Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 NÓI CHUYỆN VỚI CHỦ NHÀ

Tại sao Đức Chúa Trời để cho có đau khổ?

Tại sao Đức Chúa Trời để cho có đau khổ?

Dưới đây là cuộc nói chuyện điển hình giữa một Nhân Chứng và chủ nhà. Hãy hình dung Nhân Chứng tên là Mỹ đến nhà một người tên là Sương.

ĐỨC CHÚA TRỜI CẢM THẤY THẾ NÀO VỀ NỖI ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA?

Mỹ: Chào chị Sương, rất vui khi hôm nay gặp chị ở nhà.

Sương: Tôi cũng thế.

Mỹ: Lần trước, chúng ta đã thảo luận việc Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào trước nỗi đau khổ của chúng ta *. Chị có nhắc đến một thắc mắc của chị từ lâu, nhất là sau khi mẹ chị bị tai nạn. Hôm nay bác khỏe không?

Sương: Mẹ tôi thì ngày khỏe ngày không, nhưng hôm nay cũng được.

Mỹ: Vậy là tốt rồi. Chắc cũng khó để giữ tinh thần lạc quan trong tình cảnh này.

Sương: Đúng vậy. Đôi khi tôi không biết mẹ tôi còn chịu đau khổ bao lâu nữa.

Mỹ: Nghĩ như thế là bình thường. Có lẽ chị nhớ cuối buổi nói chuyện lần trước, tôi có đặt câu hỏi tại sao Đức Chúa Trời để cho sự đau khổ tiếp tục diễn ra nếu ngài có quyền năng để chấm dứt.

Sương: Vâng, tôi nhớ.

Mỹ: Trước khi xem lời giải đáp của Kinh Thánh, chúng ta hãy xem lại vài điểm đã thảo luận lần trước.

Sương: Cũng được.

Mỹ: Chúng ta biết ngay cả một người trung thành vào thời Kinh Thánh cũng thắc mắc tại sao Đức Chúa Trời để cho có đau khổ. Nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ quở trách ông vì đã nêu câu hỏi đó, cũng không bảo ông cần thêm đức tin.

Sương: À, tôi nhớ rồi, đó là điều mới đối với tôi.

Mỹ: Chúng ta cũng biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời không thích nhìn thấy người ta đau khổ một chút nào. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói khi dân ngài khốn khổ thì “Ngài cũng khốn-khổ” *. Chẳng phải chúng ta được an ủi khi biết Đức Chúa Trời cảm thông với chúng ta sao?

Sương: Đúng vậy.

Mỹ: Cuối cùng, chúng ta đã nhất trí là Đấng Tạo Hóa có nhiều quyền năng thì chắc chắn ngài đủ khả năng để can thiệp và chấm dứt sự đau khổ bất cứ lúc nào.

Sương: Đó là điều tôi không hiểu. Tại sao ngài để những điều xấu xảy ra khi ngài có quyền năng chấm dứt?

AI NÓI SỰ THẬT?

Mỹ: Chúng ta có thể bắt đầu tìm lời giải đáp cho câu hỏi của chị bằng cách xem lại sách đầu tiên của Kinh Thánh là Sáng-thế Ký. Chị có biết lời tường thuật về A-đam, Ê-va và trái cấm không?

 Sương: Có, tôi đã biết câu chuyện này ở lớp giáo lý ngày chủ nhật, Đức Chúa Trời cấm ăn trái của một cây, nhưng họ vẫn ăn.

Mỹ: Đúng rồi. Bây giờ chúng ta chú ý đến những sự kiện dẫn đến việc A-đam và Ê-va phạm tội. Các sự kiện này liên quan trực tiếp đến câu hỏi tại sao chúng ta đau khổ. Chị có muốn đọc Sáng-thế Ký chương 3, câu 1 đến 5 không?

Sương: Dạ được. “Trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm nên, có con rắn là giống quỉ-quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng: Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao? Người nữ đáp rằng: Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Đức Chúa Trời có phán rằng: Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá-động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng. Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”.

Mỹ: Cảm ơn chị, chúng ta xem xét các câu này một chút. Thứ nhất, hãy lưu ý con rắn nói chuyện với Ê-va. Câu khác trong Kinh Thánh cho biết chính Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt nói chuyện với bà qua con rắn ấy *. Sa-tan hỏi Ê-va về mệnh lệnh của Đức Chúa Trời liên quan đến một cây. Chị có để ý Đức Chúa Trời nói A-đam và Ê-va sẽ bị án phạt nào nếu ăn trái của cây ấy?

Sương: Họ sẽ chết.

Mỹ: Đúng vậy. Rồi, Sa-tan đưa ra lời cáo buộc nghiêm trọng đối với Đức Chúa Trời. Hắn nói: “Hai ngươi chẳng chết đâu”. Sa-tan cho rằng Đức Chúa Trời nói dối!

Sương: Tôi chưa bao giờ nghe đến điều này.

Mỹ: Và khi Sa-tan cho rằng Đức Chúa Trời nói dối, hắn nêu lên một vấn đề cần có thời gian để chứng minh có phải như vậy không. Chị có biết tại sao không?

Sương: Tôi không chắc lắm.

Mỹ: Thí dụ, tôi cho rằng tôi mạnh hơn chị, vậy chị chứng minh tôi sai bằng cách nào?

Sương: Phải thử mới biết.

Mỹ: Đúng thế. Có lẽ chúng ta sẽ chọn một vật nặng để xem ai có thể nhấc bổng lên. Ai mạnh hơn thì biết ngay.

Sương: Tôi hiểu rồi.

Mỹ: Nhưng chị nghĩ sao, thay vì nói tôi mạnh hơn thì tôi cho rằng tôi thành thật hơn chị? Đây là điều hoàn toàn khác, phải không?

Sương: Tôi cũng nghĩ vậy.

Mỹ: Vì sự thành thật không phải là điều dễ để chứng minh như sức mạnh.

Sương: Đúng rồi.

Mỹ: Cách duy nhất để biết sự thật là cho thời gian để người khác quan sát và thấy ai trong chúng ta là người thành thật hơn.

Sương: Ừ, có lý đấy.

Mỹ: Bây giờ, hãy xem lại lời tường thuật nơi Sáng-thế Ký. Sa-tan có cho rằng hắn mạnh hơn Đức Chúa Trời không?

Sương: Không.

Mỹ: Đức Chúa Trời hẳn có thể chứng minh liền là hắn sai. Nhưng Sa-tan tuyên bố rằng hắn thành thật hơn Đức Chúa Trời. Như thể hắn nói với Ê-va: “Đức Chúa Trời nói dối nhưng ta thì nói thật với các người”.

Sương: Có lý nhỉ.

Mỹ: Đức Chúa Trời biết cách tốt nhất hầu giải quyết thách thức ấy là để thời gian trả lời. Cuối cùng, sẽ rõ ai nói thật, ai nói dối.

MỘT VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG

Sương: Nhưng sau khi Ê-va chết, chẳng phải điều này chứng minh Đức Chúa Trời nói thật sao?

Mỹ: Có, nhưng lời thách thức của Sa-tan còn có một ý khác nữa. Hãy xem lại câu 5. Chị thấy Sa-tan đã nói điều gì khác với Ê-va?

 Sương: Hắn nói nếu bà ăn trái của cây ấy, mắt bà sẽ mở ra.

Mỹ: Đúng vậy, và bà sẽ “như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”. Thế nên, Sa-tan cho rằng Đức Chúa Trời còn giấu nhân loại điều gì đó tốt lành.

Sương: Tôi hiểu rồi.

Mỹ: Và đây cũng là thách thức nghiêm trọng.

Sương: Ý chị là gì?

Mỹ: Khi nói thế, Sa-tan hàm ý rằng Ê-va, và sau này cả nhân loại, sẽ tốt hơn nếu không ở dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời. Trường hợp này cũng vậy, Đức Giê-hô-va biết rằng cách tốt nhất để đáp lại thách thức của Sa-tan là để hắn cố chứng minh quan điểm của mình là đúng. Vì thế, ngài để Sa-tan cai trị thế gian một thời gian. Đó là lý do chúng ta thấy có quá nhiều đau khổ xung quanh, vì Sa-tan thật sự cai trị thế gian này, chứ không phải Đức Chúa Trời *. Nhưng có tin mừng.

Sương: Tin mừng gì?

Mỹ: Kinh Thánh cho biết hai sự thật tuyệt vời về Đức Chúa Trời. Thứ nhất, Đức Giê-hô-va quan tâm đến chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ. Chẳng hạn, hãy xem những lời của vua Đa-vít được ghi nơi Thi-thiên 31:7. Đa-vít trải qua nhiều đau khổ trong đời, nhưng hãy xem ông đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời như thế nào. Chị có thể đọc câu này không?

Sương: “Tôi sẽ vui-mừng và khoái-lạc bởi sự nhân-từ của Chúa; vì Chúa đã đoái đến sự hoạn-nạn tôi”.

Mỹ: Dù Đa-vít trải qua đau khổ nhưng ông cảm thấy an ủi khi biết Đức Giê-hô-va thấy hết mọi việc của ông. Chị có cảm thấy an ủi khi nghĩ là Đức Giê-hô-va biết hết mọi điều, thậm chí cảm xúc đau buồn của mình mà người khác có lẽ không hiểu rõ?

Sương: Có.

Mỹ: Sự thật tuyệt vời thứ hai là Đức Chúa Trời sẽ không để nỗi đau khổ của chúng ta kéo dài mãi mãi. Kinh Thánh dạy rằng ngài sẽ nhanh chóng chấm dứt sự cai trị tàn ác của Sa-tan. Và ngài sẽ hoàn toàn xóa bỏ mọi điều xấu xa đã xảy ra, kể cả những điều mà chị và bác phải chịu. Tuần sau tôi có thể đến và cho chị thấy tại sao chúng ta tin chắc Đức Chúa Trời sẽ sớm chấm dứt mọi đau khổ? *

Sương: Vâng, cứ thế đi.

Bạn có đang thắc mắc về một đề tài nào đó trong Kinh Thánh không? Bạn có tò mò muốn biết về niềm tin hoặc thực hành nào của Nhân Chứng Giê-hô-va không? Nếu có, bạn đừng ngại nêu ra điều đó khi gặp Nhân Chứng vào lần tới. Họ sẽ vui lòng thảo luận với bạn.