Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Đức Giê-hô-va biết những người thuộc về ngài”

“Đức Giê-hô-va biết những người thuộc về ngài”

“Nếu ai yêu thương Đức Chúa Trời, người ấy được ngài biết đến”.1 CÔ 8:3.

1. Hãy kể lại lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy một số dân sự Đức Giê-hô-va tự lừa dối mình như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài).

Một buổi sáng nọ, thầy tế lễ thượng phẩm A-rôn đứng trước cửa đền tạm của Đức Giê-hô-va, tay cầm lư nghi ngút hương. Gần đó, Cô-rê cùng 250 người cũng đang dâng hương cho Đức Giê-hô-va, mỗi người cầm lư hương riêng (Dân 16:16-18). Lúc đầu, dường như tất cả những người này đều trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, không giống A-rôn, những người khác tỏ ra kiêu ngạo, phản loạn, toan đoạt chức tế lễ (Dân 16:1-11). Họ tự lừa dối mình, nghĩ là Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận sự thờ phượng của họ. Tuy nhiên những kỳ vọng như thế sỉ nhục Đức Giê-hô-va, đấng có thể đọc được lòng và thấy sự giả hình của họ.—Giê 17:10.

2. Môi-se báo trước điều gì, và lời ông có được ứng nghiệm không?

2 Thích hợp thay, trước đó một ngày, Môi-se đã báo trước: “Sáng mai, Đức Giê-hô-va sẽ tỏ cho biết ai thuộc về Ngài” (Dân 16:5). Thật vậy, Đức Giê-hô-va phân biệt người thờ phượng thật với người giả hình khi “một ngọn lửa từ Đức Giê-hô-va lòe ra thiêu-hóa [Cô-rê và] hai trăm năm mươi người đã dâng hương” (Dân 16:35; 26:10). Đồng thời, Đức Giê-hô-va giữ mạng sống của A-rôn, dấu hiệu cho thấy sự chấp nhận thầy tế lễ thật và người thờ phượng chân chính của Đức Chúa Trời.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 8:3.

3. (a) Tình huống nào đã xảy ra vào thời sứ đồ Phao-lô? (b) Hàng thế kỷ trước, Đức Giê-hô-va đã lập ra tiền lệ nào về việc xử lý cuộc phản nghịch?

3 Khoảng 1.500 năm sau, một tình huống tương tự xảy ra vào thời sứ đồ Phao-lô. Một số tín đồ tự nhận theo Ki-tô giáo bắt đầu đẩy mạnh các dạy dỗ sai lầm, nhưng vẫn tiếp tục kết hợp với hội thánh. Đối với người quan sát bình thường, những người bội đạo này có lẽ không khác gì so với những người trong hội thánh. Nhưng sự bội đạo của họ gây nguy hiểm cho các tín đồ trung thành. Những người lòng sói mang lớp áo chiên này bắt đầu “phá đổ đức tin của một số người” (2 Ti 2:16-18). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không phải là đấng quan sát bình thường và Phao-lô hẳn biết điều này, vì hàng thế kỷ trước, Đức Chúa Trời đã xử lý những kẻ phản loạn là Cô-rê cùng đồng bọn. Về phương diện này, chúng ta hãy xem xét một đoạn Kinh Thánh gợi sự chú ý và xem chúng ta có thể rút ra bài học thực tiễn nào.

“TA LÀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, TA KHÔNG HỀ THAY-ĐỔI”

4. Phao-lô tin chắc điều gì, và ông thể hiện lòng tin chắc ấy với Ti-mô-thê như thế nào?

4 Phao-lô tin chắc Đức Giê-hô-va có thể nhận ra sự thờ phượng giả hình, và ông cũng tin rằng Đức Giê-hô-va có thể nhận ra người nào vâng lời ngài. Phao-lô thể hiện lòng tin mạnh mẽ qua những từ ngữ mà ông viết cho Ti-mô-thê dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời. Sau khi đề cập đến mối nguy hại về tâm linh mà những kẻ bội đạo đã ảnh hưởng đến một số tín đồ trong hội thánh, Phao-lô viết: “Dù thế, nền móng chắc chắn mà Đức Chúa Trời đã lập vẫn vững vàng và có dấu này: ‘Đức Giê-hô-va biết những người thuộc về ngài’, và ‘Ai kêu cầu danh Đức Giê-hô-va thì hãy từ bỏ sự bất chính’”.—2 Ti 2:18, 19.

5, 6. Tại sao cụm từ “nền móng chắc chắn mà Đức Chúa Trời đã lập” mà Phao-lô dùng thật đáng chú ý, và rất có thể cụm từ này đã tác động thế nào đến Ti-mô-thê?

5 Tại sao những từ ngữ mà Phao-lô chọn trong câu Kinh Thánh thật đáng chú ý? Đây là lần duy nhất Kinh Thánh đề cập đến “nền móng chắc chắn mà Đức Chúa Trời đã lập”. Kinh Thánh dùng từ “nền” như lối nói ẩn dụ cho nhiều điều, kể cả Giê-ru-sa-lem là thủ đô của nước Y-sơ-ra-ên xưa (Thi 87:1, 2). Vai trò của Chúa Giê-su trong ý định của Đức Giê-hô-va cũng được ví như một cái nền (1 Cô 3:11; 1 Phi 2:6). Phao-lô nghĩ đến điều gì khi viết về “nền móng chắc chắn mà Đức Chúa Trời đã lập”?

6 Phao-lô đề cập đến “nền móng chắc chắn mà Đức Chúa Trời đã lập” trong cùng bối cảnh mà ông trích lời của Môi-se nói về Cô-rê và đồng bọn, được ghi nơi Dân-số Ký 16:5. Rõ ràng Phao-lô muốn nói đến sự kiện trong thời Môi-se hầu cố gắng khích lệ và nhắc Ti-mô-thê nhớ đến khả năng của Đức Giê-hô-va trong việc nhận ra và chống lại các hành động phản nghịch. Như Cô-rê trong nhiều thế kỷ trước, Đức Giê-hô-va không để những kẻ bội đạo trong hội thánh cản trở ý định của ngài. Phao-lô không giải thích chi tiết “nền móng chắc chắn mà Đức Chúa Trời đã lập” tượng trưng cho điều gì. Nhưng những lời của Phao-lô giúp Ti-mô-thê có lòng tin cậy nơi đường lối của Đức Giê-hô-va.

7. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ hành động bằng sự công chính và thành tín?

7 Các nguyên tắc cao quý của Đức Giê-hô-va không bao giờ thay đổi. Thi-thiên 33:11 nói: “Mưu của Đức Giê-hô-va được vững lập đời đời, ý-tưởng của lòng Ngài còn đời nầy sang đời kia”. Những câu Kinh Thánh khác nói về sự cai trị của Đức Giê-hô-va, sự nhân từ, thành tín, công chính còn đến muôn đời (Xuất 15:18; Thi 100:5; 111:3). Ma-la-chi 3:6 nói: “Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay-đổi”. Tương tự thế, Gia-cơ 1:17 cho biết Đức Giê-hô-va “không thay đổi hoặc xê dịch như cái bóng”.

MỘT “DẤU” ĐỂ XÂY ĐẮP ĐỨC TIN NƠI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

8, 9. Chúng ta rút ra bài học nào về “dấu” trong minh họa của Phao-lô?

8 Những từ gợi hình của Phao-lô nơi 2 Ti-mô-thê 2:19 miêu tả một nền có thông điệp trên đó, như thể đóng một dấu ấn. Thời xưa, người ta thường khắc thông điệp trên nền của một căn nhà, tòa nhà có lẽ cho biết ai xây hoặc ai là chủ. Phao-lô là người viết Kinh Thánh đầu tiên dùng minh họa này *. Dấu trên “nền móng chắc chắn mà Đức Chúa Trời đã lập” có hai thông điệp. Thứ nhất, “Đức Giê-hô-va biết những người thuộc về ngài” và thứ hai, “Ai kêu cầu danh Đức Giê-hô-va thì hãy từ bỏ sự bất chính”. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến điều mình đọc nơi Dân-số Ký 16:5.—Đọc.

9 Chúng ta rút ra bài học nào về “dấu” trong từ gợi hình mà Phao-lô dùng? Đối với những người thuộc về Đức Chúa Trời, các giá trị và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va có thể được tóm tắt trong hai sự thật căn bản: (1) Đức Giê-hô-va yêu những ai trung thành với ngài, và (2) Đức Giê-hô-va ghét sự bất chính. Làm thế nào bài học này liên quan đến việc bội đạo trong hội thánh?

10. Hành động của kẻ bội đạo ảnh hưởng thế nào đến những người trung thành vào thời của Phao-lô?

10 Có lẽ Ti-mô-thê và những người trung thành khác bối rối trước hành động của kẻ bội đạo trong vòng họ. Một số tín đồ có thể thắc mắc tại sao những người ấy vẫn được phép ở trong hội thánh. Những người trung thành có lẽ thắc mắc liệu Đức Giê-hô-va có thấy sự khác biệt giữa lòng trung thành kiên định của họ với sự thờ phượng giả hình của những kẻ bội đạo?—Công 20:29, 30.

Ti-mô-thê hẳn đã không bị ảnh hưởng trước hành động của những người có khuynh hướng bội đạo (Xem đoạn 10-12)

11, 12. Lá thư của Phao-lô chắc chắn đã củng cố đức tin của Ti-mô-thê như thế nào?

11 Chắc chắn lá thư của Phao-lô đã củng cố đức tin của Ti-mô-thê qua việc nhắc Ti-mô-thê nhớ đến điều đã xảy ra khi A-rôn trung thành đã được chứng minh, còn kẻ giả hình Cô-rê và đồng bọn thì bị vạch trần, bị từ bỏ và bị hủy diệt. Điều này như thể Phao-lô cho rằng dù có các tín đồ giả hiệu giữa họ, nhưng Đức Giê-hô-va vẫn có thể nhận ra những ai thật sự thuộc về ngài, như ngài đã làm vào thời Môi-se.

12 Đức Giê-hô-va không bao giờ thay đổi; ngài đáng tin cậy. Ngài ghét sự bất chính và vào đúng thời điểm, ngài sẽ phán xét những người làm điều sai trái mà không ăn năn. Là người “kêu cầu danh Đức Giê-hô-va”, Ti-mô-thê cũng được nhắc nhở về trách nhiệm của mình là bác bỏ sự ảnh hưởng bất chính của các tín đồ giả hiệu *.

SỰ THỜ PHƯỢNG THẬT KHÔNG BAO GIỜ VÔ ÍCH

13. Chúng ta có thể tin chắc điều gì?

13 Chúng ta cũng nhận được sức mạnh thiêng liêng qua những lời mà Phao-lô viết cho Ti-mô-thê. Bằng cách nào? Ngoài việc biết rõ chúng ta trung thành với ngài, Đức Giê-hô-va còn làm nhiều hơn thế. Ngài quan tâm sâu xa đến những người thuộc về ngài. Kinh Thánh nói: “Con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” (2 Sử 16:9). Vì thế, chúng ta có thể tuyệt đối tin chắc rằng những điều mình làm cho Đức Giê-hô-va “xuất phát từ tấm lòng trong sạch” thì không bao giờ vô ích.—1 Ti 1:5; 1 Cô 15:58.

14. Đức Giê-hô-va không chấp nhận loại thờ phượng nào?

14 Chúng ta cũng được cảnh báo khi biết rằng Đức Giê-hô-va không chấp nhận sự thờ phượng giả hình. Vì mắt ngài “soi-xét khắp thế-gian” nên ngài có thể nhận ra ai có lòng không “trọn thành đối với Ngài”. Châm-ngôn 3:32 cho biết: “Đức Giê-hô-va gớm-ghiếc kẻ gian-tà”, chẳng hạn như người cố tình làm ra vẻ sùng kính, giả đò vâng phục nhưng lại lén lút phạm tội. Dù một người xảo quyệt có lẽ khéo lừa gạt người khác trong một thời gian, nhưng quyền năng và sự công chính của Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng “người nào giấu tội-lỗi mình sẽ không được may-mắn [“thành công”, Đặng Ngọc Báu]”.—Châm 28:13; đọc 1 Ti-mô-thê 5:24; Hê-bơ-rơ 4:13.

15. Chúng ta nên tránh điều gì và tại sao?

15 Phần lớn dân của Đức Giê-hô-va tỏ lòng sùng kính cách chân thành. Hiếm có ai cố lừa dối Đức Giê-hô-va bằng sự thờ phượng giả dối. Tuy nhiên, nếu điều này đã xảy ra vào thời Môi-se và hội thánh tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu thì ngày nay cũng có thể như thế (2 Ti 3:1, 5). Tuy nhiên, chúng ta có nên ngờ vực anh em đồng đạo, nghi ngờ lòng trung thành chân thật của họ đối với Đức Giê-hô-va không? Dĩ nhiên là không! Quả là sai lầm khi nghi ngờ anh em mà không có căn cứ. (Đọc Rô-ma 14:10-12; 1 Cô-rinh-tô 13:7). Hơn nữa, có khuynh hướng không tin nơi lòng trung kiên của người khác trong hội thánh sẽ gây hại cho tình trạng thiêng liêng của chính chúng ta.

16. (a) Mỗi chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn sự giả hình bén rễ trong lòng? (b) Chúng ta rút ra bài học nào từ khung “ Hãy luôn tra xét... cho thấy...”?

16 Mỗi tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên “tra xét hành động của chính mình” (Ga 6:4). Vì bất toàn nên có lẽ chúng ta bắt đầu thờ phượng Đức Giê-hô-va một cách không thành thật, mà thậm chí mình không nhận ra (Hê 3:12, 13). Thế nên thỉnh thoảng chúng ta có thể xem xét động cơ của mình trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể tự hỏi: “Mình có thờ phượng Đức Giê-hô-va vì yêu thương ngài và công nhận quyền tối thượng của ngài không? Hoặc mình có xem trọng đời sống tốt đẹp mình muốn hưởng trong địa đàng hơn điều trên không?” (Khải 4:11). Chắc chắn tất cả chúng ta nhận lợi ích từ việc xem xét hành động của mình và loại bỏ bất cứ dấu vết giả hình nào ra khỏi lòng.

LÒNG TRUNG THÀNH MANG ĐẾN HẠNH PHÚC

17, 18. Tại sao chúng ta nên thờ phượng Đức Giê-hô-va cách thành thật?

17 Khi nỗ lực trong việc thờ phượng cách thành thật, chúng ta nhận nhiều lợi ích. Người viết Thi-thiên hát: “Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian-ác cho, và trong lòng không có sự giả-dối!” (Thi 32:2). Thật vậy, những ai loại bỏ khỏi lòng sự giả hình thì hạnh phúc hơn, và họ đặt trước mặt mình triển vọng hưởng hạnh phúc mỹ mãn trong tương lai.

18 Vào đúng thời điểm, Đức Giê-hô-va sẽ phơi bày mọi kẻ có hành vi xấu xa hoặc những kẻ có đời sống hai mặt, cho chúng ta thấy rõ sự “phân-biệt giữa kẻ công-bình và kẻ gian-ác, giữa kẻ hầu-việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu-việc Ngài” (Mal 3:18). Cho đến lúc đó, thật an lòng khi biết rằng “mắt Đức Giê-hô-va dõi theo người công chính, tai ngài nghe lời cầu xin tha thiết của họ”.—1 Phi 3:12.

^ đ. 8 Khải huyền 21:14, được viết nhiều thập niên sau lá thư Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê, đề cập 12 “nền đá” khắc danh 12 sứ đồ.

^ đ. 12 Bài kế tiếp sẽ xem làm thế nào chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách từ bỏ sự bất chính.