Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy can đảm—Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ bạn!

Hãy can đảm—Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ bạn!

“Chúng ta có sự can đảm và nói: ‘Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi’”.—HÊ 13:6.

1, 2. Nhiều người di cư phải đương đầu với những khó khăn nào khi trở về nhà? (Xem hình nơi đầu bài).

Anh Đức * nhớ lại: “Ở nước ngoài, tôi có nhiều trách nhiệm tại chỗ làm và lương cao. Nhưng khi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi nhận ra mình có một trách nhiệm quan trọng hơn nhiều, đó là chăm sóc gia đình về thiêng liêng, chứ không chỉ vật chất. Vì thế, tôi trở về nhà”.—Ê-phê 6:4.

2 Anh Đức biết rằng việc đoàn tụ với gia đình sẽ làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Nhưng như chị Mai được đề cập trong bài trước, anh Đức phải bắt đầu một tiến trình dài để sửa chữa các mối quan hệ trong gia đình. Anh cũng đối mặt với việc chu cấp cho gia đình trong một nền kinh tế kém hơn. Làm sao anh có thể đủ sống? Anh chị trong hội thánh có thể giúp đỡ anh như thế nào?

CHẤN CHỈNH THIÊNG LIÊNG VÀ ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

3. Sự vắng mặt của cha hoặc mẹ có thể ảnh hưởng thế nào đến con cái?

3 Anh Đức thừa nhận: “Tôi biết mình đã bỏ bê con cái khi chúng cần sự hướng dẫn và yêu thương của tôi nhất. Tôi đã  không có mặt để đọc cho chúng nghe những câu chuyện Kinh Thánh, cầu nguyện với chúng, ôm chúng vào lòng và chơi đùa với chúng” (Phục 6:7). Con gái lớn của anh là chị An nhớ lại: “Không có cha bên cạnh, tôi cảm thấy bất an. Khi cha trở về, chúng tôi chỉ biết mặt và giọng nói của cha. Tôi thấy không thoải mái khi cha ôm mình”.

4. Tại sao người cha khó làm tốt vai trò dẫn đầu khi sống xa gia đình?

4 Sự vắng mặt của người cha cũng khiến vai trò dẫn đầu trong gia đình bị suy yếu. Chị Bình, vợ anh Đức, giải thích: “Tôi phải kiêm cả vai trò của cha lẫn mẹ. Tôi đã quen quyết định mọi việc trong nhà. Khi anh Đức trở về, tôi phải học sự vâng phục của tín đồ đạo Đấng Ki-tô thật sự có nghĩa gì. Thậm chí đến giờ, đôi lúc tôi phải tự nhắc nhở rằng chồng mình đã trở về” (Ê-phê 5:22, 23). Anh Đức nói thêm: “Các con gái của tôi đã quen xin phép mẹ. Tôi phải học dẫn đầu theo cách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Là bậc cha mẹ, chúng tôi nhận ra mình phải nhất trí với nhau trước mặt con”.

5. Một người cha đã sửa chữa tổn hại mà sự vắng mặt của mình gây ra như thế nào? Và kết quả là gì?

5 Anh Đức quyết tâm làm mọi điều để chấn chỉnh mối quan hệ với gia đình và củng cố thiêng liêng cho cả nhà. Anh nói: “Mục tiêu của tôi là khắc ghi sự thật vào lòng con cái qua lời nói và gương mẫu. Tôi không chỉ nói mình yêu Đức Giê-hô-va mà còn chứng tỏ điều đó” (1 Giăng 3:18). Đức Giê-hô-va có ban phước cho nỗ lực của anh không? Chị An, con gái anh, cho biết: “Nhìn thấy cha nỗ lực để trở thành một người cha tốt và thắt chặt mối quan hệ với gia đình đã tác động chúng tôi rất nhiều. Khi thấy cha vươn tới trách nhiệm trong hội thánh, chúng tôi rất hãnh diện. Thế gian đang cố kéo chúng tôi rời xa Đức Giê-hô-va. Nhưng khi thấy cha mẹ tập trung vào sự thờ phượng, chúng tôi cũng bắt chước theo. Cha hứa sẽ không bao giờ lìa xa chúng tôi nữa và cha đã giữ lời. Nếu cha rời xa chúng tôi một lần nữa thì có lẽ ngày nay tôi đã không được ở trong tổ chức của Đức Giê-hô-va”.

ĐẢM NHẬN TRÁCH NHIỆM

6. Một số cha mẹ đã rút ra bài học nào vào thời chiến?

6 Vào thời chiến ở vùng Balkan, một số kinh nghiệm cho thấy các con em Nhân Chứng Giê-hô-va tại đó thường vui hơn dù điều kiện sống khắc nghiệt. Tại sao? Vì nhiều bậc cha mẹ không thể đi làm nên họ ở nhà dạy con, chơi đùa và nói chuyện với các em. Điểm chính ở đây là gì? Con cái cần cha mẹ hơn tiền bạc hay quà tặng. Thật thế, Lời Đức Chúa Trời nói rõ con cái sẽ được lợi ích nếu cha mẹ quan tâm và huấn luyện chúng.—Châm 22:6.

7, 8. (a) Một số bậc cha mẹ khi trở về đã mắc phải lỗi lầm nào? (b) Làm sao cha mẹ có thể giúp con cái vượt qua những cảm xúc tiêu cực?

7 Đáng buồn thay, khi một số bậc cha mẹ trở về, thấy con giận và thờ ơ với mình thì nói: “Cha mẹ đã hy sinh tất cả vì con mà con lại vô ơn đến thế sao?”. Tuy nhiên, thái độ tiêu cực của con phần lớn là do sự vắng mặt của cha mẹ. Cha mẹ có thể làm gì để hàn gắn sự rạn nứt này?

8 Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp bạn hiểu gia đình bạn thật sự cảm thấy thế nào và cho họ thấy lòng quan tâm của bạn. Sau đó, khi nói chuyện với gia đình, hãy thừa nhận rằng mình cũng có lỗi. Một lời xin lỗi chân thành có thể mang lại kết quả. Khi thấy bạn luôn cố gắng cải thiện mọi việc, người hôn phối và con cái sẽ nhận ra sự chân thật của bạn. Với lòng quyết tâm và kiên nhẫn, bạn có thể dần lấy lại tình yêu thương và sự tôn trọng của gia đình.

 ‘CHU CẤP CHO NGƯỜI NHÀ’

9. Để ‘chu cấp cho người nhà’, tại sao chúng ta không cần cố đấu tranh nhằm có thêm của cải vật chất?

9 Sứ đồ Phao-lô hướng dẫn rằng khi một tín đồ lớn tuổi không thể tự nuôi mình thì con cháu của người đó phải “báo đáp ông bà cha mẹ”. Tuy nhiên, sau đó Phao-lô thúc giục tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải tự chu cấp nhu cầu hằng ngày như thức ăn, áo mặc và chỗ ở. Chúng ta đừng cố đấu tranh để có một mức sống cao hơn hoặc để được đảm bảo về tài chính trong tương lai. (Đọc 1 Ti-mô-thê 5:4, 8; 6:6-10). Để ‘chu cấp cho người nhà’, một tín đồ đạo Đấng Ki-tô không cần tìm kiếm sự giàu có trong thế gian sắp qua đi (1 Giăng 2:15-17). Chúng ta đừng để “sự cám dỗ của giàu sang” và “lo lắng trong đời” khiến gia đình không còn “nắm chắc sự sống thật” trong thế giới mới công chính của Đức Chúa Trời.—Mác 4:19; Lu 21:34-36; 1 Ti 6:19.

10. Tại sao tránh nợ nần chồng chất là điều khôn ngoan?

10 Đức Giê-hô-va cũng biết chúng ta cần tiền. Nhưng tiền bạc không thể bảo vệ và gìn giữ chúng ta như sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời (Truyền 7:12; Lu 12:15). Nhiều người đã xem thường cái giá phải trả khi đi nước ngoài làm việc. Hơn nữa, không có gì đảm bảo rằng họ sẽ kiếm được tiền ở xứ lạ. Trên thực tế, có những mối nguy hiểm rất lớn. Nhiều người trở về với số nợ còn lớn hơn trước. Thay vì được tự do phụng sự Đức Chúa Trời nhiều hơn, họ phải làm việc cho các chủ nợ. (Đọc Châm-ngôn 22:7). Điều khôn ngoan là hãy tránh nợ nần ngay từ lúc đầu.

11. Danh sách chi tiêu giúp gia đình như thế nào trong việc giảm bớt áp lực tài chính?

11 Anh Đức biết rằng để quyết định ở lại với gia đình, anh phải có cái nhìn thực tế về tiền bạc. Vợ chồng anh đã lập danh sách chi tiêu cho những thứ thật sự cần. Dĩ nhiên, danh sách đó khiến gia đình phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng cả nhà đã hợp tác và không tiêu tiền vào những thứ không cần thiết *. Anh Đức nói: “Chẳng hạn, tôi chuyển các con từ trường tư sang một trường công tốt”. Anh và gia đình đã cầu xin Đức Chúa Trời giúp anh tìm một việc làm không ảnh hưởng đến nề nếp thiêng liêng của gia đình. Đức Giê-hô-va đã đáp lời cầu nguyện của họ ra sao?

12, 13. Một người cha đã thực hiện những bước thực tế nào để chu cấp cho gia đình? Và Đức Giê-hô-va ban phước cho quyết tâm sống đơn giản của anh ấy ra sao?

12 Anh Đức nhớ lại: “Trong hai năm đầu, chúng tôi suýt bị thiếu hụt. Số tiền dành dụm cứ cạn dần, đồng lương ít ỏi của tôi không phải lúc nào cũng đủ trang trải chi phí, tôi cảm thấy đuối sức. Nhưng chúng tôi vẫn tham dự mỗi buổi nhóm và làm thánh chức chung với nhau”. Anh Đức quyết không màng đến những công việc khiến anh phải xa gia đình trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Anh nói: “Thay vì thế, tôi học làm nhiều việc khác nhau để khi không có việc này thì tôi có thể làm việc nọ”.

Bạn có thể học nhiều công việc khác nhau để chu cấp cho gia đình không? (Xem đoạn 12)

13 Vì trả nợ từ từ nên anh Đức phải trả thêm tiền lời. Nhưng anh sẵn sàng làm thế để cùng gia đình tham gia mọi hoạt động trong đời sống, là điều Đức Giê-hô-va muốn cha mẹ làm. Anh cho biết: “Tôi chỉ kiếm được 1/10 so với khi làm việc ở nước ngoài, nhưng chúng tôi không đói. Tay Đức Giê-hô-va không ngắn. Thật ra, chúng tôi đã quyết định làm tiên phong đều đều. Điều đáng ngạc nhiên là sau đó áp lực kinh tế giảm dần và chúng tôi dễ có được những thứ cần thiết hơn”.—Ê-sai 59:1.

 ĐỐI PHÓ ÁP LỰC TỪ NGƯỜI THÂN

14, 15. Làm thế nào gia đình có thể đối phó với áp lực đặt vật chất lên trên những điều thiêng liêng? Việc nêu gương tốt có thể mang lại kết quả nào?

14 Tại nhiều nơi, người ta cảm thấy phải tặng tiền và quà cho người thân hoặc bạn bè. Anh Đức kể: “Đó là một phần của văn hóa chúng tôi và chúng tôi cũng thích tặng quà. Nhưng có giới hạn. Tôi khéo léo giải thích với bà con rằng tôi sẽ tặng trong khả năng của mình, miễn là không ảnh hưởng đến nhu cầu và nề nếp thiêng liêng của gia đình”.

15 Những người di cư trở về và những người từ chối cơ hội đi nước ngoài vì không muốn xa gia đình thường đối mặt với sự giận dữ, khinh thường và thất vọng, bởi người thân xem họ là lao động chính. Một số người nói họ thiếu tình nghĩa (Châm 19:6, 7). Chị An, con gái anh Đức, cho biết: “Tuy nhiên, khi chọn những điều thiêng liêng thay vì vật chất, vài người bà con có thể dần nhận ra tầm quan trọng của đời sống tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Nếu chúng tôi cứ chiều theo những gì họ đòi hỏi thì làm sao họ có thể nhận ra điều đó?”.—So sánh 1 Phi-e-rơ 3:1, 2.

THỂ HIỆN ĐỨC TIN NƠI ĐỨC CHÚA TRỜI

16. (a) Làm thế nào một người có thể “lừa dối mình bởi các lập luận giả dối”? (Gia 1:22) (b) Đức Giê-hô-va ban phước cho những quyết định nào?

16 Một chị đã rời xa chồng con để chuyển đến làm việc tại một nước giàu có hơn. Chị nói với các trưởng lão: “Gia đình tôi đã hy sinh rất nhiều để tôi có thể đến đây. Chồng tôi thậm chí đã ngưng làm trưởng lão. Tôi mong Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho quyết định này”. Đức Giê-hô-va luôn ban phước cho những quyết định dựa trên đức tin. Nhưng làm sao ngài có thể ban phước cho quyết định đi ngược với ý muốn ngài, nhất là khi quyết định đó khiến chúng ta phải từ bỏ những đặc ân quý báu một cách không cần thiết?—Đọc Hê-bơ-rơ 11:6; 1 Giăng 5:13-15.

17. Tại sao chúng ta nên tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trước khi quyết định, và chúng ta có thể làm thế bằng cách nào?

17 Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trước khi quyết định để không hối tiếc về sau. Hãy cầu xin thần khí, sự khôn ngoan và hướng dẫn của ngài (2 Ti 1:7). Hãy tự hỏi: “Tôi sẵn sàng  vâng lời Đức Giê-hô-va trong những hoàn cảnh nào? Tôi có vâng lời ngài ngay cả khi bị ngược đãi không?”. Nếu câu trả lời là có thì khi cần giảm bớt điều kiện sống, bạn vẫn sẵn sàng vâng lời không? (Lu 14:33). Hãy xin các trưởng lão lời khuyên dựa trên Kinh Thánh, thể hiện đức tin và nương cậy nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va rằng ngài sẽ giúp bạn. Các trưởng lão không thể quyết định thay cho bạn, nhưng họ có thể giúp bạn đưa ra những quyết định dẫn đến hạnh phúc lâu dài.—2 Cô 1:24.

18. Ai chịu trách nhiệm chu cấp cho gia đình, và các anh chị khác cũng có thể giúp đỡ trong những hoàn cảnh nào?

18 Đức Giê-hô-va giao cho chủ gia đình nhiệm vụ chu cấp mỗi ngày. Chúng ta nên khen và cầu nguyện cho những người đang thi hành tốt trách nhiệm mà không rời xa gia đình, bất chấp áp lực và cám dỗ. Những hoàn cảnh bất ngờ như thiên tai hoặc cấp cứu là cơ hội để chúng ta bày tỏ sự đồng cảm và tình yêu thương chân thật của tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Ga 6:2, 5; 1 Phi 3:8). Bạn có thể giúp đỡ về tài chính trong trường hợp khẩn cấp hoặc giúp anh em đồng đạo tìm việc làm tại địa phương không? Nhờ đó, bạn sẽ khiến anh chị ấy cảm thấy bớt áp lực tìm việc ở xa nhà.—Châm 3:27, 28; 1 Giăng 3:17.

HÃY NHỚ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ ĐẤNG GIÚP ĐỠ BẠN!

19, 20. Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô yên tâm khi biết Đức Giê-hô-va sẽ giúp họ?

19 Kinh Thánh khuyên: “Hãy giữ lối sống không ham tiền, và thỏa lòng với những gì mình hiện có. Vì [Đức Chúa Trời] đã phán: ‘Ta sẽ không bao giờ lìa ngươi, và chẳng bao giờ bỏ ngươi’. Nhờ thế, chúng ta có sự can đảm và nói: ‘Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi; tôi sẽ không sợ. Loài người làm gì được tôi?’” (Hê 13:5, 6). Áp dụng lời khuyên này mang lại kết quả nào?

20 Một trưởng lão lâu năm tại một nước đang phát triển cho biết: “Người ta thường nói Nhân Chứng Giê-hô-va rất hạnh phúc. Họ để ý rằng ngay cả các Nhân Chứng nghèo cũng luôn ăn mặc đẹp và trông có vẻ khá hơn người khác”. Điều này phù hợp với lời Chúa Giê-su hứa với những ai đặt Nước Trời lên trên hết (Mat 6:28-30, 33). Thật thế, Cha trên trời là Đức Giê-hô-va yêu thương bạn, ngài chỉ muốn điều tốt nhất cho bạn và con cái. “Con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” (2 Sử 16:9). Ngài ban các điều răn vì lợi ích của chúng ta, bao gồm những điều răn liên quan đến đời sống gia đình và nhu cầu vật chất. Khi làm theo, chúng ta cho thấy mình yêu thương và tin cậy ngài. “Yêu thương Đức Chúa Trời nghĩa là vâng giữ các điều răn ngài; tuy nhiên, điều răn của ngài chẳng hề nặng nề”.—1 Giăng 5:3.

21, 22. Tại sao bạn quyết tâm nương cậy nơi Đức Giê-hô-va?

21 Anh Đức nói: “Tôi biết mình không thể lấy lại khoảng thời gian rời xa vợ con, nhưng tôi không sống trong tiếc nuối. Nhiều đồng nghiệp cũ của tôi trở nên giàu có nhưng không hạnh phúc. Gia đình họ có nhiều vấn đề nghiêm trọng. Còn gia đình tôi thì rất hạnh phúc! Tôi thật ấn tượng khi quan sát các anh em tại đất nước này, dù nghèo nhưng vẫn đặt những điều thiêng liêng lên hàng đầu trong đời sống. Tất cả chúng tôi đều cảm nghiệm lời hứa của Chúa Giê-su là chân thật”.—Đọc Ma-thi-ơ 6:33.

22 Hãy can đảm lên! Hãy chọn vâng lời Đức Giê-hô-va và nương cậy ngài. Hãy để tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời, dành cho bạn đời và con cái thôi thúc bạn thực thi trách nhiệm thiêng liêng đối với gia đình. Rồi bạn sẽ cảm nhận được rằng ‘Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ bạn’!

^ đ. 1 Các tên đã được thay đổi.

^ đ. 11 Xin xem bài “Những cách thiết thực để quản lý chi tiêu” trong Tháp Canh ngày 1-6-2011.