Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chào mừng Đấng Ki-tô—Vua vinh hiển!

Chào mừng Đấng Ki-tô—Vua vinh hiển!

“Hãy lấy sự oai-nghi Ngài cỡi xe lướt tới cách thắng trận”.—THI 45:4.

1, 2. Tại sao chúng ta quan tâm đến bài Thi-thiên 45?

Một vị vua vinh hiển cưỡi ngựa đi chinh chiến với kẻ thù để bảo vệ sự thật và công lý. Sau khi giành chiến thắng vẻ vang trong trận cuối cùng, ngài kết hôn với một cô dâu kiều diễm. Trải qua mọi thế hệ, vua được ghi nhớ và ca tụng. Những sự kiện hào hứng này được mô tả trong bài Thi-thiên 45.

2 Bài Thi-thiên 45 không chỉ là câu chuyện lý thú với kết cục có hậu. Những sự kiện được miêu tả trong đó còn có ý nghĩa với chúng ta. Chúng liên quan đến cuộc sống hiện tại cũng như tương lai của chúng ta. Giờ đây, hãy xem xét kỹ nội dung của bài Thi-thiên này.

“LÒNG TÔI ĐẦY TRÀN NHỮNG LỜI TỐT”

3, 4. (a) Điều gì tác động đến lòng chúng ta, và tác động như thế nào? (b) Chúng ta “vịnh cho vua” bằng cách nào, và làm sao lưỡi của chúng ta trở nên như ngòi viết?

3 Đọc Thi-thiên 45:1. Tin vui về một vị vua khiến cho lòng người viết Thi-thiên “đầy tràn những lời tốt”. Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “đầy tràn” có nghĩa đen là “sôi lên”. Tin vui ấy làm cho người viết Thi-thiên sôi lên lòng nhiệt huyết, khiến lưỡi ông trở nên như “ngòi viết của văn-sĩ có tài”.

 4 Tương tự, có một điều cũng tác động đến lòng chúng ta, đó là tin mừng về Nước của Đấng Mê-si. Thông điệp này đặc biệt làm chúng ta hứng khởi kể từ năm 1914, vì nó không còn nói đến một Nước trong tương lai, nhưng nói đến một chính phủ có thật đang cai trị ở trên trời. Đây là ‘tin mừng về Nước Đức Chúa Trời’ mà chúng ta “rao truyền khắp đất để làm chứng cho muôn dân” (Mat 24:14). Thông điệp Nước Trời có làm cho lòng chúng ta “đầy tràn” nhiệt huyết không? Chúng ta có sốt sắng rao giảng tin mừng về Nước Trời không? Như người viết Thi-thiên, chúng ta “vịnh cho vua”—Vua Giê-su Ki-tô. Chúng ta làm thế bằng cách rao báo rằng ngài đã được phong Vua Nước của Đấng Mê-si. Hơn nữa, chúng ta mời mọi người, cả những nhà cai trị và dân các nước, phục tùng sự cai trị của ngài (Thi 2:1, 2, 4-12). Lưỡi của chúng ta trở nên như “ngòi viết của văn-sĩ có tài” khi chúng ta dùng Lời Đức Chúa Trời trong thánh chức.

Chúng ta phấn khởi loan báo tin mừng về Vua Giê-su

‘ÂN-ĐIỂN TRÀN RA NƠI MÔI VUA’

5. (a) Chúa Giê-su đẹp theo những nghĩa nào? (b) ‘Ân-điển tràn ra nơi môi Chúa Giê-su’ như thế nào, và làm sao chúng ta có thể noi gương ngài?

5 Đọc Thi-thiên 45:2. Kinh Thánh nói rất ít về hình thể của Chúa Giê-su. Là người hoàn hảo, chắc chắn ngài khôi ngô tuấn tú. Tuy nhiên, vẻ đẹp nổi bật của ngài được tạo nên bởi lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và lối sống trung kiên không lay chuyển. Hơn nữa, ‘ân-điển tràn ra nơi môi Chúa Giê-su’ theo nghĩa ngài rao giảng thông điệp Nước Trời bằng những lời tử tế (Lu 4:22; Giăng 7:46). Chúng ta có nỗ lực noi gương ngài trong thánh chức bằng cách cố gắng dùng những lời tử tế để động đến lòng người ta không?—Cô 4:6.

6. Đức Chúa Trời đã ban phước cho Chúa Giê-su đến “đời đời” như thế nào?

6 Vì Chúa Giê-su một lòng trung thành, nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngài khi ngài làm thánh chức trên đất và ban thưởng cho ngài sau khi ngài hy sinh mạng sống. Sứ đồ Phao-lô viết: “Khi trở thành con người, ngài hạ mình xuống và vâng lời cho đến chết, thậm chí chết trên cây khổ hình. Cũng vì lý do ấy, Đức Chúa Trời đã nâng ngài lên địa vị cao hơn và nhân từ ban cho ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho mọi đầu gối trên trời, dưới đất lẫn trong lòng đất đều quỳ xuống trước danh Chúa Giê-su, và mọi lưỡi công khai nhìn nhận Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa, như thế mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời là Cha” (Phi-líp 2:8-11). Đức Giê-hô-va đã ban phước cho Chúa Giê-su đến “đời đời” bằng cách cho ngài sống lại để hưởng sự sống bất tử ở trên trời.—Rô 6:9.

VUA ĐƯỢC LÀM CHO TRỘI HƠN “CÁC VUA KHÁC”

7. Tại sao có thể nói Chúa Giê-su được xức dầu hơn “các vua khác”?

7 “Đức Chúa Trời là ngôi của ngài muôn đời bất tận; vương trượng nước ngài là vương trượng chính trực. Ngài yêu công chính và ghét gian ác. Ấy vì sao Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời của ngài, xức dầu hoan hỉ cho ngài hơn các vua khác” (Thi-thiên 45:6, 7, NW). Vì Chúa Giê-su yêu công chính và ghét bất cứ điều gì có thể làm ô danh Cha, nên Đức Giê-hô-va xức dầu cho ngài để làm Vua Nước của Đấng Mê-si. Chúa Giê-su được xức dầu bằng “dầu hoan hỉ” hơn  “các vua khác” của nước Giu-đa thuộc dòng tộc Đa-vít. Tại sao có thể nói thế? Một điều là vì Chúa Giê-su được chính Đức Giê-hô-va xức dầu. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va bổ nhiệm ngài làm Vua kiêm Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm (Thi 2:2; Hê 5:5, 6). Ngoài ra, Chúa Giê-su được xức dầu bằng thần khí chứ không phải bằng dầu như những vua Y-sơ-ra-ên thời xưa, và Nước của ngài ở trên trời chứ không phải ở dưới đất.

8. Tại sao chúng ta có thể tin chắc sự cai trị của Chúa Giê-su là công minh, chính trực, và “Đức Chúa Trời là ngôi của ngài” có nghĩa gì?

8 Đức Giê-hô-va phong Con ngài làm Vua Mê-si ở trên trời vào năm 1914. “Vương trượng nước ngài là vương trượng chính trực”, điều này đảm bảo rằng sự cai trị của ngài luôn công minh, chính trực. Quyền hành của Chúa Giê-su là hợp lệ vì “Đức Chúa Trời là ngôi của ngài”. Chính Đức Giê-hô-va là nền tảng cho nước ngài. Hơn thế, ngôi của Chúa Giê-su sẽ trường tồn “muôn đời bất tận”. Chẳng lẽ bạn không hãnh diện khi được phụng sự Đức Giê-hô-va dưới quyền vị Vua hùng mạnh do chính ngài bổ nhiệm sao?

VUA “ĐAI GƯƠM NƠI HÔNG”

9, 10. (a) Chúa Giê-su đã đeo gươm khi nào, và ngay lập tức ngài dùng nó ra sao? (b) Trong tương lai, Chúa Giê-su sẽ dùng gươm như thế nào?

9 Đọc Thi-thiên 45:3. Đức Giê-hô-va lệnh cho Vua “đai gươm nơi hông”. Bằng cách này, ngài cho phép Chúa Giê-su đi chinh chiến với tất cả những kẻ chống lại quyền cai trị của Đức Chúa Trời và thi hành án phạt đối với họ (Thi 110:2). Vì là Vua kiêm Chiến Sĩ bất khả chiến bại, nên Đấng Ki-tô được gọi là “Đấng mạnh-dạn”. Ngài đeo gươm vào năm 1914 và đánh bại Sa-tan cùng các ác thần, rồi quăng chúng xuống trái đất.—Khải 12:7-9.

10 Đó chỉ là chiến tích đầu tiên trong cuộc chiến của ngài. Ngài chưa “hoàn thành cuộc chinh phục của mình” (Khải 6:2). Ý định của Đức Giê-hô-va là tất cả các thành phần thuộc thế gian của Sa-tan sẽ bị loại trừ, và Sa-tan cùng các ác thần bị vô hiệu hóa. Trước hết, Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm, sẽ bị hủy diệt. Đức Giê-hô-va sẽ dùng các nhà lãnh đạo chính trị để tiêu diệt “ả kỹ nữ” gian ác này (Khải 17:16, 17). Tiếp đến, Vua kiêm Chiến Sĩ sẽ tấn công hệ thống chính trị của thế gian Sa-tan và xóa sạch nó không còn một dấu vết. Sau đó, Chúa Giê-su, đấng cũng được gọi là “thiên sứ của vực sâu”, sẽ hoàn thành cuộc chinh phục bằng cách quăng Sa-tan cùng các ác thần xuống vực sâu (Khải 9:1, 11; 20:1-3). Hãy xem bài Thi-thiên 45 tiên tri thế nào về những biến cố đầy hào hứng này.

VUA CHIẾN ĐẤU ‘VÌ SỰ THẬT’

11. Đấng Ki-tô chiến đấu ‘vì sự thật’ như thế nào?

11 Đọc Thi-thiên 45:4. Vua kiêm Chiến Sĩ không tranh chiến để thôn tính đất đai và đô hộ người ta. Ngài thực hiện một cuộc chiến công bằng với mục tiêu cao thượng. Ngài chiến đấu “vì cớ sự chân-thật [“sự thật”, NW]”, sự hiền-từ, và sự công-bình”. Sự thật quan trọng nhất cần được bảo vệ là chỉ Đức Giê-hô-va mới có quyền cai trị vũ trụ. Khi phản nghịch Đức Giê-hô-va, Sa-tan đặt nghi vấn về quyền cai trị của ngài. Kể từ đó, cả ác thần và nhiều người trong vòng nhân loại cũng đặt nghi vấn như thế. Đã đến lúc, Vua được Đức Giê-hô-va xức dầu ra tay hành động để chứng tỏ một lần dứt điểm rằng chỉ Đức Giê-hô-va mới có quyền cai trị.

12. Vua chiến đấu ‘vì sự khiêm nhường’ theo nghĩa nào?

12 Vua cũng chiến đấu ‘vì sự hiền-từ  [“khiêm nhường”, Bản Diễn Ý]’. Là Con một của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su nêu gương xuất sắc về sự khiêm nhường và trung thành phục tùng quyền cai trị của Cha (Ê-sai 50:4, 5; Giăng 5:19). Tất cả những thần dân trung thành của Vua phải noi gương ngài và khiêm nhường phục tùng quyền cai trị của Đức Giê-hô-va trong mọi việc. Chỉ những người làm thế mới được sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời.—Xa 14:16, 17.

13. Đấng Ki-tô chiến đấu ‘vì sự công-bình’ như thế nào?

13 Đấng Ki-tô cũng chiến đấu ‘vì sự công-bình’. “Sự công-bình” mà Vua bảo vệ là những điều được Đức Giê-hô-va xem là “công chính”, tức các tiêu chuẩn của ngài về điều đúng và điều sai (Rô 3:21; Phục 32:4). Ê-sai tiên tri về Vua Giê-su: “Một vị vua sẽ lấy công chính trị vì” (Ê-sai 32:1, Bản Dịch Mới). Triều đại của Chúa Giê-su sẽ mở ra “trời mới” và “đất mới”, nơi mà “sự công chính sẽ tồn tại mãi mãi” (2 Phi 3:13). Mọi dân cư trong thế giới mới sẽ phải sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va.—Ê-sai 11:1-5.

VUA “THỰC HIỆN NHỮNG CÔNG TÁC PHI THƯỜNG”

14. Tay phải Đấng Ki-tô thực hiện “những công tác phi thường” theo nghĩa nào? (Xem hình nơi đầu bài).

14 Khi xuất trận, Vua đeo gươm nơi hông (Thi 45:3). Vào đúng thời điểm, tay phải ngài sẽ rút gươm ra tấn công kẻ thù. Người viết Thi-thiên tiên tri: “Tay phải Ngài thực hiện những công tác phi thường” (Thi 45:4, BDY). Khi ra tay hủy diệt thế gian của Sa-tan tại Ha-ma-ghê-đôn, Chúa Giê-su sẽ thực hiện “những công tác phi thường” chống lại kẻ thù. Chúng ta không biết chính xác ngài sẽ dùng những phương tiện nào để làm điều này. Nhưng chắc chắn, hành động của ngài sẽ làm mọi kẻ lờ đi lời cảnh báo của Đức Chúa Trời và không phục tùng sự cai trị của Vua phải khiếp sợ. (Đọc Thi-thiên 2:11, 12). Trong lời tiên tri về thời điểm kết thúc, Chúa Giê-su nói rằng người ta sẽ “thất kinh và thấp thỏm chờ đợi những gì sẽ xảy đến trên đất, vì các lực ở trên trời sẽ bị rúng động”. Ngài nói thêm: “Rồi họ sẽ thấy Con Người đến trong một đám mây, với quyền lực và đầy vinh hiển”.—Lu 21:26, 27.

15, 16. Những ai sẽ hợp thành “đạo quân” cùng tham gia cuộc chiến với Chúa Giê-su?

15 Về việc Vua đến “với quyền lực và đầy vinh hiển” để đánh bại kẻ thù của Đức Chúa Trời, sách Khải huyền miêu tả: “Tôi thấy trời mở ra, kìa, có một con ngựa bạch. Đấng cưỡi ngựa được gọi là Đấng Trung Thành và Chân Thật, ngài phán xét và chiến đấu theo công lý. Đạo quân trên trời cũng cưỡi ngựa bạch theo sau ngài, họ mặc áo vải lanh tốt, sạch và trắng. Từ miệng ngài thò ra một thanh gươm sắc và dài để đánh các dân, và ngài sẽ cai trị họ bằng cây gậy sắt. Ngoài ra, ngài đạp bồn ép rượu là cơn thịnh nộ kinh khiếp của Đức Chúa Trời Toàn Năng”.—Khải 19:11, 14, 15.

16 Những ai sẽ hợp thành “đạo quân” ở trên trời cùng Chúa Giê-su tham gia cuộc chiến? Trong lần đầu dùng gươm để đánh đuổi Sa-tan và các ác thần ra khỏi trời, Chúa Giê-su đã sát cánh bên “các thiên sứ của mình” (Khải 12:7-9). Vậy hợp lý để kết luận rằng tại Ha-ma-ghê-đôn, đạo quân của Đấng Ki-tô sẽ gồm các thiên sứ thánh. Còn ai khác không? Chúa Giê-su đã hứa như sau với những anh em được xức dầu: “Người nào chiến thắng và theo đường lối của tôi đến cùng thì tôi sẽ ban cho quyền trên các dân thế gian, như tôi đã nhận từ Cha. Người ấy sẽ cai trị các dân ấy bằng cây gậy sắt, hầu họ vỡ tan tành như bình bằng đất” (Khải 2:26, 27). Vì thế, đạo  quân trên trời cũng sẽ bao gồm những anh em được xức dầu của Chúa Giê-su, lúc đó đã nhận được phần thưởng ở trên trời. Nhóm người đồng cai trị ấy sẽ sát cánh bên Chúa Giê-su khi ngài thực hiện “những công tác phi thường” trong việc hủy diệt các nước.

VUA HOÀN THÀNH CUỘC CHINH PHỤC

17. (a) Con ngựa bạch mà Chúa Giê-su cưỡi tượng trưng cho điều gì? (b) Gươm và cung tượng trưng cho điều gì?

17 Đọc Thi-thiên 45:5. Khải huyền 6:2 nói: “Kìa! Tôi thấy một con ngựa bạch, người cưỡi nó có một cây cung. Người được ban một cái vương miện rồi đi chinh phục và hoàn thành cuộc chinh phục của mình”. Con ngựa bạch mà Vua cưỡi tượng trưng cho sự tranh chiến trong sạch và công chính trước mắt Đức Giê-hô-va (Khải 19:11). Ngoài một thanh gươm, ngài còn được trang bị một cây cung. Gươm và cung tượng trưng cho những phương tiện mà Đấng Ki-tô sẽ dùng để tiêu diệt kẻ thù.

Chim chóc được gọi đến để dọn sạch trái đất (Xem đoạn 18)

18. “Các mũi tên” của Đấng Ki-tô “bén-nhọn” như thế nào?

18 Bằng những từ thi vị, người viết Thi-thiên tiên tri rằng ‘các mũi tên của Vua bén-nhọn, bắn thấu tim kẻ thù-nghịch’ và “các dân đều ngã dưới Ngài”. Lúc ấy, sự hủy diệt sẽ đầy khắp mặt đất. Nhà tiên tri Giê-rê-mi báo trước: “Thây của những kẻ mà Đức Giê-hô-va đã giết trong ngày đó, sẽ đầy trên đất từ đầu nầy đến đầu kia” (Giê 25:33). Một lời tiên tri tương ứng viết: “Tôi cũng thấy một thiên sứ đứng giữa mặt trời, người kêu lớn và nói với hết thảy chim chóc bay trên trời: ‘Hãy đến đây, hãy nhóm lại dự đại tiệc của Đức Chúa Trời, hầu các ngươi có thể ăn thịt các vua, các tướng lĩnh, các dõng sĩ, thịt ngựa và người cưỡi ngựa, thịt của mọi người, tự do lẫn nô lệ, lớn lẫn nhỏ’”.—Khải 19:17, 18.

19. Đấng Ki-tô sẽ “cỡi xe lướt tới cách thắng trận” và hoàn thành cuộc chinh phục như thế nào?

19 Sau khi hủy diệt thế gian gian ác của Sa-tan, Đấng Ki-tô sẽ “lấy sự oai-nghi Ngài cỡi xe lướt tới cách thắng trận” (Thi 45:4). Ngài sẽ hoàn thành cuộc chinh phục bằng cách quăng Sa-tan cùng các ác thần xuống vực sâu và giam chúng cho đến khi Triều Đại Một Ngàn Năm kết thúc (Khải 20:2, 3). Khi đó, Kẻ Quỷ Quyệt và các thiên sứ theo phe hắn ở trong tình trạng không hoạt động, giống như chết. Được thoát khỏi ảnh hưởng của Sa-tan, dân cư trên đất sẽ có thể hoàn toàn phục tùng vị Vua vinh hiển, toàn thắng. Tuy nhiên, trước khi chứng kiến cả trái đất dần trở thành địa đàng, họ sẽ có lý do khác để chung vui cùng Vua và những người đồng cai trị với ngài. Sự kiện hân hoan ấy sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp.