Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Ðừng thoái chí nản lòng’

‘Ðừng thoái chí nản lòng’

“Chúng ta chớ bỏ cuộc trong việc làm điều lành”.—GA 6:9.

1, 2. Khi suy ngẫm về tổ chức hoàn vũ của Ðức Giê-hô-va, chúng ta được thôi thúc làm gì?

Thật tuyệt vời khi biết mình thuộc về tổ chức hoàn vũ của Ðức Giê-hô-va! Những khải tượng được ghi lại ở Ê-xê-chi-ên chương 1 và Ða-ni-ên chương 7 miêu tả sinh động về cách Ðức Giê-hô-va đang tiến hành mọi việc để thực thi ý định của ngài. Chúa Giê-su đang dẫn đầu phần trên đất của tổ chức Ðức Giê-hô-va. Ngài chỉ đạo tổ chức ấy tập trung vào việc rao truyền tin mừng, chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho những người đang thực hiện công việc này và đẩy mạnh sự thờ phượng thanh sạch. Ðiều này thôi thúc chúng ta tin cậy tổ chức Ðức Giê-hô-va.—Mat 24:45.

2 Chúng ta có đang theo kịp tổ chức tuyệt vời này không? Lòng sốt sắng của chúng ta đối với sự thật đang gia tăng hay giảm đi? Khi xem xét những câu hỏi này, có lẽ chúng ta nhận ra mình có dấu hiệu của sự nản lòng hoặc không còn sốt sắng như trước. Ðiều này có thể xảy ra. Vào thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô khuyến giục anh em đồng đạo xem xét gương sốt sắng của Chúa Giê-su. Ông nói rằng điều ấy sẽ giúp họ “không bị mỏi mệt và nản lòng” (Hê 12:3). Tương tự, xem xét những việc mà tổ chức Ðức Giê-hô-va đang thực hiện, như được thảo luận trong bài trước, sẽ giúp chúng ta tiếp tục chịu đựng và sốt sắng.

3. Chúng ta cần làm gì để không bị nản lòng, và bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Tuy nhiên, để không bị nản lòng, chúng ta phải làm nhiều hơn thế. Phao-lô nói rằng chúng ta cần tiếp tục “làm điều lành” (Ga 6:9). Ðiều này cho thấy chúng ta phải hành động. Hãy xem năm điều chúng ta cần làm để giữ vững tinh thần và theo kịp tổ chức Ðức Giê-hô-va. Sau đó, hãy xét xem chúng ta và gia đình có điều gì cần chú ý nhiều hơn không.

 NHÓM LẠI ÐỂ KHUYẾN KHÍCH NHAU VÀ THỜ PHƯỢNG

4. Tại sao có thể nói việc nhóm lại là phần không thể thiếu của sự thờ phượng thật?

4 Từ xưa đến nay, việc nhóm lại luôn là điều quan trọng đối với tôi tớ Ðức Giê-hô-va. Trong cõi vô hình, những tạo vật thần linh được mời yết kiến Ðức Giê-hô-va vào một số dịp (1 Vua 22:19; Gióp 1:6; 2:1; Ða 7:10). Vào thời xưa, dân Y-sơ-ra-ên phải nhóm lại để được Ðức Chúa Trời dạy dỗ (Phục 31:10-12). Vào thế kỷ thứ nhất, người Do Thái có thói quen đến nhà hội để đọc Kinh Thánh (Lu 4:16; Công 15:21). Khi hội thánh đạo Ðấng Ki-tô được thành lập, việc nhóm lại vẫn là phần quan trọng trong sự thờ phượng và ngày nay cũng thế. Những môn đồ chân chính “quan tâm đến nhau để khuyến giục nhau bày tỏ tình yêu thương và làm việc lành”. Chúng ta cần luôn “khuyến khích nhau, và khi thấy ngày [của Ðức Giê-hô-va] gần kề thì hãy làm như thế nhiều hơn nữa”.—Hê 10:24, 25.

5. Làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích nhau tại các buổi nhóm họp?

5 Một cách quan trọng để khuyến khích nhau là bình luận tại các buổi nhóm họp. Chẳng hạn, chúng ta có thể bày tỏ đức tin qua việc trả lời các câu hỏi trong bài, nêu cách áp dụng một câu Kinh Thánh hoặc kể vắn tắt kinh nghiệm cho thấy những nguyên tắc Kinh Thánh đã giúp mình như thế nào (Thi 22:22; 40:9). Chắc chắn, dù đã tham dự nhóm họp bao nhiêu năm, chúng ta vẫn được khích lệ từ những lời bình luận chân thành của các anh chị, cả trẻ tuổi lẫn lớn tuổi.

6. Các buổi nhóm họp giúp chúng ta duy trì tình trạng thiêng liêng như thế nào?

6 Việc đều đặn nhóm lại mang đến những lợi ích nào khác? Những buổi nhóm họp, hội nghị giúp chúng ta dạn dĩ rao giảng và đối phó với sự chống đối, thờ ơ của người trong khu vực (Công 4:23, 31). Qua các phần thảo luận dựa trên Kinh Thánh, chúng ta được vững mạnh về đức tin (Công 15:32; Rô 1:11, 12). Sự dạy dỗ và khích lệ từ những buổi họp giúp chúng ta có hạnh phúc thật và “được an-nghỉ trong ngày hoạn-nạn” (Thi 94:12, 13). Ủy ban Giảng huấn thuộc Hội đồng Lãnh đạo giám sát việc chuẩn bị những chương trình để dạy dỗ dân Ðức Giê-hô-va trên khắp đất. Chúng ta thật biết ơn về sự giáo huấn mình nhận được tại các buổi nhóm họp hằng tuần!

7, 8. (a) Lý do chính yếu chúng ta tham dự nhóm họp là gì? (b) Các buổi nhóm họp giúp bạn như thế nào?

7 Tuy nhiên, không phải chúng ta đến nhóm họp chỉ vì những lợi ích mình nhận được. Lý do chính yếu mà chúng ta tham dự nhóm họp là để thờ phượng Ðức Giê-hô-va. (Ðọc Thi-thiên 95:6). Quả là đặc ân khi được hát ngợi khen Ðức Chúa Trời tuyệt vời của chúng ta! (Cô 3:16). Ngài xứng đáng được chúng ta thờ phượng qua sự có mặt và góp lời bình luận (Khải 4:11). Không lạ gì khi chúng ta được khuyến khích “chớ bỏ việc nhóm lại với nhau như một số người quen làm”!—Hê 10:25.

8 Chúng ta có xem những buổi nhóm họp là món quà Ðức Giê-hô-va ban nhằm giúp chúng ta chịu đựng cho đến ngày thế gian gian ác này bị hủy diệt không? Nếu có thì dù cuộc sống bận rộn đến mấy, chúng ta vẫn ưu tiên cho các buổi nhóm họp (Phi-líp 1:10). Ðừng để những lý do kém quan trọng khiến chúng ta bỏ lỡ bất cứ dịp nào được cùng anh em thờ phượng Ðức Giê-hô-va.

 TÌM KIẾM NGƯỜI CÓ LÒNG THÀNH

9. Làm sao chúng ta biết công việc rao giảng rất quan trọng?

9 Sốt sắng tham gia công việc rao giảng cũng giúp chúng ta theo kịp tổ chức Ðức Giê-hô-va. Chúa Giê-su khởi sự công việc này khi ngài ở trên đất (Mat 28:19, 20). Kể từ đó, việc rao giảng và đào tạo môn đồ luôn là một trong những hoạt động chính của tổ chức Ðức Giê-hô-va. Nhiều kinh nghiệm trong thời hiện đại cho thấy các thiên sứ đang hỗ trợ công việc rao giảng và hướng dẫn chúng ta đến với “những ai có thái độ đúng để hưởng sự sống vĩnh cửu” (Công 13:48; Khải 14:6, 7). Phần trên đất của tổ chức Ðức Giê-hô-va được thành lập nhằm tổ chức và hỗ trợ công việc quan trọng này. Vậy thánh chức có là trọng tâm trong đời sống bạn không?

10. (a) Làm thế nào một anh giữ được lòng nhiệt thành với sự thật? (b) Thánh chức đã giúp bạn duy trì lòng sốt sắng ra sao?

10 Khi sốt sắng trong thánh chức, chúng ta sẽ giữ được lòng nhiệt thành với sự thật. Hãy chú ý đến những lời chia sẻ của anh Mitchel, một trưởng lão và tiên phong đều đều lâu năm. Anh nói: “Tôi rất thích nói cho người khác biết về sự thật. Mỗi khi đọc bài mới trong Tháp Canh hoặc Tỉnh Thức!, tôi rất ấn tượng về sự khôn ngoan, sâu sắc và tính hợp lý của mỗi tạp chí. Tôi  muốn dùng ngay trong thánh chức, xem người ta phản ứng ra sao và làm thế nào tôi có thể gợi sự chú ý của họ. Thánh chức giúp tôi có sự thăng bằng. Tôi không để bất cứ điều gì ảnh hưởng đến thời gian làm thánh chức”. Tương tự, bận rộn làm công việc Chúa có thể giúp chúng ta luôn vững vàng trong những ngày sau cùng này.—Ðọc 1 Cô-rinh-tô 15:58.

HẤP THU THỨC ĂN THIÊNG LIÊNG

11. Tại sao chúng ta nên tận dụng thức ăn thiêng liêng đến từ Ðức Giê-hô-va?

11 Ðức Giê-hô-va cung cấp dồi dào thức ăn thiêng liêng để giúp chúng ta vững mạnh. Chắc có lần sau khi đọc một ấn phẩm, bạn nghĩ: “Ðây chính là điều mình cần. Như thể Ðức Giê-hô-va chuẩn bị riêng cho mình!”. Ðó không phải là sự ngẫu nhiên. Qua những sự cung cấp này, Ðức Giê-hô-va dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta. Ngài phán: “Ta sẽ dạy-dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi” (Thi 32:8). Vậy, chúng ta có cố gắng đọc và suy ngẫm mọi ấn phẩm nhận được không? Nếu làm thế, chúng ta sẽ tiếp tục sinh bông trái và không bị “tàn-héo” về thiêng liêng.—Ðọc Thi-thiên 1:1-3; 35:28; 119:97.

12. Ghi nhớ điều gì sẽ giúp chúng ta quý trọng những ấn phẩm?

12 Ðể những ấn phẩm đến tay chúng ta thì phải qua rất nhiều công đoạn. Ủy ban Biên tập thuộc Hội đồng Lãnh đạo giám sát quá trình nghiên cứu tài liệu, viết bài, kiểm bài, tạo hình ảnh và dịch ấn phẩm cũng như tài liệu được đăng trên trang web của tổ chức. Những chi nhánh có xưởng in chuyển ấn phẩm đến các hội thánh gần và xa. Tại sao toàn bộ công việc này được thực hiện? Ðể dân Ðức Giê-hô-va được no đủ về thiêng liêng (Ê-sai 65:13). Vậy, hãy hấp thu tất cả những thức ăn thiêng liêng mà chúng ta nhận qua tổ chức Ðức Giê-hô-va.—Thi 119:27.

ỦNG HỘ NHỮNG SẮP ÐẶT CỦA TỔ CHỨC

13, 14. Ai ở trên trời đang ủng hộ những sắp đặt của Ðức Giê-hô-va, và làm sao chúng ta cho thấy mình có tinh thần tương tự?

13 Trong khải tượng, sứ đồ Giăng thấy Chúa Giê-su đang cưỡi một con ngựa bạch chiến đấu với những kẻ chống lại Ðức Giê-hô-va (Khải 19:11-15). Ðức tin của chúng ta vững mạnh khi biết những thiên sứ trung thành và các tín đồ được xức dầu đã nhận phần thưởng trên trời đang theo sau và ủng hộ Chúa Giê-su (Khải 2:26, 27). Thật là những gương xuất sắc trong việc ủng hộ các sắp đặt của Ðức Giê-hô-va!

14 Tương tự, đám đông các chiên khác hết lòng ủng hộ công việc của những anh em của Chúa Giê-su còn lại trên đất và đang dẫn đầu trong tổ chức Ðức Giê-hô-va ngày nay. (Ðọc Xa-cha-ri 8:23). Làm thế nào mỗi chúng ta cho thấy mình ủng hộ những sắp đặt của Ðức Giê-hô-va? Một cách là phục tùng các anh dẫn đầu (Hê 13:7, 17). Chúng ta có thể làm thế ngay trong hội thánh địa phương. Khi nói về các trưởng lão, những lời của chúng ta có khuyến khích người khác quý trọng họ và công việc của họ không? Chúng ta có khuyến khích con kính trọng những anh trung thành này và nghe theo lời khuyên của họ? Hơn nữa, chúng ta có bàn bạc cùng gia đình xem làm thế nào có thể dùng nguồn tài chính để ủng hộ công việc toàn cầu? (Châm 3:9; 1 Cô 16:2; 2 Cô 8:12). Chúng ta có xem trọng đặc ân làm sạch sẽ và bảo trì Phòng Nước Trời không? Khi thấy chúng ta ủng hộ tổ chức ngài, Ðức Giê-hô-va sẽ ban thần  khí. Thần khí sẽ thêm sức để chúng ta không bị mệt mỏi trong những ngày sau cùng này.—Ê-sai 40:29-31.

SỐNG PHÙ HỢP VỚI THÔNG ÐIỆP

15. Tại sao chúng ta phải luôn tranh đấu để sống phù hợp với ý định cao quý của Ðức Giê-hô-va?

15 Ðể có thể chịu đựng và theo kịp tổ chức Ðức Giê-hô-va, chúng ta phải sống phù hợp với thông điệp mà mình rao truyền bằng cách “xét xem điều gì đẹp lòng Chúa” (Ê-phê 5:10, 11). Ảnh hưởng của Sa-tan, thế gian gian ác và bản chất bất toàn khiến chúng ta khó làm điều đúng. Một số anh chị phải tranh đấu mỗi ngày để giữ được mối quan hệ với Ðức Giê-hô-va. Những nỗ lực đó rất đáng quý trước mắt ngài. Ðừng bỏ cuộc! Khi sống phù hợp với ý định của Ðức Giê-hô-va, chúng ta sẽ thật sự thỏa lòng và sự thờ phượng của chúng ta sẽ không vô ích.—1 Cô 9:24-27.

Hãy nhiệt thành giúp người khác hiểu rằng họ cũng có thể thuộc về tổ chức Ðức Giê-hô-va

16, 17. (a) Chúng ta nên làm gì nếu phạm tội trọng? (b) Chúng ta rút ra bài học nào từ trường hợp của chị Anne?

16 Chúng ta nên làm gì nếu phạm tội trọng? Hãy tìm sự giúp đỡ càng sớm càng tốt. Che giấu tội chỉ khiến vấn đề tồi tệ hơn. Hãy nhớ, Ða-vít nói rằng khi ông giấu tội, ‘các xương-cốt ông tiêu-tàn, và ông rên-siết trọn ngày’ (Thi 32:3). Thật vậy, việc giấu tội chỉ khiến chúng ta kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thiêng liêng, nhưng “ai xưng nó ra và lìa-bỏ nó sẽ được thương-xót”.—Châm 28:13.

17 Hãy xem trường hợp của chị Anne *. Chị làm tiên phong đều đều khi ở tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, chị bắt đầu sống hai mặt. Hậu quả là gì? Chị nói: ‘Lương tâm tôi bị giày vò. Tôi không hạnh phúc và chán nản triền miên’. Vào một buổi nhóm họp, khi nghe câu Gia-cơ 5:14, 15 được thảo luận, chị Anne nhận ra mình cần sự giúp đỡ nên đã đến gặp trưởng lão. Nhớ lại lúc đó, chị nói: “Những câu Kinh Thánh này là toa thuốc mà Ðức Giê-hô-va đã kê để chữa lành về thiêng liêng. Dù không dễ uống, nhưng thuốc đắng giã tật. Tôi nghe theo lời khuyên trong những câu Kinh Thánh này và đã có kết quả”. Hiện nay, chị Anne đang sốt sắng phụng sự Ðức Giê-hô-va với một lương tâm trong sạch.

18. Chúng ta quyết tâm làm gì?

18 Quả là đặc ân khi sống trong những ngày sau cùng này và thuộc về tổ chức kỳ diệu của Ðức Giê-hô-va! Chúng ta không bao giờ muốn xem đặc ân này là đương nhiên. Thay vì thế, hãy cùng gia đình đều đặn tham dự nhóm họp, siêng năng tìm kiếm những người có lòng thành trong khu vực và quý trọng thức ăn thiêng liêng. Chúng ta cũng hãy ủng hộ những anh dẫn đầu và sống phù hợp với thông điệp mình rao truyền. Nếu làm thế, chúng ta không những theo kịp tổ chức Ðức Giê-hô-va, mà còn không mệt nhọc làm điều lành!

^ đ. 17 Tên đã được thay đổi.