Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hòa đồng tôn giáo—Có phải là phương cách của Đức Chúa Trời?

Hòa đồng tôn giáo—Có phải là phương cách của Đức Chúa Trời?

“Tôn giáo gây chia rẽ hay hợp nhất chúng ta?”. Tờ The Sydney Morning Herald đã nêu câu hỏi này cho các độc giả của báo. Trong số những người trả lời, đại đa số—khoảng 89%—cảm thấy tôn giáo gây chia rẽ chúng ta.

Tuy nhiên, những người ủng hộ hòa đồng tôn giáo thì xem vấn đề này hoàn toàn khác. Ông Eboo Patel, người sáng lập Tổ chức Giới trẻ Liên tôn toàn cầu (Interfaith Youth Core) hỏi: “Hãy cho tôi thấy tôn giáo nào không quan tâm đến lòng trắc ẩn..., không quan tâm đến việc quản lý môi trường..., không quan tâm đến lòng hiếu khách”.

Thật thế, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, và nhiều tôn giáo khác thỉnh thoảng hợp tác để chống lại nạn nghèo đói, chiến dịch đòi nhân quyền, chiến dịch cấm mìn bẫy, hoặc hướng sự chú ý đến các vấn đề môi trường. Nhiều tôn giáo họp mặt để bàn luận cách đẩy mạnh sự hiểu biết chung và khích lệ lẫn nhau. Họ ăn mừng sự đa dạng này bằng các nghi lễ thắp sáng bằng nến, lễ hội, âm nhạc, cầu nguyện v.v.

Các tôn giáo hòa nhập với nhau có phải là cách để hàn gắn sự bất đồng giữa các niềm tin không? Có phải hòa đồng tôn giáo là phương cách mà Đức Chúa Trời dùng để mang lại một thế giới tốt đẹp hơn?

HỢP NHẤT—PHẢI TRẢ GIÁ NÀO?

Một trong những tổ chức hòa đồng tôn giáo lớn nhất khoe rằng các thành viên của họ đại diện cho hơn 200 niềm tin khác nhau và hoạt động trong 76 nước. Họ tuyên bố mục tiêu là “đẩy mạnh sự hợp tác hòa đồng tôn giáo mỗi ngày và lâu dài”. Thật ra, nói thì dễ hơn làm. Chẳng hạn, theo các nhà tổ chức, từ ngữ trong bản tuyên bố phải được chọn lựa kỹ để không gây phản cảm trong nhiều niềm tin và các nhóm bản địa ký kết vào văn bản này. Tại sao? Một yếu tố là có sự bất đồng về việc có nên nói đến Đức Chúa Trời không. Sau đó, họ tránh việc nhắc hoặc đề cập đến Đức Chúa Trời trong văn bản này.

Nếu Đức Chúa Trời không được nhắc đến thì niềm tin đóng vai trò nào? Hơn nữa, một phong trào hòa đồng tôn giáo như thế khác biệt thế nào với một tổ chức từ thiện hoặc nhân đạo ngoài đời? Đó là lý do mà tổ chức đã nói ở trên tự xưng là “một tổ chức xây chiếc cầu nối”, chứ không phải một thực thể tôn giáo.

KHUYẾN KHÍCH NÂNG CAO PHẨM CHẤT—CÓ ĐỦ KHÔNG?

Ông Đạt Lại Lạt Ma, một người có danh tiếng ủng hộ việc hòa đồng tôn giáo, cho biết: “Về cơ bản, tất cả truyền thống tôn giáo chính đều có cùng thông điệp: yêu thương, thương xót và tha thứ”. Ông nói thêm: “Điều quan trọng là những đức tính này nên được thể hiện trong đời sống hằng ngày của chúng ta”.

 Đành rằng, giá trị của các phẩm chất như tình yêu thương, thương xót và sự tha thứ rất quan trọng. Trong điều được gọi là Luật Vàng, Chúa Giê-su nói: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ” (Ma-thi-ơ 7:12). Nhưng có phải đức tin thật chỉ bao gồm việc nâng cao phẩm chất không?

Về những người tự nhận mình phụng sự Đức Chúa Trời vào thời của ông, sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi chứng nhận rằng họ có lòng sốt sắng với Đức Chúa Trời, nhưng không theo sự hiểu biết chính xác”. Vấn đề là gì? Phao-lô cho biết “vì họ không hiểu sự công chính theo ý Đức Chúa Trời mà tìm cách trở nên công chính theo ý mình” (Rô-ma 10:2, 3). Không hiểu biết chính xác điều Đức Chúa Trời muốn họ làm, nên lòng sốt sắng của họ—và đức tin—thật sự không có giá trị gì.—Ma-thi-ơ 7:21-23.

QUAN ĐIỂM CỦA KINH THÁNH VỀ HÒA ĐỒNG TÔN GIÁO

Chúa Giê-su nói: “Hạnh phúc thay những ai có tính hiếu hòa” (Ma-thi-ơ 5:9). Chúa Giê-su đã thực hành những điều ngài dạy bằng cách phát huy tính hiếu hòa và mang thông điệp bình an đến cho những người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau (Ma-thi-ơ 26:52). Những người hưởng ứng thông điệp này được thu hút vào tình yêu thương bền vững (Cô-lô-se 3:14). Nhưng có phải mục tiêu của Chúa Giê-su là chỉ xây cầu nối giữa những người thuộc mọi gốc gác để họ có thể sống với nhau trong hòa bình không? Ngài có tham gia vào việc thờ phượng của họ không?

Các nhà lãnh đạo tôn giáo thuộc phái Pha-ri-si và Sa-đu-sê chống lại Chúa Giê-su một cách hiểm độc, thậm chí tìm cách giết ngài. Ngài phản ứng thế nào? Chúa Giê-su dạy các môn đồ: “Hãy để mặc họ. Họ là những người mù dẫn đường” (Ma-thi-ơ 15:14). Chúa Giê-su không cổ vũ việc hòa đồng tôn giáo với những người ấy.

Một thời gian sau, hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập ở Cô-rinh-tô, Hy Lạp, một thành phố nổi tiếng về nền văn hóa đa nguyên, đa tôn giáo. Các môn đồ của Chúa Giê-su phản ứng thế nào trong môi trường đó? Sứ đồ Phao-lô viết cho họ: “Chớ mang ách chung với người không tin đạo, vì không cân xứng”. Tại sao? Ông lý luận: “Đấng Ki-tô và Bê-li-an [Sa-tan] có điểm nào hòa hợp? Hay người tin đạo có điểm gì chung với người không tin?”. Rồi ông đưa ra lời khuyên: “Hãy ra khỏi chúng nó và tách biệt khỏi chúng nó”.—2 Cô-rinh-tô 6:14, 15, 17.

Rõ ràng Kinh Thánh lên án thực hành về hòa đồng tôn giáo. Nhưng có lẽ bạn thắc mắc: “Vậy, làm sao có được sự hợp nhất đích thực?”.

XÂY DỰNG SỰ HỢP NHẤT ĐÍCH THỰC

Trạm vũ trụ quốc tế, một kỳ quan công nghệ xoay quanh trái đất, là thành quả của khoảng 15 quốc gia cùng hợp tác. Bạn có thể hình dung, nếu các quốc gia tham gia dự án không nhất trí về bản thiết kế thì làm sao công trình này có thể hoàn thành?

Về cơ bản, phong trào hòa đồng tôn giáo ngày nay cũng như thế. Dù sự hợp tác và tôn trọng được đánh giá cao, nhưng không có sự nhất trí về “bản thiết kế” để xây dựng đức tin. Thế nên như từ trước đến nay, các vấn đề về đạo đức và giáo lý vẫn gây chia rẽ.

Kinh Thánh chứa đựng những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, như một “bản thiết kế”. Chúng ta có thể xây đắp đời sống mình trên những điều Kinh Thánh nói. Những người chấp nhận và làm theo Kinh Thánh, thì vượt qua thành kiến về chủng tộc, tôn giáo và học cách hợp tác với nhau trong sự bình an và hợp nhất. Đức Chúa Trời nói trước về điều này: “Ta sẽ ban môi-miếng [“ngôn ngữ”, Bản Phổ thông] thanh-sạch cho các dân, hầu cho chúng nó thảy đều kêu-cầu danh Đức Giê-hô-va, đặng một lòng hầu việc Ngài”. Sự hợp nhất có được nhờ “ngôn ngữ thanh sạch”, tức những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về sự thờ phượng.—Sô-phô-ni 3:9; Ê-sai 2:2-4.

Nhân Chứng Giê-hô-va chân thành mời bạn đến thăm Phòng Nước Trời, phòng họp của Nhân Chứng, ở gần nhà để chứng kiến sự bình an và hợp nhất nổi bật giữa các Nhân Chứng.—Thi-thiên 133:1.