Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Dùng Kinh Thánh để giúp mình và người khác

Dùng Kinh Thánh để giúp mình và người khác

“Tôi xem các giềng-mối Chúa về muôn vật là phải”.—THI 119:128.

1. Tại sao chúng ta cần hoàn toàn tin cậy Lời Ðức Chúa Trời?

Ðể biết một học viên Kinh Thánh có hội đủ điều kiện tham gia thánh chức hay không, các trưởng lão sẽ xem xét: ‘Qua lời nói, người đó có cho thấy mình tin Kinh Thánh là Lời Ðức Chúa Trời không?’ *. Không chỉ những ai muốn trở thành người công bố Nước Trời mà tất cả chúng ta đều cần cho thấy mình tin cậy Kinh Thánh. Tại sao? Vì khi hoàn toàn tin cậy Lời Ðức Chúa Trời và dùng Lời ngài một cách hữu hiệu trong thánh chức, chúng ta có thể giúp người khác biết Ðức Giê-hô-va và có triển vọng được cứu rỗi.

2. Tại sao chúng ta nên ‘tiếp tục giữ những điều mình đã học’?

2 Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh tầm quan trọng của Lời Ðức Chúa Trời khi viết cho Ti-mô-thê: “Hãy tiếp tục giữ những điều con đã học và được giúp để tin”. “Những điều” mà Phao-lô nói đến là các sự thật Kinh Thánh đã thôi thúc Ti-mô-thê tin vào tin mừng. Những sự thật này cũng giúp chúng ta củng cố đức tin và “có sự khôn ngoan để được cứu rỗi” (2 Ti 3:14, 15). Chúng ta thường dùng câu tiếp theo để cho người khác thấy Kinh Thánh đến từ Ðức Chúa Trời. Tuy nhiên, chính chúng ta cũng nhận được nhiều lợi ích khi xem xét kỹ câu 2 Ti-mô-thê 3:16. (Ðọc). Ðiều này sẽ giúp chúng ta càng tin chắc sự dạy dỗ của Ðức Giê-hô-va là đúng.—Thi 119:128.

“HỮU ÍCH CHO VIỆC DẠY DỖ”

3-5. (a) Nhiều người đã phản ứng thế nào khi nghe bài giảng của Phi-e-rơ tại Lễ Ngũ Tuần, và tại sao? (b) Vì sao nhiều người trong thành Tê-sa-lô-ni-ca đón nhận sự thật? (c) Nhiều người ngày nay ấn tượng điều gì về thánh chức của chúng ta?

3 Chúa Giê-su nói với người Y-sơ-ra-ên: “Tôi sai  các nhà tiên tri, người khôn ngoan và những người dạy dỗ đến với các ông” (Mat 23:34). Chúa Giê-su đang nói về các môn đồ, những người được ngài dạy cách dùng Kinh Thánh trong thánh chức. Tại Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ, một trong những “người dạy dỗ”, đã nói bài giảng trước đám đông tại thành Giê-ru-sa-lem. Ông trích một số đoạn trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Khi nghe Phi-e-rơ giải thích những câu này, nhiều người “thấy đau nhói trong lòng”. Họ ăn năn về những tội lỗi mình đã phạm và cầu xin Ðức Chúa Trời tha thứ. Trong ngày đó, khoảng ba ngàn người trở thành tín đồ đạo Ðấng Ki-tô.—Công 2:37-41.

4 Một người dạy dỗ khác là sứ đồ Phao-lô. Ông rao giảng tin mừng vượt ra ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Chẳng hạn, ở thành Tê-sa-lô-ni-ca thuộc xứ Ma-xê-đô-ni-a, ông giảng dạy trong nhà hội. Trong ba ngày Sa-bát liên tiếp, Phao-lô “lý luận với họ dựa trên Kinh Thánh, giải thích và đưa ra bằng chứng cho thấy Ðấng Ki-tô phải chịu khổ và sống lại”. Kết quả là gì? “Một số người [Do Thái] tin theo” và “rất đông người Hy Lạp” cũng tin.—Công 17:1-4.

5 Nhiều người ngày nay ấn tượng về cách chúng ta sử dụng Kinh Thánh. Sau khi người chủ nhà ở Thụy Sĩ nghe một chị Nhân Chứng đọc câu Kinh Thánh, ông ấy hỏi: “Các chị thuộc tổ chức nào?”. Chị trả lời: “Chúng tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va”. Người chủ nhà nói: “Ðúng rồi, ngoài Nhân Chứng Giê-hô-va, còn ai khác đến nhà đọc Kinh Thánh cho tôi nghe chứ”.

6, 7. (a) Khi giảng dạy trong hội thánh, các anh dùng Kinh Thánh theo cách nào là tốt nhất? (b) Làm thế nào chúng ta có thể dùng Kinh Thánh hiệu quả khi điều khiển học hỏi?

6 Làm thế nào chúng ta có thể dùng Kinh Thánh hiệu quả hơn trong việc dạy dỗ? Nếu bạn có đặc ân giảng dạy trên bục, thay vì trích miệng những câu Kinh Thánh chính, in các câu Kinh Thánh ra hoặc đọc từ thiết bị điện tử, hãy mở Kinh Thánh và đọc trực tiếp. Cũng hãy khuyến khích cử tọa làm thế. Ngoài ra, hãy áp dụng câu Kinh Thánh theo cách giúp cử tọa đến gần Ðức Giê-hô-va hơn. Thay vì sử dụng những minh họa phức tạp và các kinh nghiệm chỉ để gây cười, hãy dành thời gian phân tích Lời Ðức Chúa Trời.

7 Chúng ta cần lưu ý điều gì khi điều khiển học hỏi? Ðừng bỏ qua những câu Kinh Thánh được đề cập trong ấn phẩm. Hãy khuyến khích học viên đọc những câu Kinh Thánh được viện dẫn và giúp người ấy hiểu ý nghĩa của chúng. Bằng cách nào? Hãy khuyến khích học viên nêu ý kiến, chứ đừng nói hết mọi điều. Thay vì bảo học viên phải tin gì và hành động ra sao, chúng ta có thể dùng những câu hỏi thích hợp để giúp học viên rút ra kết luận đúng *.

‘HỮU ÍCH CHO VIỆC KHIỂN TRÁCH’

8. Phao-lô có cuộc tranh đấu nội tâm nào?

8 Chúng ta thường cho rằng “khiển trách” là việc của trưởng lão. Ðúng là các giám thị có trách nhiệm ‘khiển trách những người bước đi trong tội lỗi’ (1 Ti 5:20; Tít 1:13). Nhưng việc chúng ta “khiển trách” chính mình cũng là điều quan trọng. Phao-lô là một tín đồ gương mẫu, có lương tâm trong sạch (2 Ti 1:3). Dù thế, ông viết: “Tôi thấy trong thân thể mình có một luật khác tranh đấu với luật trong trí mình, và bắt tôi phục tùng luật của tội lỗi”. Hãy xem Phao-lô đã tranh đấu như thế nào để kiểm soát  bản chất tội lỗi của mình.—Ðọc Rô-ma 7:21-25.

9, 10. (a) Có lẽ Phao-lô phải tranh đấu với những yếu kém nào? (b) Có thể Phao-lô đã tranh đấu với khuynh hướng tội lỗi như thế nào?

9 Phao-lô phải cố gắng vượt qua những yếu kém nào? Phao-lô không nói rõ nhưng ông cho biết mình từng là ‘kẻ xấc xược’ (1 Ti 1:13). Trước khi cải đạo, ông chống đối dữ dội tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. Ông thừa nhận mình “căm giận” những môn đồ Chúa Giê-su (Công 26:11). Phao-lô đã học cách tự chủ. Dù thế, hẳn có lúc ông phải tranh đấu để kiểm soát cảm xúc và lời nói của mình (Công 15:36-39). Ðiều gì đã giúp ông thành công?

10 Khi viết thư cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô, Phao-lô miêu tả cách ông tự khiển trách mình. (Ðọc 1 Cô-rinh-tô 9:26, 27). Ông hành động dứt khoát để kháng cự những yếu kém của bản thân. Rất có thể, ông đã tìm lời khuyên trong Kinh Thánh, cầu xin Ðức Giê-hô-va giúp để áp dụng và nỗ lực sửa đổi *. Chúng ta có thể được lợi ích từ gương của ông vì chúng ta cũng phải tranh đấu với khuynh hướng bất toàn.

11. Làm sao chúng ta có thể “luôn tra xét” xem mình có đang bước đi theo đường lối sự thật không?

11 Chúng ta đừng bao giờ ngưng tranh đấu với khuynh hướng bất toàn của mình. Hãy “luôn tra xét” xem mình có đang bước đi theo đường lối sự thật không (2 Cô 13:5). Khi đọc những câu Kinh Thánh như Cô-lô-se 3:5-10, hãy tự hỏi: “Mình đang cố gắng ‘làm chết’ khuynh hướng tội lỗi hay chiều theo những điều sai trái? Khi sử dụng Internet, bỗng xuất hiện trang web có nội dung vô luân, mình có thoát ra ngay không? Hoặc mình có tìm những trang web không đúng đắn?”. Việc suy ngẫm xem chính mình có thể áp dụng những lời khuyên trong Kinh Thánh như thế nào sẽ giúp chúng ta “tỉnh thức và giữ mình tỉnh táo”.—1 Tê 5:6-8.

‘HỮU ÍCH CHO VIỆC UỐN NẮN’

12, 13. (a) “Uốn nắn” có nghĩa gì, và làm sao chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su trong lĩnh vực này? (b) Chúng ta nên tránh cách nói nào khi “uốn nắn” một người?

12 Từ Hy Lạp được dịch là “uốn nắn” có nghĩa “sửa lại cho tốt, điều chỉnh, làm cho ngay lại”. Ðôi khi, chúng ta cần điều chỉnh suy nghĩ của người đã hiểu lầm lời nói hoặc hành động của mình. Chẳng hạn, những nhà lãnh đạo Do Thái phàn nàn về việc Chúa Giê-su đối xử tử tế với “bọn thu thuế và kẻ tội lỗi”. Chúa Giê-su chỉnh lại lối suy nghĩ của họ, khi nói: “Người khỏe không cần thầy thuốc, chỉ người bệnh mới cần. Vậy hãy đi và tìm hiểu ý nghĩa câu này: ‘Ta muốn lòng thương xót chứ không phải vật tế lễ’” (Mat 9:11-13). Với sự kiên nhẫn và tử tế, ngài cũng điều chỉnh lối suy nghĩ của người ta về Ðức Chúa Trời. Nhờ thế, những người khiêm nhường đã nhận biết Ðức Giê-hô-va là “Ðức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực” (Xuất 34:6). Kết quả là nhiều người tin vào tin mừng.

13 Chúng ta nên noi gương Chúa Giê-su khi cố gắng giúp người khác. Một số người khi bực dọc có thể nói với giọng thô lỗ để chỉnh sửa người khác. Nhưng đó không phải là tinh thần của câu 2 Ti-mô-thê 3:16. Kinh Thánh không cho chúng ta quyền la rầy người khác. Như “lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm”, sự chỉ trích thường gây nhiều nỗi đau  và hiếm khi mang lại kết quả.—Châm 12:18.

14-16. (a) Làm thế nào các trưởng lão có thể “uốn nắn” theo cách giúp người khác giải quyết vấn đề? (b) Tại sao cha mẹ cần uốn nắn con dựa trên Kinh Thánh?

14 Làm thế nào chúng ta có thể kiên nhẫn và tử tế khi “uốn nắn” một người? Ví dụ: Một cặp vợ chồng thường xuyên cãi vã đến xin anh trưởng lão giúp đỡ. Anh nên làm gì? Với tinh thần không thiên vị, anh sẽ lý luận với họ dựa trên những nguyên tắc Kinh Thánh. Anh có thể thảo luận những nguyên tắc trong chương 3 của sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc. Khi thảo luận những nguyên tắc này, có thể hai vợ chồng sẽ nhận ra một số điều mà mình cần áp dụng triệt để hơn. Một thời gian sau, anh trưởng lão có thể hỏi thăm về tình hình của cặp vợ chồng ấy, và giúp đỡ thêm nếu thấy cần.

 15 Làm sao các bậc cha mẹ có thể “uốn nắn” con cái? Hãy tưởng tượng bạn muốn giúp con gái ở tuổi thanh thiếu niên tránh một tình bạn có vẻ không tốt. Trước hết, bạn nên tìm hiểu sự tình. Nếu thấy điều gì không ổn, bạn có thể nói chuyện với con, có lẽ dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh thích hợp được đề cập trong những ấn phẩm. Sau đó, bạn có thể dành thời gian nhiều hơn cho con. Bạn cũng có thể quan sát thái độ của con khi con cùng tham gia thánh chức hoặc giải trí với gia đình. Nếu bạn kiên nhẫn và tử tế, con sẽ nhận thấy lòng quan tâm đầy yêu thương của bạn. Rất có thể con sẽ được thôi thúc để áp dụng lời khuyên và tránh được hậu quả đau thương.

Khi khéo dùng Kinh Thánh để uốn nắn con, cha mẹ giúp con tránh nhiều nỗi đau (xem đoạn 15)

16 Với sự kiên nhẫn và tử tế, chúng ta cũng có thể giúp đỡ những người đang lo lắng về sức khỏe, nản lòng khi mất việc hoặc khó hiểu một sự dạy dỗ trong Kinh Thánh. Việc dùng Lời Ðức Chúa Trời để “uốn nắn” mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta.

 ‘HỮU ÍCH CHO VIỆC SỬA TRỊ NGƯỜI TA THEO TIÊU CHUẨN CÔNG CHÍNH’

17. Tại sao chúng ta nên nhận sự sửa trị với thái độ biết ơn?

17 “Khi bị sửa phạt thì chẳng có niềm vui, mà chỉ có nỗi đau; nhưng sau đó, những người được rèn luyện qua sự sửa phạt ấy sẽ gặt trái bình an là sự công chính” (Hê 12:11). Phần lớn những tín đồ lớn lên trong sự thật đồng ý rằng sự sửa trị của cha mẹ đã giúp ích cho họ. Bên cạnh đó, việc nhận sự sửa trị đến từ Ðức Giê-hô-va qua các trưởng lão cũng giúp chúng ta tiếp tục bước đi trên con đường dẫn đến sự sống.—Châm 4:13.

18, 19. (a) Tại sao lời khuyên nơi Châm-ngôn 18:13 rất quan trọng khi chúng ta sửa trị một người dựa trên “tiêu chuẩn công chính”? (b) Khi trưởng lão sửa trị người phạm tội với sự mềm mại và lòng yêu thương, kết quả thường là gì?

18 Sửa trị hiệu quả là một nghệ thuật. Khi chúng ta sửa trị một người, Ðức Giê-hô-va muốn chúng ta làm thế dựa trên “tiêu chuẩn công chính” (2 Ti 3:16). Vì vậy, chúng ta nên sửa trị phù hợp với những nguyên tắc Kinh Thánh. Một nguyên tắc quan trọng được tìm thấy nơi Châm-ngôn 18:13: “Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên-dại và hổ-thẹn cho ai làm vậy”. Thế nên, khi nghe một người nói rằng anh chị nào đó phạm tội trọng, trước tiên các trưởng lão phải tìm hiểu rõ sự việc (Phục 13:14). Khi đó họ mới có thể sửa trị “theo tiêu chuẩn công chính”.

19 Hơn nữa, Lời Ðức Chúa Trời chỉ thị cho các trưởng lão “lấy lòng mềm mại” mà sửa trị. (Ðọc 2 Ti-mô-thê 2:24-26). Ðành rằng tội lỗi của một người có thể khiến danh Ðức Giê-hô-va bị sỉ nhục hoặc làm người khác bị tổn thương. Nhưng việc trưởng lão tức giận khi cho lời khuyên thì chẳng ích gì. Nếu trưởng lão noi gương nhân từ của Ðức Chúa Trời, người phạm tội có thể được thôi thúc để ăn năn tội lỗi.—Rô 2:4.

20. Cha mẹ nên áp dụng những nguyên tắc nào khi sửa trị con?

20 Khi nuôi dạy con theo “sự sửa dạy và răn bảo của Ðức Giê-hô-va”, cha mẹ cần áp dụng những nguyên tắc Kinh Thánh (Ê-phê 6:4). Chẳng hạn, người cha nên làm gì khi nghe một người nói con mình làm điều sai? Người cha không nên nghe một phía mà cần tìm hiểu rõ sự việc trước khi sửa phạt con. Cũng hãy lưu ý rằng sự giận dữ không có chỗ trong gia đình tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. “Ðức Giê-hô-va là đấng có lòng trìu mến và thương xót”, và cha mẹ nên noi theo những đức tính yêu thương của ngài khi sửa trị con.—Gia 5:11.

MÓN QUÀ VÔ GIÁ TỪ ÐỨC GIÊ-HÔ-VA

21, 22. Những lời nào nơi Thi-thiên 119:97-104 miêu tả rõ nhất cảm xúc của bạn về Lời Ðức Giê-hô-va?

21 Một tôi tớ Ðức Chúa Trời cho biết lý do ông yêu mến luật pháp Chúa. (Ðọc Thi-thiên 119:97-104). Nhờ học luật pháp ấy, ông có sự khôn ngoan, thông sáng và hiểu biết. Khi làm theo những điều luật trong đó, ông tránh được con đường giả dối đã khiến nhiều người đau khổ. Ông vui thích và mãn nguyện khi học Lời Ðức Chúa Trời. Ông quyết tâm vâng theo những chỉ dẫn của Ðức Giê-hô-va và nhận được nhiều lợi ích trong đời sống.

22 Bạn có quý trọng Kinh Thánh không? Kinh Thánh giúp bạn vững tin rằng Ðức Chúa Trời sẽ thực hiện ý định của ngài. Những lời khuyên trong đó giúp bạn tránh sa vào con đường tội lỗi, dẫn đến sự chết. Bằng cách khéo dùng Kinh Thánh, bạn có thể giúp người khác bước đi trên con đường dẫn đến sự sống. Mong sao chúng ta tận dụng Kinh Thánh khi phụng sự Ðức Chúa Trời đầy yêu thương và khôn ngoan, Ðức Giê-hô-va.

^ đ. 1 Xem sách Ðược tổ chức để thi hành thánh chức rao giảng, trang 98.

^ đ. 7 Khi dạy dỗ, Chúa Giê-su thường hỏi xem người nghe nghĩ sao về vấn đề đang thảo luận, rồi đợi họ trả lời.—Mat 18:12; 21:28; 22:42.

^ đ. 10 Trong những lá thư Phao-lô viết, ông khuyến khích chúng ta tranh đấu với khuynh hướng tội lỗi (Rô 6:12; Ga 5:16-18). Hẳn Phao-lô cũng áp dụng những lời mà ông khuyên người khác.—Rô 2:21.