Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chăm sóc người lớn tuổi

Chăm sóc người lớn tuổi

“Hỡi các con yêu dấu, chúng ta phải yêu thương bằng hành động và lòng chân thật”.—1 GIĂNG 3:18.

1, 2. (a) Nhiều gia đình đối mặt với những khó khăn nào, và những câu hỏi nào được nêu lên? (b) Làm thế nào cha mẹ và con cái có thể đương đầu với thử thách khi hoàn cảnh thay đổi?

Có lẽ bạn đau lòng khi thấy cha mẹ, một thời khỏe mạnh và tự lo cho bản thân, giờ đây không thể chăm sóc chính mình. Có lẽ cha hoặc mẹ bị ngã gãy xương chậu, mất phương hướng và lú lẫn hoặc mắc một căn bệnh nặng. Còn về phía cha mẹ, có thể họ thấy khó chấp nhận những thay đổi về thể chất hoặc hoàn cảnh, nhất là khi điều này giới hạn sự tự do của họ (Gióp 14:1). Vậy, cha mẹ và con cái có thể làm gì? Cha mẹ có thể được chăm sóc như thế nào?

2 Một bài nói về việc chăm sóc người lớn tuổi cho biết: “Dù khó nói về những vấn đề của tuổi già, nhưng nếu gia đình thảo luận những đề nghị và thống nhất đưa ra phương án thì sẽ đối phó tốt hơn khi có chuyện xảy ra”. Sự thảo luận như thế càng cần thiết khi chúng ta ý thức rằng những vấn đề của tuổi già là không thể tránh khỏi. Dù vậy, chúng ta có thể chuẩn bị một số điều và quyết định trước. Hãy xem làm thế nào gia đình có thể chung sức đồng lòng để lên phương án đương đầu với một số thử thách.

 LÊN PHƯƠNG ÁN CHO “NHỮNG NGÀY GIAN-NAN”

3. Có thể gia đình phải làm gì khi cha mẹ lớn tuổi cần sự trợ giúp? (Xem hình nơi đầu bài).

3 Sẽ đến lúc đa số người lớn tuổi không thể tự chăm sóc bản thân và cần sự trợ giúp. (Đọc Truyền-đạo 12:1-7). Khi ấy, họ và con cái cần xác định xem cách chăm sóc nào là tốt nhất và phù hợp với khả năng của gia đình. Vì thế, điều khôn ngoan là gia đình họp lại để bàn bạc về sự hợp tác, nhu cầu và phương án. Mọi người có liên quan, nhất là cha mẹ, nên trò chuyện cởi mở và nêu lên những vấn đề cụ thể. Cả gia đình thảo luận xem cha mẹ có thể tiếp tục ở riêng mà vẫn an toàn không *. Hoặc xem xét mỗi thành viên có lợi thế nào và có thể tận dụng nó ra sao để chu toàn bổn phận với cha mẹ (Châm 24:6). Chẳng hạn, một số thành viên có thể dành thời gian chăm sóc cha mẹ mỗi ngày, số khác có thể hỗ trợ tài chính. Mỗi người cần ý thức được vai trò của mình, nhưng với thời gian họ có thể xem xét lại và đổi vai trò cho nhau.

4. Các thành viên trong gia đình có thể tìm sự trợ giúp nơi đâu?

4 Khi bắt đầu chăm sóc cha mẹ, hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ về tình trạng của họ. Nếu cha hoặc mẹ bị một căn bệnh làm suy nhược cơ thể, hãy tìm hiểu diễn tiến của bệnh đó (Châm 1:5). Hãy liên lạc với những cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ trợ giúp cho người lớn tuổi. Cũng tìm hiểu xem trong cộng đồng có sự trợ giúp nào giúp bạn chăm sóc cha mẹ dễ và hiệu quả hơn không. Hoàn cảnh gia đình thay đổi có thể khiến bạn có cảm xúc như mất mát, sốc hoặc bối rối. Hãy san sẻ nỗi niềm với một người bạn đáng tin cậy. Trên hết, hãy dốc đổ lòng mình cho Đức Giê-hô-va. Ngài có thể ban cho bạn sự bình an tâm trí cần thiết để đương đầu với bất cứ tình huống nào.—Thi 55:22; Châm 24:10; Phi-líp 4:6, 7.

5. Tại sao điều khôn ngoan là thu thập sớm thông tin về những lựa chọn liên quan đến việc chăm sóc người lớn tuổi?

5 Một số anh chị lớn tuổi và con cái họ khôn ngoan thu thập trước thông tin về những lựa chọn liên quan đến việc chăm sóc. Chẳng hạn, họ tìm hiểu lợi ích của việc cho cha mẹ sống với con cái, sống ở viện dưỡng lão hoặc dùng những trợ giúp khác. Họ thấy trước sự “lao-khổ và buồn-thảm” và chuẩn bị để đương đầu (Thi 90:10). Nhiều gia đình không lên phương án đề phòng nên khi vấn đề bất ngờ xảy ra, họ phải vội vàng đưa ra quyết định khó. Một chuyên gia nhận xét: “Có thể nói đây là thời điểm xấu nhất để đưa ra quyết định”. Trong khi phải gấp rút đưa ra giải pháp, các thành viên trong gia đình có thể bị căng thẳng và dễ nảy sinh xung đột. Ngược lại, lên phương án sớm có thể giảm bớt những vấn đề trong tương lai.—Châm 20:18.

Gia đình có thể họp lại để bàn bạc về cách chăm sóc cha mẹ (Xem đoạn 6-8)

6. Việc cha mẹ và con cái bàn bạc với nhau về chỗ ở cho cha mẹ có thể mang lại lợi ích nào?

6 Có thể bạn thấy khó nói chuyện với cha mẹ về chỗ ở của họ, và có lẽ cần chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, nhiều người nhận thấy những cuộc trò chuyện như thế mang lại lợi ích về sau. Tại sao? Vì đó là cơ hội để đưa ra những phương án thích hợp trong bầu không khí thân mật và thấu hiểu. Trò chuyện trước với tinh thần yêu thương và tử tế sẽ giúp họ dễ đưa ra quyết định khi cần. Dù người lớn tuổi muốn sống tự lập và tự quyết  định vấn đề của mình khi còn có thể, thì việc họ thảo luận trước với con cái về cách chăm sóc họ khi cần vẫn mang lại lợi ích.

7, 8. Gia đình nên thảo luận về những đề tài nào, và tại sao?

7 Về phần cha mẹ, trong khi thảo luận, bạn hãy cho con cái biết ước muốn, khả năng tài chính và những cách chăm sóc mà mình thích. Điều này sẽ giúp con cái đưa ra quyết định phù hợp vào những lúc bạn không có khả năng quyết định. Rất có thể con cái sẽ tôn trọng ước muốn của bạn và để bạn được độc lập càng lâu càng tốt (Ê-phê 6:2-4). Chẳng hạn, bạn muốn một người con đưa bạn về ở chung hay muốn điều gì khác? Hãy thực tế và hiểu rằng có lẽ không phải tất cả các con đều nhìn sự việc theo cách của bạn, và cần thời gian để cả bạn và con điều chỉnh lối suy nghĩ.

8 Mọi người trong gia đình nên ý thức rằng nhiều vấn đề có thể tránh được nếu có sự chuẩn bị và thảo luận trước (Châm 15:22). Điều này bao gồm sở thích của cha mẹ và việc chăm sóc y tế. Chẳng hạn, Thẻ chỉ dẫn điều trị y khoa mà Nhân Chứng Giê-hô-va dùng có những thông tin mà gia đình có thể xem xét trong các cuộc thảo luận chung. Mỗi người đều có quyền biết về các phương pháp điều trị được đề nghị và có quyền chấp nhận hoặc từ chối một phương pháp nào đó. Lựa chọn trong thẻ này cho thấy ước muốn của một người. Việc ủy quyền cho một người có tư cách pháp lý để quyết định về y tế đảm bảo rằng khi cần thì có người đáng tin cậy quyết định thay. Những người có liên quan nên có tập hồ sơ gồm các bản sao của giấy tờ cần thiết để dùng khi cần. Một số người cho những bản sao ấy vào hồ sơ di chúc và nơi để các giấy tờ quan trọng liên quan đến bảo hiểm, tài chính, các cơ quan nhà nước, v.v.

ĐỐI PHÓ KHI HOÀN CẢNH THAY ĐỔI

9, 10. Những thay đổi về sức khỏe của cha mẹ có thể ảnh hưởng thế nào đến việc chăm sóc?

9 Trong nhiều trường hợp, cha mẹ và con cái thống nhất để cho cha mẹ sống tự lập càng lâu càng tốt nếu khả năng và sức khỏe của họ cho phép. Có lẽ cha mẹ vẫn có thể tự nấu ăn, dọn dẹp, giao tiếp và dùng thuốc theo chỉ dẫn. Vì thế, họ trấn an để con cái đừng quá lo cho các sinh hoạt thường ngày của họ. Tuy nhiên, với thời gian, nếu cha mẹ khó đi lại hơn, có lẽ không thể đi chợ hoặc đãng trí, thì có thể con cái cần phải trợ giúp.

10 Lẫn, trầm cảm, không tự chủ được trong việc đi vệ sinh, mắt kém, lãng tai và giảm trí nhớ có thể là những triệu chứng của tuổi già. Tuy nhiên, những triệu chứng ấy có thể điều trị được. Nếu người lớn tuổi gặp một trong những  vấn đề trên, hãy tìm kiếm sự trợ giúp về y tế. Có lẽ con cái cần phải chủ động giúp. Với thời gian, có thể họ còn phải giúp cha mẹ làm những việc cá nhân. Để chăm sóc tốt cho cha mẹ, đôi khi con cái phải đóng vai trò người đại diện, thư ký, tài xế, v.v.—Châm 3:27.

11. Con cái có thể làm gì để giảm thiểu sự thay đổi?

11 Nếu không giải quyết được vấn đề của cha mẹ, có lẽ bạn cần thay đổi cách chăm sóc hoặc chỗ ở của họ. Càng thay đổi ít thì càng dễ thích nghi. Nếu sống khá xa cha mẹ, bạn có thể nhờ một anh em đồng đạo hoặc người hàng xóm thường xuyên ghé thăm họ và cho một người trong gia đình bạn biết tình hình không? Có phải cha mẹ chỉ cần người giúp nấu nướng và dọn dẹp? Phải chăng chỉ cần sửa chữa nhà một chút để giúp cha mẹ đi lại, tắm rửa và làm việc khác dễ và an toàn hơn? Có lẽ cha mẹ chỉ muốn có một người chăm sóc thỉnh thoảng đến khi họ cần, như vậy họ vẫn có thể sống tự lập. Tuy nhiên, nếu ở riêng không an toàn thì họ cần nhiều sự trợ giúp hơn. Dù hoàn cảnh là gì, hãy tìm hiểu xem ở địa phương có những dịch vụ nào *.—Đọc Châm-ngôn 21:5.

CÁCH MỘT SỐ ANH CHỊ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI KHÓ KHĂN

12, 13. Một số người con ở xa tiếp tục hiếu kính và chăm sóc cha mẹ như thế nào?

12 Con cái yêu thương thường muốn cha mẹ sống thoải mái. Họ yên tâm khi biết cha mẹ được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, vì có những trách nhiệm khác nên nhiều người con không sống gần cha mẹ. Trong hoàn cảnh ấy, một số người đã dùng kỳ nghỉ để thăm nom, chăm sóc cha mẹ và làm những việc mà cha mẹ không thể làm. Khi con cái thường xuyên gọi điện, thậm chí mỗi ngày nếu có thể, viết thư hoặc gửi e-mail cho cha mẹ thì cha mẹ cảm thấy được yêu thương.—Châm 23:24, 25.

13 Dù trong hoàn cảnh nào thì việc chăm sóc cha mẹ hằng ngày cũng cần được xem xét lại. Trong trường hợp bạn không ở gần cha mẹ là Nhân Chứng, bạn có thể nói chuyện với các trưởng lão trong hội thánh của cha mẹ, xin họ cho lời khuyên. Cũng đừng quên đề cập đến vấn đề ấy trong lời cầu nguyện. (Đọc Châm-ngôn 11:14). Ngay cả khi cha mẹ không phải là Nhân Chứng, bạn cũng phải “hiếu-kính cha mẹ” (Xuất 20:12; Châm 23:22). Dĩ nhiên, không phải mọi gia đình đều có quyết định giống nhau. Một số người con sắp xếp cho cha mẹ lớn tuổi sống chung hoặc ở gần. Nhưng không phải trường hợp nào cũng làm được điều này. Một số người không muốn sống chung với con cái và gia đình của con, họ muốn sống tự lập và không tạo gánh nặng cho con. Có thể một số người có khả năng tài chính và thích trả tiền cho các dịch vụ chăm sóc tại nhà.—Truyền 7:12.

14. Người chăm sóc chính có thể gặp một số vấn đề nào?

14 Trong nhiều gia đình, dường như người con ở gần nhất có trách nhiệm chính chăm sóc cha mẹ. Tuy nhiên, người chăm sóc chính phải thăng bằng giữa việc chăm lo cho cha mẹ và chăm sóc gia đình riêng. Mỗi người chỉ có một lượng thời gian và sức lực nhất định. Hơn nữa, hoàn cảnh của người chăm sóc chính có thể thay đổi, và khi đó cần xem xét lại những sắp đặt chăm sóc cha mẹ. Có phải một thành viên trong gia đình đang gánh vác quá nhiều trách nhiệm không? Những thành viên  khác có thể làm nhiều hơn, chẳng hạn như thay phiên nhau chăm sóc cha mẹ không?

15. Để tránh bị kiệt sức, người chăm sóc có thể làm gì?

15 Khi cha mẹ lớn tuổi cần được chăm sóc thường xuyên, người chăm sóc chính dễ bị kiệt sức (Truyền 4:6). Con cái yêu thương muốn làm hết sức để chăm sóc cha mẹ, nhưng với thời gian những đòi hỏi liên tục của cha mẹ có thể quá sức họ. Người chăm sóc nào ở trong hoàn cảnh ấy thì cần thực tế, có thể cần xin sự giúp đỡ. Nếu họ nhận được sự trợ giúp đều đặn thì chưa cần đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão.

16, 17. Con cái có thể đối mặt với khó khăn nào khi chăm sóc cha mẹ lớn tuổi, và họ có thể đương đầu ra sao? (Cũng xem khung “Chăm sóc với lòng biết ơn”).

16 Chúng ta buồn khi thấy cha mẹ phải chịu đau đớn do những vấn đề của tuổi già. Nhiều người chăm sóc có lúc cảm thấy buồn, lo lắng, thất vọng, tức giận, tự trách, thậm chí oán giận. Đôi khi cha mẹ nói những lời thiếu tử tế hoặc không biết ơn. Nếu điều đó xảy ra, đừng vội giận. Một chuyên gia về sức khỏe tinh thần nói: “Cách tốt nhất để đối phó với bất cứ cảm giác nào, nhất là cảm giác khó chịu, là tự thừa nhận điều đó. Tránh phủ nhận hoặc tự trách mình tại sao lại cảm thấy thế”. Hãy giãi bày cảm xúc với người hôn phối, một thành viên khác trong gia đình hoặc người bạn đáng tin cậy. Điều đó có thể giúp bạn có cái nhìn thăng bằng hơn.

17 Có thể đến lúc gia đình không còn điều kiện và khả năng để tiếp tục chăm sóc cha mẹ tại nhà. Khi đó, có lẽ cần chuyển họ vào viện dưỡng lão. Một chị Nhân Chứng hầu như mỗi ngày đều đến viện dưỡng lão để thăm mẹ. Chị nói về gia đình mình: “Chúng tôi không thể chăm sóc mẹ 24 giờ trong ngày theo nhu cầu của mẹ. Quyết định đưa mẹ vào viện dưỡng lão không dễ chút nào. Về mặt cảm xúc thì điều đó khó vô cùng. Tuy nhiên, đây là cách tốt nhất để mẹ được chăm sóc chu đáo trong những tháng cuối đời, và mẹ cũng hiểu điều này”.

18. Những người chăm sóc cha mẹ lớn tuổi nhận được lợi ích nào?

18 Chăm sóc cha mẹ lớn tuổi là việc không đơn giản và khó về cảm xúc. Không có giải pháp chung cho mọi trường hợp. Dù vậy, sự chuẩn bị, hợp tác, trò chuyện cởi mở và quan trọng nhất là chân thành cầu nguyện có thể giúp bạn chu toàn bổn phận với cha mẹ kính yêu. Khi làm thế, bạn sẽ cảm thấy thỏa lòng vì biết rằng cha mẹ nhận được sự chăm sóc và quan tâm cần thiết. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 13:4-8). Quan trọng nhất, bạn sẽ có bình an tâm trí, điều mà Đức Giê-hô-va ban cho những người hiếu kính cha mẹ.—Phi-líp 4:7.

^ đ. 3 Quyết định của các gia đình có thể khác nhau tùy theo văn hóa địa phương. Tại một số nơi, việc các thành viên trong gia đình nhiều thế hệ sống chung hoặc có mối quan hệ thân mật là điều bình thường, thậm chí họ thích điều này.

^ đ. 11 Nếu cha mẹ vẫn ở nhà riêng, hãy đảm bảo rằng người chăm sóc đáng tin cậy có các chìa khóa của nhà để có thể vào trong trường hợp khẩn cấp.