Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Buổi thờ phượng của gia đình—Làm sao để vui thích hơn?

Buổi thờ phượng của gia đình—Làm sao để vui thích hơn?

Một người cha ở Brazil nói: “Trong Buổi thờ phượng của gia đình, cả nhà tôi mải mê thảo luận đến mức thường kéo dài đến khuya nếu như tôi không chủ động kết thúc”. Một chủ gia đình ở Nhật Bản nói rằng con trai mười tuổi của anh dường như không để ý đến thời gian và cứ muốn tiếp tục. Tại sao? Người cha nhận xét: “Cháu rất hào hứng và điều này góp phần làm cháu vui”.

Dĩ nhiên không phải mọi đứa trẻ đều thích thú như vậy, và thẳng thắn mà nói, một số em không hứng thú với Buổi thờ phượng của gia đình. Tại sao? Một người cha ở Togo chia sẻ: “Không nên để cho sự thờ phượng Đức Giê-hô-va trở nên nhàm chán”. Nếu Buổi thờ phượng diễn ra tẻ nhạt, có thể nào là do cách điều khiển không? Nhiều gia đình nhận thấy Buổi thờ phượng của gia đình có thể trở nên rất “vui-thích”, như Ê-sai nói về ngày Sa-bát.—Ê-sai 58:13, 14.

Những người cha nhận ra rằng để gia đình cảm thấy thích thú thì Buổi thờ phượng nên diễn ra trong bầu không khí thoải mái. Anh Ralf, có ba con gái và một con trai, nói rằng Buổi thờ phượng của gia đình giống như cuộc trò chuyện thân mật hơn là buổi học vì mọi người đều tham gia. Dĩ nhiên việc giúp mọi thành viên luôn thích thú và chú tâm vào tài liệu đôi khi là thử thách. Một người mẹ thừa nhận: “Không phải lúc nào tôi cũng có sức để làm cho Buổi thờ phượng của gia đình thú vị như mình mong muốn”. Bạn có thể vượt qua thử thách đó không?

LINH ĐỘNG VÀ PHONG PHÚ

Một người cha ở Đức có hai con nói: “Chúng tôi phải linh động”. Chị Natalia có hai con nhận xét: “Điều quan trọng nhất với gia đình tôi là sự phong phú và đa dạng”. Nhiều gia đình chia thời gian trong Buổi thờ phượng  của gia đình thành nhiều phần. Anh Cleiton ở Brazil, có hai con ở tuổi thanh thiếu niên, giải thích: “Điều đó làm cho buổi thảo luận thêm sinh động và cả nhà có thể tham gia”. Khi phân bổ thời gian như thế, cha mẹ có thể quan tâm đến nhu cầu của mỗi con, nếu các con có sự chênh lệch đáng kể về độ tuổi. Cha mẹ có thể đáp ứng nhu cầu của từng thành viên cũng như linh động chọn đề tài và cách thức.

Một số gia đình đã làm gì để Buổi thờ phượng của gia đình thêm phong phú? Có những gia đình mở đầu Buổi thờ phượng bằng cách hát các bài chúc tụng Đức Giê-hô-va. Anh Juan ở Mexico nói: “Điều này tạo nên bầu không khí dễ chịu và giúp mọi người chuẩn bị lòng cho đề tài sắp thảo luận”. Gia đình anh chọn những bài hát liên quan đến một số đề tài đã được chuẩn bị cho Buổi thờ phượng tối hôm ấy.

Sri Lanka

Một số gia đình chọn đọc một phần Kinh Thánh. Để Buổi thờ phượng phong phú, mỗi thành viên đọc lời thoại của một nhân vật trong phần Kinh Thánh đó. Một người cha ở Nhật Bản thừa nhận rằng “lúc đầu cách đọc này hơi lạ” đối với anh. Nhưng hai con trai của anh rất vui khi thấy cha mẹ cùng tham gia. Một số gia đình còn diễn lại các câu chuyện Kinh Thánh. Anh Roger, một người cha ở Nam Phi có hai con trai, nói rằng con cái “thường thấy những chi tiết trong một lời tường thuật của Kinh Thánh mà cha mẹ không để ý đến”.

Nam Phi

Một cách khác giúp cho Buổi thờ phượng thêm phong phú là cùng nhau thực hiện một dự án, chẳng hạn như dựng mô hình con tàu Nô-ê hoặc đền thờ Sa-lô-môn. Những dự án như thế đòi hỏi sự nghiên cứu mà có thể rất thú vị. Chẳng hạn, một gia đình ở châu Á có bà nội, cha mẹ và con gái năm tuổi. Tại phòng khách, họ tạo ra một trò chơi dựa trên những chuyến hành trình của sứ đồ Phao-lô. Những gia đình khác thiết kế trò chơi dựa trên các lời tường thuật trong sách Xuất Ê-díp-tô Ký. Em Donald, 19 tuổi, ở Togo nhận xét rằng sự đa dạng “mang đến cho gia đình và Buổi thờ phượng của gia đình một luồng gió mới”. Bạn có thể nghĩ ra một dự án để giúp Buổi thờ phượng của gia đình vui thích hơn không?

Hoa Kỳ

CHUẨN BỊ LÀ ĐIỀU THIẾT YẾU

Dù sự phong phú và linh động giúp cho Buổi thờ phượng của gia đình thêm vui thích, nhưng để được lợi ích thì tất cả các thành viên cần phải chuẩn bị. Vì đôi khi con trẻ mất tập trung, nên người cha cần nghĩ trước về đề tài đã chọn và dành thời gian chuẩn bị kỹ. Một người cha nói: “Khi tôi chuẩn bị trước, mọi người có buổi thảo luận ý nghĩa hơn”. Một người cha ở Đức cho gia đình biết trước họ sẽ thảo luận điều gì trong những tuần sắp tới. Khi chọn một DVD dựa trên Kinh Thánh để xem trong Buổi thờ phượng, một người cha có sáu con độ tuổi thiếu niên ở Benin đưa trước cho các thành viên những câu hỏi sẽ thảo luận. Thật vậy, sự chuẩn bị có thể cải thiện chất lượng Buổi thờ phượng của gia đình.

Khi gia đình biết trước sẽ xem xét điều gì, họ có thể nói về đề tài ấy trong suốt tuần, nhờ thế tạo sự háo hức. Ngoài ra, khi được giao nhiệm vụ, mỗi thành viên sẽ cảm thấy mình có vai trò quan trọng trong Buổi thờ phượng.

CỐ GẮNG DUY TRÌ SỰ ĐỀU ĐẶN

Không ít gia đình gặp khó khăn trong việc duy trì đều đặn Buổi thờ phượng của gia đình.

Nhiều người cha phải làm việc nhiều giờ để chu cấp cho gia đình. Chẳng hạn, một người cha ở Mexico rời nhà lúc 6 giờ sáng và đến 8 giờ tối mới về nhà. Hơn nữa, có lúc gia đình phải thay đổi lịch trình của Buổi thờ phượng của gia đình vì có một sự kiện thiêng liêng khác.

Tuy nhiên, chúng ta cần quyết tâm duy trì đều đặn Buổi thờ phượng của gia đình. Em Loïs ở Togo, 11 tuổi, nói về sự quyết tâm của gia đình mình: “Cho dù có lúc phải bắt đầu Buổi thờ phượng muộn vì hôm đó có một điều bất ngờ xảy ra, nhưng gia đình em vẫn luôn có Buổi thờ phượng của gia đình”. Bạn có thể hiểu tại sao một số gia đình sắp xếp Buổi thờ phượng vào những ngày đầu tuần. Nếu có điều gì bất ngờ xảy ra, họ có thể dời Buổi thờ phượng vào một ngày sau đó trong tuần.

Chính tên “Buổi thờ phượng của gia đình” cho thấy đây là một phần trong sự thờ phượng của bạn đối với Đức Giê-hô-va. Vậy, mỗi tuần, mọi thành viên trong gia đình bạn hãy dâng cho Đức Giê-hô-va ‘lời ngợi-khen ở môi mình thay vì con bò đực’ (Ô-sê 14:2). Mong sao Buổi thờ phượng của gia đình là thời gian vui thích đối với mỗi thành viên, ‘vì sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va là sức-lực của các bạn’.—Nê 8:9, 10.