Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 TỪ KHO TÀNG TƯ LIỆU

100 năm​Đức tin qua màn ảnh

100 năm​Đức tin qua màn ảnh

“Anh Russell trên màn ảnh trông thật hơn ngoài đời!”.—Một khán giả xem “Kịch ảnh” năm 1914.

Năm nay kỷ niệm 100 năm buổi khởi chiếu “Kịch ảnh về sự sáng tạo”. Vào thời mà thuyết tiến hóa, chủ nghĩa hoài nghi và môn phê bình Kinh Thánh làm xói mòn đức tin của nhiều người thì “Kịch ảnh” tôn vinh Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa.

Anh Charles T. Russell, người dẫn đầu Học viên Kinh Thánh thời đó, không ngừng tìm kiếm những cách thức nhanh nhất, hiệu quả nhất để phổ biến sự thật Kinh Thánh. Các Học viên Kinh Thánh đã dùng sách báo trong hơn ba thập kỷ để thực hiện công việc ấy. Giờ đây, một cách thức mới thu hút sự chú ý của họ, đó là phim ảnh.

TRUYỀN BÁ TIN MỪNG QUA MÀN ẢNH

Vào thập niên 1890, phim câm ra mắt công chúng. Năm 1903, một bộ phim về tôn giáo đã được chiếu tại một nhà thờ ở thành phố New York. Vào năm 1912, trong khi ngành điện ảnh vẫn còn khá non trẻ, anh Russell bắt tay vào chuẩn bị cho “Kịch ảnh”. Anh nhận ra rằng phim ảnh có thể chuyển tải sự thật Kinh Thánh theo cách mà những trang giấy không thể làm được.

“Kịch ảnh” dài tám tiếng và thường được chia thành bốn buổi công chiếu. Nội dung gồm 96 bài giảng ngắn về Kinh Thánh được thu âm sẵn, do một diễn giả tên tuổi có chất giọng được yêu chuộng vào thời đó thuyết minh. Nhiều cảnh có nhạc nền là nhạc cổ điển. Những kỹ thuật viên lành nghề đặt các đĩa nhạc và đĩa thu âm vào máy quay đĩa, đồng bộ hóa âm thanh với những tấm kính dương bản và đoạn phim tái diễn các câu chuyện nổi tiếng trong Kinh Thánh.

Nội dung vở kịch bao quát toàn cảnh, từ việc tạo dựng các tinh tú đến cực điểm vinh quang của Triều Đại Một Ngàn Năm”.—F. Stuart Barnes, 14 tuổi vào năm 1914

Phần lớn tài liệu phim và nhiều tấm kính dương bản là do các xưởng phim thương mại sản xuất. Các họa sĩ chuyên nghiệp ở Philadelphia, New York, Paris và Luân Đôn đã vẽ bằng tay từng tấm kính và khung hình của phim. Những anh chị làm việc trong Phòng mỹ thuật của nhà Bê-tên cũng tham gia vẽ và làm những tấm kính mới để thay thế các tấm bị vỡ. Ngoài những đoạn phim mua, các thành viên nhà Bê-tên cũng đóng phim  ở một thành phố gần đó là Yonkers, New York. Chẳng hạn, họ nhập vai Áp-ra-ham, Y-sác và thiên sứ, đấng đã ngăn cản Áp-ra-ham giết con làm vật tế lễ.Sáng 22:9-12.

Những kỹ thuật viên lành nghề phối hợp hài hòa giữa những đoạn phim (có chiều dài tổng cộng là 3km), 26 đĩa thu âm và khoảng 500 tấm kính dương bản

Một cộng sự của anh Russell nói với giới báo chí rằng phim ảnh sẽ “khiến hàng ngàn người chú ý đến Kinh Thánh, hiệu quả hơn bất cứ cách nào khác [từng] được dùng để truyền bá các thông điệp về tôn giáo”. Liệu hàng giáo phẩm có tán dương ý tưởng sáng tạo đó nhằm mang tin mừng đến với đông đảo người đang đói khát về thiêng liêng? Không. Trái lại, giới chức sắc của khối Ki-tô giáo nói chung đã công kích “Kịch ảnh”, một số thậm chí còn dùng thủ đoạn để làm người ta không thể xem. Tại một nơi, một hội đoàn chức sắc đã dàn xếp để cắt điện trong rạp chiếu “Kịch ảnh”.

Những chị làm nhiệm vụ dẫn chỗ đã phân phát miễn phí hàng triệu bản tóm lược nội dung của “Kịch ảnh” có kèm theo hình

Khán giả cũng được nhận một chiếc cài áo có hình Chúa Giê-su lúc nhỏ, người đeo được nhắc hãy là “con của sự bình an”

Bất chấp điều đó, người ta vẫn ùn ùn kéo đến các rạp để xem “Kịch ảnh” miễn phí. Tại Hoa Kỳ, mỗi ngày có đến 80 thành phố công chiếu “Kịch ảnh”. Nhiều khán giả vô cùng ngạc nhiên vì lần đầu được xem “phim thoại”. Nhờ nghệ thuật chụp ảnh “tua nhanh thời gian”, họ được xem quá trình một chú gà con mổ vỏ trứng để chui ra và một bông hoa đang nở. Thông tin khoa học thời đó được dùng nhằm đề cao sự khôn ngoan tột bậc của Đức Giê-hô-va. Như được đề cập ở đầu bài, khi xem đoạn phim có anh Russell giới thiệu “Kịch ảnh”, một khán giả nhận xét: “Anh Russell trên màn ảnh trông thật hơn ngoài đời!”.

MỘT BƯỚC NGOẶT TRONG VIỆC TRUYỀN BÁ SỰ THẬT

“Kịch ảnh” được khởi chiếu ngày 11-1-1914 tại rạp hát cổ kính này ở thành phố New York, lúc đó do Hiệp hội Học viên Kinh Thánh Quốc tế (IBSA) làm chủ, và những người làm việc tại đây cũng là Học viên Kinh Thánh

Ông Tim Dirks, một tác giả kiêm sử gia về điện ảnh, nhận xét “Kịch ảnh” là “bộ phim lớn đầu tiên có âm thanh đồng bộ hóa (tiếng nói được thu âm), phim chuyển động và những tấm kính dương bản tô màu”. Những bộ phim ra trước “Kịch ảnh” đã dùng một hoặc hai yếu tố này, nhưng chưa bao giờ hội tụ cả ba yếu tố trong một bộ phim, nhất là phim mang chủ đề Kinh Thánh. Ngoài ra, không bộ phim nào trước đó có số lượng khán giả xem đông bằng “Kịch ảnh”—tính riêng năm đầu công chiếu thì ở Bắc Mỹ, châu Âu, Úc và New Zealand có tổng cộng khoảng chín triệu người đến xem!

“Kịch ảnh” được khởi chiếu vào ngày 11-1-1914, tại thành phố New York. Bảy tháng sau, Thế Chiến I nổ ra. Nhưng người dân trên khắp thế giới tiếp tục đến xem “Kịch ảnh”, và được an ủi từ những cảnh phim nói về các ân phước mà Nước Trời sẽ mang lại. Thật vậy, “Kịch ảnh” là bộ phim có một không hai, đặc biệt trong bối cảnh năm 1914.

Hai mươi bộ “Kịch ảnh” đã được trình chiếu bởi các nhóm trên khắp Bắc Mỹ