Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trò chuyện thân tình giúp củng cố hôn nhân

Trò chuyện thân tình giúp củng cố hôn nhân

“Lời nói phải thì, khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc”.CHÂM 25:11.

1. Trò chuyện thân tình giúp củng cố hôn nhân như thế nào?

Một anh ở Canada bày tỏ: “Tôi thích dành thời gian cho vợ hơn là cho người khác. Khi sẻ chia cùng cô ấy, mọi niềm hạnh phúc đều được nhân lên và mọi nỗi đau đều được chia sớt”. Một người chồng ở Úc viết: “Trong 11 năm sống bên nhau, chưa có ngày nào mà tôi không nói chuyện với vợ. Vợ chồng tôi chẳng thấy bấp bênh hay lo âu liệu hôn nhân của chúng tôi có bền vững hay không. Trò chuyện thường xuyên và cởi mở là nguyên do chính giúp chúng tôi thành công”. Một chị ở Costa Rica cho biết: “Trò chuyện thân tình không chỉ giúp gia tăng hương vị của hôn nhân mà còn giúp chúng tôi đến gần Ðức Giê-hô-va hơn, cưỡng lại cám dỗ, gắn kết với nhau và vun đắp tình yêu giữa hai người”.

2. Ðiều gì có thể khiến vợ chồng khó trò chuyện với nhau?

2 Bạn và người hôn phối có vui thích trò chuyện với nhau không, hay bạn thấy khó làm thế? Thực tế, hoàn cảnh khó khăn có thể xảy ra, vì hôn nhân gắn kết hai người bất toàn có tính tình khác biệt, cả những tính phản ánh văn hóa và giáo dục của mỗi người (Rô 3:23). Hơn nữa, có lẽ hai vợ chồng có cách nói chuyện khác nhau. Vì lẽ đó mà có hai nhà nghiên cứu về hôn nhân (John M. Gottman và Nan Silver) nói: “Cần có dũng khí, quyết tâm và sức bền để duy trì một mối quan hệ lâu bền”.

3. Ðiều gì đã giúp nhiều cặp vợ chồng củng cố hôn nhân?

3 Vợ chồng phải nỗ lực mới có hôn nhân vững chắc. Thế nhưng, điều đó sẽ giúp họ thật sự hạnh phúc bên nhau (Truyền 9:9). Hãy xem cuộc hôn nhân của Y-sác và Rê-bê-ca (Sáng 24:67). Dẫu lấy nhau đã lâu nhưng tình cảm họ dành cho nhau vẫn không hề phai nhạt. Nhiều cặp vợ chồng ngày nay cũng vậy. Bí quyết của họ là gì? Họ học cách truyền đạt suy nghĩ  và cảm xúc cho nhau một cách thành thật nhưng tử tế. Họ cũng xây đắp và thể hiện sự thấu hiểu, tình yêu, lòng tôn trọng sâu xa và khiêm nhường. Giờ đây, chúng ta hãy cùng xem làm thế nào những đức tính ấy có thể giúp vợ chồng trò chuyện thân tình với nhau.

THỂ HIỆN SỰ THẤU HIỂU

4, 5. Sự thấu hiểu giúp vợ chồng như thế nào? Hãy cho ví dụ.

4 ‘Người nào được sự thông-sáng, có phước thay!’ (Châm 3:13). Sự thông sáng, hay thấu hiểu, thật sự có liên kết với hôn nhân và đời sống gia đình. (Ðọc Châm-ngôn 24:3). Nguồn tốt nhất của sự thấu hiểu và khôn ngoan là Lời Ðức Chúa Trời. Sáng-thế Ký 2:18 nói rằng Ðức Chúa Trời tạo ra người nữ là người giúp đỡ, hay bổ trợ, cho người nam chứ không phải là bản sao của ông. Ðó là lý do tại sao cách nói chuyện của phụ nữ khác với đàn ông. Dĩ nhiên là không ai giống ai nhưng thường thì phụ nữ thích nói về cảm xúc, người ta và những mối quan hệ. Họ trân trọng cuộc trò chuyện nồng ấm, cởi mở vì điều đó khiến họ cảm thấy được yêu thương. Mặt khác, nhiều người đàn ông lại ít khi nói về cảm xúc của họ mà thường hay nói về những hoạt động, vấn đề và giải pháp. Ngoài ra, đàn ông mong muốn được tôn trọng.

5 Một chị ở Anh cho biết: “Chồng tôi muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề hơn là nghe tôi nói”. Chị giải thích rằng việc này làm chị bực mình, vì tất cả những gì chị muốn chỉ là được anh lắng nghe và cố gắng đồng cảm. Một người chồng viết: “Khi mới cưới, khuynh hướng của tôi là nhanh chóng tìm cách giải quyết mọi vấn đề vợ tôi gặp phải. Nhưng rồi tôi nhận ra, điều cô ấy thật sự cần là được lắng nghe” (Châm 18:13; Gia 1:19). Một người chồng thấu hiểu thì để ý đến cảm xúc của vợ và cố gắng điều chỉnh cách đối xử với chị sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, anh cũng phải cho chị thấy là anh xem trọng suy nghĩ và cảm xúc của chị (1 Phi 3:7). Ngược lại, chị cũng phải cố gắng hiểu quan điểm của anh. Khi vợ chồng hiểu, quý trọng và thi hành vai trò của họ được nói đến trong Kinh Thánh, sự gắn kết của họ thật tuyệt vời. Hơn nữa, họ có thể phối hợp cùng nhau để đưa ra những quyết định khôn ngoan và thăng bằng.

6, 7. (a) Làm thế nào nguyên tắc nơi Truyền-đạo 3:7 giúp người đã kết hôn thể hiện sự thấu hiểu? (b) Người vợ thể hiện sự thấu hiểu bằng cách nào, và người chồng nên cố gắng làm gì?

6 Ðôi lứa biết thấu hiểu cũng biết là “có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra” (Truyền 3:1, 7). Một chị đã kết hôn mười năm nhận xét: “Giờ đây tôi học được là có những lúc không thích hợp để nêu lên vấn đề. Nếu có chuyện gì cần nói mà thấy chồng đang ngập đầu trong công việc và những trách nhiệm khác thì tôi đợi ít lâu rồi mới nói ra. Nhờ thế mà chúng tôi nói chuyện thoải mái hơn”. Người vợ thấu hiểu cũng nói năng hòa nhã, nhận thức rằng khi chị lựa lời để nói và nói đúng lúc thì chồng sẽ vui vẻ lắng nghe.—Ðọc Châm-ngôn 25:11.

Những hành động nhỏ tạo nên sự khác biệt lớn trong hôn nhân

7 Người chồng đạo Ðấng Ki-tô không chỉ lắng nghe vợ mà còn phải cố gắng biểu đạt cảm xúc rõ ràng. Một trưởng lão đã kết hôn 27 năm nói: “Tôi phải tập thổ lộ tâm tư với vợ”. Một anh đã kết hôn 24 năm nhận xét: “Tôi từng chôn chặt mọi chuyện trong lòng và nghĩ ‘nếu không nói ra thì chuyện cũng qua’. Rồi tôi nhận ra rằng biểu đạt cảm xúc không phải là yếu đuối. Khi thấy khó bày tỏ nỗi lòng, tôi cầu nguyện để biết nói lời thích hợp và nói đúng cách. Rồi tôi hít thật sâu và bắt đầu nói”. Một điều có ích khác là đúng lúc, có lẽ khi hai người đang cùng nhau đọc Kinh Thánh và tra xem Kinh Thánh mỗi ngày.

8. Ðiều gì có thể giúp vợ chồng ước muốn cải thiện việc trò chuyện?

 8 Ðiều quan trọng là cả hai vợ chồng đều phải cầu nguyện và ước muốn cải thiện kỹ năng trò chuyện của mình. Ðúng là khó mà thay đổi thói quen cũ, nhưng nếu hai người yêu mến Ðức Giê-hô-va, cầu xin thần khí và xem hôn nhân là thánh khiết thì họ sẽ có được ước muốn ấy. Một chị đã kết hôn 26 năm viết: “Ông xã và tôi xem trọng quan điểm của Ðức Giê-hô-va về hôn nhân, nên chúng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện ly thân. Ðiều này khiến chúng tôi quyết tâm giải quyết vấn đề hơn bằng cách thảo luận với nhau”. Những cặp vợ chồng trung thành với Ðức Giê-hô-va như thế làm ngài vui lòng và được ngài ban phước.—Thi 127:1.

VUN ÐẮP TÌNH YÊU

9, 10. Những cách thực tế nào có thể giúp tình yêu giữa vợ chồng sâu đậm hơn?

9 Yêu thương, “mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn”, là đức tính quan trọng nhất trong hôn nhân (Cô 3:14). Tình yêu đích thực lớn dần theo thời gian, khi hai vợ chồng cùng nhau trải qua những lúc cay đắng ngọt bùi. Họ trở thành tri kỷ và vui thích ở bên nhau. Hôn nhân như thế được nuôi dưỡng, không phải bởi những việc làm to tát như truyền thông tô vẽ, mà bởi vô số những hành động nhỏ bé. Ðó có thể là cái ôm, lời tử tế, cử chỉ ân cần, nụ cười ấm áp hoặc thật lòng hỏi “hôm nay anh/em có gì vui không?”. Những hành động nhỏ như thế tạo nên sự khác biệt lớn trong hôn nhân. Một cặp vợ chồng hạnh phúc đã kết hôn 19 năm cho biết rằng mỗi ngày họ thường nhắn tin và gọi điện cho nhau “chỉ để biết mọi chuyện thế nào”.

10 Tình yêu cũng thôi thúc vợ chồng tiếp tục tìm hiểu nhau (Phi-líp 2:4). Càng biết về nhau, tình yêu của họ càng sâu đậm hơn, mặc cho những thiếu sót của cả hai. Một cuộc hôn nhân thành công thì không dậm chân tại chỗ mà ngày càng thắm thiết và sâu đậm hơn. Vậy nếu đã kết hôn, bạn hãy tự hỏi: “Tôi có biết rõ về người bạn đời của mình không? Tôi có hiểu người ấy cảm thấy thế nào hay nghĩ gì về một sự việc nào đó không? Tôi có thường nghĩ đến những đức tính của người bạn đời đã thu hút mình thuở đầu không?”.

 XÂY ÐẮP LÒNG TÔN TRỌNG

11. Tại sao sự tôn trọng là thiết yếu trong hôn nhân? Hãy cho ví dụ.

11 Ngay cả những cuộc hôn nhân hạnh phúc cũng không hoàn hảo, và dù vợ chồng yêu nhau thì cũng sẽ có lúc bất đồng ý kiến. Không phải lúc nào Áp-ra-ham và Sa-ra cũng đồng ý với nhau (Sáng 21:9-11). Nhưng sự khác biệt không làm rạn nứt mối quan hệ giữa họ. Tại sao? Vì họ tôn trọng nhau. Ví dụ, Áp-ra-ham đã dùng từ “xin” khi nói với Sa-ra (Sáng 12:13). Còn Sa-ra thì vâng lời Áp-ra-ham và xem ông là “chúa” mình (Sáng 18:12). Khi vợ chồng thiếu tôn trọng nhau, họ thường thể hiện điều đó qua cách nói và giọng nói (Châm 12:18). Nếu không giải quyết vấn đề, hôn nhân của họ có thể gặp sóng gió.—Ðọc Gia-cơ 3:7-10, 17, 18.

12. Tại sao những đôi mới cưới nên cố gắng nói chuyện với nhau cách tôn trọng?

12 Những đôi mới cưới nên cố gắng nói chuyện với nhau cách tử tế và tôn trọng, từ đó tạo bầu không khí trò chuyện thoải mái và thành thật. Một người chồng kể lại: “Vào những năm đầu, hôn nhân mang lại niềm vui nhưng có khi cũng gây bực bội”. Anh nói rằng cả hai chưa hiểu rõ cảm xúc, thói quen và nhu cầu của nhau. Tuy thế, họ vẫn có mối quan hệ mật thiết nhờ tính phải lẽ và hài hước. Theo anh, điều quan trọng cũng là biểu lộ tính khiêm nhường, kiên nhẫn và tin cậy Ðức Giê-hô-va. Ðây quả là lời khuyên hữu ích cho tất cả chúng ta!

BIỂU LỘ TÍNH KHIÊM NHƯỜNG THẬT SỰ

13. Tại sao khiêm nhường là một yếu tố quan trọng giúp hôn nhân hạnh phúc?

13 Sự trò chuyện thân tình trong hôn nhân giống như một dòng suối êm đềm và hiền hòa chảy qua khu vườn. “Tính khiêm nhường” đóng vai trò chính yếu giúp dòng suối ấy chảy mãi (1 Phi 3:8). Một anh đã kết hôn 11 năm cho biết: “Khiêm nhường là con đường ngắn nhất để giải quyết những bất đồng vì nó thúc đẩy bạn nói lời xin lỗi”. Một trưởng lão đã kết hôn 20 năm bình luận: “Ðôi khi, nói ‘anh xin lỗi’ quan trọng hơn là ‘anh yêu em’. Một trong những con đường tắt nhanh nhất dẫn đến sự khiêm nhường  là cầu nguyện. Khi vợ chồng tôi cùng đến gần Ðức Giê-hô-va, chúng tôi được nhắc nhở về sự bất toàn của mình và lòng nhân từ bao la của Ðức Chúa Trời. Ðiều này giúp tôi có cái nhìn đúng đắn về mọi việc”.

Duy trì sự trò chuyện thân tình trong hôn nhân

14. Sự tự cao ảnh hưởng thế nào đến hôn nhân?

14 Trái lại, sự tự cao khiến vợ chồng khó làm hòa với nhau. Nó dập tắt cuộc trò chuyện vì cả hai người không muốn hoặc không dám nói lời xin lỗi. Thay vì khiêm nhường nói xin lỗi và xin người kia tha thứ, người tự cao sẽ bào chữa cho mình. Thay vì dũng cảm nhận lỗi, người ấy đổ lỗi cho người kia. Khi bị tổn thương, thay vì làm hòa thì có lẽ người ấy đáp trả bằng những lời cay nghiệt hoặc sự im lặng lạnh lùng (Truyền 7:9). Ðúng thế, sự tự cao có thể giết chết hôn nhân. Nên nhớ là “Ðức Chúa Trời chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ngài tỏ lòng nhân từ bao la với người khiêm nhường”.—Gia 4:6.

15. Ðể giải quyết vấn đề, vợ chồng có thể áp dụng Ê-phê-sô 4:26, 27 ra sao?

15 Nếu nghĩ rằng sự tự cao sẽ không bao giờ xuất hiện thì điều đó không thực tế. Chúng ta cần phải nhận ra và dẹp bỏ nó ngay lập tức. Phao-lô nói với anh em đồng đạo: “Chớ để mặt trời lặn mà vẫn còn giận, đừng tạo cơ hội cho Kẻ Quỷ Quyệt” (Ê-phê 4:26, 27). Không làm theo Lời Ðức Chúa Trời có thể dẫn đến mối lo âu không cần thiết. Một chị than: “Có khi vợ chồng tôi không áp dụng Ê-phê-sô 4:26, 27. Hậu quả là những đêm như vậy tôi cứ trằn trọc hoài!”. Sẽ tốt hơn biết bao nếu giải quyết vấn đề ngay, với mục tiêu làm hòa! Dĩ nhiên, hai vợ chồng có thể cho nhau chút thời gian để dịu lại. Họ cũng nên cầu xin Ðức Giê-hô-va giúp mình khiêm nhường. Ðức tính này sẽ giúp họ tập trung vào việc giải quyết vấn đề, thay vì chỉ nghĩ đến cảm xúc của riêng mình.—Ðọc Cô-lô-se 3:12, 13.

16. Làm thế nào sự khiêm nhường giúp vợ chồng quý những điểm mạnh của nhau?

16 Sự khiêm nhường giúp một người đã kết hôn quý những điểm mạnh của người hôn phối. Ðể minh họa: Có thể một người vợ có tài đặc biệt giúp ích được cho gia đình. Nếu chồng chị khiêm nhường, anh sẽ không cảm thấy phải hơn vợ trong mọi việc, nhưng anh khuyến khích chị dùng khả năng mà chị có. Qua đó, anh cho thấy mình yêu thương và trân trọng vợ (Châm 31:10, 28; Ê-phê 5:28, 29). Cũng vậy, người vợ khiêm nhường sẽ không phô trương bản thân hoặc chê bai chồng. Suy cho cùng, cả hai là “một”, và điều gì làm tổn thương người này thì cũng làm tổn thương người kia.—Mat 19:4, 5.

17. Ðiều gì có thể giúp hôn nhân được hạnh phúc và ngợi khen Ðức Chúa Trời?

17 Chắc chắn bạn muốn hôn nhân của mình giống như của Áp-ra-ham và Sa-ra hay của Y-sác và Rê-bê-ca—thật sự hạnh phúc, lâu bền và ngợi khen Ðức Giê-hô-va. Nếu thế, hãy có cùng quan điểm với Ðức Chúa Trời về hôn nhân. Ðọc Lời ngài để có được sự thấu hiểu và khôn ngoan. Vun đắp tình yêu đích thực, tức là “ngọn lửa của Ðức Giê-hô-va”, bằng cách trân trọng người bạn đời (Nhã 8:6). Cố gắng trau dồi tính khiêm nhường. Tôn trọng người bạn đời. Khi làm thế, hôn nhân sẽ mang lại niềm vui cho bạn và Cha trên trời (Châm 27:11). Thật vậy, có thể bạn sẽ có cùng cảm nghĩ như một người chồng đã kết hôn 27 năm. Anh nói: “Tôi không biết đời mình sẽ ra sao nếu không có bà xã. Hôn nhân của chúng tôi cứ vững chắc thêm mỗi ngày. Ðược vậy là nhờ chúng tôi yêu thương Ðức Giê-hô-va và trò chuyện thường xuyên với nhau”.