Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có nhìn thấy “đấng vô hình” không?

Bạn có nhìn thấy “đấng vô hình” không?

“Ông luôn vững vàng như thể nhìn thấy đấng vô hình”.—HÊ 11:27.

1, 2. (a) Tại sao Môi-se dường như lâm vào tình thế nguy hiểm? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Tại sao Môi-se không sợ cơn giận của vua?

Đối với người Ai Cập, Pha-ra-ôn là vị vua đáng sợ và là một vị thần. Trong mắt họ, “ông vượt trội mọi loài thế tục về sự khôn ngoan và quyền lực” (When Egypt Ruled the East). Để khiến thần dân sợ hãi, Pha-ra-ôn đội vương miện có hình một con rắn hổ mang sẵn sàng tấn công, điều đó nhắc rằng kẻ thù của vua sẽ bị tuyệt diệt nhanh chóng. Vậy, hãy tưởng tượng Môi-se cảm thấy thế nào khi Đức Giê-hô-va bảo ông: “Ta sai ngươi đi đến Pha-ra-ôn, để dắt dân ta, là dân Y-sơ-ra-ên, ra khỏi xứ Ê-díp-tô”.—Xuất 3:10.

2 Môi-se lên đường đến Ai Cập, công bố thông điệp của Đức Chúa Trời và hứng cơn thịnh nộ của Pha-ra-ôn. Sau chín tai vạ giáng trên Ai Cập, Pha-ra-ôn cảnh cáo Môi-se: “Khá giữ mình đừng thấy mặt ta nữa, vì ngày nào ngươi thấy mặt ta thì sẽ chết!” (Xuất 10:28). Trước khi lui khỏi Pha-ra-ôn, Môi-se báo trước rằng con đầu lòng của vua sẽ chết (Xuất 11:4-8). Cuối cùng, Môi-se bảo mọi gia đình Y-sơ-ra-ên giết một con dê hoặc cừu đực, là thú vật thánh đối với thần Ra của Ai Cập, rồi bôi máu nó lên khung cửa (Xuất 12:5-7). Pha-ra-ôn sẽ phản ứng thế  nào đây? Môi-se không hề sợ hãi. Tại sao? Nhờ đức tin, ông vâng lời Đức Giê-hô-va, “không sợ cơn giận của vua, vì ông luôn vững vàng như thể nhìn thấy đấng vô hình”.—Đọc Hê-bơ-rơ 11:27, 28.

3. Chúng ta sẽ xem xét những điều gì liên quan đến đức tin của Môi-se nơi “đấng vô hình”?

3 Đức tin bạn có mạnh đến mức như thể bạn “thấy Đức Chúa Trời” không? (Mat 5:8). Nhằm giúp cái nhìn thiêng liêng của chúng ta rõ nét hơn để có thể thấy “đấng vô hình”, hãy cùng nhau xem xét gương của Môi-se. Đức tin nơi Đức Giê-hô-va đã bảo vệ ông khỏi nỗi sợ loài người như thế nào? Ông đã thể hiện đức tin nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời ra sao? Và làm thế nào việc thấy “đấng vô hình” đã thêm sức cho Môi-se khi ông và dân Y-sơ-ra-ên lâm nguy?

ÔNG KHÔNG SỢ “CƠN GIẬN CỦA VUA”

4. Theo quan điểm loài người, Môi-se có vị thế nào so với Pha-ra-ôn?

4 Theo quan điểm loài người, Môi-se không phải là đối thủ của Pha-ra-ôn. Mạng sống, sự an nguy và tương lai của Môi-se dường như đều nằm trong tay Pha-ra-ôn. Chính Môi-se đã hỏi Đức Giê-hô-va: “Tôi là ai, dám đi đến Pha-ra-ôn, đặng dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô?” (Xuất 3:11). Khoảng 40 năm trước, Môi-se đã phải chạy trốn khỏi Ai Cập. Có lẽ ông tự hỏi: “Có thật sự khôn ngoan không nếu mình trở lại Ai Cập và liều mạng chọc giận vua?”.

5, 6. Điều gì đã giúp Môi-se kính sợ Đức Giê-hô-va thay vì sợ hãi Pha-ra-ôn?

5 Trước khi Môi-se trở về Ai Cập, Đức Chúa Trời dạy ông một nguyên tắc trọng yếu mà sau này ông ghi lại trong sách Gióp: “Kính-sợ Chúa, ấy là sự khôn-ngoan” (Gióp 28:28). Để giúp Môi-se kính sợ ngài và hành động khôn ngoan, Đức Giê-hô-va cho ông thấy sự tương phản giữa loài người và Đức Chúa Trời Toàn Năng. Ngài hỏi: “Ai tạo miệng loài người ra? hay là ai đã làm câm, làm điếc, làm sáng, làm mờ? Có phải ta là Đức Giê-hô-va chăng?”.—Xuất 4:11.

6 Bài học là gì? Môi-se không cần sợ hãi. Đức Giê-hô-va đã phái ông đến và sẽ ban cho ông mọi điều cần thiết để truyền thông điệp của ngài cho Pha-ra-ôn. Hơn nữa, Pha-ra-ôn rõ ràng không phải là đối thủ của Đức Giê-hô-va. Suy cho cùng, đây không phải lần đầu tiên tôi tớ Đức Chúa Trời rơi vào tình cảnh nguy hiểm khi ở dưới sự cai trị của Ai Cập. Có lẽ Môi-se đã suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va bảo vệ Áp-ra-ham, Giô-sép và chính ông trong các triều đại Pha-ra-ôn trước đó (Sáng 12:17-19; 41:14, 39-41; Xuất 1:22–2:10). Nhờ đức tin nơi Đức Giê-hô-va, tức “đấng vô hình”, Môi-se can đảm diện kiến Pha-ra-ôn và công bố từng lời Đức Giê-hô-va bảo ông nói.

7. Đức tin nơi Đức Giê-hô-va đã bảo vệ một chị như thế nào?

7 Đức tin nơi Đức Giê-hô-va cũng bảo vệ chị Ella không gục ngã trước nỗi sợ loài người. Vào năm 1949, chị Ella bị Cơ quan Tình báo của chính quyền Xô Viết bắt ở Estonia, rồi bị lột trần để làm trò cười cho các sĩ quan trẻ. Chị tâm sự: “Tôi cảm thấy rất nhục nhã. Nhưng sau khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, sự bình an và điềm tĩnh bao phủ lòng tôi”. Sau đó, chị Ella bị tống vào phòng biệt giam trong ba ngày. Chị kể lại: “Các sĩ quan hét vào mặt tôi: ‘Chúng ta sẽ làm cho ngay cả tên của Giê-hô-va cũng không còn được nhớ đến ở Estonia nữa! Cô sẽ phải vào trại, còn những người khác sẽ bị đày đi Siberia!’. Với giọng châm chọc, họ nói thêm: ‘Giê-hô-va của cô đâu rồi?’”. Chị Ella sợ hãi loài người hay tin cậy Đức Giê-hô-va? Khi bị thẩm vấn, chị can đảm nói với những người chế giễu: “Tôi đã suy nghĩ kỹ về điều này, tôi thà phải ở tù để giữ mối quan hệ với Đức Chúa Trời  còn hơn được tự do mà mất sự chấp nhận của ngài”. Chị Ella có thể nhìn thấy Đức Giê-hô-va như nhìn thấy những người đang đứng trước mặt. Nhờ đức tin, chị đã giữ vững lòng trung kiên.

8, 9. (a) Phương thuốc chữa nỗi sợ loài người là gì? (b) Khi muốn đầu hàng trước nỗi sợ loài người, bạn nên hướng về ai?

8 Đức tin nơi Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn chiến thắng nỗi sợ hãi. Khi các nhà cầm quyền cố ngăn cấm chúng ta tự do thờ phượng Đức Chúa Trời, dường như cuộc sống, sự an nguy và tương lai của chúng ta đều nằm trong tay loài người. Có lẽ thậm chí bạn tự hỏi liệu có khôn ngoan không khi tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va và làm các nhà cầm quyền nổi giận. Hãy nhớ điều này: Phương thuốc chữa nỗi sợ loài người chính là đức tin nơi Đức Chúa Trời. (Đọc Châm-ngôn 29:25). Đức Giê-hô-va đặt câu hỏi cho các tôi tớ ngài: “Ngươi là ai, mà sợ loài người hay chết, sợ con trai loài người là kẻ sẽ trở nên như cỏ?”.—Ê-sai 51:12, 13.

9 Hãy luôn hướng về Cha Toàn Năng. Ngài thấy, ngài đồng cảm và hành động vì những người chịu sự cai trị bất công (Xuất 3:7-10). Cho dù phải bênh vực đức tin trước các nhà cầm quyền có thế lực, “chớ lo sợ mình phải nói gì và nói thế nào, vì những điều anh em phải nói sẽ được mách bảo vào lúc đó” (Mat 10:18-20). Các nhà cai trị loài người và quan chức nhà nước không phải là đối thủ của Đức Giê-hô-va. Nhờ củng cố đức tin ngay từ bây giờ, bạn có thể thấy Đức Giê-hô-va là đấng có thật, sẵn sàng giúp đỡ bạn.

ÔNG THỂ HIỆN ĐỨC TIN NƠI NHỮNG LỜI HỨA CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

10. (a) Vào tháng Ni-san năm 1513 TCN, Đức Giê-hô-va đã cho dân Y-sơ-ra-ên các chỉ dẫn nào? (b) Tại sao Môi-se vâng theo chỉ dẫn của Đức Chúa Trời?

10 Vào tháng Ni-san năm 1513 TCN, Đức Giê-hô-va bảo Môi-se và A-rôn truyền cho dân Y-sơ-ra-ên các chỉ dẫn khác thường: Chọn một con dê hoặc cừu đực khỏe mạnh, rồi giết và bôi huyết nó lên khung cửa (Xuất 12:3-7). Môi-se đã phản ứng thế nào? Sau này sứ đồ Phao-lô viết về ông: “Bởi đức tin, ông cử hành Lễ Vượt Qua và vẩy huyết vào cột cửa, hầu đấng hủy diệt không hại đến các con đầu lòng của dân Đức Chúa Trời” (Hê 11:28). Môi-se biết Đức Giê-hô-va đáng tin cậy nên ông thể hiện đức tin nơi lời hứa của ngài là sẽ hành quyết các con trai đầu lòng của Ai Cập.

11. Tại sao Môi-se cảnh báo người khác?

11 Rất có thể các con trai của Môi-se đang ở Ma-đi-an, cách xa “đấng hủy diệt” * (Xuất 18:1-6). Nhưng ông vẫn vâng lời và hướng dẫn những gia đình Y-sơ-ra-ên khác có con trai đầu lòng đang lâm nguy. Sự sống của nhiều người đang bị đe dọa và Môi-se yêu thương người đồng loại. Vì thế, Kinh Thánh tường thuật là “Môi-se nhanh chóng gọi tất cả trưởng lão Y-sơ-ra-ên đến và nói rằng: ‘Hãy... giết nó [thú vật còn non] làm vật tế lễ cho Lễ Vượt Qua’”.—Xuất 12:21, NW.

12. Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta loan báo thông điệp quan trọng nào?

12 Dưới sự hướng dẫn của các thiên sứ, dân Đức Giê-hô-va đang loan báo một thông điệp quan trọng: “Hãy kính sợ Đức Chúa Trời và tôn vinh ngài, vì giờ phán xét của ngài đã đến, vậy hãy thờ phượng đấng tạo nên trời, đất, biển cùng các suối nước” (Khải 14:7). Giờ là lúc để rao truyền thông điệp này. Chúng ta cần cảnh báo người lân cận ra khỏi Ba-by-lôn Lớn, để họ không phải “dự phần tội lỗi với nó” (Khải 18:4). “Chiên khác” hợp tác với các tín đồ được xức dầu trong việc nài xin những người xa cách Đức Chúa Trời “hòa thuận lại” với ngài.—Giăng 10:16; 2 Cô 5:20.

Đức tin nơi những lời hứa của Đức Giê-hô-va sẽ giúp bạn gia tăng ước muốn chia sẻ tin mừng (Xem đoạn 13)

13. Điều gì sẽ giúp bạn gia tăng ước muốn chia sẻ tin mừng?

 13 Chúng ta tin chắc rằng “giờ phán xét” đã đến. Chúng ta cũng tin rằng Đức Giê-hô-va không hề phóng đại sự cấp bách của việc rao truyền tin mừng và đào tạo môn đồ. Trong một khải tượng, sứ đồ Giăng “thấy bốn thiên sứ đứng tại bốn góc của trái đất, nắm chặt bốn ngọn gió trên đất” (Khải 7:1). Bằng đức tin, bạn có thấy các thiên sứ ấy đang sẵn sàng thả các ngọn gió hủy diệt của hoạn nạn lớn trên thế gian này không? Nếu nhìn thấy các thiên sứ ấy qua đôi mắt đức tin, bạn sẽ tự tin chia sẻ tin mừng.

14. Điều gì thúc đẩy chúng ta “khuyên [kẻ dữ] từ-bỏ đường xấu”?

14 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính hiện đang vui hưởng tình bạn với Đức Giê-hô-va và có hy vọng về sự sống vĩnh cửu. Nhưng chúng ta nhận ra mình có trách nhiệm “khuyên [kẻ dữ] từ-bỏ đường xấu để cứu mạng mình”. (Đọc Ê-xê-chi-ên 3:17-19). Dĩ nhiên, chúng ta không rao giảng chỉ vì muốn tránh nợ máu. Chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va và người lân cận. Qua dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành, Chúa Giê-su cho thấy tình yêu thương và lòng thương xót thật sự có nghĩa gì. Chúng ta có thể tự hỏi: “Như người Sa-ma-ri ấy, tôi có ‘động lòng thương xót’ để làm chứng không?”. Suy cho cùng, chúng ta không bao giờ muốn giống như thầy tế lễ và người Lê-vi trong dụ ngôn, tự bào chữa cho mình rồi “tránh sang phía bên kia đường” (Lu 10:25-37). Đức tin nơi các lời hứa của Đức Chúa Trời và tình yêu thương dành cho người đồng loại thúc đẩy chúng ta tham gia trọn vẹn vào công việc rao giảng trước khi hết thời gian.

 “HỌ BĂNG QUA BIỂN ĐỎ”

15. Tại sao dân Y-sơ-ra-ên cảm thấy mình đã cùng đường?

15 Đức tin nơi “đấng vô hình” đã giúp Môi-se lúc dân Y-sơ-ra-ên lâm nguy sau khi rời Ai Cập. Kinh Thánh tường thuật: “Dân Y-sơ-ra-ên ngước mắt lên, thấy dân Ê-díp-tô đuổi theo, bèn lấy làm hãi-hùng, kêu-van Đức Giê-hô-va” (Xuất 14:10-12). Tình thế nguy hiểm đó có phải là điều bất ngờ không? Không hề. Đức Giê-hô-va đã báo trước rằng: “Ta sẽ làm cho Pha-ra-ôn cứng lòng, người sẽ đuổi theo dân đó; nhưng ta sẽ vì Pha-ra-ôn và cả toán binh người được rạng danh; người Ê-díp-tô sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va” (Xuất 14:4). Tuy nhiên, dân Y-sơ-ra-ên chỉ nhìn thấy bằng đôi mắt xác thịt: trước mặt là Biển Đỏ không thể băng qua, phía sau là các chiến xa thần tốc của Pha-ra-ôn, còn người dẫn đầu mình là một ông già chăn cừu 80 tuổi! Họ cảm thấy bị cùng đường.

16. Tại Biển Đỏ, làm thế nào đức tin giúp Môi-se vững mạnh?

16 Nhưng Môi-se không nao núng. Tại sao? Vì đôi mắt đức tin của ông nhìn thấy một điều còn mạnh mẽ hơn cả biển hay quân đội. Ông thấy ‘sự giải-cứu của Đức Giê-hô-va’ và biết rằng ngài sẽ chiến đấu cho dân Y-sơ-ra-ên. (Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 14:13, 14). Đức tin của Môi-se đã tác động đến dân Đức Chúa Trời. Kinh Thánh viết: “Bởi đức tin, họ băng qua Biển Đỏ như đi trên đất liền, nhưng khi người Ai Cập cố đi qua thì bị vùi lấp dưới biển” (Hê 11:29). Sau đó, dân sự “kính-sợ Ngài, tin Ngài và Môi-se, là tôi-tớ Ngài”.—Xuất 14:31.

17. Biến cố nào trong tương lai sẽ thử thách đức tin chúng ta?

17 Không lâu nữa, mạng sống của chúng ta sẽ dường như bị lâm nguy. Đến đỉnh điểm của hoạn nạn lớn, các chính phủ thế gian sẽ đập tan và hủy diệt hoàn toàn các tổ chức tôn giáo lớn và đông hơn chúng ta (Khải 17:16). Đức Giê-hô-va miêu tả tình thế nguy hiểm của chúng ta giống như “đất có làng không có thành-quách... không có tường, không then và không cửa” (Ê-xê 38:10-12, 14-16). Khi nhìn bằng đôi mắt xác thịt, dường như chúng ta không có cơ hội sống sót. Bạn sẽ phản ứng thế nào?

18. Hãy cho biết tại sao chúng ta có thể đứng vững trong hoạn nạn lớn.

18 Đừng để nỗi sợ hãi khiến bạn nao núng. Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va đã báo trước về sự tấn công ấy trên dân Đức Chúa Trời. Ngài cũng báo trước kết quả: “Sẽ xảy đến trong ngày đó, là ngày Gót sẽ đi đánh đất Y-sơ-ra-ên, thì cơn giận của ta sẽ nổi trên lỗ-mũi ta. Ta đương ghen-tương, đương giận phừng-phừng” (Ê-xê 38:18-23). Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt hết thảy những người muốn làm hại dân Đức Giê-hô-va. Nếu tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ mình trong “ngày lớn và kinh-khiếp”, bạn sẽ nhìn thấy ‘sự giải-cứu của Đức Giê-hô-va’ và giữ vững lòng trung kiên.—Giô-ên 2:31, 32.

19. (a) Đức Giê-hô-va và Môi-se có mối quan hệ mật thiết đến mức nào? (b) Nếu nhận biết Đức Giê-hô-va trong mọi việc làm của mình, ân phước nào sẽ chờ đón bạn?

19 Ngay từ bây giờ, hãy chuẩn bị cho những biến cố hào hứng ấy bằng cách tiếp tục “vững vàng như thể nhìn thấy đấng vô hình”! Hãy củng cố tình bạn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua việc đều đặn học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện. Vì Môi-se có một tình bạn hết sức mật thiết với Đức Giê-hô-va và rất được ngài trọng dụng nên Kinh Thánh nói rằng Đức Giê-hô-va biết Môi-se “giáp mặt” (Phục 34:10). Môi-se là một nhà tiên tri đặc biệt. Tuy nhiên, nhờ đức tin, bạn cũng có thể gần gũi với Đức Giê-hô-va như thể thật sự nhìn thấy ngài. Như Kinh Thánh khuyến khích, nếu luôn nhận biết Đức Chúa Trời ‘trong mọi việc làm của mình’, ngài sẽ ‘chỉ dẫn các nẻo của bạn’.—Châm 3:6.

^ đ. 11 Hẳn là Đức Giê-hô-va đã sai các thiên sứ thi hành sự phán xét trên Ai Cập.—Thi 78:49-51.