Tuy nhiên, như Chúa Giê-su nói, họ hạnh phúc vì cảm thấy thỏa nguyện sâu xa khi biết mình đang chăm sóc tận tình cho cha.

NGUYÊN TẮC: “Hạnh phúc thay những ai có tính hiếu hòa”.—Ma-thi-ơ 5:9.

LÀM THẾ NÀO NGUYÊN TẮC NÀY GIÚP ĐỜI SỐNG CHÚNG TA CÓ Ý NGHĨA?

Theo tiếng nguyên thủy, từ được dịch “hiếu hòa” có nghĩa là “người làm hòa”. Làm sao việc làm hòa giúp đời sống càng thêm ý nghĩa? Một điều là chúng ta có mối quan hệ tốt đẹp hơn với người xung quanh. Chúng ta nhận được lợi ích khi làm theo lời khuyên của Kinh Thánh: “Nếu có thể được, hãy gắng hết sức hòa thuận với mọi người” (Rô-ma 12:18). “Mọi người” bao gồm các thành viên trong gia đình và những người có thể không cùng đức tin. Việc hòa thuận với “mọi người” có thật sự làm đời sống chúng ta thêm ý nghĩa không?

Chị Nair

CHUYỆN CÓ THẬT:

Hãy xem kinh nghiệm của một phụ nữ tên Nair. Trong mấy năm qua, chị gặp nhiều áp lực trong đời sống, đôi khi khiến chị khó giữ sự hòa thuận, nhất là trong gia đình mình. Từ khi bị chồng bỏ cách đây khoảng 15 năm, chị đã đơn thân nuôi các con. Một con trai đã nghiện ma túy, thường không ai có thể kiểm soát được và dọa chị cùng con gái. Chị Nair tin rằng những điều học được từ Kinh Thánh giúp chị có sức để giữ sự hòa thuận, ngay cả trong hoàn cảnh gay go như thế. Chị nỗ lực không tranh cãi, cố gắng tử tế, thông cảm và hiểu người khác (Ê-phê-sô 4:31, 32). Chị tin chắc rằng việc học cách giữ hòa thuận đã giúp chị có mối quan hệ tốt với các thành viên trong gia đình cũng như với người khác.

NHÌN ĐẾN TƯƠNG LAI

Nếu làm theo lời khuyên khôn ngoan của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ hạnh phúc và thỏa lòng trong đời sống. Tuy nhiên, để đời sống thật sự đầy ý nghĩa, chúng ta cũng cần biết tương lai sẽ ra sao. Suy cho cùng, làm sao đời sống có ý nghĩa nếu tất cả chúng ta chỉ biết mình sẽ già, bệnh rồi chết? Thật vậy, những điều này là thực tại trong thế gian.

Dù vậy, có tin mừng! Đức Giê-hô-va ban nhiều ân phước cho tất cả những ai cố gắng ‘bước đi như Chúa Giê-su’. Đức Giê-hô-va hứa rằng chẳng bao lâu nữa, ngài sẽ mang đến một thế giới mới công chính, nơi mà những người trung thành sẽ sống theo ý định của ngài, sống vĩnh cửu với sức khỏe hoàn hảo. Lời ngài nói: “Này! Đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa nhân loại. Ngài sẽ ở với họ và họ sẽ là dân ngài. Chính Đức Chúa Trời sẽ ở cùng họ. Ngài sẽ lau hết nước mắt trên mắt họ, sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa. Những điều trước kia nay đã qua rồi”.—Khải huyền 21:3, 4.

Chị Maria, phụ nữ 84 tuổi được đề cập ở bài đầu tiên trong loạt bài này, mong mỏi chứng kiến những lời này được ứng nghiệm. Còn bạn thì sao? Bạn muốn biết thêm về “sự sống thật”, sự sống dưới sự trị vì của Nước Đức Chúa Trời? (1 Ti-mô-thê 6:19). Nếu muốn, bạn có thể hỏi Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương hoặc viết thư cho nhà xuất bản tạp chí này. *

^ đ. 8 Bạn có thể đọc toàn bộ câu chuyện của anh Esa trong bài, Kinh Thánh thay đổi đời sống—‘Hành vi của tôi rất độc ác’.

^ đ. 18 Sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, đã giúp người ta tìm hiểu Kinh Thánh về nhiều đề tài.