Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Tại sao dân Do Thái vào thế kỷ thứ nhất “trông đợi” Đấng Mê-si?

Vào thời Giăng Báp-tít, “dân chúng đang trông đợi Đấng Ki-tô, và mọi người đều tự hỏi trong lòng về Giăng: ‘Phải chăng ông là Đấng Ki-tô?’” (Lu 3:15). Tại sao dân Do Thái vào thời đó cho rằng Đấng Mê-si sắp xuất hiện? Hãy xem một số lý do.

Sau khi Chúa Giê-su chào đời, thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra với những người chăn chiên đang trú ngoài đồng gần Bết-lê-hem. Thiên sứ tuyên bố: “Hôm nay trong thành của Đa-vít có một Đấng Cứu Rỗi được sinh ra cho các anh, ngài là Chúa Ki-tô” (Lu 2:8-11). Sau đó, “muôn vàn thiên sứ hiện đến, cùng với thiên sứ ấy ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: ‘Tôn vinh Chúa trên trời cao, bình an dưới đất cho người được ơn’” *.—Lu 2:13, 14.

Lời tuyên bố này đã tác động mạnh đến những người chăn chiên khiêm nhường ấy. Họ lập tức đi đến Bết-lê-hem. Khi thấy Giô-sép, Ma-ri và em bé Giê-su, “họ bèn kể lại những điều thiên sứ đã nói về con trẻ ấy”. Kết quả là “ai nghe cũng đều kinh ngạc trước mọi điều những người chăn chiên kể” (Lu 2:17, 18). Cụm từ “ai nghe” cho thấy những người chăn chiên không chỉ kể lại sự kiện này với Giô-sép và Ma-ri. Khi ra về, họ tiếp tục “tôn vinh và ngợi khen Đức Chúa Trời về mọi điều mình đã thấy và nghe, y như những gì mình được báo” (Lu 2:20). Rõ ràng, những người chăn chiên này không giấu giếm tin tốt lành mình đã nghe về Đấng Ki-tô!

Theo quy định của Luật pháp Môi-se, Ma-ri đem con đầu lòng đến Giê-ru-sa-lem để trình cho Đức Giê-hô-va. Vào dịp ấy, nữ tiên tri An-na “dâng lời tạ ơn Đức Chúa Trời và nói về con trẻ cho tất cả những người đang trông đợi sự giải cứu thành Giê-ru-sa-lem” (Lu 2:36-38; Xuất 13:12). Do đó, tin về sự xuất hiện của Đấng Mê-si tiếp tục được lan truyền.

Sau này, “các nhà chiêm tinh từ phương đông đi đến Giê-ru-sa-lem hỏi rằng: ‘Con trẻ được sinh ra để làm vua dân Do Thái hiện ở đâu? Vì chúng tôi đã thấy ngôi sao của ngài ở phương đông nên đến để cúi lạy ngài’” (Mat 2:1, 2). Nghe vậy, “vua Hê-rốt cảm thấy lo sợ, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng vậy. Vua triệu tập các trưởng tế cùng thầy kinh  luật trong dân chúng, và hỏi họ Đấng Ki-tô sinh ra ở đâu” (Mat 2:3, 4). Thế nên, rất đông người đã được thông báo: Đấng Mê-si tương lai đã xuất hiện! *

Lu-ca 3:15, được trích ở trên, cho biết một số người Do Thái nghĩ rằng Giăng Báp-tít là Đấng Ki-tô. Nhưng Giăng đã đính chính điều này khi nói: “Đấng đến sau tôi có quyền hơn tôi, tôi không đáng cởi giày cho ngài. Đấng ấy sẽ làm báp-têm cho anh em bằng thần khí và bằng lửa” (Mat 3:11). Hẳn những lời khiêm nhường của Giăng khiến người ta càng trông đợi sự xuất hiện của Đấng Mê-si.

Có thể nào dân Do Thái vào thế kỷ thứ nhất đã dựa vào lời tiên tri về 70 tuần lễ nơi Đa-ni-ên 9:24-27 để tính đúng thời điểm Đấng Mê-si xuất hiện? Không thể loại trừ khả năng đó, nhưng chúng ta cũng không xác định được. Thực tế là vào thời Chúa Giê-su, có nhiều ý kiến trái chiều về ý nghĩa của lời tiên tri 70 tuần lễ, và tất cả đều rất khác cách hiểu hiện tại của chúng ta *.

Người Essenes, được cho là một phái của Do Thái giáo sống theo kiểu thầy tu, dạy rằng sẽ có hai Đấng Mê-si xuất hiện vào cuối giai đoạn 490 năm, nhưng chúng ta không thể biết chắc họ tin như vậy là dựa trên lời tiên tri của Đa-ni-ên hay không. Cho dù họ dựa vào lời tiên tri đó thì chúng ta vẫn khó tin rằng dân Do Thái nói chung sẽ tin vào cách tính của một nhóm người sống ẩn dật như thế.

Vào thế kỷ thứ hai CN, một số người Do Thái tin rằng 70 tuần lễ là khoảng thời gian từ lúc đền thờ thứ nhất bị phá hủy (607 TCN) đến sự phá hủy đền thờ thứ hai (70 CN). Một số khác liên kết lời tiên tri đó với thời kỳ Mác-ca-bê vào thế kỷ thứ hai TCN. Vậy, không có một cách tính nhất quán về 70 tuần lễ.

Nếu vào thế kỷ thứ nhất người ta tính đúng giai đoạn 70 tuần lễ thì hẳn các sứ đồ và tín đồ khác vào thế kỷ thứ nhất CN đã dùng lời tiên tri đó để chứng minh rằng Chúa Giê-su Ki-tô chính là Đấng Mê-si. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy các tín đồ thời ban đầu đã làm thế.

Có một yếu tố khác cũng đáng xem xét. Nhiều lần, những người viết các sách Phúc âm lưu ý đến các tình tiết cho thấy lời tiên tri trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su Ki-tô (Mat 1:22, 23; 2:13-15; 4:13-16). Tuy nhiên, không ai trong số họ liên kết sự xuất hiện của Chúa Giê-su với lời tiên tri về 70 tuần lễ.

Tóm lại, chúng ta không thể khẳng định rằng dân Do Thái vào thời Chúa Giê-su đã hiểu đúng ý nghĩa của lời tiên tri về 70 tuần lễ. Dù vậy, các sách Phúc âm cung cấp những lý do khác cho biết tại sao họ “trông đợi” Đấng Mê-si xuất hiện vào thời đó.

^ đ. 4 Kinh Thánh không nói các thiên sứ “hát” khi Chúa Giê-su ra đời.

^ đ. 7 Hãy suy nghĩ điều này: Làm sao các chiêm tinh gia liên kết “ngôi sao” xuất hiện ở phương đông với sự ra đời của “vua dân Do Thái”? Phải chăng họ nghe người ta nói về sự ra đời của Chúa Giê-su khi đi qua xứ Y-sơ-ra-ên?

^ đ. 9 Để biết cách hiểu hiện tại của chúng ta về lời tiên tri 70 tuần lễ, xin xem sách Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên!, chương 11.