Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy có đức tin vững chắc nơi Nước Trời

Hãy có đức tin vững chắc nơi Nước Trời

“Đức tin là sự tin chắc những điều mình hy vọng”.—HÊ 11:1.

1, 2. (a) Điều gì giúp chúng ta càng tin chắc Nước Trời sẽ thực hiện ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại? (b) Theo Ê-phê-sô 2:12, các giao ước làm vững mạnh chúng ta như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài).

Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta thường nói rằng Nước Đức Chúa Trời là giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề, và chúng ta háo hức hướng người ta chú ý đến sự thật trọng yếu này trong Kinh Thánh. Chúng ta cũng được an ủi rất nhiều nhờ niềm hy vọng đến từ Nước Trời. Dù vậy, chúng ta có thật sự tin chắc rằng Nước Trời là một chính phủ có thật và qua Nước ấy, ý định của Đức Chúa Trời sẽ được thực hiện không? Đức tin vững chắc của chúng ta nơi Nước Trời dựa trên cơ sở nào?—Hê 11:1.

2 Chính Đấng Toàn Năng đã thành lập Nước của Đấng Mê-si để thực hiện ý định của ngài đối với các tạo vật. Nước Trời dựa trên một nền tảng vững chắc, đó là quyền cai trị tuyệt đối của Đức Giê-hô-va. Các khía cạnh quan trọng của Nước Trời—vua, những người đồng trị và phạm vi cai trị—tất cả đều được thiết lập một cách hợp pháp bằng các giao ước. Giao ước là các hợp đồng hợp pháp hoặc những sự sắp đặt, trong đó một bên tham gia là Đức Giê-hô-va hoặc Con ngài là Chúa Giê-su Ki-tô. Suy ngẫm về những giao ước này giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý định của Đức Chúa Trời sẽ chắc chắn trở thành hiện thực như thế nào, và giúp chúng ta thấy sự sắp đặt về Nước của Đấng Mê-si rất vững chắc.—Đọc Ê-phê-sô 2:12.

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này và bài sau?

3 Kinh Thánh đề cập đến sáu giao ước chính yếu liên quan đến Nước của Đấng Mê-si dưới sự trị vì của Chúa Giê-su. Đó là (1) giao ước Áp-ra-ham, (2) giao ước Luật pháp, (3) giao ước Đa-vít, (4) giao ước về chức vụ thầy tế lễ giống như Mên-chi-xê-đéc, (5) giao ước mới và (6) giao ước Nước Trời. Chúng ta hãy xem mỗi giao ước liên quan thế nào đến Nước Trời, và mỗi giao ước giúp ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất và nhân loại được thực hiện ra sao.—Xem khung “ Cách Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành ý định của ngài”.

MỘT LỜI HỨA TIẾT LỘ CÁCH ĐỨC CHÚA TRỜI THỰC HIỆN Ý ĐỊNH CỦA NGÀI

4. Như được đề cập nơi Sáng-thế Ký, Đức Giê-hô-va ban những mệnh lệnh nào liên quan đến loài người?

4 Sau khi sửa soạn trái đất xinh đẹp cho loài người ở, Đức Giê-hô-va ban ba mệnh lệnh: Loài người sẽ được tạo ra theo hình ảnh của ngài, loài người sẽ nới rộng Địa Đàng ra khắp địa cầu và làm cho trái đất đầy dẫy con cháu công bình, và loài người được lệnh không ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác (Sáng 1:26, 28; 2:16, 17). Ba mệnh lệnh này là đủ để ý định của Đức Chúa Trời đối với con người và trái đất được thực hiện. Vậy tại sao cần có những giao ước?

5, 6. (a) Sa-tan đã cố gắng cản trở ý định của Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va đáp lại thách thức của Sa-tan tại vườn Ê-đen ra sao?

5 Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt đã cản trở ý định của Đức Chúa Trời bằng cách dùng một âm mưu hiểm độc để xúi giục sự phản nghịch. Hắn chú ý đến mệnh lệnh của Đức Chúa Trời mà hắn cho rằng dễ gây ảnh hưởng nhất, đó là mệnh lệnh liên quan đến việc loài người phải vâng lời. Hắn cám dỗ người nữ đầu tiên là Ê-va đi ngược lại với mệnh lệnh cấm ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác (Sáng 3:1-5; Khải 12:9). Khi làm thế, Sa-tan đã thách thức quyền cai trị của Đức Chúa Trời trên các tạo vật. Về sau, Sa-tan cũng cáo buộc các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời phụng sự ngài vì động lực ích kỷ.—Gióp 1:9-11; 2:4, 5.

6 Đức Giê-hô-va sẽ đáp lại thách thức của Sa-tan tại vườn Ê-đen như thế nào? Đúng là hủy diệt hết những kẻ phản loạn sẽ chấm dứt cuộc phản nghịch. Nhưng điều đó cũng có nghĩa ý định của Đức Chúa Trời là làm cho trái đất đầy dẫy con cháu biết vâng lời của A-đam và Ê-va sẽ không thành hiện thực. Thay vì xử tử những kẻ phản loạn ngay lúc ấy, Đấng Tạo Hóa khôn ngoan đáp lại bằng một lời tiên tri sâu sắc—lời hứa trong vườn Ê-đen. Lời hứa này đảm bảo rằng mọi chi tiết trong lời của ngài sẽ thành hiện thực.—Đọc Sáng-thế Ký 3:15.

7. Lời hứa trong vườn Ê-đen đảm bảo gì với chúng ta về kết cục của con rắn và dòng dõi của nó?

7 Qua lời hứa trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va đã phán xét con rắn, tức Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt, và dòng dõi nó, bao gồm tất cả những kẻ theo phe hắn trong việc chống lại quyền cai trị của Đức Chúa Trời. Ngài ban quyền hủy diệt Sa-tan cho dòng dõi người nữ ở trên trời. Vì vậy, lời hứa trong vườn Ê-đen không những nhấn mạnh rằng kẻ chủ mưu cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen và mọi ảnh hưởng của hắn sẽ không còn nữa, mà cũng cho biết phương tiện sẽ được dùng để thực hiện điều đó.

8. Chúng ta có thể nói gì về việc nhận diện người nữ và dòng dõi người nữ?

8 Ai sẽ chứng tỏ là dòng dõi người nữ? Vì dòng dõi này sẽ giày đạp đầu con rắn, tức “diệt trừ” tạo vật thần linh Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt, thế nên dòng dõi ấy phải là một tạo vật thần linh (Hê 2:14). Vậy, người nữ sinh ra dòng dõi cũng sẽ ở thể thần linh. Sau khi Đức Giê-hô-va đưa ra lời hứa trong vườn Ê-đen, dòng dõi con rắn gia tăng nhanh chóng, còn dòng dõi và người nữ vẫn là điều bí ẩn gần 4.000 năm. Trong thời gian ấy, Đức Giê-hô-va lập một số giao ước để nhận diện dòng dõi và đảm bảo với các tôi tớ ngài rằng dòng dõi sẽ là phương tiện Đức Chúa Trời dùng để xóa bỏ mọi đau khổ mà Sa-tan đã gây ra cho gia đình nhân loại.

GIAO ƯỚC NHẬN DIỆN DÒNG DÕI

9. Giao ước Áp-ra-ham là gì, và khi nào giao ước ấy có hiệu lực?

9 Khoảng hai ngàn năm sau khi kết án Sa-tan, Đức Giê-hô-va bảo Áp-ra-ham rời quê nhà U-rơ, vùng Mê-sô-bô-ta-mi và đi đến xứ Ca-na-an (Công 7:2, 3). Ngài phán: “Ngươi hãy ra khỏi quê-hương, vòng bà-con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa-sả kẻ nào rủa-sả ngươi; và các chi-tộc nơi thế-gian sẽ nhờ ngươi mà được phước” (Sáng 12:1-3). Đây là lần đầu tiên giao ước Áp-ra-ham được ghi lại, tức giao ước mà Đức Chúa Trời lập với Áp-ra-ham. Chúng ta không biết chính xác khi nào Đức Giê-hô-va lập giao ước này với Áp-ra-ham. Tuy nhiên, giao ước ấy có hiệu lực vào năm 1943 TCN, khi Áp-ra-ham rời Cha-ran và băng qua sông Ơ-phơ-rát lúc ông 75 tuổi.

10. (a) Áp-ra-ham đã thể hiện đức tin vững chắc nơi lời hứa của Đức Chúa Trời như thế nào? (b) Đức Giê-hô-va dần dần tiết lộ những chi tiết nào về dòng dõi người nữ?

10 Đức Giê-hô-va nhắc lại lời hứa với Áp-ra-ham nhiều lần và mỗi lần ngài cung cấp thêm chi tiết (Sáng 13:15-17; 17:1-8, 16). Khi Áp-ra-ham thể hiện đức tin vững chắc nơi lời hứa của Đức Chúa Trời qua việc sẵn sàng hiến dâng con trai duy nhất, Đức Giê-hô-va củng cố lại giao ước bằng một lời hứa vô điều kiện. (Đọc Sáng-thế Ký 22:15-18; Hê-bơ-rơ 11:17, 18). Sau khi giao ước Áp-ra-ham có hiệu lực, Đức Giê-hô-va dần dần tiết lộ những chi tiết quan trọng về dòng dõi người nữ. Dòng dõi sẽ là con cháu của Áp-ra-ham, sẽ trở nên đông đúc, sẽ làm vua, sẽ tiêu diệt mọi kẻ thù và sẽ mang lại ân phước cho nhiều người.

Áp-ra-ham thể hiện đức tin vững chắc nơi lời hứa của Đức Chúa Trời (Xem đoạn 10)

11, 12. Kinh Thánh cho thấy giao ước Áp-ra-ham ứng nghiệm trên quy mô lớn hơn như thế nào, và điều đó có nghĩa gì với chúng ta?

11 Giao ước Áp-ra-ham được ứng nghiệm theo nghĩa đen khi dòng dõi của ông thừa hưởng Đất Hứa. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết điều khoản của các giao ước ấy cũng ứng nghiệm theo nghĩa thiêng liêng (Ga 4:22-25). Trong lần ứng nghiệm trên quy mô lớn hơn, như sứ đồ Phao-lô giải thích dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, thành phần chính yếu của dòng dõi Áp-ra-ham là Đấng Ki-tô và thành phần phụ là 144.000 tín đồ được xức dầu (Ga 3:16, 29; Khải 5:9, 10; 14:1, 4). Người nữ sinh ra dòng dõi không ai khác là “Giê-ru-sa-lem trên cao”—phần trên trời của tổ chức Đức Chúa Trời, gồm những tạo vật thần linh trung thành (Ga 4:26, 31). Như giao ước Áp-ra-ham đã hứa, dòng dõi người nữ sẽ mang lại ân phước cho nhân loại.

12 Giao ước Áp-ra-ham nói đến vua, những người đồng cai trị và cung cấp nền tảng hợp pháp cho Nước Đức Chúa Trời (Hê 6:13-18). Giao ước này sẽ có hiệu lực trong bao lâu? Nơi Sáng-thế Ký 17:7 cho biết đó là “giao-ước đời đời”. Giao ước ấy tiếp tục có hiệu lực đến khi Nước của Đấng Mê-si hủy diệt mọi kẻ thù của Đức Chúa Trời và toàn thể gia đình trên đất được ban phước (1 Cô 15:23-26). Dù vậy, những lợi ích mà giao ước này mang lại sẽ còn mãi mãi. Giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham cho thấy ngài kiên quyết hoàn thành ý định của ngài, đó là trái đất sẽ “đầy-dẫy” người công chính!—Sáng 1:28.

GIAO ƯỚC ĐẢM BẢO NƯỚC TRỜI TỒN TẠI MÃI

13, 14. Giao ước Đa-vít đảm bảo điều gì về sự cai trị của Đấng Mê-si?

13 Lời hứa trong vườn Ê-đen và giao ước Áp-ra-ham nhấn mạnh một điều trọng yếu là quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va được lập vững chắc trên các tiêu chuẩn công chính của ngài, như được thể hiện qua Nước của Đấng Mê-si (Thi 89:14). Có bao giờ chính phủ của Đấng Mê-si trở nên đồi bại và sẽ bị loại trừ không? Một giao ước hợp pháp khác đảm bảo điều này sẽ không bao giờ xảy ra.

14 Hãy xem Đức Giê-hô-va hứa gì với vua Đa-vít của dân Y-sơ-ra-ên xưa qua giao ước Đa-vít. (Đọc 2 Sa-mu-ên 7:12, 16). Đức Giê-hô-va lập giao ước này với Đa-vít trong thời gian Đa-vít trị vì tại Giê-ru-sa-lem. Ngài hứa rằng Đấng Mê-si sẽ là con cháu ông (Lu 1:30-33). Vì vậy, Đức Giê-hô-va thu hẹp phạm vi dòng dõi và xác minh người thừa kế của Đa-vít sẽ là “Đấng đáng được [“đấng có quyền hợp pháp”, NW]” để làm vua Nước Đấng Mê-si (Ê-xê 21:30-32). Vương quyền của Đa-vít sẽ mãi trường tồn vì Chúa Giê-su, con cháu Đa-vít, “sẽ còn đến đời đời, và ngôi người sẽ còn lâu như mặt trời” (Thi 89:34-37). Thật vậy, sự cai trị của Đấng Mê-si sẽ không bao giờ trở nên đồi bại, và những thành quả của Nước ấy sẽ tồn tại mãi mãi!

MỘT GIAO ƯỚC ĐÁP ỨNG ĐÚNG VAI TRÒ CỦA THẦY TẾ LỄ

15-17. Theo giao ước về chức vụ thầy tế lễ giống như Mên-chi-xê-đéc, dòng dõi người nữ sẽ có thêm trách nhiệm nào, và tại sao?

15 Giao ước Áp-ra-ham và giao ước Đa-vít đảm bảo rằng dòng dõi người nữ sẽ có vai trò làm vua, nhưng vai trò ấy chưa đủ mang lại ân phước cho muôn dân. Nhân loại sẽ thật sự được ban phước khi được giải thoát khỏi tình trạng tội lỗi và thuộc về gia đình hoàn vũ của Đức Giê-hô-va. Điều này đòi hỏi dòng dõi cũng phải phục vụ với tư cách là thầy tế lễ để dâng lễ vật chuộc tội. Vì thế, Đấng Tạo Hóa khôn ngoan đã cung cấp một sự sắp đặt hợp pháp khác, đó là giao ước về chức vụ thầy tế lễ giống như Mên-chi-xê-đéc.

16 Qua vua Đa-vít, Đức Giê-hô-va tiết lộ rằng ngài sẽ lập một giao ước riêng với Chúa Giê-su với hai mục tiêu: Chúa Giê-su sẽ “ngồi bên hữu [Đức Chúa Trời]” cho đến khi ngài đánh bại kẻ thù và trở thành “thầy tế-lễ đời đời, tùy theo ban Mên-chi-xê-đéc”. (Đọc Thi-thiên 110:1, 2, 4). Tại sao Chúa Giê-su là thầy tế lễ “tùy theo ban Mên-chi-xê-đéc”? Vì rất lâu trước khi dòng dõi của Áp-ra-ham thừa hưởng Đất Hứa, vua của Sa-lem là Mên-chi-xê-đéc phụng sự với tư cách “thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Tối Cao” (Hê 7:1-3). Đức Giê-hô-va trực tiếp bổ nhiệm ông vào chức vụ này. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, chỉ mình ông được nhắc đến với tư cách là vua kiêm thầy tế lễ. Ngoài ra, vì không có người tiền nhiệm và cũng không có người nối ngôi, nên ông có thể được gọi là “thầy tế lễ đến muôn đời”.

17 Chúa Giê-su được trực tiếp bổ nhiệm là thầy tế lễ qua giao ước mà Đức Giê-hô-va lập riêng với ngài, và ngài sẽ vẫn là “thầy tế lễ đời đời giống như Mên-chi-xê-đéc” (Hê 5:4-6). Theo giao ước này, Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng ngài sẽ dùng Nước của Đấng Mê-si để hoàn thành ý định ban đầu liên quan đến loài người trên đất.

NHỮNG GIAO ƯỚC LẬP NÊN NỀN TẢNG HỢP PHÁP CHO NƯỚC TRỜI

18, 19. (a) Các giao ước vừa thảo luận cho thấy gì về Nước Trời? (b) Câu hỏi nào sẽ được bàn luận trong bài kế tiếp?

18 Qua các giao ước vừa xem xét, chúng ta có thể thấy những giao ước này liên quan thế nào đến Nước của Đấng Mê-si và sự sắp đặt về Nước Trời được lập vững chắc trên những giao ước hợp pháp. Lời hứa trong vườn Ê-đen đảm bảo rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện ý định của ngài đối với trái đất và nhân loại qua dòng dõi người nữ. Dòng dõi ấy là ai và sẽ phụng sự với tư cách nào? Giao ước Áp-ra-ham cung cấp bức tranh tổng thể về những điều này.

19 Giao ước Đa-vít giúp nhận diện rõ hơn thành phần chính của dòng dõi và cho dòng dõi này quyền cai trị khắp đất. Vì thế, những thành quả của Nước Trời sẽ tồn tại mãi. Giao ước về chức vụ thầy tế lễ giống như Mên-chi-xê-đéc đảm bảo rằng dòng dõi sẽ phụng sự với tư cách thầy tế lễ. Tuy nhiên, không phải một mình Chúa Giê-su giúp nhân loại trở nên hoàn hảo. Cũng có những người khác được xức dầu để phụng sự với tư cách vua kiêm thầy tế lễ. Họ đến từ đâu? Điều này sẽ được bàn luận trong bài kế tiếp.