Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy quý trọng đặc ân được làm việc cùng Đức Giê-hô-va!

Hãy quý trọng đặc ân được làm việc cùng Đức Giê-hô-va!

“Chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời”. —1 CÔ 3:9.

1. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về công việc, và điều này thôi thúc ngài làm gì?

Đức Giê-hô-va cảm thấy hài lòng về những công việc ngài làm (Thi 135:6; Giăng 5:17). Vì muốn các tạo vật thông minh cảm nghiệm niềm vui tương tự và thấy hài lòng về những việc mình làm được, Đức Giê-hô-va đã giao cho họ công việc thú vị và thỏa nguyện. Chẳng hạn, ngài ban cho Con một đặc ân cùng tham gia công việc sáng tạo. (Đọc Cô-lô-se 1:15, 16). Kinh Thánh cho biết trước khi xuống thế làm người, Chúa Giê-su đã ở bên Đức Chúa Trời và “làm thợ cái”.—Châm 8:30.

2. Điều gì cho thấy các tạo vật thần linh luôn có công việc quan trọng và thú vị?

2 Từ đầu đến cuối, Kinh Thánh cho thấy Đức Giê-hô-va luôn giao công việc cho các con thần linh. Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội và bị đuổi khỏi Địa Đàng, Đức Chúa Trời đã “đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bim với gươm lưỡi chói-lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống” (Sáng 3:24). Khải huyền 22:6 cho biết Đức Giê-hô-va đã “sai thiên sứ đến để cho các tôi tớ ngài thấy những điều không lâu nữa sẽ phải xảy ra”.

CÒN VỀ LOÀI NGƯỜI THÌ SAO?

3. Khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su noi gương Cha như thế nào?

3 Khi là người hoàn hảo ở trên đất, Chúa Giê-su vui thích làm những việc Đức Giê-hô-va giao. Noi gương Cha, Chúa Giê-su cũng giao công việc quan trọng cho các môn đồ. Để khơi dậy sự hứng thú của các môn đồ về những điều họ có thể thực hiện, ngài nói: “Tôi nói thật với anh em, ai thể hiện đức tin nơi tôi cũng sẽ làm những việc tôi làm; và người ấy sẽ làm những việc lớn hơn thế nữa, vì tôi sắp đến cùng Cha” (Giăng 14:12). Để nhấn mạnh tính cấp thiết của những công việc này, Chúa Giê-su giải thích: “Chúng ta phải làm công việc của đấng phái tôi đến khi đang còn ban ngày; đêm sắp xuống, và lúc ấy không ai làm việc được”.—Giăng 9:4.

4-6. (a) Tại sao chúng ta biết ơn Nô-ê và Môi-se vì họ đã hoàn thành nhiệm vụ Đức Giê-hô-va giao? (b) Mọi nhiệm vụ Đức Chúa Trời giao cho loài người có điểm chung nào?

4 Ngay cả trước khi Chúa Giê-su xuống thế, loài người cũng được giao công việc thỏa nguyện. Dù A-đam và Ê-va không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng những người khác làm theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời (Sáng 1:28). Nô-ê được chỉ dẫn rõ ràng để đóng một chiếc tàu hầu bảo toàn sự sống qua trận Nước Lụt. Ông cẩn thận làm theo những gì Đức Giê-hô-va bảo ông làm. Nhờ Nô-ê tận tâm với nhiệm vụ được giao nên hôm nay chúng ta có mặt tại đây!—Sáng 6:14-16, 22; 2 Phi 2:5.

5 Môi-se được hướng dẫn cụ thể về cách dựng đền tạm, cách sắp xếp công việc của thầy tế lễ, và ông theo sát những chỉ dẫn đó (Xuất 39:32; 40:12-16). Ngay cả ngày nay, chúng ta cũng nhận lợi ích từ việc ông trung thành chu toàn nhiệm vụ được giao. Như thế nào? Như sứ đồ Phao-lô giải thích, đền tạm và chức vụ thầy tế lễ là hình bóng cho “những điều tốt lành sẽ đến”.—Hê 9:1-5, 9; 10:1.

6 Công việc Đức Chúa Trời giao cho các tôi tớ đôi khi thay đổi theo sự tiến triển trong ý định của ngài. Tuy nhiên, mọi nhiệm vụ Đức Giê-hô-va giao cho họ đều tôn vinh ngài và mang lại lợi ích cho những người vâng lời. Chắc chắn, điều này được thấy rõ qua những việc Chúa Giê-su làm trước khi xuống thế và khi ở trên đất (Giăng 4:34; 17:4). Tương tự, công việc mà chúng ta được giao ngày nay làm vinh hiển Đức Giê-hô-va (Mat 5:16; đọc 1 Cô-rinh-tô 15:58). Tại sao có thể nói như thế?

GIỮ QUAN ĐIỂM TÍCH CỰC VỀ CÔNG VIỆC ĐƯỢC GIAO

7, 8. (a) Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay có đặc ân tham gia những công việc nào? (b) Chúng ta nên hưởng ứng ra sao trước sự chỉ dẫn đến từ Đức Giê-hô-va?

7 Quả là vinh dự khi những người bất toàn được Đức Giê-hô-va mời nhận đặc ân cùng làm việc với ngài (1 Cô 3:9). Những người tham gia xây Phòng hội nghị, Phòng Nước Trời và các chi nhánh đang góp phần vào chương trình xây cất về vật chất, như Nô-ê và Môi-se đã làm. Nếu bạn đang tham gia sửa chữa Phòng Nước Trời địa phương hay xây dựng trụ sở trung ương ở Warwick, New York, hãy quý trọng đặc ân ấy. (Xem hình phác họa nơi đầu bài). Đó là công việc thánh. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất mà mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô được mời tham gia, đó là chương trình xây đắp về thiêng liêng qua công việc rao giảng. Công việc này cũng làm vinh hiển Đức Giê-hô-va và mang lại lợi ích cho nhân loại biết vâng lời (Công 13:47-49). Tổ chức Đức Chúa Trời cung cấp cách thức tốt nhất để thực hiện công việc ấy. Điều này có nghĩa là đôi khi chúng ta được giao một nhiệm vụ mới.

8 Những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va luôn sẵn sàng vâng theo chỉ dẫn thần quyền. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:7, 17). Có lẽ lúc đầu chúng ta không hiểu rõ tại sao mình phải thực hiện nhiệm vụ mới theo một cách nào đó. Dù vậy, chúng ta ý thức rằng khi làm theo những điều chỉnh của Đức Giê-hô-va thì sẽ có kết quả tốt.

9. Các trưởng lão nêu gương nào cho hội thánh?

9 Qua cách dẫn đầu hội thánh, các trưởng lão cho thấy mình có ước muốn mạnh mẽ để làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va (2 Cô 1:24; 1 Tê 5:12, 13). Họ làm việc siêng năng và sẵn sàng thích nghi với hoàn cảnh. Họ nhanh chóng điều chỉnh theo những cách rao giảng mới. Dù một số trưởng lão có lẽ lúc đầu do dự về việc tổ chức rao giảng bằng điện thoại, làm chứng ở bến cảng hoặc nơi công cộng, nhưng họ nhanh chóng thấy được những kết quả tốt. Chẳng hạn, bốn tiên phong ở Đức đã rao giảng tại khu thương mại mà từ lâu chưa có ai rao giảng. Anh Michael thuật lại: “Từ nhiều năm nay, chúng tôi không làm chứng ở khu thương mại, nên chúng tôi cảm thấy bồn chồn, lo lắng. Hẳn Đức Giê-hô-va biết điều này nên ngài đã ban phước và chúng tôi đã có một buổi sáng rao giảng đáng nhớ. Thật vui mừng vì chúng tôi đã làm theo sự hướng dẫn trong tờ Thánh Chức Nước Trời và nương cậy nơi sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va!”. Bạn có nóng lòng muốn thử những cách rao giảng mới trong khu vực địa phương không?

10. Có những điều chỉnh nào về tổ chức trong những năm gần đây?

10 Đôi khi, những điều chỉnh về tổ chức là cần thiết. Trong những năm gần đây, một số văn phòng chi nhánh đã sáp nhập với các chi nhánh khác. Dù điều chỉnh này đòi hỏi các anh chị phụng sự tại những chi nhánh ấy phải thay đổi, nhưng không lâu sau họ đều nhận thấy lợi ích (Truyền 7:8). Quả là niềm vui cho những anh chị ấy đã sẵn sàng thay đổi hầu góp phần vào lịch sử thời hiện đại của dân Đức Giê-hô-va!

11-13. Khi có sự điều chỉnh về tổ chức, một số anh chị phải đối mặt với những thay đổi nào?

11 Chúng ta có thể rút ra các bài học quý giá từ những anh chị phụng sự tại các chi nhánh được sáp nhập. Một số anh chị phụng sự ở những Bê-tên này nhiều thập niên. Một cặp vợ chồng phụng sự tại Bê-tên nhỏ ở Trung Mỹ được mời đến phụng sự ở Bê-tên Mexico có số thành viên gần gấp 30 lần Bê-tên cũ. Anh Rogelio nói: “Xa gia đình và bạn bè là điều rất khó”. Một anh khác tên là Juan được mời đến Mexico cho biết: “Điều đó giống như mình được sinh lần thứ hai. Bạn phải thiết lập những mối quan hệ mới và cần thích ứng với phong tục cũng như lối suy nghĩ mới”.

12 Các thành viên Bê-tên từ một số nước ở châu Âu được mời chuyển đến văn phòng chi nhánh ở Đức cũng đối mặt với những thử thách. Bất cứ ai yêu thích cảnh núi non sẽ đồng cảm với những anh chị ở Bê-tên Thụy Sĩ phải rời xa dãy núi An-pơ hùng vĩ bao quanh. Lúc đầu, những anh chị chuyển đến từ Áo cảm thấy nhớ không khí của gia đình Bê-tên nhỏ trước đây.

13 Các anh chị chuyển đến một nước khác phải thích nghi với nơi ở, đồng nghiệp mới và có thể phải học một công việc mới. Họ cũng phải làm quen với hội thánh mới, rao giảng ở khu vực mới và thậm chí học một ngôn ngữ mới. Những thay đổi đó có thể không dễ dàng, nhưng nhiều thành viên Bê-tên sẵn sàng làm điều này. Tại sao?

14, 15. (a) Làm thế nào nhiều anh chị cho thấy họ quý trọng đặc ân được làm việc cùng Đức Giê-hô-va, dù công việc đó là gì? (b) Các anh chị ấy nêu gương tốt cho tất cả chúng ta trong khía cạnh nào?

14 Chị Grethel nói: “Tôi nhận lời mời vì muốn chứng tỏ cho Đức Giê-hô-va thấy tình yêu thương của tôi dành cho ngài không giới hạn trong một quốc gia, một tòa nhà hay một đặc ân nào đó”. Chị Dayska cho biết: “Khi nhớ rằng lời mời ấy đến từ Đức Giê-hô-va, tôi vui lòng nhận lời”. Anh André và chị Gabriela đồng tình: “Bằng cách gạt những ước muốn cá nhân sang một bên, chúng tôi thấy có thêm cơ hội phụng sự Đức Giê-hô-va. Chúng tôi tự nhủ: ‘Khi gió của Đức Giê-hô-va chuyển hướng, tốt hơn là giong buồm thay vì dựng rào cản’”.

Đặc ân lớn nhất chúng ta có là được cùng làm việc với Đức Giê-hô-va!

15 Vì sáp nhập các chi nhánh nên một số thành viên Bê-tên được bổ nhiệm làm tiên phong. Đó là trường hợp của nhiều anh chị thuộc chi nhánh Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển khi các chi nhánh này sáp nhập thành văn phòng chi nhánh Scandinavia. Trong số đó có anh Florian và chị Anja. Họ nói: “Chúng tôi xem nhiệm vụ mới là một thử thách thú vị. Đối với chúng tôi, điều tuyệt vời là được Đức Giê-hô-va sử dụng, dù mình phụng sự ở đâu. Thành thật mà nói, chúng tôi cảm thấy mình nhận được vô vàn ân phước!”. Phần lớn chúng ta có lẽ không bao giờ phải thực hiện những thay đổi như thế, nhưng hẳn chúng ta muốn bắt chước tinh thần sẵn sàng của những anh chị này, đó là đặt Nước Trời lên hàng đầu (Ê-sai 6:8). Đức Giê-hô-va luôn ban phước cho những người quý trọng đặc ân được làm việc cùng ngài, dù ở bất cứ nơi đâu.

TIẾP TỤC VUI THÍCH ĐẶC ÂN ĐƯỢC LÀM VIỆC CÙNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA!

16. (a) Ga-la-ti 6:4 khuyên chúng ta làm gì? (b) Đặc ân lớn nhất mà chúng ta có thể có là gì?

16 Người bất toàn có khuynh hướng so sánh. Nhưng Lời Đức Chúa Trời cho biết chúng ta nên chú tâm vào những điều mình có thể làm. (Đọc Ga-la-ti 6:4). Đa số chúng ta không có chức vụ trong tổ chức Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, không phải tất cả chúng ta đều có thể làm tiên phong hoặc giáo sĩ hay thành viên Bê-tên. Chắc chắn, đó là những đặc ân quý báu! Nhưng đừng bao giờ quên rằng đặc ân lớn nhất mà tất cả chúng ta có, đó là được làm việc với Đức Giê-hô-va trong thánh chức. Quả là một đặc ân cao quý!

17. Sự thật nào vẫn tiếp diễn khi thế gian của Sa-tan còn tồn tại, nhưng tại sao điều này không làm chúng ta nản lòng thái quá?

17 Bao lâu thế gian của Sa-tan còn tồn tại, thì bấy lâu việc phụng sự Đức Giê-hô-va còn có thể bị hạn chế. Có lẽ chúng ta không thể kiểm soát được một số vấn đề, chẳng hạn như sức khỏe hoặc các trách nhiệm gia đình. Nhưng đó không phải là lý do để chúng ta nản lòng thái quá. Hãy cùng làm việc với Đức Chúa Trời, làm chứng về danh và Nước của ngài vào mọi dịp. Đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng của mình. Điều quan trọng nhất là bạn phụng sự Đức Giê-hô-va hết khả năng và xin ngài ban phước cho những anh chị có thể làm nhiều hơn bạn. Hãy nhớ rằng tất cả những ai ngợi khen danh Đức Giê-hô-va đều quý giá trước mắt ngài!

18. Chúng ta nên sẵn sàng tạm gác điều gì, và tại sao?

18 Dù chúng ta yếu đuối và bất toàn, Đức Giê-hô-va vui lòng ban cho chúng ta cơ hội cùng làm việc với ngài. Chúng ta quý trọng biết bao đặc ân được cùng làm việc với Đức Chúa Trời trong những ngày sau cùng này! Chúng ta nên sẵn sàng tạm gác việc theo đuổi một số ước muốn cá nhân. Hãy nhớ rằng trong thế giới mới, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta “sự sống thật”—sự sống vĩnh cửu, ngập tràn bình an và hạnh phúc.—1 Ti 6:18, 19.

Bạn có quý trọng đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va không? (Xem đoạn 16-18)

19. Đức Giê-hô-va hứa ban cho chúng ta triển vọng nào trong tương lai?

19 Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của thế giới mới. Hãy nhớ lại những lời Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên không lâu trước khi họ vào Đất Hứa: “[Đức Giê-hô-va] sẽ ban phước đầy-lấp, làm cho mọi công-việc của tay ngươi được thạnh-lợi” (Phục 30:9). Sau Ha-ma-ghê-đôn, những người đang bận rộn làm việc cùng với ngài sẽ nhận được sản nghiệp mà ngài đã hứa với họ. Sau đó, chúng ta sẽ tập trung vào nhiệm vụ mới, đó là làm trái đất trở thành địa đàng xinh đẹp!