Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để giữ quan điểm tích cực?

Làm sao để giữ quan điểm tích cực?

“Nếu một người được sống lâu năm, thì khá vui-vẻ trong trọn các năm ấy”.—TRUYỀN 11:8.

1. Đức Giê-hô-va ban những ân phước nào để chúng ta hạnh phúc?

Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hạnh phúc, và ngài ban nhiều ân phước để chúng ta có điều đó. Một ân phước là ngài ban cho chúng ta sự sống. Chúng ta có thể dùng đời sống mình để ngợi khen Đức Chúa Trời, vì ngài đã kéo chúng ta đến với sự thờ phượng thật (Thi 144:15; Giăng 6:44). Đức Giê-hô-va đảm bảo là ngài yêu thương chúng ta và giúp chúng ta bền chí phụng sự ngài (Giê 31:3; 2 Cô 4:16). Chúng ta đang hưởng địa đàng thiêng liêng, nơi có dư dật thức ăn thiêng liêng và đoàn thể anh em yêu thương. Không những thế, chúng ta còn có hy vọng tuyệt vời trong tương lai.

2. Một số tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời phải đấu tranh với điều gì?

2 Dù có lý do để hạnh phúc, nhưng một số tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời vẫn phải đấu tranh với những suy nghĩ tiêu cực về chính mình. Có lẽ họ cảm thấy bản thân và những gì họ dâng cho Đức Giê-hô-va chẳng có giá trị gì với ngài. Đối với những người luôn suy nghĩ tiêu cực như thế thì ‘vui-vẻ trong trọn những năm tháng’ của cuộc đời là điều viển vông. Với họ, cuộc sống dường như chỉ là chuỗi ngày đen tối.—Truyền 11:8.

3. Điều gì có thể gây ra cảm xúc tiêu cực?

3 Những cảm xúc tiêu cực như thế có lẽ bắt nguồn từ nỗi thất  vọng, bệnh tật và những giới hạn của tuổi già (Thi 71:9; Châm 13:12). Hơn nữa, mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải đối diện với một sự thật là lòng mình dối trá và có thể lên án chính mình ngay cả khi Đức Chúa Trời hài lòng về mình (Giê 17:9; 1 Giăng 3:20). Kẻ Quỷ Quyệt đã vu cáo tôi tớ của Đức Chúa Trời. Những người có lối suy nghĩ của Sa-tan có lẽ cố đầu độc chúng ta bằng quan điểm của một người bất trung là Ê-li-pha, đó là chúng ta không có giá trị trước mắt Đức Chúa Trời. Lời nói dối này được nêu lên trong thời của Gióp và ngày nay cũng vậy.—Gióp 4:18, 19.

4. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

4 Qua Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va cho thấy rõ ngài sẽ ở với những người “đi trong trũng bóng chết” (Thi 23:4). Một cách ngài làm thế là qua Lời ngài. Kinh Thánh có “sức mạnh từ Đức Chúa Trời để phá đổ các thành lũy”, bao gồm những quan điểm sai lầm và ý nghĩ tiêu cực (2 Cô 10:4, 5). Vậy, hãy xem chúng ta có thể dùng Kinh Thánh thế nào để vun trồng và giữ quan điểm tích cực. Qua đó, chính bạn sẽ nhận được lợi ích cũng như biết cách khích lệ người khác.

DÙNG KINH THÁNH ĐỂ VUN TRỒNG QUAN ĐIỂM TÍCH CỰC

5. Tra xét điều gì có thể giúp chúng ta có quan điểm tích cực?

5 Sứ đồ Phao-lô nói đến một số điều có thể giúp chúng ta vun trồng quan điểm tích cực. Ông khuyến giục hội thánh ở Cô-rinh-tô: “Hãy luôn tra xét xem mình có sống phù hợp với đạo Đấng Ki-tô không” (2 Cô 13:5). “Đạo Đấng Ki-tô” nói đến những niềm tin được tiết lộ trong Kinh Thánh. Nếu lời nói và việc làm của chúng ta phù hợp với những niềm tin ấy thì chúng ta cho thấy mình sống phù hợp với “đạo Đấng Ki-tô”. Dĩ nhiên, chúng ta cũng phải so sánh đời sống mình với toàn bộ sự dạy dỗ của đạo Đấng Ki-tô. Chúng ta không thể chọn làm điều này, không làm điều kia.—Gia 2:10, 11.

6. Tại sao chúng ta nên tra xét xem “mình có sống phù hợp với đạo Đấng Ki-tô không”? (Xem hình nơi đầu bài).

6 Có thể bạn do dự tra xét bản thân, nhất là khi bạn nghĩ có lẽ mình không hội đủ tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, quan điểm của ngài về chúng ta quan trọng hơn cách chúng ta nghĩ về mình, vì ý tưởng của ngài cao hơn nhiều so với ý tưởng của chúng ta (Ê-sai 55:8, 9). Đức Giê-hô-va tra xét những người thờ phượng ngài, không phải để lên án, nhưng để tìm những điểm tốt nơi họ và trợ giúp họ. Khi dùng Lời Đức Chúa Trời để tra xét xem “mình có sống phù hợp với đạo Đấng Ki-tô không”, bạn sẽ nhìn bản thân theo cách của Đức Chúa Trời. Điều này sẽ giúp bạn thay thế bất cứ ý tưởng nào cho rằng mình chẳng có giá trị gì đối với Đức Chúa Trời bằng lời đảm bảo dựa trên Kinh Thánh: Bạn quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va. Hành động này có thể được ví như việc vén rèm cửa để ánh sáng chiếu vào căn phòng tối.

7. Làm thế nào bạn có thể nhận lợi ích từ những gương trung thành trong Kinh Thánh?

7 Một cách hiệu quả để tra xét bản thân là suy ngẫm về những gương trung thành trong Kinh Thánh. Hãy so sánh hoàn cảnh hoặc cảm xúc của họ với hoàn cảnh hoặc cảm xúc của bạn, và nghĩ xem bạn sẽ hành động ra sao nếu ở trong tình huống của họ. Hãy chú ý đến ba gương mẫu cho thấy cách bạn có thể dùng Kinh Thánh để xem “mình có sống phù hợp với đạo Đấng Ki-tô không”, từ đó vun trồng quan điểm tích cực về bản thân.

BÀ GÓA NGHÈO

8, 9. (a) Bà góa nghèo có cảnh ngộ nào? (b) Có lẽ bà góa đã có những cảm nghĩ tiêu cực nào?

8 Tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su quan sát một bà góa nghèo. Gương của bà có thể giúp chúng ta giữ quan điểm tích cực dù có những giới hạn. (Đọc Lu-ca 21:1-4). Hãy xem cảnh ngộ của bà: Bà không chỉ chịu đựng nỗi đau mất bạn đời mà còn  phải sống dưới ách thống trị khắc nghiệt của giới lãnh đạo tôn giáo, những người chỉ muốn “nuốt nhà của đàn bà góa” chứ không giúp đỡ họ (Lu 20:47). Bà nghèo đến mức chỉ có thể đóng góp vào đền thờ số tiền bằng tiền công mà một người lao động kiếm được trong vài phút.

9 Hãy hình dung bà góa cảm thấy thế nào khi bước vào sân đền thờ với hai đồng xu trong tay. Bà có nghĩ số tiền của bà quá ít ỏi so với những gì bà có thể đóng góp khi chồng còn sống không? Khi thấy những người đi trước đóng góp nhiều, bà có xấu hổ và nghĩ số tiền mình đóng góp chẳng đáng giá không? Cho dù có những cảm nghĩ như thế, bà vẫn làm mọi điều có thể để ủng hộ sự thờ phượng thật.

10. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy bà góa quý giá trước mắt Đức Chúa Trời?

10 Chúa Giê-su cho thấy bà góa và những gì bà đóng góp quý giá trước mắt Đức Giê-hô-va. Ngài nói rằng bà “đã bỏ vào thùng nhiều hơn tất cả những người [giàu]”. Hẳn số tiền của bà trộn lẫn với tiền của người khác, nhưng Chúa Giê-su chỉ chú ý đến bà và khen. Khi kiểm tiền và thấy hai đồng xu, có lẽ người làm việc trong kho bạc không biết số tiền đó và người đóng góp quý giá thế nào đối với Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, quan điểm của Đức Chúa Trời mới thật sự quan trọng, chứ không phải suy nghĩ của người khác hay cách bà góa đánh giá về bản thân. Làm sao bạn có thể dùng lời tường thuật này để tra xét xem mình có sống phù hợp với đạo Đấng Ki-tô không?

Bạn học được gì từ gương của bà góa nghèo? (Xem đoạn 8-10)

11. Bạn học được gì từ lời tường thuật về bà góa?

11 Hoàn cảnh của bạn có thể ảnh hưởng đến những gì bạn có thể dâng cho Đức Giê-hô-va. Do tuổi già hoặc bệnh tật mà một số anh chị có số giờ rao giảng rất hạn chế. Họ có nên nghĩ số giờ của mình không đáng để báo cáo không? Dù không bị hạn chế nhiều, có lẽ bạn cũng cảm thấy nỗ lực của mình chẳng đáng là bao so với tổng số giờ dân Đức Chúa Trời dành ra mỗi năm cho thánh chức. Nhưng lời tường thuật về bà góa nghèo dạy chúng ta rằng Đức Giê-hô-va để ý và quý trọng mỗi  điều chúng ta làm cho ngài, nhất là khi phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn. Hãy nghĩ về việc phụng sự của bạn trong năm vừa qua. Có phải một trong những giờ bạn dành cho Đức Giê-hô-va đòi hỏi bạn phải nỗ lực không? Nếu vậy, bạn có thể tin chắc rằng ngài quý trọng những gì bạn làm trong giờ đó. Giống như bà góa nghèo, khi làm mọi điều có thể để phụng sự Đức Giê-hô-va, bạn có lý do chính đáng để tin rằng mình đang “sống phù hợp với đạo Đấng Ki-tô”.

“HÃY CẤT LẤY MẠNG-SỐNG TÔI”

12-14. (a) Những cảm xúc tiêu cực đã ảnh hưởng ra sao đến Ê-li? (b) Có lẽ điều gì đã khiến Ê-li cảm thấy như thế?

12 Ê-li là nhà tiên tri trung thành của Đức Giê-hô-va và có đức tin mạnh. Nhưng có lần ông cảm thấy tuyệt vọng đến nỗi xin Đức Giê-hô-va cho ông được chết. Ông nói: “Ôi Đức Giê-hô-va! Đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng-sống tôi” (1 Vua 19:4). Những người chưa từng bị tuyệt vọng như thế có lẽ dễ cho rằng lời cầu nguyện của Ê-li chỉ là ‘lời nói đại’ (Gióp 6:3). Tuy nhiên, đó là cảm xúc thật của ông. Hãy lưu ý, Đức Giê-hô-va không trách mắng Ê-li khi ông muốn chết nhưng ngài đã giúp đỡ ông.

13 Điều gì đã khiến Ê-li cảm thấy như thế? Mới trước đó, ông dẫn đầu một cuộc thử thách mang tính quyết định tại Y-sơ-ra-ên để chứng tỏ Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật, và điều này dẫn đến việc 450 tiên tri của Ba-anh bị xử tử (1 Vua 18:37-40). Hẳn Ê-li đã hy vọng rằng lúc này dân Đức Chúa Trời sẽ quay về với sự thờ phượng thanh sạch, nhưng điều đó không xảy ra. Hơn nữa, hoàng hậu gian ác là Giê-sa-bên đã gửi một thông điệp cho Ê-li là bà sắp lấy mạng ông. Quá sợ hãi, Ê-li chạy trốn về phía nam, qua nước láng giềng Giu-đa và tiến vào hoang mạc, một nơi cằn cỗi và hoang vu.—1 Vua 19:2-4.

14 Khi ở một mình trong hoang mạc, Ê-li bắt đầu nghĩ rằng công việc tiên tri của mình chẳng có kết quả gì. Ông nói với Đức Giê-hô-va: “Tôi không hơn gì các tổ-phụ tôi”. Ông cảm thấy mình vô dụng như các tổ phụ đang an giấc trong mồ, chỉ là bụi đất. Điều này giống như ông tự đánh giá mình bằng tiêu chuẩn riêng và kết luận mình là kẻ thất bại, chẳng có giá trị trước mắt Đức Giê-hô-va và người khác.

15. Làm thế nào Đức Chúa Trời đảm bảo với Ê-li rằng ngài vẫn quý trọng ông?

15 Nhưng Đấng Toàn Năng nhìn Ê-li theo cách khác. Ê-li vẫn có giá trị trước mắt Đức Chúa Trời, và ngài đã thực hiện các bước để đảm bảo với ông điều đó. Ngài phái một thiên sứ đến củng cố Ê-li. Đức Giê-hô-va cũng cung cấp thức ăn và đồ uống để nuôi sống ông suốt hành trình về phía nam đến núi Hô-rếp trong 40 ngày. Ngoài ra, ngài nhân từ điều chỉnh quan điểm sai của Ê-li khi ông cho rằng không còn người Y-sơ-ra-ên nào khác trung thành với Đức Giê-hô-va. Điều đáng lưu ý là Đức Chúa Trời giao cho Ê-li những nhiệm vụ mới, và ông đồng ý nhận. Ê-li được Đức Giê-hô-va giúp đỡ và ông trở lại công việc tiên tri bằng sức mới.—1 Vua 19:5-8, 15-19.

16. Đức Chúa Trời dùng một số cách nào để gìn giữ bạn?

16 Bạn có thể dùng kinh nghiệm của Ê-li để tra xét xem mình có sống phù hợp với đạo Đấng Ki-tô không và vun trồng quan điểm tích cực. Trước tiên, hãy nghĩ đến những cách Đức Giê-hô-va gìn giữ bạn. Có phải một tôi tớ của ngài, có lẽ là trưởng lão hoặc anh chị thành thục, đã giúp đỡ khi bạn cần? (Ga 6:2). Có phải bạn được nuôi dưỡng về thiêng liêng qua Kinh Thánh, ấn phẩm và các buổi nhóm họp? Lần tới, khi nhận được lợi ích từ một trong những cách trên, hãy suy ngẫm về Nguồn của sự giúp đỡ ấy và cầu nguyện cảm tạ ngài.—Thi 121:1, 2.

17. Đức Giê-hô-va quý trọng điều gì nơi các tôi tớ của ngài?

17 Sau đó, hãy nhớ rằng suy nghĩ tiêu cực có thể khiến chúng ta có quan điểm sai  lệch. Cách Đức Chúa Trời đánh giá chúng ta mới thật sự quan trọng. (Đọc Rô-ma 14:4). Ngài quý lòng sùng kính và sự trung thành của chúng ta. Ngài không đánh giá chúng ta qua những thành quả mình đạt được. Như trường hợp của Ê-li, có lẽ bạn làm nhiều cho Đức Giê-hô-va hơn là bạn nghĩ. Rất có thể bạn có ảnh hưởng tốt đến một số anh chị trong hội thánh, và nhờ nỗ lực của bạn mà nhiều người trong khu vực biết về sự thật.

18. Nhiệm vụ Đức Giê-hô-va giao cho bạn chứng tỏ điều gì?

18 Cuối cùng, hãy xem mỗi nhiệm vụ mà Đức Giê-hô-va giao là bằng chứng cho thấy ngài ở cùng bạn (Giê 20:11). Như Ê-li, có lẽ bạn nản lòng vì cảm thấy nỗ lực của mình trong việc phụng sự không có kết quả hoặc khó đạt được mục tiêu thiêng liêng nào đó. Tuy nhiên, bạn vẫn có đặc ân lớn nhất mà mỗi chúng ta đều có, đó là rao truyền tin mừng và mang danh của Đức Chúa Trời. Vậy, hãy giữ lòng trung thành. Khi làm thế, bạn cũng có thể “chung vui với chủ”, như lời Chúa Giê-su nói trong một dụ ngôn.—Mat 25:23.

“BÀI CẦU-NGUYỆN CỦA KẺ NAN-KHỔ”

19. Người viết bài Thi-thiên 102 cảm thấy thế nào?

19 Người viết bài Thi-thiên 102 cảm thấy tuyệt vọng. Ông bị “nan-khổ”, tức bị tổn thương nặng nề về thể chất lẫn tinh thần, và ông không có đủ sức để đương đầu với những vấn đề của mình (Thi 102, lời ghi chú ở đầu bài). Những lời của người viết Thi-thiên cho thấy ông chìm đắm trong nỗi đau và sự cô đơn (Thi 102:3, 4, 6, 11). Ông nghĩ rằng Đức Giê-hô-va muốn quăng ông ra xa.—Thi 102:10.

20. Tại sao cầu nguyện có thể giúp một người đang đấu tranh với những cảm nghĩ tiêu cực?

20 Dù vậy, người viết Thi-thiên vẫn có thể dùng đời sống để ngợi khen Đức Giê-hô-va. (Đọc Thi-thiên 102:19-21). Như chúng ta thấy trong bài Thi-thiên 102, ngay cả những người sống phù hợp với đạo Đấng Ki-tô cũng có thể cảm thấy đau đớn và khó tập trung vào bất cứ điều gì khác. Người viết Thi-thiên thấy mình “giống như chim sẻ hiu-quạnh trên mái nhà”, như thể xung quanh chẳng có ai khác, chỉ có vấn đề mà thôi (Thi 102:7). Nếu bạn cảm thấy thế, hãy dốc đổ lòng với Đức Giê-hô-va, như người viết Thi-thiên đã làm. Khi đang gặp “nan-khổ” và phải đấu tranh với những cảm nghĩ tiêu cực thì lời cầu nguyện có thể giúp bạn. Đức Giê-hô-va hứa “sẽ nghe lời cầu-nguyện của kẻ khốn-cùng, chẳng khinh-dể lời nài-xin của họ” (Thi 102:17). Hãy tin cậy lời hứa đó.

21. Làm thế nào một người đang tranh đấu với cảm xúc tiêu cực có thể có quan điểm tích cực hơn?

21 Bài Thi-thiên 102 cũng cho thấy làm thế nào bạn có thể có quan điểm tích cực hơn. Người viết Thi-thiên đã chú tâm vào mối quan hệ với Đức Giê-hô-va (Thi 102:12, 27). Ông được an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va luôn bên cạnh để gìn giữ dân ngài qua những thử thách. Vì thế, nếu những cảm xúc tiêu cực tạm thời khiến bạn không thể phụng sự Đức Chúa Trời nhiều như mình muốn, hãy cầu nguyện về điều đó. Hãy xin ngài lắng nghe lời cầu nguyện, không chỉ để bạn giảm bớt nỗi đau mà còn để “danh Đức Giê-hô-va” được truyền ra.—Thi 102:20, 21.

22. Mỗi người trong chúng ta có thể làm hài lòng Đức Giê-hô-va bằng cách nào?

22 Quả thật, chúng ta có thể dùng Kinh Thánh để tra xét và chứng minh cho chính mình là chúng ta đang sống phù hợp với đạo Đấng Ki-tô và có giá trị trước mắt Đức Giê-hô-va. Dĩ nhiên, trong thế gian hiện tại, chúng ta không thể loại bỏ mọi cảm xúc tiêu cực hay sự nản lòng. Nhưng mỗi người trong chúng ta có thể làm hài lòng Đức Giê-hô-va và nhận được sự cứu rỗi qua việc bền chí phụng sự ngài cách trung thành.—Mat 24:13.