Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Xin thầy cho chúng tôi biết khi nào những điều đó sẽ xảy ra”

“Xin thầy cho chúng tôi biết khi nào những điều đó sẽ xảy ra”

“Có dấu hiệu gì cho thấy sự hiện diện của thầy và kỳ cuối cùng của thời đại này?”.MAT 24:3.

1. Như các sứ đồ, chúng ta háo hức muốn biết điều gì?

Thánh chức trên đất của Chúa Giê-su sắp kết thúc và các môn đồ háo hức muốn biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Vì thế, chỉ vài ngày trước khi Chúa Giê-su chết, bốn sứ đồ hỏi ngài: “Khi nào những điều đó sẽ xảy ra, có dấu hiệu gì cho thấy sự hiện diện của thầy và kỳ cuối cùng của thời đại này?” (Mat 24:3; Mác 13:3). Chúa Giê-su trả lời họ bằng một lời tiên tri dài được ghi lại nơi Ma-thi-ơ chương 24 và 25. Trong lời tiên tri này, ngài báo trước nhiều biến cố đáng chú ý. Những lời của ngài rất ý nghĩa với chúng ta vì chúng ta cũng háo hức muốn biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.

2. (a) Qua nhiều năm, chúng ta cố gắng hiểu rõ hơn điều gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét ba câu hỏi nào?

2 Qua nhiều năm, tôi tớ Ðức Giê-hô-va đã cầu nguyện và nghiên cứu kỹ lời tiên tri của Chúa Giê-su về những ngày sau cùng. Họ cố gắng để hiểu rõ hơn khi nào những lời của Chúa Giê-su được ứng nghiệm. Ðể thấy rõ sự hiểu biết của chúng ta được cải tiến ra sao, hãy xem xét ba câu hỏi. Khi nào “hoạn nạn lớn” bắt đầu? Khi nào Chúa Giê-su phán quyết ai là “chiên”, ai là “dê”? Khi nào ngài “đến”?—Mat 24:21; 25:31-33.

KHI NÀO HOẠN NẠN LỚN BẮT ÐẦU?

3. Trong quá khứ, chúng ta hiểu thế nào về hoạn nạn lớn?

3 Trong nhiều năm, chúng ta đã nghĩ rằng hoạn nạn lớn bắt đầu khi Thế Chiến I bùng nổ vào năm 1914. Chúng ta cũng cho rằng Ðức Giê-hô-va làm cho ‘những ngày ấy giảm bớt’ vào năm 1918 khi cuộc chiến đó kết thúc, để những tín đồ được xức dầu còn lại có cơ hội rao giảng tin mừng cho muôn dân (Mat 24:21, 22). Sau khi công việc rao giảng hoàn tất, thế gian của Sa-tan sẽ bị hủy diệt. Vì thế, chúng ta từng hiểu rằng hoạn nạn lớn có ba giai  đoạn: khởi đầu (1914-1918), gián đoạn (từ 1918 trở đi) và kết thúc là Ha-ma-ghê-đôn.

4. Sự hiểu biết nào giúp chúng ta hiểu rõ hơn lời tiên tri của Chúa Giê-su về những ngày sau cùng?

4 Tuy nhiên, sau khi xem xét thêm lời tiên tri của Chúa Giê-su về những ngày sau cùng, chúng ta hiểu rằng một phần của lời tiên tri ấy được ứng nghiệm hai lần (Mat 24:4-22). Lần đầu là ở Giu-đa vào thế kỷ thứ nhất và sẽ có một lần ứng nghiệm trên phạm vi toàn cầu trong thời chúng ta. Sự hiểu biết này dẫn đến một số điều chỉnh *.

5. (a) Thời kỳ khó khăn nào bắt đầu năm 1914? (b) Thời kỳ khốn khổ đó tương ứng với thời kỳ nào vào thế kỷ thứ nhất?

5 Chúng ta cũng hiểu rằng hoạn nạn lớn không bắt đầu năm 1914. Tại sao? Vì Kinh Thánh tiết lộ rằng hoạn nạn lớn sẽ không bắt đầu bằng cuộc chiến giữa các nước nhưng bằng cuộc tấn công tôn giáo sai lầm. Vì thế, những biến cố đã xảy ra năm 1914 không phải là khởi đầu của hoạn nạn lớn, mà là “khởi đầu của sự khốn khổ” (Mat 24:8). “Sự khốn khổ” này tương ứng với những gì đã xảy ra ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đa từ năm 33 đến năm 66 CN.

6. Biến cố nào đánh dấu sự khởi đầu của hoạn nạn lớn?

 6 Biến cố nào đánh dấu sự khởi đầu của hoạn nạn lớn? Chúa Giê-su báo trước: “Khi anh em thấy vật gớm ghiếc gây tàn phá đang đứng ở nơi thánh, như được nói đến qua nhà tiên tri Ða-ni-ên (người đọc phải suy xét), thì ai ở trong xứ Giu-đa hãy chạy trốn lên núi” (Mat 24:15, 16). ‘Vật gớm ghiếc đứng ở nơi thánh’ được ứng nghiệm lần đầu vào năm 66 CN, khi quân La Mã (“vật gớm ghiếc”) tấn công Giê-ru-sa-lem và đền thờ tại thành này (“nơi thánh” trong mắt người Do Thái). Lần ứng nghiệm thứ hai có quy mô rộng lớn hơn là khi Liên Hiệp Quốc (“vật  gớm ghiếc” tân thời) tấn công khối Ki-tô giáo (“nơi thánh” trong mắt của những người tự nhận là môn đồ Chúa Giê-su) và phần còn lại của Ba-by-lôn Lớn. Cuộc tấn công ấy được miêu tả trong Khải huyền 17:16-18. Biến cố này là sự khởi đầu của hoạn nạn lớn.

7. (a) Ai được cứu vào thế kỷ thứ nhất và được cứu như thế nào? (b) Chúng ta có thể mong chờ điều gì trong tương lai?

 7 Chúa Giê-su cũng báo trước: “Các ngày ấy sẽ giảm bớt”. Những lời này được ứng nghiệm lần đầu năm 66 CN, khi quân La Mã “giảm bớt” cuộc tấn công, tức rút lui. Sau đó, những tín đồ được xức dầu ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đa trốn khỏi thành, nhờ thế họ được cứu. (Ðọc Ma-thi-ơ 24:22; Mal 3:17). Vậy, chúng ta có thể mong chờ điều gì trong hoạn nạn lớn sắp đến? Ðức Giê-hô-va sẽ “giảm bớt” cuộc tấn công của Liên Hiệp Quốc nhắm vào tôn giáo sai lầm, để tôn giáo thật không bị hủy diệt chung với tôn giáo sai lầm. Nhờ thế, dân Ðức Chúa Trời sẽ được cứu.

8. (a) Những biến cố nào sẽ xảy ra sau khi giai đoạn đầu của hoạn nạn lớn kết thúc? (b) Dường như thành viên cuối cùng thuộc 144.000 người sẽ nhận phần thưởng trên trời vào thời điểm nào? (Xem chú thích).

  8 Ðiều gì sẽ xảy ra sau khi giai đoạn đầu của hoạn nạn lớn kết thúc? Những lời của Chúa Giê-su cho thấy sẽ có một khoảng thời gian trước khi Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ. Những biến cố nào sẽ xảy ra trong khoảng thời gian này? Lời giải đáp được tìm thấy nơi Ê-xê-chi-ên 38:14-16 và Ma-thi-ơ 24:29-31. (Ðọc). * Sau đó, chúng ta sẽ chứng kiến Ha-ma-ghê-đôn, đỉnh điểm của hoạn nạn lớn, biến cố tương ứng với sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN (Mal 4:1). Với đỉnh điểm là trận chiến Ha-ma-ghê-đôn, hoạn nạn lớn sẽ là biến cố có một không hai, biến cố mà “từ khi có loài người cho tới nay chưa hề xảy ra như vậy” (Mat 24:21). Sau đó, Triều Ðại  Một Ngàn Năm của Ðấng Ki-tô sẽ bắt đầu.

9. Lời tiên tri của Chúa Giê-su về hoạn nạn lớn tác động thế nào đến dân Ðức Giê-hô-va?

9 Lời tiên tri của Chúa Giê-su về hoạn nạn lớn làm chúng ta vững mạnh. Tại sao? Vì nó đảm bảo rằng dù phải trải qua bất cứ khó khăn nào, dân Ðức Giê-hô-va với tư cách một tập thể sẽ vượt qua hoạn nạn lớn (Khải 7:9, 14). Trên hết, chúng ta vui mừng vì tại Ha-ma-ghê-đôn, Ðức Giê-hô-va sẽ biện minh cho quyền tối thượng của ngài và làm thánh danh ngài.—Thi 83:18; Ê-xê 38:23.

KHI NÀO CHÚA GIÊ-SU PHÁN QUYẾT AI LÀ CHIÊN, AI LÀ DÊ?

10. Trong quá khứ, chúng ta hiểu thế nào về thời điểm diễn ra việc phán quyết ai là chiên, ai là dê?

10 Giờ đây, hãy xem xét thời điểm ứng nghiệm phần khác trong lời tiên tri của Chúa Giê-su, đó là minh họa về chiên và dê (Mat 25:31-46). Trước đây, chúng ta đã nghĩ việc phán quyết ai là chiên, ai là dê diễn ra trong suốt thời kỳ sau cùng kể từ năm 1914. Chúng ta đã kết luận rằng những người từ chối thông điệp Nước Trời và chết trước khi hoạn nạn lớn bắt đầu bị xem là dê và không có hy vọng sống lại.

11. Tại sao việc phán quyết ai là chiên, ai là dê chưa bắt đầu năm 1914?

11 Giữa thập niên 1990, Tháp Canh xem xét lại câu Ma-thi-ơ 25:31: “Khi Con Người đến trong sự vinh quang cùng với tất cả các thiên sứ, ngài sẽ ngồi trên ngai vinh hiển của mình”. Tháp Canh đã giải thích rằng dù Chúa Giê-su lên ngôi Vua Nước Trời vào năm 1914, nhưng lúc đó ngài chưa “ngồi trên ngai vinh hiển của mình” với tư cách là Ðấng Phán Xét “muôn dân” (Mat 25:32; so sánh Ða-ni-ên 7:13). Thế nhưng, minh họa về chiên và dê chủ yếu miêu tả công việc Chúa Giê-su sẽ thực hiện trên cương vị Ðấng Phán Xét. (Ðọc Ma-thi-ơ 25:31-34, 41, 46). Vì Chúa Giê-su chưa hành động với tư cách là Ðấng Phán Xét muôn dân vào năm 1914, nên việc phán quyết ai là chiên, ai là dê chưa bắt đầu vào năm đó *. Vậy, điều đó bắt đầu khi nào?

12. (a) Khi nào Chúa Giê-su bắt đầu hành động với tư cách là Ðấng Phán Xét muôn dân? (b) Những biến cố nào được miêu tả nơi Ma-thi-ơ 24:30, 31 và Ma-thi-ơ 25:31-33, 46?

  12 Lời tiên tri của Chúa Giê-su về những ngày sau cùng tiết lộ rằng chỉ sau khi tôn giáo sai lầm bị hủy diệt, ngài mới bắt đầu hành động với tư cách là Ðấng Phán Xét muôn dân. Như được đề cập trong  đoạn 8, một số biến cố xảy ra vào lúc đó được ghi lại nơi Ma-thi-ơ 24:30, 31. Khi xem xét những câu này, bạn sẽ nhận thấy các biến cố mà Chúa Giê-su báo trước tương tự với những gì ngài đề cập trong minh họa về chiên và dê. Chẳng hạn: Con Người đến trong sự vinh quang cùng với các thiên sứ, mọi dân sẽ nhóm lại, những người được xét là chiên “ngước đầu lên” vì sẽ nhận được “sự sống vĩnh cửu” *. Những người bị xét là dê thì “đấm ngực than khóc” vì biết mình phải chịu “sự chết vĩnh viễn”.—Mat 25:31-33, 46.

13. (a) Khi nào Chúa Giê-su sẽ phán quyết ai là chiên, ai là dê? (b) Sự hiểu biết này ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của chúng ta về thánh chức?

 13 Vậy, chúng ta có thể kết luận rằng Chúa Giê-su sẽ phán quyết ai là chiên, ai là dê khi ngài đến trong hoạn nạn lớn. Sau đó, tại Ha-ma-ghê-đôn, đỉnh điểm của hoạn nạn lớn, những người bị xem là dê sẽ “chết vĩnh viễn”. Sự hiểu biết này ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của chúng ta về thánh chức? Nó giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của công việc rao giảng. Từ nay cho đến khi hoạn nạn lớn bắt đầu, người ta vẫn có thời  gian để thay đổi suy nghĩ và bước đi trên con đường chật “dẫn đến sự sống” (Mat 7:13, 14). Có lẽ hiện nay người ta đã bộc lộ những đặc tính của chiên hoặc dê, nhưng chúng ta nên nhớ rằng ai là chiên, ai là dê chỉ được xác định trong hoạn nạn lớn. Vì thế, chúng ta có lý do chính đáng để cho càng nhiều người càng tốt cơ hội lắng nghe và hưởng ứng thông điệp Nước Trời.

Từ nay cho đến khi hoạn nạn lớn bắt đầu, người ta vẫn có thời gian để thay đổi suy nghĩ (Xem đoạn 13)

KHI NÀO CHÚA GIÊ-SU ÐẾN?

14, 15. Bốn câu Kinh Thánh nào nói đến việc Ðấng Ki-tô đến trong tương lai với tư cách là Ðấng Phán Xét?

 14 Việc xem xét thêm lời tiên tri của Chúa Giê-su có cho thấy chúng ta cần điều chỉnh cách hiểu về thời điểm của những biến cố quan trọng khác không? Chính lời tiên tri này giải đáp điều đó. Chúng ta hãy cùng xem.

15 Nơi Ma-thi-ơ 24:29–25:46, Chúa Giê-su chủ yếu tập trung vào các biến cố xảy ra trong những ngày sau cùng và trong hoạn nạn lớn. Trong phần này, Chúa Giê-su đề cập tám lần việc ngài “đến”, “trở về” hoặc “trở lại” *. Về hoạn nạn lớn, ngài nói: “Họ sẽ thấy Con Người đến trong các đám mây trên trời”, “anh em không biết ngày nào Chúa mình đến” và “Con Người sẽ đến vào giờ mà anh em không ngờ”. Trong minh họa về chiên và dê, ngài nói: “Con Người đến trong sự vinh quang” (Mat 24:30, 42, 44; 25:31). Cả bốn lần đề cập đó đều nói về việc Ðấng Ki-tô đến trong tương lai với tư cách là Ðấng Phán Xét. Bốn lần còn lại được đề cập ở đâu trong lời tiên tri?

16. Việc Chúa Giê-su đến được đề cập trong những câu Kinh Thánh nào khác?

16 Về đầy tớ trung tín và khôn ngoan, Chúa Giê-su nói: “Hạnh phúc cho đầy tớ đó khi Chủ đến thấy người làm thế!”. Trong dụ ngôn về trinh nữ, ngài nói: “Trong khi họ đi mua thì chàng rể đến”. Trong dụ ngôn về ta-lâng, ngài nói: “Sau một thời gian dài, chủ của những đầy tớ đó trở về”. Cũng trong dụ ngôn ấy, chủ nói: “Khi trở lại, ta sẽ nhận được cả vốn lẫn lãi” (Mat 24:46; 25:10, 19, 27). Việc Chúa Giê-su đến được đề cập trong bốn câu Kinh Thánh này ám chỉ thời điểm nào?

17. Chúng ta từng giải thích thế nào về việc đến của Chúa Giê-su được đề cập nơi Ma-thi-ơ 24:46?

 17 Trong quá khứ, ấn phẩm của chúng ta nói rằng bốn lần đề cập sau ám chỉ việc Chúa Giê-su đến vào năm 1918. Chẳng hạn, hãy xem lời Chúa Giê-su nói về “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”. (Ðọc Ma-thi-ơ 24:45-47). Trước đây, chúng ta hiểu việc “đến” được đề cập trong câu 46 ám chỉ Chúa Giê-su đến thanh tra tình trạng thiêng liêng của những tín đồ được xức dầu vào năm 1918, và đầy tớ được giao nhiệm vụ coi sóc cả gia tài của Chủ vào năm 1919 (Mal 3:1). Tuy nhiên, việc xem xét thêm lời tiên tri của Chúa Giê-su cho thấy chúng ta cần điều chỉnh cách hiểu về thời điểm ứng nghiệm của một số khía cạnh trong lời tiên tri đó. Tại sao?

18. Việc xem xét toàn bộ lời tiên tri của Chúa Giê-su đưa chúng ta đến kết luận nào về việc đến của ngài?

 18 Từ “đến” trong những câu trước Ma-thi-ơ 24:46 đều ám chỉ thời điểm Chúa Giê-su đến để tuyên án và thi hành án trong hoạn nạn lớn (Mat 24:30, 42, 44). Ðồng thời, như đã xem xét trong  đoạn 12, việc “đến” của Chúa Giê-su được đề cập nơi Ma-thi-ơ 25:31 ám chỉ cùng thời điểm phán xét ấy. Vậy, hợp lý để kết luận rằng việc Chúa Giê-su đến giao nhiệm vụ coi sóc cả gia tài cho đầy tớ trung tín được đề cập nơi Ma-thi-ơ 24:46, 47 cũng ám chỉ thời điểm ngài đến trong tương lai, khi hoạn nạn lớn diễn ra. Thật vậy, việc xem xét toàn bộ lời tiên tri của Chúa Giê-su cho thấy rõ cả tám lần đề cập về việc đến của ngài đều nói về thời điểm phán xét trong hoạn nạn lớn.

19. Chúng ta đã xem xét những điều chỉnh nào về sự hiểu biết, và những bài kế tiếp sẽ xem xét các câu hỏi nào?

19 Chúng ta học được gì qua bài này? Trong phần mở đầu, chúng ta đã nêu ba câu hỏi “khi nào”. Trước tiên, chúng ta thấy rằng hoạn nạn lớn không bắt đầu năm 1914, nhưng sẽ bắt đầu khi Liên Hiệp Quốc tấn công Ba-by-lôn Lớn. Sau đó, chúng ta hiểu tại sao việc Chúa Giê-su phán quyết ai là chiên, ai là dê không bắt đầu năm 1914, nhưng sẽ diễn ra trong hoạn nạn lớn. Cuối cùng, chúng ta hiểu rằng Chúa Giê-su không đến để giao nhiệm vụ coi sóc cả gia tài cho đầy tớ trung tín vào năm 1919, nhưng ngài sẽ làm thế trong hoạn nạn lớn. Vậy, cả ba biến cố được xem xét trong bài này đều xảy ra cùng một thời điểm trong tương lai, đó là hoạn nạn lớn. Sự điều chỉnh này ảnh hưởng thế nào đến cách hiểu của chúng ta về minh họa đầy tớ trung tín? Và nó ảnh hưởng ra sao đến cách hiểu của chúng ta về những dụ ngôn, hay minh họa, khác của Chúa Giê-su đang ứng nghiệm trong thời kỳ sau cùng này? Những câu hỏi quan trọng ấy sẽ được xem xét trong các bài kế tiếp.

 

^ đ. 4 Ðoạn 4: Ðể biết thêm thông tin, xin xem Bài học chính từ Tháp Canh Anh ngữ năm 1993 và 1994—Phần 1, trang 89-95, Bài học chính từ Tháp Canh Anh ngữ năm 1994—Phần 2, trang 3-8 và Tháp Canh ngày 1-5-1999, trang 8-20.

^ đ. 8 Ðoạn 8: Một sự kiện được đề cập trong những câu Kinh Thánh này là “thu nhóm những người được chọn” (Mat 24:31). Vì thế, dường như tất cả tín đồ được xức dầu vẫn còn trên đất sau khi giai đoạn đầu của hoạn nạn lớn kết thúc sẽ được cất lên trời vào thời điểm nào đó trước khi trận chiến Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ. Sự điều chỉnh này cập nhật cho thông tin nơi mục “Ðộc giả thắc mắc” trong Tháp Canh ngày 15-8-1990, trang 30 (Anh ngữ).

^ đ. 11 Ðoạn 11: Xin xem Tháp Canh ngày 15-10-1995, trang 18-28.

^ đ. 12 Ðoạn 12: Xin xem lời tường thuật tương ứng nơi Lu-ca 21:28.

^ đ. 15 Ðoạn 15: Những từ “đến”, “trở về” và “trở lại” trong tám lần đề cập này được dịch từ những dạng khác nhau của động từ Hy Lạp er′kho·mai.