Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ðộc giả thắc mắc

Ðộc giả thắc mắc

“Các con trai của Ðức Chúa Trời” được nói đến nơi Sáng-thế Ký 6:2, 4 là ai?

Có bằng chứng để tin đó là những con thần linh của Ðức Chúa Trời. Bằng chứng nào?

Sáng-thế Ký 6:2 viết: “Các con trai của Ðức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt-đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ”.

Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, những cụm từ được dịch là “các con trai của Ðức Chúa Trời” xuất hiện nơi Sáng-thế Ký 6:2, 4; Gióp 1:6; 2:1; 38:7 và Thi-thiên 89:6. Những câu Kinh Thánh này cho biết gì về “các con trai của Ðức Chúa Trời”?

“Các con trai của Ðức Chúa Trời” được nói đến nơi Gióp 1:6 là những tạo vật thần linh đến ra mắt Ðức Chúa Trời. Trong đó có Sa-tan, kẻ đã “trải-qua đây đó trên đất” (Gióp 1:7; 2:1, 2). Tương tự, Gióp 38:4-7 miêu tả rằng “các con trai Ðức Chúa Trời cất tiếng reo mừng” khi Ðức Chúa Trời “trồng hòn đá góc” của trái đất. Hẳn họ là những thiên sứ, vì lúc đó con người chưa được tạo ra. “Các con trai của Ðức Chúa Trời” được đề cập nơi Thi-thiên 89:6 (NW) chắc chắn là các tạo vật thần linh ở trên trời cùng Ðức Chúa Trời, chứ không phải con người.

Vậy “các con trai của Ðức Chúa Trời” được nhắc đến nơi Sáng-thế Ký 6:2, 4 là ai? Phù hợp với những câu Kinh Thánh vừa xem, chúng ta có thể kết luận rằng đó là các con thần linh của Ðức Chúa Trời đã xuống thế.

Một số người thấy khó chấp nhận việc các thiên sứ có ước muốn quan hệ tình dục. Ðúng là những lời của Chúa Giê-su ghi nơi Ma-thi-ơ 22:30 cho thấy ở trên trời, không có việc kết hôn và quan hệ tình dục. Thế nhưng, Kinh Thánh cũng nói có lần các thiên sứ mặc lấy hình người, thậm chí ăn uống với con người (Sáng 18:1-8; 19:1-3). Vì thế, kết luận hợp lý là khi mặc lấy hình người, các thiên sứ có thể quan hệ tình dục với người nữ.

Có những lý do dựa trên Kinh Thánh để tin rằng một số thiên sứ đã làm thế. Giu-đe 6, 7 liên kết tội lỗi của dân Sô-đôm, những người theo đuổi nhục dục trái tự nhiên, với tội lỗi của “những thiên sứ không giữ vị trí ban đầu của mình mà rời bỏ nơi ở đã định”. Ðiểm chung giữa các thiên sứ ấy và dân Sô-đôm là họ “đã buông mình vào sự vô luân quá độ và theo đuổi nhục dục trái tự nhiên”. Ðoạn Kinh Thánh 1 Phi-e-rơ 3:19, 20 liên kết các thiên sứ bất tuân với “thời Nô-ê” (2 Phi 2:4, 5). Vì thế, đường lối phản nghịch của các thiên sứ vào thời Nô-ê tương tự với tội lỗi của Sô-đôm và Gô-mô-rơ.

Chúng ta chỉ có thể kết luận như thế nếu “các con trai của Ðức Chúa Trời” được đề cập nơi Sáng-thế Ký 6:2, 4 là những thiên sứ đã mặc lấy hình người và phạm tội vô luân với người nữ trên đất.

 Kinh Thánh nói Chúa Giê-su “đi giảng cho các thần linh bị cầm tù” (1 Phi 3:19). Ðiều này có nghĩa gì?

Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết các thần linh ấy là những kẻ “bất tuân vào thời Nô-ê, khi mà Ðức Chúa Trời kiên nhẫn chờ đợi” (1 Phi 3:20). Rõ ràng, Phi-e-rơ nói đến những tạo vật thần linh hùa theo Sa-tan. Giu-đe thì nói đến những thiên sứ “không giữ vị trí ban đầu của mình mà rời bỏ nơi ở đã định”. Ông cũng nói Ðức Chúa Trời đã “giam giữ họ bằng xiềng xích đời đời và họ ở trong sự tối tăm dày đặc để chờ sự phán xét vào ngày lớn”.—Giu 6.

Vào thời Nô-ê, những tạo vật thần linh đã bất tuân như thế nào? Trước trận Nước Lụt, những thần linh gian ác này đã mặc lấy hình người, điều mà Ðức Chúa Trời không ra lệnh cho họ (Sáng 6:2, 4). Hơn nữa, việc các thiên sứ ấy quan hệ tình dục với người nữ là điều trái tự nhiên. Ðức Chúa Trời tạo ra các thiên sứ không phải với mục đích đó (Sáng 5:2). Các thiên sứ bất tuân và gian ác này sẽ bị hủy diệt vào đúng thời điểm Ðức Chúa Trời đã định. Hiện nay, như Giu-đe cho biết, họ đang ở trong “sự tối tăm dày đặc”—tức bị cầm tù về thiêng liêng.

Chúa Giê-su “đi giảng cho các thần linh bị cầm tù” khi nào và như thế nào? Phi-e-rơ viết rằng Chúa Giê-su thực hiện điều này sau khi ngài “được làm sống lại ở thể thần linh” (1 Phi 3:18, 19). Văn cảnh ám chỉ rằng Chúa Giê-su làm việc ấy trước khi Phi-e-rơ viết lá thư thứ nhất. Vậy, dường như vào thời điểm nào đó sau khi được sống lại, Chúa Giê-su đã thông báo cho những thần linh gian ác biết chúng sẽ phải lãnh hình phạt thích đáng. Lời “giảng” ấy là thông điệp phán xét, không có tia hy vọng nào (Giô-na 1:1, 2). Vì Chúa Giê-su đã thể hiện đức tin và lòng trung thành cho đến chết, rồi được sống lại—chứng tỏ Kẻ Quỷ Quyệt không có quyền gì trên ngài—nên ngài có cơ sở để rao thông điệp phán xét đó.—Giăng 14:30; 16:8-11.

Trong tương lai, Chúa Giê-su sẽ xiềng và quăng Sa-tan lẫn các thiên sứ ấy xuống vực sâu (Lu 8:30, 31; Khải 20:1-3). Từ nay cho đến lúc đó, những thần linh bất tuân này ở trong tình trạng tối tăm về thiêng liêng, và chắc chắn chúng sẽ bị tiêu diệt vĩnh viễn.—Khải 20:7-10.