Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thánh chức tiên phong củng cố mối quan hệ với Ðức Chúa Trời

Thánh chức tiên phong củng cố mối quan hệ với Ðức Chúa Trời

“Hãy hát ngợi-khen Ðức Chúa Trời chúng ta; vì là việc tốt-lành”.THI 147:1.

1, 2. (a) Suy nghĩ và nói về một người thân yêu mang lại kết quả nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

Suy nghĩ và nói về một người thân yêu có thể củng cố mối quan hệ của chúng ta với người ấy. Về mối quan hệ của chúng ta với Ðức Giê-hô-va cũng vậy. Là người chăn chiên, nhiều đêm Ða-vít ngắm nhìn bầu trời đầy sao và suy ngẫm về sự vĩ đại của Ðấng Tạo Hóa. Ông viết: “Khi tôi nhìn-xem các từng trời là công-việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt, loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm-viếng nó?” (Thi 8:3, 4). Sau khi xem xét ý định của Ðức Giê-hô-va về dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng đang được thực hiện một cách kỳ diệu, sứ đồ Phao-lô thốt lên: “Sâu thẳm thay là sự giàu có, khôn ngoan và hiểu biết của Ðức Chúa Trời!”.—Rô 11:17-26, 33.

2 Khi tham gia thánh chức, chúng ta suy nghĩ và nói về Ðức Giê-hô-va. Nhờ thế, mối quan hệ của chúng ta với ngài được củng cố. Nhiều người tiên phong nhận thấy việc dành nhiều thời gian cho thánh chức giúp họ gia tăng tình yêu thương với Ðức Chúa Trời. Dù bạn là tiên phong hay đang nỗ lực vươn tới đặc ân này, hãy xem xét những câu hỏi sau: “Thánh chức tiên phong có thể củng cố mối quan hệ của bạn với Ðức Giê-hô-va như thế nào? Nếu là tiên phong, điều gì sẽ giúp bạn tiếp tục sự nghiệp đầy ân phước này? Nếu chưa làm tiên phong, bạn cần điều chỉnh những gì để có thể làm tiên phong?”. Trước hết, hãy xem thánh chức tiên phong có thể củng cố mối quan hệ của chúng ta với Ðức Chúa Trời ra sao.

 THÁNH CHỨC TIÊN PHONG CỦNG CỐ MỐI QUAN HỆ VỚI ÐỨC CHÚA TRỜI

3. Chia sẻ với người khác về những ân phước mà Nước Trời sẽ đem lại tác động thế nào đến chúng ta?

3 Chia sẻ với người khác về những ân phước mà Nước Trời sẽ đem lại giúp chúng ta đến gần Ðức Giê-hô-va hơn. Bạn thích dùng câu Kinh Thánh nào khi rao giảng từng nhà? Có phải là Thi-thiên 37:10, 11; Ða-ni-ên 2:44; Giăng 5:28, 29 hay Khải huyền 21:3, 4? Mỗi lần chia sẻ những lời hứa như thế, chúng ta được nhắc nhở rằng Ðức Chúa Trời là đấng rộng rãi ban cho “mọi món quà tốt lành và hoàn hảo”. Ðiều này giúp chúng ta đến gần ngài hơn.—Gia 1:17.

4. Tại sao việc thấy người ta nghèo khổ về thiêng liêng giúp chúng ta càng quý trọng sự tốt lành của Ðức Chúa Trời?

4 Chứng kiến sự nghèo khổ về thiêng liêng của những người mình gặp trong thánh chức giúp chúng ta càng quý trọng sự thật. Những người ngoài thế gian không có sự hướng dẫn đáng tin cậy giúp họ đạt được hạnh phúc và thành công. Ða số lo lắng về tương lai và không có hy vọng. Họ tìm kiếm ý nghĩa của đời sống. Phần lớn những người có tôn giáo hiểu rất ít về Kinh Thánh. Họ rất giống dân thành Ni-ni-ve xưa. (Ðọc Giô-na 4:11). Càng gia tăng thánh chức, chúng ta càng thấy rõ sự tương phản giữa tình trạng của những người mình gặp với dân Ðức Giê-hô-va (Ê-sai 65:13). Ðức Giê-hô-va không chỉ chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho dân ngài mà còn cho mọi người cơ hội nhận sự an ủi và hy vọng thật. Ðiều này cho thấy ngài quả là đấng tốt lành!—Khải 22:17.

5. Dạy người khác sự thật giúp chúng ta cảm thấy thế nào về vấn đề của mình?

5 Giúp người khác về thiêng liêng làm chúng ta không quá chú tâm vào vấn đề của mình. Trisha, một chị tiên phong đều đều, cảm nghiệm được điều đó khi cha mẹ chị ly dị. Chị kể: “Ðó là một trong những biến cố đau buồn nhất trong đời tôi”. Một ngày, chị cảm thấy rất buồn và không muốn ra ngoài. Nhưng rồi chị vẫn đi học Kinh Thánh với ba em nhỏ có hoàn cảnh rất éo le. Các em bị cha bỏ rơi và bị anh trai đối xử tệ bạc. Chị Trisha nói: “Những vấn đề tôi phải đương đầu chẳng là gì so với vấn đề của các em. Khi học Kinh Thánh, mắt các em sáng lên và cười vui sướng. Các em là món quà Ðức Giê-hô-va ban cho tôi, nhất là vào hôm đó”.

6, 7. (a) Khi dạy sự thật Kinh Thánh cho người khác, đức tin của chúng ta được củng cố ra sao? (b) Chúng ta được tác động thế nào khi chứng kiến học viên cải thiện đời sống nhờ các nguyên tắc Kinh Thánh?

6 Dạy người khác các sự thật trong Kinh Thánh giúp chúng ta củng cố đức tin. Sứ đồ Phao-lô viết cho một số người Do Thái cùng thời, những người không thực hành điều họ dạy: “Anh dạy người khác mà không dạy chính mình sao?” (Rô 2:21). Các tiên phong thường có nhiều cơ hội để giúp người khác biết sự thật và điều khiển học hỏi Kinh Thánh. Ðể làm tốt điều này, trước tiên họ phải dạy chính mình. Họ cần chuẩn bị cho mỗi buổi học và có lẽ còn nghiên cứu để giải đáp các thắc mắc. Một tiên phong tên là Janeen chia sẻ: “Mỗi lần dạy sự thật cho người khác, những sự thật càng khắc ghi vào tâm trí tôi. Nhờ thế, đức tin của tôi không ì ạch mà tiếp tục lớn mạnh”.

7 Chứng kiến học viên cải thiện đời sống khi áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh giúp chúng ta càng quý trọng sự khôn ngoan của Ðức Chúa Trời (Ê-sai 48:17, 18). Ðiều này giúp chúng ta càng quyết tâm tiếp tục áp dụng những nguyên tắc ấy vào đời sống. Một chị tiên phong tên là Adrianna nhận xét: “Khi người ta dựa vào sự khôn ngoan của mình, đời sống họ dễ gặp vấn đề. Nhưng khi bắt đầu dựa vào sự khôn ngoan của Ðức Giê-hô-va, ngay lập tức  họ nhận được lợi ích”. Một tiên phong khác là anh Phil cũng nói: “Chúng ta thấy Ðức Giê-hô-va có thể thay đổi những người mà trước đây họ không tự mình làm được”.

8. Việc chung vai sát cánh với anh em đồng đạo trong thánh chức tác động thế nào đến chúng ta?

8 Chung vai sát cánh với anh em đồng đạo trong thánh chức xây dựng chúng ta về thiêng liêng (Châm 13:20). Ða số các tiên phong kết hợp nhiều với anh em đồng đạo trong thánh chức. Ðiều này tạo nhiều cơ hội để họ “khích lệ lẫn nhau” (Rô 1:12; đọc Châm-ngôn 27:17). Một chị tiên phong tên là Lisa nhận xét: “Những nơi làm việc thường có tinh thần cạnh tranh và đố kỵ. Mỗi ngày, mình phải nghe những chuyện thày lay và lời tục tĩu. Người ta muốn thăng tiến bằng mọi giá. Ðôi khi, mình bị chế giễu vì giữ hạnh kiểm của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. Nhưng việc kết hợp với các anh chị trong thánh chức mang lại sự khích lệ. Khi trở về nhà vào buổi tối, dù mệt đến đâu, tôi vẫn cảm thấy được tươi tỉnh”.

9. Cùng làm tiên phong với người hôn phối có thể củng cố “sợi dây bện ba” ra sao?

9 Cùng làm tiên phong với người hôn phối củng cố “sợi dây bện ba” (Truyền 4:12). Madeline, một chị cùng làm tiên phong với chồng, chia sẻ: “Vợ chồng tôi có thể nói chuyện với nhau về thánh chức trong ngày hoặc về một điểm chúng tôi tìm thấy khi đọc Kinh Thánh mà có thể áp dụng vào thánh chức. Mỗi năm cùng làm tiên phong, chúng tôi cảm thấy gần gũi nhau hơn”. Một chị tiên phong tên là Trisha nói rằng hai vợ chồng chị thống nhất không mua những thứ nằm ngoài khả năng của họ. Kết quả là họ không cãi nhau về tiền bạc. Chị cũng nói: “Chúng tôi có cùng  thời gian biểu cho thánh chức, nên có nhiều thời gian kết hợp với nhau như đi thăm lại, học hỏi và thảo luận về cách giúp học viên. Nhờ thế, chúng tôi đồng điệu với nhau về tinh thần lẫn tâm linh”.

Bận rộn trong công việc tiên phong mang lại đời sống thỏa nguyện (Xem đoạn 9)

10. Khi đặt Nước Trời lên hàng đầu và cảm nghiệm sự trợ giúp của Ðức Chúa Trời, lòng tin cậy của chúng ta nơi ngài được củng cố ra sao?

10 Việc đặt Nước Trời lên hàng đầu, cảm nghiệm sự trợ giúp của Ðức Giê-hô-va và thấy ngài đáp lời cầu nguyện của mình củng cố lòng tin cậy của chúng ta nơi ngài. Tất cả các tín đồ trung thành đều tin cậy Ðức Giê-hô-va, nhưng các tiên phong nhận thấy chỉ khi tin cậy ngài, họ mới có thể tiếp tục sự nghiệp tiên phong. (Ðọc Ma-thi-ơ 6:30-34). Anh Curt, làm tiên phong và giám thị vòng quanh dự khuyết, đồng ý đi thăm một hội thánh cách nhà hai tiếng rưỡi. Anh và vợ, cũng là tiên phong, chỉ có vừa đủ xăng để đến hội thánh, không đủ cho lượt về, mà một tuần nữa anh mới được lĩnh lương. Anh Curt cho biết: “Tôi phân vân không biết mình quyết định như thế có đúng hay không”. Sau khi cầu nguyện, họ thống nhất sẽ đảm trách nhiệm vụ và tin rằng Ðức Chúa Trời sẽ chăm lo nhu cầu của họ. Khi họ sắp đi, một chị gọi điện và nói muốn tặng quà cho họ. Quà đó là gì? Là số tiền vừa đủ để họ hoàn tất chuyến đi. Anh Curt nói: “Khi cảm nghiệm những điều như vậy hết lần này đến lần khác, bạn sẽ dễ dàng thấy bàn tay chăm sóc của Ðức Giê-hô-va”.

11. Các anh chị tiên phong cảm nghiệm được những ân phước nào?

11 Thật vậy, những anh chị tiên phong thường cảm nghiệm rằng khi họ dành nhiều thời gian cho công việc của Ðức Giê-hô-va và củng cố mối quan hệ với ngài, thì vô vàn ân phước “giáng xuống” trên họ (Phục 28:2). Dù vậy, họ cũng đối mặt với những thử thách. Mọi tôi tớ của Ðức Chúa Trời đều bị ảnh hưởng bởi các vấn đề do cuộc phản nghịch của A-đam gây ra. Ðôi khi, những vấn đề có thể khiến một người tiên phong tạm thời ngưng việc phụng sự trọn thời gian. Nhưng thường thì các tiên phong có thể giải quyết, thậm chí tránh được vấn đề như thế. Ðiều gì có thể giúp các anh chị tiếp tục sự nghiệp đầy ân phước này?

LÀM THẾ NÀO CÓ THỂ TIẾP TỤC SỰ NGHIỆP TIÊN PHONG?

12, 13. (a) Một tiên phong nên làm gì nếu thấy khó đạt đủ số giờ quy định? (b) Tại sao việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày, học hỏi cá nhân và suy ngẫm là điều quan trọng?

12 Hầu hết các tiên phong đều rất bận rộn. Vì thế, để có thể chu toàn mọi việc, họ cần khéo sắp xếp (1 Cô 14:33, 40). Nếu một tiên phong thấy khó đạt đủ số giờ quy định, có thể người ấy cần xem lại cách mình đang dùng thời gian (Ê-phê 5:15, 16). Hãy tự hỏi: “Mình dành bao nhiêu thời gian cho việc giải trí? Mình có cần sống kỷ luật hơn không? Mình có thể điều chỉnh thời gian biểu của công việc ngoài đời không?”. Hẳn mọi tín đồ đều thừa nhận là mình dễ thêm các hoạt động khác vào thời gian biểu. Vì thế, các tiên phong có thể cần thường xuyên xem lại thời gian biểu và điều chỉnh nếu cần.

13 Việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày, học hỏi cá nhân và suy ngẫm phải là các mục cố định trong thời gian biểu của người tiên phong. Vì thế, một tiên phong cần đảm bảo rằng những điều kém quan trọng không chiếm thời gian của những hoạt động thiết yếu (Phi-líp 1:10). Chẳng hạn, hãy hình dung một anh trở về nhà sau một ngày rao giảng. Anh muốn dành buổi tối đó để chuẩn bị cho buổi nhóm họp. Thế nhưng, trước tiên anh đọc thư, rồi mở máy vi tính, xem e-mail và hồi âm. Nhân tiện, anh vào một trang web để xem thứ anh muốn mua đã giảm giá chưa. Gần hai tiếng đồng hồ trôi qua mà anh chưa bắt đầu chuẩn bị cho buổi nhóm  họp. Tại sao đây là vấn đề? Nếu muốn có sự nghiệp lâu dài, một vận động viên chuyên nghiệp phải đều đặn ăn uống đủ chất. Tương tự, nếu muốn tiếp tục sự nghiệp phụng sự trọn thời gian, các tiên phong cần học hỏi cá nhân đều đặn để được củng cố về thiêng liêng.—1 Ti 4:16.

14, 15. (a) Tại sao các tiên phong nên giữ đời sống đơn giản? (b) Khi gặp khó khăn, một tiên phong nên làm gì?

14 Những tiên phong thành công cố gắng giữ đời sống đơn giản. Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ giữ mắt đơn thuần (Mat 6:22). Ngài giữ đời sống đơn giản để toàn tâm thi hành thánh chức. Có lần ngài nói: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu” (Mat 8:20). Noi gương Chúa Giê-su, các tiên phong nên ghi nhớ rằng càng có nhiều vật dụng, họ càng mất thời gian và tiền của để bảo dưỡng, sửa chữa hoặc thay thế.

15 Các tiên phong ý thức rằng thánh chức trọn thời gian là một đặc ân, nhưng họ không xem mình hơn người khác. Thay vì thế, họ biết mình nhận được đặc ân này là nhờ lòng nhân từ bao la của Ðức Chúa Trời. Vì vậy để giữ đặc ân này, họ cần nương cậy ngài (Phi-líp 4:13). Dĩ nhiên, có lúc các tiên phong sẽ gặp khó khăn và thử thách (Thi 34:19). Khi đó, họ nên tìm sự hướng dẫn của Ðức Giê-hô-va và cho ngài cơ hội giúp mình, thay vì vội từ bỏ đặc ân này. (Ðọc Thi-thiên 37:5). Khi cảm nghiệm sự giúp đỡ đầy yêu thương của Ðức Chúa Trời, họ sẽ đến gần ngài hơn và thấy ngài là Cha đầy lòng quan tâm.—Ê-sai 41:10.

BẠN CÓ THỂ GIA NHẬP HÀNG NGŨ TIÊN PHONG KHÔNG?

16. Nếu muốn làm tiên phong, bạn nên làm gì?

16 Nếu bạn muốn cảm nghiệm các ân phước mà thánh chức tiên phong mang lại, hãy bày tỏ ước muốn đó với Ðức Giê-hô-va (1 Giăng 5:14, 15). Hãy nói chuyện với những anh chị đang làm tiên phong. Hãy lập danh sách các mục tiêu để vươn tới đặc ân này. Ðó là điều anh Keith và chị Erika đã làm. Hai anh chị làm việc ngoài đời trọn thời gian và không lâu sau khi cưới, họ cũng mua nhà và xe hơi như bao cặp cùng tuổi. Họ nói: “Chúng tôi tưởng rằng những thứ đó sẽ mang lại sự thỏa lòng, nhưng thực tế không phải như vậy”. Khi mất việc, anh Keith đã làm tiên phong phụ trợ. Anh kể: “Công việc tiên phong nhắc tôi nhớ rằng thánh chức mang lại rất nhiều niềm vui”. Họ kết bạn với một cặp tiên phong, những người đã giúp họ nhận ra công việc tiên phong và đời sống đơn giản mang lại niềm vui. Anh Keith và chị Erika đã làm gì? Họ cho biết: “Chúng tôi lập danh sách các mục tiêu thiêng liêng và dán lên tủ lạnh, rồi đánh dấu mục tiêu nào chúng tôi đã đạt được”. Sau một thời gian, họ đã có thể làm tiên phong.

17. Tại sao bạn nên xem xét kỹ hoàn cảnh cá nhân để xem mình có thể làm tiên phong hay không?

17 Bạn có thể gia nhập hàng ngũ tiên phong không? Nếu hiện tại bạn thấy mình chưa thể, hãy nỗ lực đến gần Ðức Giê-hô-va hơn bằng cách tham gia hết mình trong thánh chức. Sau khi cầu nguyện và xem xét kỹ hoàn cảnh cá nhân, có lẽ bạn sẽ nhận ra một số điều trong đời sống mà mình có thể điều chỉnh để làm tiên phong. Khi tham gia thánh chức tiên phong, niềm vui mà bạn nhận được sẽ vượt xa so với những gì bạn hy sinh. Bạn sẽ thỏa nguyện hơn vì đang đặt quyền lợi Nước Trời lên trên quyền lợi cá nhân (Mat 6:33). Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn vì đang ban cho người khác. Ngoài ra, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để suy nghĩ và nói về Ðức Giê-hô-va, nhờ thế củng cố tình yêu thương với ngài và làm ngài vui lòng.