Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cha mẹ và con cái—trò chuyện với tình yêu thương

Cha mẹ và con cái—trò chuyện với tình yêu thương

“Mỗi người phải mau nghe, chậm nói, chậm nóng giận”.—GIA 1:19.

1, 2. Cha mẹ và con cái thường cảm thấy thế nào về nhau? Nhưng đôi lúc họ phải đối mặt với khó khăn nào?

“Giả sử bạn biết là cha mẹ sẽ qua đời ngày mai thì hôm nay bạn muốn nói gì nhất với họ?”. Ðó là câu hỏi đã đặt ra cho hàng trăm trẻ em tại Hoa Kỳ. Thay vì tập trung vào bất kỳ vấn đề hay sự bất đồng nào đang có với cha mẹ, khoảng 95 phần trăm đã trả lời là muốn nói với cha mẹ: “Con xin lỗi” và “Con thương cha mẹ nhiều lắm”.—Sách Dành riêng cho cha mẹ (For Parents Only, của Shaunti Feldhahn và Lisa Rice).

2 Thường thì con cái thương cha mẹ, và cha mẹ thương con cái. Ðiều này đặc biệt đúng trong gia đình đạo Ðấng Ki-tô. Dù cha mẹ và con cái mong muốn gần gũi nhau nhưng đôi lúc họ thấy khó trò chuyện. Ngay cả khi có thể trò chuyện thẳng thắn và cởi mở với nhau, tại sao họ hoàn toàn tránh nhắc tới một số đề tài? Một số rào cản đối với việc trò chuyện thân tình là gì? Làm sao vượt qua được?

Ðừng để bất cứ điều gì cản trở bạn trò chuyện với gia đình

“TẬN DỤNG THÌ GIỜ” ÐỂ TRÒ CHUYỆN

3. (a) Tại sao nhiều gia đình khó trò chuyện mật thiết với nhau? (b) Tại sao dân Y-sơ-ra-ên dễ trò chuyện với gia đình hơn?

3 Nhiều gia đình thấy khó có đủ thời gian để trò chuyện mật thiết với nhau. Nhưng vào thời dân Y-sơ-ra-ên thì khác. Môi-se đã hướng dẫn những người làm cha: “Khá ân-cần dạy-dỗ [lời Ðức Chúa Trời] cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy” (Phục 6:6, 7). Con cái ở nhà với mẹ hoặc ra đồng hay đến nơi làm việc cùng cha. Cha mẹ và con cái có nhiều  thời gian ở bên nhau và nói chuyện cùng nhau. Vì vậy, cha mẹ dễ biết nhu cầu, ước muốn và tính cách của con cái. Cũng thế, con cái có thời gian và cơ hội để hiểu rõ cha mẹ hơn.

4. Tại sao trò chuyện là một vấn đề trong nhiều gia đình ngày nay?

4 Ðời sống ngày nay thật đổi khác! Tại một số nước, trẻ con phải đi mẫu giáo từ khi còn rất nhỏ, có khi chỉ mới hai tuổi. Nhiều ông bố, bà mẹ phải đi làm. Ðến khi cả gia đình có chút thời gian quây quần bên nhau thì cuộc trò chuyện của họ lại bị máy vi tính, truyền hình và những thiết bị điện tử khác chi phối. Nhiều trường hợp, con cái và cha mẹ có cuộc sống riêng; họ giống như những người xa lạ. Việc trò chuyện mật thiết gần như là quá xa xỉ.

5, 6. Làm thế nào một số cha mẹ “tận dụng thì giờ” để ở bên con cái nhiều hơn?

5 Thay vì làm những việc khác, bạn có thể “tận dụng thì giờ” để ở bên gia đình nhiều hơn không? (Ðọc Ê-phê-sô 5:15, 16). Một số gia đình đồng ý giới hạn việc xem truyền hình hoặc sử dụng máy vi tính. Những gia đình khác cố gắng dùng bữa chung ít nhất một lần mỗi ngày. Và Buổi thờ phượng của gia đình đúng là cơ hội tốt để cha mẹ và con cái gần gũi cũng như cùng nhau thảo luận về những đề tài thiêng liêng! Dành ra khoảng một tiếng mỗi tuần để làm thế là khởi đầu tốt, nhưng nếu muốn trò chuyện sâu sắc thì cần làm nhiều hơn nữa. Cả nhà phải thường xuyên trò chuyện với nhau. Trước khi con đi học, hãy nói điều gì đó khích lệ, thảo luận câu Kinh Thánh mỗi ngày hoặc cùng con cầu nguyện. Ðiều này có thể mang lại lợi ích cho con cả ngày.

6 Một số cha mẹ đã thay đổi nhiều điều trong cuộc sống để dành thêm thời gian cho con cái. Ví dụ, chị Laura *, một người mẹ có hai con, đã thôi việc vì lý do này. Chị nói: “Vào buổi sáng, cả nhà vội vã đến trường hoặc sở làm.  Ðến tối khi tôi về nhà thì người giữ trẻ đã dỗ mấy đứa nhỏ ngủ rồi. Thôi việc có nghĩa là chúng tôi phải cắt giảm chi tiêu, nhưng tôi thấy giờ đây mình hiểu được những suy nghĩ và vấn đề của con cái. Tôi lắng nghe những gì các con nói trong lời cầu nguyện và có thể hướng dẫn, động viên cũng như dạy dỗ chúng”.

“MAU NGHE”

7. Cha mẹ và con cái thường hay than phiền về điều gì?

7 Sau nhiều cuộc phỏng vấn giới trẻ, hai tác giả sách Dành riêng cho cha mẹ đã lưu ý đến một rào cản khác đối với việc trò chuyện. Họ nói: “Ðiều các bạn trẻ hay than phiền nhất về cha mẹ là ‘cha mẹ không chịu nghe’”. Vấn đề đó không chỉ từ một phía. Cha mẹ cũng thường than phiền như thế về con cái. Ðể giữ cho cuộc trò chuyện được cởi mở, những thành viên trong gia đình phải thật sự lắng nghe nhau.—Ðọc Gia-cơ 1:19.

8. Làm thế nào cha mẹ có thể thật sự lắng nghe con cái?

8 Hỡi bậc cha mẹ, bạn có thật sự lắng nghe con mình không? Ðiều này có thể khó khi bạn mệt hoặc khi thấy điều con nói là nhỏ nhặt. Nhưng điều tưởng chừng nhỏ nhặt với bạn có lẽ là rất quan trọng với con. Trở nên “mau nghe” có nghĩa là không chỉ chú ý đến điều con nói mà cả cách con nói nữa. Giọng nói, cử chỉ và nét mặt có thể cho bạn biết con đang cảm thấy thế nào. Ðặt câu hỏi cũng quan trọng. Kinh Thánh nói: “Mưu-kế [“tư tưởng”, Bản Phổ Thông] trong lòng người ta như nước sâu; người thông-sáng sẽ múc lấy tại đó” (Châm 20:5). Sự thông sáng, hay thấu hiểu, là đặc biệt cần thiết để gợi cho con bộc lộ cảm nghĩ khi nói về những đề tài nhạy cảm.

9. Tại sao con cái nên lắng nghe cha mẹ?

9 Hỡi những người làm con, bạn có vâng lời cha mẹ không? Lời Ðức Chúa Trời nói: “Hỡi con, hãy nghe lời khuyên-dạy của cha, chớ bỏ phép-tắc của mẹ con” (Châm 1:8). Hãy nhớ là cha mẹ thương bạn và muốn những gì tốt nhất cho bạn, thế nên điều khôn ngoan là lắng nghe và vâng lời họ (Ê-phê 6:1). Bạn sẽ dễ vâng lời khi trò chuyện thân tình với cha mẹ và khi biết rằng mình được yêu thương. Hãy cho cha mẹ biết những cảm nghĩ của bạn để họ có thể hiểu bạn. Dĩ nhiên, bạn cũng nên cố gắng hiểu họ.

10. Chúng ta học được gì từ trường hợp của Rô-bô-am?

10 Bạn phải cẩn thận khi nghe lời khuyên của bạn bè đồng lứa. Họ có thể nói những lời êm tai nhưng có lẽ chúng không giúp ích gì được cho bạn. Thực tế, chúng còn có thể làm hại bạn. Vì thiếu sự khôn ngoan và kinh nghiệm của người lớn, hầu hết bạn trẻ không thể cân nhắc quyết định của mình bây giờ có thể ảnh hưởng thế nào đến tương lai. Hãy nhớ trường hợp của Rô-bô-am, con trai vua Sa-lô-môn. Khi lên ngôi vua Y-sơ-ra-ên, thay vì khôn ngoan nghe lời khuyên của những người lớn tuổi, ông đã nghe lời dại dột của những kẻ trẻ tuổi lớn lên cùng mình. Do đó, đa số dân chúng đã chống lại ông (1 Vua 12:1-17). Thay vì đi theo đường lối thiếu khôn ngoan của Rô-bô-am, bạn hãy cố gắng giữ cho cuộc trò chuyện với cha mẹ được cởi mở. Hãy trải lòng với cha mẹ, làm theo lời khuyên của họ và học sự khôn ngoan từ họ.—Châm 13:20.

11. Chuyện gì có thể sẽ xảy ra nếu cha mẹ khó đến gần?

 11 Cha mẹ hãy là người dễ đến gần và dễ nói chuyện nếu không muốn con tìm lời khuyên nơi bạn bè đồng lứa. Một chị ở tuổi mới lớn viết: “Em chỉ mới nhắc đến tên của một bạn nam mà ba mẹ em đã đứng ngồi không yên. Ðiều đó làm em thấy không thoải mái và chẳng muốn nói chuyện tiếp”. Một chị trẻ khác nói: “Nhiều thanh thiếu niên muốn cha mẹ cho lời khuyên, nhưng nếu cha mẹ không xem trọng họ thì họ sẽ tìm người nào sẵn lòng, dù người đó ít kinh nghiệm đi chăng nữa”. Nếu sẵn lòng lắng nghe với sự đồng cảm khi con nói về bất cứ chuyện gì, bạn sẽ thấy con cởi mở và muốn làm theo lời khuyên bảo của bạn.

“CHẬM NÓI”

12. Một rào cản nữa đối với việc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái là gì?

12 Một rào cản nữa đối với việc trò chuyện là khi cha mẹ phản ứng mạnh và tiêu cực trước những lời con cái nói. Có thể hiểu được là cha mẹ đạo Ðấng Ki-tô muốn bảo vệ con cái mình. “Những ngày sau cùng” này có đầy dẫy hiểm nguy, về khía cạnh tâm linh lẫn những khía cạnh khác (2 Ti 3:1-5). Thế nhưng, có lẽ con cái không nghĩ như cha mẹ và cảm thấy mình bị kiểm soát.

13. Tại sao cha mẹ nên thận trọng không vội đưa ra ý kiến?

13 Cha mẹ nên thận trọng không vội đưa ra ý kiến. Ðúng là không phải lúc nào cũng dễ im lặng khi con nói những lời làm bạn phiền lòng. Nhưng điều quan trọng là lắng nghe kỹ trước khi đáp lại. Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn viết: “Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên-dại và hổ-thẹn cho ai làm vậy” (Châm 18:13). Nếu giữ bình tĩnh, bạn sẽ nghe được nhiều hơn và con sẽ tiếp tục nói chuyện. Bạn phải hiểu hết câu chuyện thì mới có thể giúp con. Có lẽ lòng đang rối bời nên con mới nói ra những lời thiếu suy xét (Gióp 6:1-3). Là cha mẹ yêu thương, bạn hãy dùng tai để thấu hiểu và lưỡi để chữa lành.

14. Tại sao con cái nên “chậm nói”?

14 Con cái cũng cần “chậm nói”, đừng vội phản đối lời cha mẹ, vì Ðức Chúa Trời giao họ trách nhiệm dạy bạn nên người (Châm 22:6). Có lẽ họ đã từng trải qua những hoàn cảnh như bạn bây giờ. Hơn nữa, họ hối tiếc về những lỗi lầm trong quá khứ và rất muốn bảo vệ bạn khỏi vết xe đổ. Vì thế, hãy xem cha mẹ là đồng minh chứ không phải là đối thủ. (Ðọc Châm-ngôn 1:5). “Hãy hiếu kính cha mẹ” và cho họ thấy bạn thương họ như họ thương bạn. Nhờ đó, họ sẽ dễ “dùng sự sửa dạy và răn bảo của Ðức Giê-hô-va mà nuôi dạy” bạn hơn.—Ê-phê 6:2, 4.

“CHẬM NÓNG GIẬN”

15. Ðiều gì sẽ giúp chúng ta không tức giận và mất kiên nhẫn với người thân yêu?

15 Không phải lúc nào chúng ta cũng kiên nhẫn với người mình yêu thương. Trong thư gửi “các người thánh ở Cô-lô-se, là những anh em trung thành hợp nhất với Ðấng Ki-tô”, sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi người làm chồng, hãy luôn yêu vợ và đừng giận dữ với nàng... Hỡi người làm cha, đừng làm cho con bực tức, hầu chúng không bị ngã lòng” (Cô 1:1, 2; 3:19, 21). Phao-lô khuyến khích hội thánh Ê-phê-sô: “Hãy từ bỏ mọi sự cay đắng hiểm độc, tức giận, căm ghét, quát tháo, lăng mạ” (Ê-phê 4:31). Khi trau dồi những khía cạnh của bông trái thần khí như nhẫn nhịn, mềm mại, tự chủ, chúng ta sẽ giữ được bình  tĩnh dù gặp tình huống căng thẳng.—Ga 5:22, 23.

16. Chúa Giê-su chỉnh lại quan điểm của các sứ đồ bằng cách nào, và tại sao điều đó đáng chú ý?

16 Chúng ta hãy xem gương của Chúa Giê-su. Hãy hình dung sự căng thẳng tột độ của ngài vào bữa tối cuối cùng với các sứ đồ. Chúa Giê-su biết là trong vài giờ nữa ngài sẽ chết một cách từ từ và đau đớn. Việc làm thánh danh Cha và giải cứu nhân loại tùy thuộc vào sự trung thành của ngài. Vậy mà vào đúng bữa ăn đó, các sứ đồ “cãi nhau xem ai lớn nhất trong vòng họ”. Chúa Giê-su không quát tháo hay nói lời cay nghiệt, nhưng bình tĩnh lý luận với họ. Chúa Giê-su nhắc là họ đã gắn bó với ngài trong những lúc khó khăn. Dù Sa-tan sẽ sàng sảy họ như lúa mì, Chúa Giê-su bày tỏ niềm tin là họ sẽ trung thành. Thậm chí ngài còn lập giao ước với họ.—Lu 22:24-32.

17. Ðiều gì sẽ giúp con cái giữ bình tĩnh?

17 Con cái cũng cần giữ bình tĩnh. Nếu đang ở tuổi mới lớn, có thể bạn không thích cha mẹ khuyên bảo. Có lẽ bạn nghĩ rằng điều đó nghĩa là cha mẹ không tin cậy bạn. Hãy nhớ rằng cha mẹ quan tâm bạn vì họ thương bạn. Khi bình tĩnh lắng nghe và hợp tác với cha mẹ, bạn sẽ được họ tôn trọng và xem là người có trách nhiệm. Bạn sẽ được tự do hơn trong một số khía cạnh của cuộc sống. Luyện tập tính tự chủ là đường lối khôn ngoan. Một câu châm ngôn nói: “Kẻ ngu-muội tỏ ra sự nóng-giận mình; nhưng người khôn-ngoan nguôi lấp nó và cầm-giữ nó lại”.—Châm 29:11.

Bạn có lắng nghe kỹ khi con cái nói không?

18. Làm thế nào tình yêu thương giúp trò chuyện thân tình?

18 Vì vậy, hỡi các bậc cha mẹ và con cái, đừng nản nếu cuộc trò chuyện của gia đình không cởi mở như bạn muốn. Hãy tiếp tục cố gắng và bước đi theo sự thật (3 Giăng 4). Trong thế giới mới, con người sẽ hoàn hảo và không còn hiểu lầm cũng như bất đồng khi trò chuyện nữa. Còn hiện tại, chúng ta sẽ phạm những lỗi mà sau này mình phải hối tiếc. Bởi thế, đừng chần chừ nói lời xin lỗi. Cũng hãy rộng lòng tha thứ và “gắn kết hài hòa với nhau trong tình yêu thương” (Cô 2:2). Tình yêu thương có sức mạnh. ‘Người có tình yêu thương thì kiên nhẫn và tử tế, không dễ nổi giận, không ghi nhớ điều gây tổn thương. Người có tình yêu thương thì dung thứ mọi điều, tin mọi điều, hy vọng mọi điều, chịu đựng mọi điều’ (1 Cô 13:4-7). Hãy xây đắp tình yêu thương và nhờ đó việc trò chuyện sẽ được cải thiện, mang lại niềm vui cho gia đình bạn và ngợi khen Ðức Giê-hô-va.

^ đ. 6 Tên đã được thay đổi.