Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Nhìn-xem sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va”

“Nhìn-xem sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va”

Những hoàn cảnh đau buồn có thể ảnh hưởng nặng nề đến chúng ta. Chúng có thể choán hết tâm trí, làm hao mòn sức lực và thay đổi cái nhìn của chúng ta về đời sống. Vua Đa-vít của nước Y-sơ-ra-ên xưa đã trải qua nhiều nỗi gian truân. Ông đương đầu như thế nào? Trong một bài Thi-thiên cảm động, ông cho biết: “Tôi cất tiếng kêu-cầu cùng Đức Giê-hô-va; tôi cất tiếng cầu-khẩn Đức Giê-hô-va. Ở trước mặt Ngài tôi tuôn đổ sự than-thở tôi, bày-tỏ sự gian-nan tôi. Khi tâm-hồn nao-sờn trong mình tôi, thì Chúa đã biết nẻo-đàng tôi”. Thật vậy, Đa-vít đã khiêm nhường cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ.—Thi 142:1-3.

Trong lúc gian truân, Đa-vít khiêm nhường cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ

Trong một bài Thi-thiên khác, Đa-vít hát: “Tôi đã xin Đức Giê-hô-va một điều, và sẽ tìm-kiếm điều ấy! Ấy là tôi muốn trọn đời được ở trong nhà Đức Giê-hô-va, để nhìn-xem sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va, và cầu-hỏi [“chiêm ngưỡng”, Trịnh Văn Căn] trong đền của Ngài” (Thi 27:4). Đa-vít không phải là người Lê-vi, nhưng hãy hình dung ông đang đứng bên ngoài của sân thánh, rất gần đền tạm, trung tâm của sự thờ phượng thật vào thời đó. Đa-vít tràn đầy lòng biết ơn và muốn ở đó suốt quãng đời còn lại để “nhìn-xem sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va”.

Một điều “tốt-đẹp” mang lại cảm giác hài lòng hay vui sướng. Đa-vít luôn “chiêm ngưỡng”, hay quý trọng, sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va dành cho sự thờ phượng thật. Chúng ta hãy tự hỏi: “Mình có lòng quý trọng giống như Đa-vít không?”.

QUÝ TRỌNG SỰ SẮP ĐẶT CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Vào thời nay, sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va nhằm giúp chúng ta đến gần ngài không liên quan đến một công trình vật chất, mà liên quan đến đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Chúa Trời—sắp đặt thánh khiết dành cho sự thờ phượng thật *. Như Đa-vít, nếu quý trọng sự sắp đặt này, chúng ta cũng có thể “nhìn-xem sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va”.

Hãy xem bàn thờ bằng đồng được dùng để dâng lễ vật thiêu, đặt trước cửa đền tạm (Xuất 38:1, 2; 40:6). Bàn thờ ấy tượng trưng cho việc Đức Chúa Trời sẵn sàng chấp nhận mạng sống của Chúa Giê-su làm vật tế lễ (Hê 10:5-10). Hãy nghĩ xem điều này có nghĩa gì với chúng ta! Sứ đồ Phao-lô viết: “Khi còn là kẻ thù, chúng ta được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời nhờ cái chết của Con ngài” (Rô 5:10). Nếu thể hiện đức tin nơi huyết Chúa Giê-su đổ ra, chúng ta có thể được Đức Chúa Trời tin cậy và ban ân huệ, những điều ngài chỉ ban cho các bạn của ngài. Nhờ thế, chúng ta được “kết bạn thiết” với Đức Giê-hô-va.—Thi 25:14.

Vì được ‘xóa sạch tội lỗi’, chúng ta được “Đức Giê-hô-va mang lại kỳ thanh thản” (Công 3:19). Hoàn cảnh của chúng ta tương tự với một tù nhân ân hận về lỗi lầm đã phạm và thực hiện những thay đổi lớn trong khi chờ đợi án tử hình. Thấy vậy, vị quan tòa nhân từ xóa tội trạng của tù nhân, nhờ thế anh được tha bổng. Hẳn tù nhân ấy cảm thấy vui sướng và nhẹ nhõm biết bao! Như vị quan tòa, Đức Giê-hô-va thể hiện lòng thương xót với những người ăn năn, và bãi bỏ án tử hình mà họ phải gánh chịu.

HÃY VUI MỪNG TRONG SỰ THỜ PHƯỢNG THẬT

Trong số những hoạt động của sự thờ phượng thật mà Đa-vít có thể thấy tại nhà của Đức Giê-hô-va, có việc nhóm lại của đám đông người Y-sơ-ra-ên,  đọc và giải nghĩa Luật pháp trước công chúng, xông hương cũng như các công việc khác của thầy tế lễ và người Lê-vi (Xuất 30:34-38; Dân 3:5-8; Phục 31:9-12). Những hoạt động này của sự thờ phượng thật trong nước Y-sơ-ra-ên xưa có điểm tương đồng với thời chúng ta.

Thời đó cũng như thời nay, tôi tớ của Đức Chúa Trời “ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!” (Thi 133:1). Có sự phát triển mạnh mẽ trong “đoàn thể anh em” quốc tế của chúng ta (1 Phi 2:17). Lời Đức Chúa Trời được đọc và giải nghĩa tại các buổi nhóm họp. Qua tổ chức, Đức Giê-hô-va cung cấp một chương trình giáo dục phong phú. Ngài cũng cung cấp dư dật thức ăn thiêng liêng qua các ấn phẩm để chúng ta dùng cho việc học hỏi cá nhân và học với gia đình. Một thành viên của Hội đồng Lãnh đạo từng nhận xét: “Nhờ suy ngẫm Lời Đức Giê-hô-va, đào sâu và hiểu được ý nghĩa sâu xa của Lời ấy, tôi sưu tầm được nhiều ‘viên ngọc thiêng liêng’ và cảm thấy rất thỏa lòng”. Quả thật, ‘linh-hồn chúng ta có thể lấy sự hiểu-biết làm vui-thích’.—Châm 2:10.

Thời nay, mỗi ngày, tôi tớ của Đức Chúa Trời dâng cho ngài những lời cầu nguyện đẹp lòng ngài. Đối với Đức Giê-hô-va, những lời cầu nguyện như thế giống như mùi hương ngọt ngào (Thi 141:2). Thật ấm lòng khi biết rằng Đức Giê-hô-va rất vui khi chúng ta đến gần ngài qua lời cầu nguyện khiêm nhường!

Môi-se cầu nguyện: “Nguyện ơn Chúa, là Đức Chúa Trời chúng tôi, giáng trên chúng tôi; cầu Chúa lập cho vững công-việc của tay chúng tôi” (Thi 90:17). Khi chúng ta sốt sắng thi hành thánh chức, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho nỗ lực của chúng ta (Châm 10:22). Có thể chúng ta đã giúp một vài người biết sự thật. Có lẽ chúng ta đã kiên trì rao giảng trong nhiều năm bất kể sự thờ ơ, giới hạn về sức khỏe, nỗi đau về tinh thần hoặc sự bắt bớ (1 Tê 2:2). Chẳng phải chúng ta đã thấy “sự tốt-đẹp của Đức Giê-hô-va” và biết Cha trên trời rất vui lòng trước những nỗ lực của mình hay sao?

Đa-vít hát: “Đức Giê-hô-va là phần cơ-nghiệp và là cái chén của tôi: Ngài gìn-giữ phần sản tôi. Tôi may được phần cơ-nghiệp ở trong nơi tốt-lành” (Thi 16:5, 6). Đa-vít biết ơn về “phần cơ-nghiệp” của ông, tức mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và đặc ân được phụng sự ngài. Như Đa-vít, có thể chúng ta phải chịu những nỗi gian truân, nhưng chúng ta nhận được rất nhiều ân phước về thiêng liêng! Vậy, hãy tiếp tục vui mừng trong sự thờ phượng thật và luôn quý trọng đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va.

^ đ. 6 Xin xem Tháp Canh ngày 1-7-1996, trang 14-24.